Skyrim 'so tài' The Witcher 2: Assassins of Kings

Đánh giá của một fan hâm mộ về hai "siêu phẩm" nhập vai hành động được phát hành vào năm 2011.

Quả thật là không hề dễ dàng để có thể so sánh được 2 dòng game khác nhau khách quan và chính xác cho dù chúng cùng 1 thể loại. Nhưng thực tế cho thấy, sự so sánh đó luôn xảy ra mỗi khi có hai hay nhiều hơn các sản phẩm cùng thể loại, có bối cảnh tương tự nhau và xuất hiện gần như trong cùng một thời điểm. Dù có tranh luận hay bàn cãi như thế nào, vẫn sẽ có một "tác phẩm" được đánh giá cao hơn các đối thủ còn lại. Trường hợp mà tác giả bài viết muốn nói tới ở đây là giữa hai "siêu phẩm" nhập vai hành động được phát hành vào năm 2011 – The Witcher 2: Assassins of KingsThe Elder Scrolls V: Skyrim.

Nhìn về tổng thể, cả hai tựa game đều là những tựa game "đỉnh" và thật đáng cho chúng ta thử qua ít nhất một lần. Những nét tương đồng trong hai trò chơi này sẽ được tìm thấy rất dễ qua quá trình chúng ta "cảm thụ" nó; nhưng càng về sau, càng đi sâu thêm, những trải nghiệm khác biệt rõ ràng của chúng sẽ dần hiện ra. Trong bài viết này, chắc chắn không thể tránh khỏi các nhận định chủ quan của người viết bài, nhưng tác giả đã cố gắng dùng cách khách-quan-nhất để thể hiện chúng.

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra những điểm giống/khác nhau quan trọng nhất của hai trò chơi. Thông qua đó, chúng ta sẽ có được một nhận định cụ thể về các điểm vượt trội cũng như yếu kém hơn của hai đối tượng ta so sánh. Dưới đây, người viết sẽ phân tích hai tựa game được nhắc tới qua từng khía cạnh cụ thể. Nào, bắt đầu thôi!

Cốt truyện

- Skyrim có một kiểu cốt truyện hết sức "kinh điển" trong dòng game The Elder Scrolls cũng như các tựa game cùng thể loại: Một vị anh hùng bí ẩn xuất hiện từ chốn tăm tối, được cho thấy mình là Người được chọn (Chosen One) và định mệnh sắp đặt người anh hùng này sẽ xua tan cái ác, bảo vệ nguồn sống cho vùng đất Skyrim. Nhìn chung, không có gì là thiếu hợp lý trong câu chuyện này, nó rất "truyền thống" và từ rất lâu đã xuất hiện không chỉ trong ngành công nghiệp game. Tuy nhiên, trong trường hợp này, vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập. Trong game có rất nhiều chi tiết, thông tin phải có được từ việc đọc sách. Người chơi có thể có được những quyển sách thông qua rất nhiều con đường khác nhau, như là mua bán, trao đổi, trộm cắp… Nhưng, không mấy ai dành nhiều sự chú ý đến những chiếc kệ sách trong doanh trại bọn cướp trong khi đây là một "nguồn cung cấp" sách rất lớn trong Skyrim. Lí do người viết đề cập vấn đề này ở đây là: "Thực sự, bạn có nghĩ bọn cướp hung hãn đó là những con người có lòng say mê với sách không?". Một điều nữa, các quyển sách này chủ yếu tập trung vào giải thích, cắt nghĩa những sự việc, hiện tượng trong game; vì vậy nhìn chung chúng khá khô khan và với những game thủ bận rộn thì chắc chắn, họ sẽ rất hiếm khi đọc.

Trong khi nhiệm vụ chính trong game dẫn dắt người chơi qua từng sự việc như là trách nhiệm và vai trò của một Dragonborn, "mạng lưới" nhiệm vụ phụ dày đặc và phức tạp đã tạo nên một Skyrim mà gần như người chơi sẽ không bao giờ hết chuyện để làm; đã phần nào làm cho phần khai thác cốt truyện trở nên khá mờ nhạt. Về căn bản, hệ thống nhiệm vụ chính khá đơn giản nhưng đã đảm nhiệm tốt vai trò cần có. Nó mang lại những "nhịp đập" hào hùng, mạnh mẽ mà chúng ta luôn mong muốn, có những lời tiên tri, có một người hùng nổi lên gần như từ con số không, có những nguồn sức mạnh vô biên cần ta phải khám phá .v.v…

Tuy thế, nét thu hút chủ yếu của trò chơi lại đến từ các nhiệm vụ phụ, ví dụ như từ tổ chức Dark Brotherhood hay là từ Mage’s College. Thậm chí có những công việc chúng ta luôn cho là "ít quan trọng" lại có thể mang lại những kết quả bất ngờ đáng nhạc nhiên. Song, đó là thế mạnh và cũng là một điểm "chí tử" của trò chơi. Đúng, Skyrim có vô số thứ để tìm hiểu và khám phá cũng như các tình huống bất ngờ ta có thể bắt gặp; nhưng nếu quá mải mê với những thứ đó mà quên mất đi dòng diễn biến của cốt truyện sẽ làm cho nhân vật Dragonborn của người chơi trở nên "mất bản chất". Khi đó, nhân vật sẽ không "thật sự" là một Dovahkiin, không có đặc điểm nổi bật mà Người-được-chọn cần phải có. Tất nhiên, nhân vật đó vẫn có thể làm thay đổi các sự việc, hiện tượng; nhưng thực tế là không có thứ gì sẽ thay đổi trong con người đó. Về bản chất, ta có thể gọi đó là một công cụ. Vâng, một công cụ, một thứ để người chơi sử dụng, chứ không phải là một nhân vật để cho game thủ phải "yêu", "ghét", hay thậm chí là để "ngưỡng mộ", "ghen tị". Tựu chung, do sự "quá tự do" về cách tiếp cận thế giới, rõ ràng là sức hút để người chơi muốn đi theo dòng diễn biến câu chuyện đã bị giảm đi đáng kể.

- The Witcher 2 sở hữu một cốt truyện hết sức sáng tạo và biến hóa, đôi khi tình thế câu chuyện có thể bị xoay chuyển 180 độ liên tục do những quyết định và cách xử lý tình huống của người chơi, dẫn đến những hướng chuyện hoàn toàn khác nhau. Với kết cấu cốt truyện của The Witcher 2, thật khó để người viết có thể trình bày câu chuyện mà không "vô tình" kể quá sâu vào chi tiết của nó. Do vậy, người viết bài xin trình bày ngắn gọn về câu chuyện của game như sau: Người chơi sẽ vào vai Geralt của xứ Rivia, anh là một "Witcher" trên con đường tìm lại ký ức. "Witcher" là từ dùng để chỉ những người được đào tạo bài bản từ nhỏ, có nhiệm vụ chủ yếu và duy nhất là "săn" và tiêu diệt quái vật – Họ, là các Thợ-săn-quái-vật. Vô tình Geralt bị đẩy vào chuỗi những âm mưu của tổ chức sát thủ "Assassins of Kings", và mọi câu chuyện trở nên rắc rối từ đó; tác giả bài viết cũng xin được dừng câu chuyện ở đây. Bối cảnh trong The Witcher 2 là khá "lạ lẫm", có rất nhiều thứ để khám phá và tìm hiểu nếu người chơi vẫn chưa thử qua phần đầu, nó là một thế giới hoàn toàn riêng biệt chứ không phải diễn ra ở một vùng đất Châu Âu như nhiều người vẫn nghĩ. Game thủ khi chơi sẽ có nhiều cơ hội để hiểu thêm về vùng đất này, có thể từ những cách rất đơn giản và quen thuộc như đọc sách về các loài quái vật để có thể định ra một chiến thuật ứng phó với từng loại địch một cách thông minh, có hệ thống; hoặc qua những gợi ý từ trò chơi như là bản ghi chép nhiệm vụ (mission logs). Một khác biệt quan trọng của The Witcher 2 với tựa game còn lại là nội dung sách, tất cả mọi thứ đều được viết rất kỹ càng và mang lại nhiều cảm hứng cho người đọc. Sự thật không thể bàn cãi là The Witcher có rất nhiều lợi thế bởi "cái tựa đề" của nó. Bối cảnh của dòng game The Witcher chủ yếu dựa vào nội dung bộ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng mang đậm chất Đông Âu của nhà văn thiên tài người Ba Lan, Andrzej Sapkowski. Điều này mang lại cho trò chơi những nét mới lạ, những sinh vật chưa từng thấy ở đời sống thực.

The Witcher 2 cung cấp cho game thủ một thế giới đầy màu sắc, sinh động với sự kết hợp từ vô số hành động, dục vọng, và các âm mưu ghê gớm. Tất cả đã tạo nên một sự liên kết thần hoại huyền bí tuyệt vời. Trong khi các nhân tố quen thuộc cần có ở thể loại game này vẫn xuất hiện như là Tiên (Elves), Người lùn (Dwarves), Pháp sư (Mages), Kiếm thủ (Swordsmen),…, chúng ta luôn có cảm giác thế giới trong trò chơi là một thế giới biết "tự nhận thức" và có cái gì đó rất "mới". Có lẽ một phần là do nội dung của The Witcher dựa vào bộ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên, đã góp phần nào tạo nên thành công của tựa game này. Thêm vào đó, Geralt là một nhân vật có một cá tính, phong cách riêng cũng như trò chơi có kiểu kết cấu cốt truyện xoay chuyền bất định; chúng ta có thể "tận hưởng" hành trình một cách thú vị hơn những gì mà Skyrim có thể mang lại.

Bởi những yếu tố "nhỉnh" hơn, ta có thể thấy, The Witcher 2 đã phần nào thành công hơn ở phần nội dung cốt truyện.

Gameplay

- Sự thật không phải tranh luận thêm là rõ ràng gameplay của Skyrim so với các phần trước trong series The Elder Scrolls đã hoàn-toàn-vượt-trội. Nhưng đó không phải là vấn đề chúng ta cần phân tích ở đây, chúng ta nên nhìn nhận khái quát hơn. Đầu tiên ta nói về góc nhìn, game thủ có thể chơi ở cả góc nhìn người thứ nhất lẫn góc nhìn người thứ ba; nhưng rõ ràng nhà thiết kế vẫn xác định góc nhìn chính là góc nhìn người thứ nhất. Việc cố gắng "cứng đầu" sử dụng góc nhìn còn lại chỉ làm cho mọi thứ khó khăn thêm. Từ lâu trong dòng game, chiến đấu cận chiến với góc nhìn người thứ ba là một điều luôn gây ra bất lợi, và Skyrim dường như vẫn không có xu hướng thay đổi điều này. Nhắc tới phần chiến đấu, mục cận chiến phần nào vẫn mang lại cảm giác nhàm chán, nhưng nếu người chơi phát triển nhân vật theo lối xạ thủ hay pháp sư thì có thể sẽ có được những cảm xúc thật khó tả.

Game thủ có thể sử dụng ma thuật ở cả hai tay là một điều tuyệt vời được thêm vào trò chơi, đặc biệt nhất là khi ra đòn và tạo ra một sức mạnh "như vũ bão". Bên cạnh đó, trở thành một xạ thủ là một quá trình ít "hoa mỹ" hơn, không có những tình huống có thể làm "tê liệt dây thần kinh" người chơi với những hiệu ứng phép thuật bắt mắt. Tuy vậy, sự thích thú và thoả mãn là ngang nhau khi người chơi thực hiện hành động giống như một sát thủ thầm lặng. Điểm nhấn trong các chơi của Skyrim là khả năng hòa quyện cả ba nội dung chiến đấu mà không cần mất nhiều "sự mài giũa". Game thủ sẽ không chọn một lớp nhân vật xác định và phải sống cùng nó đến hết trò chơi; trong Skyrim, người chơi chỉ cần nâng cấp những gì mà mình cần và sử dụng. Đây là một tiền đề cần thiết để mang lại một thế giới mở, nơi mà người chơi có được sự tự do hoàn hảo để làm-bất-cứ-điều-gì-mình-muốn. Tổng thể, các trận chiến có thể không kịch tính lắm; nhưng với một hệ thống chiến đấu trực quan và một thế giới mở tự do, Skyrim đã đáp ứng "quá" đủ các nhu cầu mà game thủ trông đợi ở một trò chơi RPG cần có.

- The Witcher 2 đưa người chơi vào góc nhìn người thứ ba, nhưng khác với Skyrim, góc nhìn này đã hoạt động khá tốt. Dù vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi thỉnh thoảng, góc nhìn bất biến này sẽ tạo nên những khó khăn nhất định trong một không gian luôn biến đổi. Người chơi sẽ sở hữu 2 thanh gươm riêng biệt và sử dụng cho các loại địch cũng rất khác nhau; thanh gươm sắt sẽ dùng để đối phó với loài người và thanh gươm bạc còn lại dùng để "xử lý" các con quái. Thêm vào đó còn có các dấu hiệu, quyền năng phép thuật cho phép người chơi rất nhiều năng lực đặc biệt từ việc đốt cháy địch thủ cho đến kiểm soát tâm trí đối phương. Yếu tố thứ ba trong việc "đánh đấm" là tấm công tầm xa, điều này bao gồm việc phóng dao, ném bom, cho đến những cái bẫy. Khác với Skyrim, The Witcher 2 sẽ thúc đẩy bạn nên tập trung vào cả ba khả năng chiến đấu bằng các trận chiến đầy thách thức ngay từ lúc vào game. Ngoài ra, người chơi cũng có thể tự pha chế các bình thuốc rồi sử dụng chúng; tuy nhiên người chơi không thể uống chúng ngay lúc "ngang xương" một trận chiến, mà phải uống nghỉ ngơi giữa các cuộc chiến. Sẽ có một giới hạn số thuốc có thể uống trong một khoảng thời gian, do đó game thủ cần phải tính toán kĩ để dùng cho những trường hợp thật cần thiết và khẩn cấp. The Witcher 2 cũng cung cấp cho người các trò chơi nhỏ, như là chơi bài, xúc xắc, vật tay hay đấu vật. Tuy nhiên, sự góp mặt của những cuộc đấu này chưa thật sự mang lại nhiều hứng thú; nói cách khác, các trò chơi nhỏ này đã không thật sự thành công như mong đợi.

Về hệ thống chiến đấu, The Witcher 2 rõ ràng chiếm nhiều ưu thế với những cuộc đối đầu đầy kịch tính đến ngạt thở, rất thách thức; nhưng xét tổng thể, The Witcher 2 đã không thể mang lại một thế giới mở như những gì Skyrim đã đem đến cũng như lối phát triển tự do, không cần phải theo bất kỳ nguyên tắc rườm rà nào.

Đồ họa

- Hệ thống draw distance trong Skyrim được thiết lập xa hơn trong các phần trước, điều này làm cho người chơi có thể thấy được sự hùng vĩ của các ngọn núi, cũng như các công trình kiến trúc to lớn. Ngoài ra, Skyrim sử dụng Creation Engine, một Engine game được phát triển bởi chính nội bộ Bethesda. Với bộ Engine này, thế giới trong Skyrim trở nên thật sự rất thực và hoành tráng. Mọi thứ trở nên rất chi tiết và chân thật, từ băng tuyết lạnh giá của Skyrim cho đến những vùng đất xanh tươi, hoang dã bên ngoài thế giới. Khi dừng chân ở ven một con sông, nếu để ý, người chơi có thể nhìn thấy những chú cá nhảy lên khỏi mặt nước, những cánh chim bay lượn tự do trên khắp bầu trời. Lúc gió thổi mạnh, người chơi có thể nhìn thấy các hàng cây xanh du đưa trong gió, mặt nước gợn lên tí sóng trông rất tuyệt. Mỗi vùng đất đều có một đặc điểm thời tiết, kiến trúc và văn hóa riêng, Skyrim thật sự đã thể hiện tốt điều này.

Các công trình kiến trúc đều là nổi bật được phong cách riêng của từng khu vực. Mọi sinh vật trong game đều được trau chuốt rất tỉ mỉ, những con rồng nhìn rất oai vệ và mạnh mẽ; những con vật tiền sử voi Ma mút, hổ răng kiếm cũng như các sinh vật tự nhiên như sói, thỏ, lợn rừng,… đều được thể hiện hết sức sinh động. Mô hình nhân vật và động tác cũng được cải thiện đáng chú ý. Bethesda đã trau chuốt gương mặt cho các nhân vật hơn các phần trước, gương mặt của nhân vật và các NPC trông mượt mà và đẹp hơn nhiều. Chuyển động của mọi vật không còn bị cứng và thô, chúng được thể hiện hết sức mượt mà, sinh sộng. Có thể nói rằng: mọi thứ diễn ra rất thực.

- The Witcher 2 cũng không hề kém cạnh, thế giới tưởng tượng của Sapkowski đã được tô điểm gần như hoàn hảo. Các nhà thiết kế đã tạo nên những mô hình nhân vật rất mượt, đã thể hiện rất thực sự "gớm ghiếc" của các con quái vật, tạo nên một thế giới tuyệt đẹp như một bức tranh kiệt tác của một họa sĩ thiên tài. Hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng, phép thuật, các chi tiết của cảnh vật, đồ vật trong trò chơi cũng đã đạt tới đỉnh cao. Ngay cả vết sẹo của "Sói trắng" cũng được trau chuốt, thể hiện rõ nét mặt; từng hành động của anh đều rất mượt mà và uyển chuyển. Thành thực mà nói, về khâu hình ảnh, The Witcher 2 không có gì để có thể phàn nàn.

Âm thanh

- Phải nói, phần âm thanh Skyrim cũng thể hiện hết sức xuất sắc. Từ ngay lúc vào game, từ những bước đi đầu tiên của một Dovahkiin khám phá thế giới, bầu không khí và các bản nhạc đã làm cho thế giới trong Skyrim phần nào thêm sống động. Giọng lồng tiếng trong game là vô cùng đa dạng, với hơn 70 diễn viên lồng tiếng. Dù vậy, thỉnh thoảng người chơi vẫn có thể bắt gặp hai nhân vật khác nhau trò chuyện với cùng chung một giọng nói (thậm chí ngay cả trong các nhiệm vụ chính), nhưng với số lượng giọng nói cũng như số dòng đàm thoại ngẫu nhiên đã biến Skyrim thực-hơn-bao-giờ-hết với hầu hết các trò chơi khác. Một thành công nữa trong Skyrim là những cử động miệng của nhân vật, chúng được thể hiện rất chân thực và hợp lý, tạo nên bầu không khí tuyệt vời cho trò chơi.

- Đầu tiên chúng ta nói về các bản nhạc nền cũng như trong các cuộc đối đầu. Cũng không quá khi nói phần này The Witcher 2 cũng không hề thua kém Skyrim, nó đã tạo nên một bầu không khí rất thích hợp với diễn biến. Trong các trận đấu, những bản nhạc hào hùng, nhịp điệu mạnh mẽ luôn tạo nên cảm giác phấn khởi, tiếp thêm động lực cho game thủ; cũng như các bản nhạc nhẹ nhàng, tạo cảm giác yên bình hơn ở các thời điểm ngược lại. Có một điểm trừ trong mảng âm thanh của The Witcher 2, đó là sự pha trộn âm thanh không thật sự đều. Tại một số thời điểm, ta gần như không nghe được các đoạn đối thoại; ngược lại, đôi lúc âm thanh như "nổ" ra một cách không đoán trước. Dường như lỗi này xảy ra không bởi bất kỳ một nguyên nhân nào và dù người chơi có tinh chỉnh mục tùy chọn âm thanh như thế nào thì vẫn vô hiệu. Thêm vào đó, việc các NPC thường xuyên lập lại các đoạn đối thoại liên tục cũng tạo nên một cảm giác vô cùng khó chịu.

Tóm lại, về mảng âm thanh, The Witcher 2 dường như không thể so sánh với đối thủ.

Tới đây, chắc hẳn người đọc đã biết được người viết sẽ đứng về phía nào trong cuộc đối đầu khá cân tài cân sức giữa The Witcher 2: Assassins of Kings và The Elder Scrolls V: Skyrim rồi. Với những gì đã phân tích cộng với những quan điểm cá nhân, tôi cảm thấy Skyrim là một tựa game đáp ứng hầu hết tất cả những gì mà một game thủ mong muốn. Nói thế không có nghĩa The Witcher 2 là một tựa game yếu kém, nó rất hay, cực kỳ hay với một mạch chuyện lôi cuốn bất định và một thế giới rộng lớn. Nhưng thế giới rộng lớn đó có gì đặc biệt khi nó không hoàn toàn "mở", và Skyrim đã hoàn thành xuất sắc việc "mở" ra thế giới đó. Cả hai tựa game đều gần như đạt tới mức hoàn hảo, nhưng chắc chắn chỉ có một gần với sự hoàn hảo đó hơn. Đó là The Elder Scrolls V: Skyrim.

CTV


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận