Cuộc chiến console giữa Sega và Nintendo (kỳ 1)

Ngày 14/5 vừa qua, cuốn sách Console Wars của Blake J. Harris tiết lộ cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Sega và Nintendo cuối thế kỷ 20.

Cuộc chiến console giữa Sega và Nintendo là đề tài yêu thích của mọi người những khi trà dư tửu hậu. Ngày trước, Sega từng có câu khẩu hiệu "Genesis làm được những gì mà Nintendo không thể" (Genesis does what Nintendon't), còn bây giờ Nintendo làm được tất cả những gì Genesis có thể làm.

Những năm 80, cả thế giới có đúng 3 công ty lớn nhất chuyên về game - Atari, Sega, Nintendo. Đế chế Atari đã nhanh chóng sụp đổ sau cuộc đại khủng hoảng toàn ngành năm 1983, cỗ máy Sega Master System thành công nhờ vào đồ họa đỉnh cao thời bấy giờ trong khi Nintendo tự hào vì có đội ngũ phát triển bên thứ ba cực kỳ mạnh cho cỗ máy NES.

Cả hai đều có súng giả, hỗ trợ cho các trò bắn súng đơn giản như Duck Hunt (của Nintendo là NES Zapper trong khi của Sega là Light Phaser). Tuy nhiên, Nintendo có đội ngũ phát triển thứ ba lớn hơn, có hàng tá phụ kiện đi kèm như robot Gyromite (thứ này về sau khiến trẻ con cũng phải khóc thét vì độ "dị" của nó), Power Glove, Power Pad. Nintendo có chiến lược quảng bá, có cấp phép cho các bên hỗ trợ, có năng lực (thậm chí sau này còn thổi phồng lên thành siêu năng lực). Còn Sega có gì? Chỉ là một cỗ máy kiểu dáng đẹp với hai màu đen đỏ.

Thời điểm ấy, nhiều người đã thấy trước được chiến thắng của Nintendo, và Sega cũng biết điều đó. Vì vậy, cuối những năm 80 họ bắt đầu nghiên cứu và phát triển chiếc console 16 bit đầu tiên. Trong khi Sega chờ đợi, Nintendo phát triển mạnh cả tiềm lực tài chính, đội ngũ cũng như lượng người hâm mộ. Link, Mario, SamusMegaman được yêu thích chả kém gì hot boy hay hot girl ngày nay. Nhưng Sega cũng không chịu lép vế mãi, đến năm 1990 họ bắt đầu phản công. "Càn quét cực mạnh" (Turbo Blast Processing), đó là cụm từ để nói về vũ khí mới của họ: Genesis, tất nhiên một phần cũng là nhờ 486 bộ xử lý đặt bên trong cỗ máy. Cho đến ngày phát hành console, Sega đã cho thấy ít nhất họ cũng học tập được từ đối thủ của mình sau nhiều năm cạnh tranh với Nintendo. Nhờ chiến lược marketing đúng đắn mà Genesis đến được với đông đảo người sử dụng. Với Sonic the Hedgehog, có thể nói hoạt động tiếp thị sản phẩm của Sega trong thời kỳ này hết sức quyết liệt và "hiếu chiến" không thua bất cứ ông lớn nào ngày nay.

1991 là thời điểm Nintendo tích cực làm việc với SNES, thiết bị 16 bit cạnh tranh trực tiếp với Genesis. Sản phẩm này đi liền với Super Mario World, phiên bản mới của Mario nổi tiếng một thời và đây cũng là nguyên nhân khiến người ta tìm đến SNES. The Legend of Zelda: A Link to the Past phát hành và nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Thế nhưng, tất cả vẫn không bì lại được với Streets of Rage, Sonic the Hedgehog hay Madden '92. Đó là lí do vì sao trẻ con thời đấy nhìn chung bám máy Genesis nhiều hơn là NES.

Cũng trong năm 1991, một trò chơi xuất hiện đã tạo ra cuộc cách mạng cho ngành game toàn thế giới. Street Fighter 2 không giống với bất cứ thứ gì đã từng xuất hiện trước đó, và thông qua một kế hoạch đã được chuẩn bị khá lâu từ trước. Nintendo mua lại toàn bộ nhượng quyền của trò chơi này từ Capcom. Và cũng chẳng cần phải giấu giếm gì, Nintendo đã để lộ tham vọng "hạ gục" Genesis bằng một game duy nhất, tất nhiên cả Sega lẫn Capcom đều cảm thấy rõ điều này. Vì thế có chuyện khá hài hước là những ai không có SNES đã phải đi mua, đi mượn, thậm chí là ăn trộm máy để thỏa mãn cơn thèm khát của mình. Giá bán SNES tăng vọt như tên lửa trong khi Genesis thì dậm chân tại chỗ. Cho đến tận một năm sau, Capcom mới phát hiện ra lỗ hổng trong hợp đồng của Nintendo và lúc này, Street Fighter 2 mới có mặt trên Genesis với bản Special Champion Edition, cũng là cơ hội để doanh thu của chiếc console này tăng trở lại.

Khi trò chơi Mortal Kombat xuất hiện trên thị trường, nó đã bị chỉ trích là chứa những cảnh bạo lực đẫm máu và mục đích của những lời bình luận là nhằm vào các loại máy chơi game. Nintendo đã quyết định kiểm duyệt cảnh đánh đấm ác liệt trong các phần mềm, trong khi Sega thì lại không đoái hoài gì đến. Cha đẻ của NES đã lập nên chính sách quản lý dài hạn, còn Sega thì bắt đầu đặt mình ở vị trí "người lớn" hơn và sẵn sàng đưa đến tay game thủ những nội dung mà Nintendo chỉ trích là "không thân thiện với gia đình". Wolfenstein 3D (1992) phiên bản SNES không có máu, chó đã bị thay thế bằng chuột khổng lồ. Mortal Kombat bản SNES cũng không có máu, trong khi bên Genesis máu me đầy đủ, và thế là mọi người lại chuyển sang console của Sega.

Không chỉ game mà thiết bị ngoại vi cũng nằm trong mục cạnh tranh giữa hai công ty này.

SNES kết hợp ổ CD – kế hoạch bất thành.

Ổ CD dành cho Genesis có 3 loại là Mega-CD 1, 2 và CDX (cả 3 còn có tên chung là Sega CD). Việc phát triển Sega CD hồi đó là một kế hoạch tuyệt mật. Các nhà lập trình game không hề hay biết là họ đang thiết kế cái gì cho đến khi Mega-CD cuối cùng được tiết lộ tại Triển lãm đồ chơi Tokyo (Nhật Bản). Dòng sản phẩm này được tung ra để cạnh tranh với PC Engine lúc đó đã có ổ CD-ROM rời. Mới đầu Sega CD là một khay chứa đĩa nằm dưới thân máy nhưng sau đó, phiên bản 2 trở nên nhỏ gọn hơn và được lắp đặt vào cạnh máy.

Không chịu thua kém đối phương, Nintendo hợp tác với Sony và sau đó là Philips để phát triển SNES CD-ROM (cuối cùng dẫn đến một trong những vụ tranh chấp lớn nhất lịch sử để rồi cuối cùng PlayStation ra đời). Tuy nhiên dự án này cuối cùng đổ bể, Nintendo phá vỡ hợp đồng với Philips nên đến tận cuối đời SNES vẫn chẳng có ổ CD, thua luôn đối phương Genesis khoản này.

(Hết kỳ 1)

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận