Những sự kiện đáng chú ý của làng game Việt năm 2014

Không thể bỏ qua vụ việc VNG "cuỗm tay trên" Thiên Long Bát Bộ của FPT Online hay sự cố "sập nguồn" của tập đoàn VC Corp.

Loạt game client "chìm xuồng" và eSports tăng trưởng mạnh

2014 có thể coi là một năm bản lề, chứng kiến phần nào sự suy yếu của thể loại game MMO Client trong làng game Việt và sự phổ biến, tăng trưởng không ngừng của thể loại eSports. Trong năm qua, rất nhiều bom tấn Client đã cập bến làng game Việt như Cửu Trụ, Đấu Phá Thương Khung, Đấu Ma, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Chiến Binh Định Mệnh, Đao Kiếm 2, War Thunder, Huyết Chiến, Cabal, DC Universe Online... nhưng tính đến thời điểm hiện tại, nhiều cái tên đã chính thức từ giã cuộc chơi, dừng hoạt động tại thị trường. Số còn lại thì phần lớn hoạt động khá mờ nhạt, lay lắt và không thực sự nổi bật để ghi dấu ấn trong lòng cộng đồng game thủ.

Có thể nói dường như người chơi đã không còn háo hức và cuồng nhiệt với những sản phẩm MMO Client như 1, 2 năm trước đây. Lý do thì có nhiều, một phần bởi game thủ đã trải qua nhiều lần hi vọng rồi lại thất vọng do chất lượng cũng như cung cách phát hành, quản lý sản phẩm của nhiều đơn vị trước đây. Một lý do khác lớn hơn đó là bởi sự bùng nổ của thể loại game eSports, cụ thể ở đây là Liên Minh Huyền Thoại (trong nước) và DOTA 2 (quốc tế).

eSports dự kiến sẽ vẫn là ngọn cờ đầu của làng game Việt trong năm 2015 tới đây.

eSports dự kiến sẽ vẫn là ngọn cờ đầu của làng game Việt trong năm 2015 tới đây.

Với phong cách dễ chơi, dễ tiếp cận, gameplay thú vị không cày cuốc, không tốn kém, lại được quảng bá mạnh cùng vô số giải đấu kèm theo nhiều phần thưởng hấp dẫn, các trò chơi thuộc thể loại MOBA nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Ăn theo đó là vô số các webgame, gMO, game Client phong cách MOBA cũng liên tiếp được nhập về Việt Nam, đẩy trào lưu này lên cao một cách đáng kinh ngạc.

Hiện tượng Flappy Bird

Ở lĩnh vực gMO, làng game Việt Nam và quốc tế năm qua chứng kiến một cơn "đại địa chấn" thực sự khi trò chơi với gameplay khó chịu, đơn giản và thô sơ về đồ họa, do một developer Việt Nam phát triển đã thành công vang dội, mang lại tiếng vang không chỉ ở tầm khu vực mà lan ra cả quốc tế.

Khác những game gây sốt khác với hàng trăm vòng chơi và mức độ khó, Flappy Bird rất đơn giản. Nguyễn Hà Đông, tác giả của sản phẩm này đã chia sẻ anh chỉ mất 2-3 ngày để phát triển game này.

Trò chơi đơn giản này đã làm "kinh động" cả làng game thế giới.

Trò chơi đơn giản này đã làm "kinh động" cả làng game thế giới.

Chỉ trong vòng 9 tháng tồn tại, Flappy Bird được tải về hơn 50 triệu lần và nhận hơn 90.000 đánh giá. Đây là thành tích không game nào có được trong thời gian gần đây. Theo tính toán của nhiều nguồn, số tiền Nguyễn Hà Đông thu được từ quảng cáo xấp xỉ 3 triệu USD. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến trang tin The Richest vừa đưa Nguyễn Hà Đông vào danh sách 10 triệu phú Internet làm giàu từ con số 0.

Tác giả của trò chơi này thậm chí đã có cuộc gặp gỡ riêng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Trong cuộc nói chuyện này, Phó Thủ tướng đã động viên, khuyến khích anh tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Theo ông, Nguyễn Hà Đông là nhân tố mới cần được cổ vũ và tin rằng cần người giỏi, người tài như Đông để đưa đất nước giàu mạnh.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với kinh doanh game

Ý kiến trên được bà Nguyễn Thị Sơn - Phó Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Viện trưởng viện IBLA (thuộc Hội luật gia Việt Nam), đưa ra tại Hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, được Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội tổ chức, tại Vũng Tàu ngày 8/8 năm nay.

Theo IBLA game là mặt hàng cần đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Điều này đã ngay lập tức dấy lên những tranh luận, trao đổi mạnh mẽ về việc có nên hay không hạn chế việc kinh doanh game tại thị trường Việt Nam. Nhiều ý kiến đồng thuận cũng như phản đối đã được đưa ra với lý lẽ riêng của mình, nhưng nhìn chung mọi người đều cho rằng không nên áp đặt quá sớm vấn đề này bởi hệ quả cũng như ảnh hưởng không tốt tới các đơn vị kinh doanh.

Dù muốn hay không, game thủ sẽ là những người phải chịu trách nhiệm với số tiền nộp thuế tiêu thụ đặc biệt này nếu nghị định được thực thi. Và việc thu thuế, sẽ do chính các NPH, những người đang cung ứng sản phẩm dịch vụ gián tiếp thực hiện.

Tuy nhiên, trong bản thuyết minh chi tiết và báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được trình Quốc hội, Chính phủ đã không đề cập đến đề xuất áp thuế với game online.

VNG thâu tóm game Thiên Long Bát Bộ từ tay FPT Online

Có thể nói đây là hành động cạnh tranh giữa các đơn vị phát hành game ở Việt Nam được thể hiện một cách rõ ràng, trực tiếp và công khai nhất trong năm vừa qua.

Cụ thể, ngày 18/8 vừa qua, NPH VNG bất ngờ tuyên bố đã trở thành chủ sở hữu mới của trò chơi trực tuyến Thiên Long Bát Bộ. Đơn vị này sẽ chính thức tiếp quản sản phẩm này từ tay đơn vị FPT Online và sẽ phát hành độc quyền từ ngày 1/9. Đồng thời, VNG cũng đã quyết định sẽ đổi tên trò chơi thành Tân Thiên Long (ám chỉ một sự đổi mới tân tiến hơn), vừa nhằm tránh sự nhầm lẫn với sản phẩm khi còn trong tay FPT Online.

Sự việc gây hỗn loạn cộng đồng game Việt cuối tháng 8 vừa qua.

Sự việc gây hỗn loạn cộng đồng game Việt cuối tháng 8 vừa qua.

Trái ngược với động thái khá cập rập và có phần mau lẹ của VNG, trao đổi với phóng viên Gamethu.net, phía FPT Online lại kể một câu chuyện khác. Theo chia sẻ của một nguồn tin riêng, trước đó, ChangYou vẫn khẳng định tiếp tục ký hợp đồng phát hành Thiên Long Bát Bộ tại Việt Nam cho FPT Online. Tuy nhiên, vì một "lý do bất ngờ" nào đó, đơn vị này đã bất ngờ chấm dứt việc hợp tác, quay sang ký kết với đơn vị mới là VNG. Hay nói cách khác, VNG đã có động thái đi cửa sau để có thể nắm được quyền phát hành Thiên Long Bát Bộ tại VN.

Sự việc này cũng dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho các NPH trong việc cần phải "bảo vệ" những "con gà đẻ trứng vàng" của mình tốt hơn bởi lúc nào cũng có những "gã hàng xóm" bên cạnh đang lăm le, thèm khát.

Sự cố Data Center làm NPH Soha Game lao đao

Một cơn "động đất" trong làng công nghệ Việt Nam và cũng là "sóng thần" đối với NPH Soha Game khi toàn bộ cơ sở dữ liệu của tập đoàn này "bị tấn công", theo chia sẻ từ chính nạn nhân vụ việc này.

Hệ quả của nó là hàng loạt trang web ăn theo cùng toàn bộ dữ liệu game của NPH Soha Game cũng điêu đứng. Sau đó vài tuần, mặc dù NPH này đã cố gắng khôi phục dữ liệu của các máy chủ game, con số thiệt hại vẫn vô cùng thảm khốc. Một loạt game phải đóng cửa hoàn toàn, số còn lại buộc phải mở máy chủ mới và bồi thường cho người chơi, chỉ một số ít game may mắn còn nguyên vẹn dữ liệu.

Cơn ác mộng với NPH Soha Game và cả làng game Việt.

Cơn ác mộng với NPH Soha Game và cả làng game Việt.

Ngoài thiệt hại về người chơi, thiệt hại gián tiếp về cả uy tín lẫn cung cách phục vụ của NPH này trong con mắt game thủ sau sự cố trên cũng giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, các đơn vị làm game khác cùng hợp tác channeling cũng phải chịu chung thiệt hại về doanh thu và người chơi bởi sự vụ này.

Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, phía Soha Game cũng như VC Corp chưa thể công bố toàn bộ thiệt hại, cũng như lên tiếng khẳng định đã xử lý xong sự cố kể trên.

FPT thu hẹp hoạt động trong thị trường game online

Năm 2014 khép lại với một tin buồn khi FPT Online, một trong tứ trụ làng game Việt đã thực hiện bài toán thắt chặt quản lý kinh doanh, thu hẹp hoạt động trong thị trường game online. Chưa có thông báo chính thức nhưng theo nhiều nguồn tin bên ngoài, đơn vị này đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, cắt giảm nhân sự cũng như "giải tán" một số game đình đám. Vẫn giữ lại cho mình một vài trò chơi tiêu biểu, tuy nhiên cách thức hoạt động kinh doanh cũng như vận hành sẽ buộc phải thay đổi theo hướng mới, với nhiều đổi khác về mọi mặt.

Làng game đã mất đi một "trụ cột" vững chắc.

Làng game đã mất đi một "trụ cột" vững chắc.

Dù một vài sản phẩm game của NPH này như Avatar Star, Thời Đại Anh Hùng hay mới đây là War Thunder mới được mua về và bước đầu thành công, quyết định cuối cùng của ban lãnh đạo FPT Online vẫn không hề suy chuyển.

Đây quả là một điều đáng tiếc nhưng dường như đã được nhiều người dự đoán trước, khi mà lần lượt MU Online bị Webzen cắt hợp đồng phân phối tại thị trường Việt Nam cho đến vụ việc bị VNG "cuỗm tay trên" MMORPG Thiên Long Bát Bộ, sản phẩm chủ lực của NPH này trong nhiều năm nay.

Bảo Nam


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận