Microsoft đã đánh mất định hướng console

Xbox từng là tương lai giờ nó chỉ là console game không hơn không kém.

Nhiều năm về trước, Microsoft đã có cái nhìn táo bạo về tương lai của công nghệ điện toán. Nó sẽ giống như "một tấm thảm lớn được tạo nên từ nhiều ô vuông nhỏ". Mỗi ô vuông ấy có thể là một ứng dụng, một game hay thứ gì đó đại loại như vậy, và điều đặc biệt là người dùng có thể tận tay chạm vào nó. Hay đơn giản hơn, nếu đã biết mình muốn gì, họ chỉ việc gọi tên nó ra. Và công nghệ này có thể hiển hiện ở bất cứ thiết bị nào, từ điện thoại thông minh cho đến chiếc TV.

Với tầm nhìn ấy, Microsoft đã xây dựng nên Windows 8, Windows phone và quan trọng hơn cả là Xbox One.

Tầm nhìn ấy giờ đây đã không còn nữa.

Ngày nay, thiết bị giúp cho những điều kể trên trở thành hiện thực trên màn hình TV – Kinect – không còn xuất hiện trong mọi chiếc Xbox One của Microsoft. Xbox One giá 500 USD vẫn tồn tại, nhưng phiên bản giá rẻ tiết kiệm 100 USD bằng cách loại bỏ camera và microphone rồi sẽ sớm có mặt trên thị trường.

"Xbox One và Kinect là một. Chúng không phải là hai hệ thống tách rời" là những gì mà phó chủ tịch của Microsoft, ông Phil Harrison phát biểu vào tháng 8 năm ngoái.

Nói một cách ngắn gọn, chính tình hình kinh doanh hiện nay đã khiến Microsoft quyết định tung ra thị trường những chiếc Xbox One không có Kinect. Trong hơn nửa năm kể từ ngày phát hành, doanh số của Xbox One không cao như PS4 dù có những game độc quyền được giới phê bình đánh giá cao như Titanfall hoặc Forza Motosport 5. Điều đó khiến mọi người nghĩ rằng mấu chốt ở đây là giá cả. Giờ đây, hai chiếc console đã ngang giá tiền như nhau. Kinect thế hệ hai đã thất bại trong việc chứng minh xứng đáng với số tiền 100 USD nhiều hơn PS4. Có một sự thiếu hụt không hề nhẹ các game thật sự cần hỗ trợ cảm ứng, đồng thời còn tồn đọng nhiều vấn đề kỹ thuật khác. Kinect nhiều lúc không nhận lệnh giọng nói, không phân biệt được cử động, do đó chương trình không thể hoạt động đúng cách được. Đối với những chương trình như Netflix, việc điều khiển bằng giọng nói khá quan trọng vì nó nhanh hơn việc sử dụng tay cầm nhiều.

Giờ đây, khi Kinect không còn quan trọng nữa, việc loại bỏ nó đi cũng có rất nhiều ý nghĩa. Nếu Microsoft có thể thuyết phục nhiều người mua Xbox One hơn với giá rẻ hơn thì chiếc console này có một cơ sở vững chắc để cạnh tranh với PS4. Với 400 USD cho mỗi máy, Microsoft thậm chí còn có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn so với trước đây, nếu như Kinect thật sự là mấu chốt của vấn đề.

Hơn nữa, nếu Kinect lại quan trọng trở lại đối với Xbox One, người dùng vẫn có thể mua ngoài để sử dụng cùng với máy. Trước đây chúng ta cũng đã từng thấy cách làm này: Xbox 360 nguyên bản trước đây có thể bán hoặc không bán kèm ổ cứng ngoài, nhưng kể từ lúc việc download trên mạng ngày càng phổ biến thì chiếc ổ cứng ngoài trở nên giá trị hơn hẳn. Kinect đời đầu cũng được đánh giá là sản phẩm hỗ trợ thành công nhất cho Xbox 360, thậm chí còn ghi kỷ lục Guiness vì đã bán được hơn 8 triệu thiết bị chỉ trong một tháng đầu tiên.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn giữa một thiết bị ngoại vi và một thành phần không thể thiếu của console, Microsoft từng hứa với nhừng người sử dụng đầu tiên và các nhà phát triển rằng mọi chiếc Xbox One sẽ gắn liền với Kinect và hơn một năm trời họ đã cố gắng bảo vệ lời hứa ấy. Đến tận tháng 2 năm nay, trưởng bộ phận Marketing ở Anh, Harvey Eagle vẫn khẳng định: "Chúng tôi đã nói ngay từ đầu, Kinect sẽ là một phần không thể thiếu của trải nghiệm trên Xbox One".

Chúng tôi đã từng hứng thú với việc làm game cho Kinect.

Những lời hứa ấy đã gửi đến thông điệp rất rõ ràng. Các nhà phát triển có thể tin tưởng vào một thị trường vững chắc dành cho game và các ứng dụng sử dụng Kinect, người dùng Xbox One có thể tin tưởng nhà phát triển tận dụng tối đa thiết bị đột phá này. Thế nhưng, lời hứa giờ đã bị phá vỡ, sự bắt buộc này đã không còn. Microsoft từng gợi ý rằng tính năng nhận diện giọng nói của Kinect có thể ngày một tốt hơn nhờ sự tiếp xúc lâu dài với người dùng, nhưng giờ ngày càng có ít lí do để giữ thứ này lại.

Và giờ đây khi Microsoft đang có những động thái đi ngược lại với định hướng ban đầu của mình, thật khó để có thể tin vào lời hứa của họ về tiềm năng khác của thiết bị. Microsoft sẽ còn bỏ lỡ điều gì hay đối mặt với thách thức nào khi phát hành một chiếc Xbox One không còn tạo được tính tương tác cao với người dùng nữa?

Khi nào mới có Xbox One 299 USD không hỗ trợ HDMI?

Nạn nhân đầu tiên có lẽ là các tiềm năng chưa được phát hiện của quá trình PC hóa cho Xbox One. Cho đến tận lúc này, Microsoft vẫn chưa trả lời được cho câu hỏi đến bao giờ và làm thế nào để Xbox One thân thiện hơn với các nhà phát triển ứng dụng, dù rằng cỗ máy này sử dụng cả hệ điều hành Windows. Hơn nữa, việc công ty xa rời khỏi những thứ không liên quan đến trải nghiệm game cốt lõi cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc không phải nhà sản xuất nào cũng hứng thú với Xbox One. Điều này trái ngược hẳn với lúc Kinect đời đầu mới ra.

Bị choáng ngợp bởi thành công của PS4, Microsoft đành chấp nhận từ bỏ tương lai để tập trung vào hiện tại, giống như họ từng làm với Windows 8. Giờ Microsoft không còn hướng người dùng đến cảm ứng trên TV, điều khiển bằng giọng nói và cử chỉ nữa. Giao diện sử dụng Metro giờ chỉ còn để làm cảnh. Nhưng liệu có lạc quan quá không khi có người đã nêu ra ý tưởng này: Những gì Kinect từng làm được, rồi sẽ lại xuất hiện trên máy tính bảng và smartphone.

Trong tương lai vẫn sẽ có những ô vuông nhỏ đầy màu sắc, chỉ có điều giờ đây chúng được điều khiển bằng tay cầm. Những ai đã từng quen với Kinect có lẽ sẽ không muốn thấy điều này.

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận