Những cheatcode 'thần thánh' đi cùng năm tháng

Cheating là một hành động gian lận, nhưng có những cheatcode (mã ăn gian) huyền thoại đã đi vào lịch sử của thế giới game.

1. Konami code

Đây chính là cheatcode huyền thoại, nổi tiếng nhất trong thế giới game. Nó được tạo ra năm 1986 bởi nhà phát triển Kazuhisa Hashimoto. Khi đó, ông đang làm việc với bản port của game Gradius (Konami phát triển và phát hành) và độ khó của nó quá cao để ông có thể hòan thành việc thử nghiệm. Do đó, Hashimoto đã tạo ra đoạn mã để người chơi có đủ các nâng cấp trong game thay vì phải tìm kiếm trong quá trình chơi. Khi game phát hành, Hashimoto đã quên không loại bỏ nó và đoạn cheatcode vẫn nằm lại trong trò chơi.

Đoạn code này trở nên nổi tiếng với game Contra. Các game thủ lớn tuổi người Việt chắc cũng không thể không biết đến đoạn mã này. Khi nhập vào, nó sẽ cho người chơi 30 mạng thay vì 3 mạng như mặc định. Điều này rất có ích khi Contra là một trong những game khó nhất trên hệ máy NES và người chơi khó có thể hoàn thành game chỉ với 3 mạng.

Konami code không chỉ bó gọn trong các game của Konami. Có tới hơn 100 game tích hợp đoạn mã này, điển hình như Resident Evil, Half-Life 2 hay thậm chí là League of Legends. Và ảnh hưởng của Konami code không dừng lại ở thế giới game, nó còn lan tới bên ngoài. Ví dụ, nhập đoạn mã này trên trang chủ Facebook sẽ làm màn hình lóe sáng, hay làm unicorn (kì lân) hiện ra trên trang chủ của ESPN.

2. "Show me the money"

Trong game Starcraft, khi nhập đoạn mã này, người chơi sẽ nhận được 10000 đơn vị mineral và Vespene gas. Nhờ đó, việc xây dựng công trình và mua lính trong game sẽ dễ thở hơn rất nhiều, đặc biệt là với các map có ít tài nguyên cũng như quân địch quá mạnh.

Ngoài ra, còn có những đoạn code mà game thủ không thể không biết như "operation cwal" (xây nhanh), "black sheep wall" (mở bản đồ) hay "food for thought" (không có giới hạn mua quân).

3. "impulse 101"

Đoạn mã quá quen thuộc với mọi game thủ từng chơi Counter-Strike (thường bị gọi nhầm là Half-Life). Sau khi kích họat chế độ cheatcode bằng lệnh "sv_cheat 1", người chơi sẽ nhận được số tiền tối đa để mua vũ khí (16000$) khi nhập mã trên. Nó rất có ích khi người chơi muốn dùng các loại súng mạnh trong game mà không phải tích cóp tiền mua súng.

Còn với dòng game Half-Life, nhập đoạn mã này sẽ cho người chơi đầy đủ vũ khí và giáp, để có thể thoải mái đối đầu với các kẻ thủ trong game.

4. "god", "give all", "noclip"

Chắc chắn các game thủ của dòng game QuakeDoom không thể không biết tới 3 đoạn mã này. Trong đó, "god" cho khả năng bất tử, "give all" cung cấp tất cả vũ khí, "noclip" giúp người chơi đi xuyên tường.

Bản thân "god" là một mã chung trong rất nhiều game, như Half-Life cũng sử dụng mã này để cho người chơi khả năng bất tử.

5. "1982gonzo"

Với độ khó trên trời, không nhiều người có thể hoàn thành game Commandos một cách bình thường. Do vậy, đoạn mã trên đã được rất nhiều người sử dụng để có thể chinh phục được tựa gme khó nhằn này.

Khi gõ "1982gonzo", người chơi đã kích họat chế độ cheatcode và có thể sử dụng các tổ hợp phím như "Ctrl + I" (bất tử) hay "Alt + X" (không hết đạn).

6. "Pepperoni pizza"

Trong game Age of Empires (Đế chế) và bản mở rộng Rise of Rome, đoạn mã này có tác dụng cộng 1.000 đơn vị thịt cho người chơi. Kèm theo đó là các mã xin tài nguyên khác như "woodstock" (+1000 gỗ), "quarry" (+1000 đá) và "coinage" (+1000 vàng). Đây là các đoạn mã rất cần thiết khi người chơi muốn thử cảm giác của "nhà giàu" để tạo quân đi chinh phục các đối thủ trong game.

7. "Klapaucius"

Nếu người ngoài nhìn vào sẽ thấy dãy ký tự trên thật khó nhớ và không liên quan đến nhau nhưng với các tín đồ của game xây dựng gia đình The Sim đình đám này thì dãy code này với việc thêm các ký tự !;!; đằng sau sẽ làm tăng số tiền hiện có của họ. Càng nhiều !; thì nhân vật càng giàu có hơn giúp cho game thủ có cơ hội xây nhà, mua sắm các thiết bị tối tân theo sở thích...

Vũ Anh


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận