Hoãn phát hành game - một thực tế mới hiện nay

10 năm trước chuyện dời ngày phát hành là điều gì đó khá xa lạ nhưng giờ đây nó ngày càng trở nên quen thuộc hơn với game thủ.

Phát triển console là vấn đề quan trọng luôn cần được các nhà làm game chú tâm đến. Cho dù mọi người có coi những thứ như Wii U là đồ bỏ hay không thì không thể phủ nhận rằng việc các công ty ngày càng chú trọng phát triển công nghệ, cộng đồng game thủ ngày càng lớn mạnh. Một trong những bước tiến lớn nhất có nhắc đến là việc kết nối giữa các console, đem game thủ trên toàn thế giới lại gần nhau hơn. Đó là điều rất tuyệt vời, nhưng tất nhiên, bên cạnh những thứ tuyệt vời luôn có nhiều hệ lụy không được như chúng ta mong muốn.

Ngày trước, nếu một công ty phát hành game trước khi chuẩn bị sẵn sàng hết mọi thứ (có nhiều nguyên nhân cho việc này, có thể do áp lực lợi nhuận hoặc cạnh tranh thị trường) thì kết quả là game đó sẽ không hay và công ty đó chẳng thể làm gì để cứu vãn được cho đứa con của họ. Đó là lí do vì sao ta có trường hợp của E.T, làm vội trong 6 tuần để kịp cho dịp lễ giáng sinh và kết quả là bị coi như game rác. Lựa chọn duy nhất của Atari là đào một cái hố lớn ở sa mạc và tống hết vào đấy hàng triệu băng game E.T và máy Atari 2600 không bán được.

Nhưng ngày nay, khi console đã được nối mạng internet, nhà phát triển chỉ cần tung ra các bản vá lỗi sau ngày phát hành. Lấy Battlefield 4 làm ví dụ. Đây là một trong những game lớn nhất của năm 2013 và tất nhiên, không thể có chuyện sạch sẽ, không một chút lỗi khi mới phát hành cho dù đã kiểm tra rất kỹ trước đó. EA hiểu rằng game chưa sẵn sàng để đến tay mọi người, thế nhưng bất chấp tất cả họ vẫn phát hành game đúng ngày công bố từ trước, khiến cho tên tuổi của họ vốn tai tiếng nay còn tai tiếng hơn. Nhờ vào kết nối internet, DICE đã đem đến bản patch vá lỗi, giúp cho món tiền 60 USD game thủ bỏ ra xứng đáng hơn chứ không như lúc mới đưa game về, một ổ toàn bug và glitch.

Trường hợp của EA mới chỉ được xem như mức độ đơn giản, vì dù sao cái gọi là Day-One DLC cũng đã gắn liền với thương hiệu của họ. Giờ ta sẽ nói đến trường hợp nghiêm trọng hơn: hoãn phát hành game. Tất nhiên, khi nhắc tới đây, mọi người sẽ nghĩ đến Watch Dogs. Đáng ra đây sẽ là phát súng khai màn không thể hoành tráng hơn cho console next-gen vào tháng 10/2013 nếu như Ubisoft không bất ngờ tuyên bố dời ngày phát hành tựa game con cưng của họ sang năm 2014. Lí do được hãng đưa ra là muốn có thêm thời gian "sửa sang" kĩ lưỡng để đem tới một trải nghiệm hoàn hảo hơn cho game thủ. Hoặc chúng ta có thể nhắc đến The Elder Scroll Online (phiên bản console) và Dying Light. Lí do mà nhà phát triển đưa ra đều giống nhau: muốn cho con cưng của mình thật hoàn hảo khi đến tay game thủ, có thể là để thêm một số tính năng mới, có thể là để hoàn chỉnh lại những gì đã có từ trước.

Nhiều người cảm thấy băn khoăn trước việc lùi ngày phát hành game đang dần trở thành một xu hướng quen thuộc. Sẽ rất tuyệt vời nếu nhà sản xuất biết dùng thời gian ấy để giúp sản phẩm của mình không trở thành một thứ đầy rẫy những bug và glitch, phải dựa vào các bản patch vá lỗi để game có thể "chấp nhận được". Tuy nhiên, hiện tượng này cho thấy nhà sản xuất hiện nay đang phải chịu quá nhiều áp lực. Đó không chỉ là vấn đề về trách nhiệm của họ với game thủ mà còn là vấn đề về doanh thu, doanh số, về chuyện thành bại, về việc đảm bảo thương hiệu, sao cho có thể "nuôi" được từ một game trở thành cả một series, chưa kể đến sự kỳ vọng của dư luận. Và đương nhiên, chỉ cần bước sai một bước là công lao của họ trong thời gian dài sẽ bị sụp đổ, bởi lẽ lùi ngày phát hành này cũng như một con dao hai lưỡi. Càng hoãn phát hành lâu bao nhiêu thì quan hệ giữa game thủ với nhà phát hành càng dễ theo chiều hướng xấu bấy nhiêu, nhất là khi họ phải kỳ vọng và chờ đợi quá nhiều để rồi đón nhận một sản phẩm có chất lượng không được như mong muốn (tất nhiên, đến lúc này thì dù muốn dù không vẫn sẽ có người nghĩ rằng hoãn phát hành chỉ là trò đánh bóng tên tuổi cho sản phẩm của nhà phát hành).

Điều may mắn là luôn có giải pháp cho những trường hợp như thế này, đó là hạn chế marketing quá đà cho game cho đến khi đã chắc chắn được ngày phát hành chính thức. Game thủ thực thụ là những người có tâm huyết với game kể cả khi không góp phần tạo ra sản phẩm, do đó họ sẽ không ngại chờ thêm một thời gian đến ngày game phát hành, nhất là khi việc này có thể giúp cải thiện được chất lượng của game. Việc hoãn phát hành hiển nhiên của sản phẩm, nhưng trừ khi nhà phát hành quản lý được khoảng thời gian trì hoãn ấy, nếu không hại sẽ nhiều hơn lợi. Điều này rất dễ hiểu, khi ấy việc trì hoãn không chỉ làm hỏng cơ hội thành công của game mà còn phá vỡ mối quan hệ giữa game thủ với nhà phát hành, vốn cũng không ít căng thẳng từ trước đến nay.

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận