Lịch sử Chiến tranh Lạnh và game (kỳ 1)

Những năm 60 thế kỷ trước, thời điểm xung đột giữa các cường quốc ở mức đỉnh điểm, đã ảnh hưởng nhiều đến video game, loại hình giải trí non trẻ mới ra đời.

Chiến tranh Lạnh đã làm nên nhiều thế hệ con người khác nhau. Từ 1946 đến 1991, thế giới đã chứng kiến nhiều sự kiện như Chiến tranh Triều Tiên, chính sách của Joseph McCarthy, khủng hoảng tên lửa ở Cuba, cuộc chạy đua vào vũ trụ và chiến tranh Việt Nam… Đối với công chúng, tuyên truyền và sợ hãi là một phần của cuộc sống hàng ngày. Nhiều người lựa chọn ủng hộ mọi chính sách chính phủ Mỹ đưa ra trong khi một phần đông khác phản đối và chống lại Chiến tranh Lạnh cùng mọi cuộc xung đột ở thời kỳ này. Cũng như nhiều khía cạnh khác của đời sống, văn hóa đại chúng bị cuộc chiến này ảnh hưởng đến rất nhiều.

Đầu những năm 60, khi máy tính mới bắt đầu chập chững bước những bước đầu tiên vào giảng đường đại học, video game cũng manh nha xuất hiện. Giống như âm nhạc và phim, game thể hiện mọi suy nghĩ, tình cảm của con người về Chiến tranh Lạnh. Thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, game cũng như cộng đồng bị ám ảnh bởi cuộc chạy đua vào không gian. Cuối những năm 60, đầu những năm 80, khi căng thẳng giữa Đông – Tây ngày càng leo thang dẫn đến nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh khác, chủ đề của game cũng xoay quanh chiến tranh. Sau cuộc đại khủng hoảng ngành game những năm 80, chủ đề Chiến tranh Lạnh im hơi lặng tiếng suốt một thời gian dài. Ngày nay, chủ đề này bắt đầu được khai thác trở lại, thay thế cho nhiều chủ đề khác đã lỗi thời. Cách game sử dụng đề tài Chiến tranh Lạnh phản ánh quan điểm của công chúng về thời kỳ này thay đổi ra sao trong suốt một thời gian dài.

Cuộc chạy đua vào không gian, Spacewar! và Space Invaders

Cuộc chạy đua vào vũ trụ hay cuộc chạy đua vào không gian là cuộc cạnh tranh thám hiểm vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô, kéo dài từ khoảng 1957 đến 1975. Nó liên quan đến các nỗ lực thám hiểm không gian bằng vệ tinh nhân tạo và việc đưa con người vào vũ trụ và lên Mặt Trăng.

Mặc dù bắt nguồn từ các vấn đề về kỹ thuật tên lửa và không khí chính trị quốc tế căng thẳng theo sau Thế chiến thứ hai, cuộc chạy đua vào không gian chỉ chính thức bắt đầu sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik 1 lên quỹ đạo vào ngày 4/10/1975. Tính chất của cuộc chạy đua này giống như cuộc chạy đua vũ trang. Nó đã trở thành một phần quan trọng trong cạnh tranh về văn hóa, kỹ thuật và ý thức hệ giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Kỹ thuật vũ trụ đã trở thành một khía cạnh quan trọng trong cuộc đối đầu này, bởi các ứng dụng quân sự cũng như tác động tâm lý đối với công chúng.

Thế giới chứng kiến video game ra đời giữa lúc cuộc chạy đua vào không gian chỉ mới bắt đầu. Một trong những game đời đầu nổi tiếng nhất, Spacewar!, được Steve Russell, Martin Graetz và Wayne Wiitanen lập trình ở Học viện Công nghệ Massachusetts vào năm 1962. Game cho phép hai người chơi điều khiển tàu vũ trụ và tấn công lẫn nhau trong khi tránh va vào một hành tinh ở gần đấy. Thời kỳ đó game không phổ biến được đến mọi người vì chỉ ở trường đại học mới có máy tính. Spacewar! là một mốc quan trong lịch sử và là nguồn cảm hứng lớn cho game arcade đầu tiên, Computer Space, năm 1971.

Spacewar! (1962)

Vì chỉ có một lượng rất hạn chế game được lập trình vào thời kỳ này nên khó nói được game có thể cho ta biết về thời đại chúng ra đời như thế nào. Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên khi chủ đề của game thời kỳ này là du hành vũ trụ. Năm 1961, cả Mỹ và Liên Xô đều đưa con người vào không gian, tháng 2/1962, tổng thống Mỹ John F. Kennedy tuyên bố Mỹ sẽ là nước đầu tiên đưa được người lên Mặt Trăng. Với nhiều sự kiện liên tiếp diễn ra như vậy, công chúng bắt đầu ám ảnh dần về vũ trụ. Nhà báo Randy Kennedy của tờ New York Times đã viết bài bình luận về ảnh hưởng của cuộc chạy đua vào không gian với văn hóa đại chúng. Chỉ tiếc rằng video game chưa được đề cập tới trong bài viết này.

Ngành game cuối những năm 70, đầu những năm 80 có thể cho ta biết rõ hơn về việc Chiến tranh Lạnh ảnh hưởng đến công chúng như thế nào. Space Invaders, Asteroids, Space Hawk, Space SpartansSpace Wars là những game thành công nhất cho đến khi cuộc đại khủng hoảng ngành game nổ ra. Vũ trụ và người ngoài hành tinh vẫn là chủ đề ăn khách ở giai đoạn này, có thể thấy rõ qua các bộ phim như Star Wars hay Star Trek. Sự quan tâm của dư luận đến cuộc chạy đua vào không gian thể hiện rõ nét nhất qua game Space Invaders.

Căng thẳng leo thang và Missile Command

Nhiều game khác xuất hiện ở thời kỳ này lại cho ta thấy ảnh hưởng của Chiến tranh Lạnh ở mức độ rộng hơn nhiều. Missile Command phát hành năm 1980 cho hệ máy Atari 2600. Người chơi sử dụng ba bệ pháo chống tên lửa để bảo vệ 6 thành phố khỏi cuộc oanh tạc của quân địch. Trong game xuất hiện nhiều loại vũ khí tiêu biểu của cả Mỹ và Liên Xô như đầu đạn MIRV (multiple independently targetable reentry vehicle - phương tiện chứa các đầu đạn tấn công nhiều mục tiêu độc lập) và bom thông minh. Với sự xuất hiện của những loại vũ khí này trong game, có thể thấy sự căng thẳng giữa các siêu cường trên thế giới. Thực tế cho thấy, giai đoạn những năm 80 còn được gọi là cuộc "Chiến tranh Lạnh thứ hai" vì sự gia tăng căng thẳng Hoa Kỳ-Liên xô và một thay đổi trong chính sách của phương Tây từ giảm căng thẳng sang trở nên đối đầu hơn với Liên Xô. Nhiều cuộc xung đột quân sự đã diễn ra, gồm cả cuộc chiến tranh tại Afghanistan, vụ việc Vịnh Sidra năm 1981 và việc Mỹ tấn công Grenada.

Missile Command (1980)

Missile Command không phải là game duy nhất làm về đề tài này. Các game khác như Tank Air-Sea Battle cũng cho thấy mối quan tâm của dư luận đến chiến tranh, nhưng Missile Command vẫn là game thành công và nổi tiếng nhất. Thông qua những game này, người ta có thể thấy được sự lo sợ của người dân về một kết thúc kinh hoàng của Chiến tranh Lạnh, vốn đã kéo dài được gần 30 năm tính đến thời điểm lúc ấy.

(Hết kỳ 1)

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận