Tại sao game thủ 'pro' lại không chơi Call of Duty?

Là một tên tuổi lớn trong thể loại game bắn súng nhưng Call of Duty vẫn gần như vắng bóng trong các giải thi đấu thể thao điện tử chuyên nghiệp trên thế giới.
>10 khoảnh khắc nổi bật và đáng nhớ nhất trong Call of Duty

Call of Duty: Black Ops II phiên bản mới nhất của loạt game Call of Duty

Call of Duty: Black Ops II phiên bản mới nhất của loạt game Call of Duty

Trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất Call of Duty: Black Ops được phát hành vào tháng 11/2010 đã tạo nên một hiện tượng đáng kinh ngạc khi trở thành trò chơi bán chạy nhất từ trước đến nay tại Mỹ với doanh số hơn 1 tỷ đôla. Hàng triệu người chơi đăng nhập vào các máy chủ của Activision Blizzard mỗi ngày để cùng cạnh tranh trong các màn chơi của Call of Duty. Tuy nhiên, Activision còn muốn nhiều hơn thế khi phần lớn người chơi tỏ ý muốn được chứng kiến các cuộc đọ sức giữa các game thủ Call of Duty có kỹ thuật tốt nhất tại các giải đấu quy mô lớn. Chính vì vậy, nhà phát hành này đã bổ sung thêm tính năng mới trong Black Ops II nhằm biến trò chơi thành một game dành cho thể thao điện tử. Người chơi giờ đây có thể phát sóng trực tiếp các trận đấu của họ cho mọi người xem thông qua hệ thông livestreaming trên YouTube.

Việc bổ sung tính năng phát trực tiếp cho Black Ops II chỉ cho thấy fan hâm mộ ngày càng quan tâm đến thể thao điện tử

Việc bổ sung tính năng phát trực tiếp cho Black Ops II chỉ cho thấy fan hâm mộ ngày càng quan tâm đến thể thao điện tử

Thế nhưng, các chuyên gia trong lĩnh vực eSport thì cho rằng Black Ops II vẫn không phù hợp để trở thành một bộ môn thi đấu chuyên nghiệp. Việc bổ sung tính năng phát trực tiếp chỉ cho thấy thể thao điện tử hiện không chỉ dành cho các vận động viên mà đối tượng chính là những fan hâm mộ. Hàng trăm ngàn game thủ đã đăng ký để được xem các kênh thi đấu thể thao điện tử trên YouTube. Họ theo dõi các đấu trường thể thao trên khắp thế giới và thưởng thức các trận chung kết từ các giải đấu lớn. Thậm chí, họ còn luyện tập mỗi ngày với hy vọng trở thành một Michael Jordan của video game. Khi thể thao điện tử ngày càng phổ biến ở châu Âu và châu Á, việc tiếp cận được đối tượng những fan hâm mộ này có thể sẽ khiến Call of Duty trở thành một hiện tượng mới trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, thật không may, những game thủ chuyên nghiệp lại không mặn mà lắm với Call of Duty. Lý do khá đơn giản vì cứ mỗi năm vào khoảng tháng 11 lại có một phiên bản mới của Call of Duty ra đời, thậm chí các phiên bản này còn liên tục thay đổi nhà phát triển. Chính vì thế mỗi năm, hàng triệu người chơi phải từ bỏ trò chơi mà họ đã chơi suốt 12 tháng qua để chuyển sang một phiên bản mới. Phiên bản trò chơi mới có thể sẽ có nhiều thay đổi như cảm giác bắn khác nhau, hiệu ứng vật lý của môi trường được tinh chỉnh. Điều này đem lại nhiều thách thức và thú vị cho người chơi bình thường, nhưng lại là cơn ác mộng đối với các game thủ chuyên nghiệp.

Game thủ chuyên nghiệp cần tập luyện và thi đấu trên cùng một phiên bản game để trau dồi kỹ năng của họ

Game thủ chuyên nghiệp cần tập luyện và thi đấu trên cùng một phiên bản game để trau dồi kỹ năng của họ

Điều quan trọng nhất đối với các game thủ chuyên nghiệp là có thể tập luyện và thi đấu trên cùng một phiên bản game với các quy luật giống nhau từ năm này qua năm khác để trau dồi kỹ năng của họ. Rod "Slasher" Breslau, đồng sáng lập trang web về chơi game chuyên nghiệp mang tên Live on Three cho biết: "Mỗi năm xuất hiện một phiên bản mới thực sự là vấn đề khó khăn đối với cộng đồng game thủ đang cạnh tranh nhau của một trò chơi."

Những game thủ chuyên nghiệp thuộc thể loại game bắn súng trong hầu hết các giải đấu lớn như DreamHack tại Thụy Điển, World Cyber Games tại Hàn Quốc đều chơi Counter-Strike phiên bản 1.6 ra mắt từ năm 2003. Gần đây nhất là giải đấu e-Sports Cup tại Tokyo Game Show với giải thưởng 15.000 đôla Mỹ cũng áp dụng phiên bản CS 1.6 này. Trong khi nhà phát hành Valve đã ra mắt nhiều phiên bản mới của Counter-Strike thì các game thủ hàng đầu nhường như vẫn khư khư chơi phiên bản 1.6.

Counter-Strike phiên bản 1.6 luôn là lựa chọn nhiều nhất trong các giải đấu e-Sports

Counter-Strike phiên bản 1.6 luôn là lựa chọn nhiều nhất trong các giải đấu e-Sports

Khi các game thủ chuyên nghiệp chơi Call of Duty, họ thường không mấy chú trọng đến hiệu ứng cháy nổ hoành tráng hay những màn chơi tiêu diệt hàng loạt mục tiêu, điều mà những game thủ bình thường tỏ ra rất thích thú. Thay vào đó, họ tập trung vào các chế độ chơi như Search and Destroy, nơi 2 đội phải bảo vệ hay ngăn chặn một quả bom trước khi nó phát nổ. Trường hợp khá hiếm hoi khi Call of Duty được đem ra thi đấu là vào 2007 với phiên bản Call of Duty 4: Modern Warfare. Thậm chí cho đến nay vẫn tồn tại một cộng đồng người chơi Call of Duty 4 trên PC tiếp tục cạnh tranh với nhau.

Call of Duty 4: Modern Warfare, phiên bản hiếm hoi được đem ra thi đấu

Call of Duty 4: Modern Warfare, phiên bản hiếm hoi được đem ra thi đấu

Phiên bản Call of Duty: Black Ops II mới nhất cũng như những người tiền nhiệm đã được phát hành trên nhiều hệ máy, thế nhưng những game thủ sở hữu nhưng phiên bản khác nhau sẽ không thể chơi cùng nhau. Điều này vô tình gây khó khăn cho ban tổ chức một giải đấu eSport nếu muốn lấy Call of Duty làm bộ môn thi đấu chính thức khi không biết phải làm gì với rất nhiều phiên bản khác nhau trên các hệ máy khác nhau. Đó thật sự không phải một lựa chọn tốt.

Starcraft II cũng được thực hiện bởi Activision Blizzard nhưng lại được giới eSport ưa chuộng hơn

Starcraft II cũng được thực hiện bởi Activision Blizzard nhưng lại được giới eSport ưa chuộng hơn

Starcraft II, cũng được phát triển bởi Activision Blizzard nhưng lại được định hướng đường dài khi mà phiên bản mới ra mắt sau gần 11 năm so mới bản đầu tiên. Chính điều này đã tạo điều kiện cho những game thủ chuyên nghiệp đem về cho mình những giải thưởng thi đấu Starcraft lên đến hàng triệu đôla. Cũng như bản đầu tiên, Activision Blizzard tạo ra Starcraft II với định hướng là một game có thể được chơi trong một hoặc nhiều thập kỷ kế tiếp.

Theo dõi một màn thi đấu của game bắn súng góc nhìn thứ nhất luôn khó khăn hơn

Theo dõi một màn thi đấu của game bắn súng góc nhìn thứ nhất luôn khó khăn hơn

Tích hợp công cụ phát trực tiếp quá trình chơi trong Black Ops II là một động thái thú vị nhưng chỉ đơn giản làm tăng lượng khán giả theo dõi trò chơi, còn nếu muốn game trở thành một bộ môn e-Sports hoàn toàn là một chuyện khác. Không giống như khi theo dõi một trận đấu Starcraft II hay Street Fighter IV, diễn biến trong một màn chơi Call of Duty rất khó có được cái nhìn tổng quát khi cùng lúc xảy ra dưới 10 góc nhìn khác nhau của từng game thủ.

Tất cả các yếu tố trên đã góp phần khiến Call of Duty trở thành trò chơi "khó nuốt" đối với những game thủ chuyên nghiệp trong suốt những năm qua.
Sundance DiGiovanni, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của tổ chức Major League Gaming nhận xét về phiên bản Black Ops II: "Tôi chưa bao giờ nhìn thấy công cụ hỗ trợ theo dõi các trận đấu từ nhà tốt đến như vậy." Nhưng khi được hỏi liệu Call of Duty có thể trở thành một bộ môn thi đấu e-Sports hay không thì ông vẫn e ngại: "Call of Duty vẫn là trò chơi có phiên bản mới ra hàng năm và ngay cả khi Black Ops II đã xuất sắc thì nhà phát triển những phiên bản tiếp theo chắc chắn sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi."

Khắc Thành


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận