Hàng hóa ảo (virtual goods) là các đối tượng phi vật thể trong trò chơi trực tuyến và cộng đồng mạng. Ví dụ như vũ khí và trang bị trong game trực tuyến, hạt giống và bò, gà trong game nông trại... Các món đồ ảo có giá trị và thường được mua bán bằng tiền thật trong thế giới thực. Mặc dù hàng năm, tổng doanh thu từ các giao dịch hàng hóa ảo có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD và không có dấu hiệu giảm sút, tình trạng pháp lý của những món hàng này dường như vẫn không có gì đảm bảo một cách chắc chắn.
Không có ý nghĩa pháp lý
Giấy phép thỏa thuận người dùng cuối (EULA) của rất nhiều trò chơi trực tuyến thường ghi rõ rằng các nhà khai thác game có quyền kiểm soát và quyền sở hữu độc quyền đối với mọi thứ trong trò chơi, đồng thời quy định các món đồ ảo trong game không có ý nghĩa về pháp lý hoặc những điều tương tự như vậy.
Đây gần như là một thỏa thuận mang tính hình thức và người dùng không thể thương lượng, buộc phải chấp nhận các điều khoản này để có thể bắt đầu chơi. Cách tiếp cận này có thể nói là vô cùng an toàn và "sạch sẽ" theo quan điểm của các hãng phát hành game bởi vì chúng bảo vệ cho họ khỏi việc dính líu tới các vấn đề liên quan tới pháp lý phát sinh từ các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu hàng hóa ảo.
|
Một thế giới ảo trong game. |
Tuy nhiên trên thực tế, hàng hóa ảo lại có giá trị rất lớn. Từ quan điểm của người chơi, họ sẽ không thoải mái móc hầu bao ra chi một khoản tiền lớn như vậy để nhận lấy một món đồ mà mình không được quyền sở hữu. Đáng tiếc rằng hầu hết người chơi đều phải chấp nhận sự thật này và đó cũng là một phần lý do việc gian lận, trộm cắp tài sản ảo trong game khó có thể bị ngăn chặn một cách hoàn toàn.
Là tài sản cá nhân
Việc xem hàng hóa ảo là tài sản cá nhân có thể giải quyết nhiều vấn đề từ quan điểm của một game thủ. Theo đó, nó có thể làm rõ việc mua và bán hàng hóa ảo là giao dịch hợp pháp, các hợp đồng bán hàng sẽ hợp lệ và có sự ràng buộc. Người chơi có quyền khiếu nại tới luật pháp trong trường hợp các món đồ của mình bị đánh cắp, chuyển đổi hoặc chiếm dụng. Hàng hóa ảo khi đó có thể cho vay, được sử dụng như một tài sản thế chấp, đóng góp từ thiện hoặc chuyển giao theo dạng quyền thừa kế. Điều này cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho các nhà phát hành game vì nó sẽ mang tới một động lực lớn, thúc đẩy nền kinh tế trong cho chơi, khiến game thủ trung thành hơn...
|
Phần lớn các giao dịch hàng hóa ảo đều gắn liền với giao dịch tiền mặt. |
Đáng tiếc rằng, việc xem hàng hóa ảo như tài sản cá nhân không giải quyết được các vấn đề như làm giảm hay làm mất giá trị của hàng hóa ảo bằng các cách đã từng được biết như:
- bên vận hành game tự thay đổi độ khó của quá trình lấy được vật phẩm áo đó bằng các thay đổi trong cách tương tác trong game hay "đúp đồ" (nhân bản vật phẩm ảo)
- bên vận hành game chỉnh sửa hay xóa vật phẩm
- "đúp đồ" bất hợp pháp nhờ vào phương tiện của bên thứ ba khai thác lỗi hay các điểm yếu trong mã nguồn của game
- bên thứ ba dùng phần mềm máy tính chơi game online tự động để thu thập vật phẩm ảo mà hầu như không đqầu tư thời gian hay tiền bạc
- bên vận hành game đóng hay bằng các cách khác ngưng hỗ trợ game vì lượng người chơi/ doanh thu giảm, thua lỗ hay bị sát nhập/mua lại hay lý do khác.
Các tin tặc vẫn thường xuyên sử dụng phần mềm thứ 3 tác động, tấn công vào những điểm yếu của hệ thống và những chiêu trò cheat, hack, bug luôn làm "lóa mắt" khá nhiều người chơi game. Game thủ Việt Nam dùng phần mềm auto như com bữa. Bên cạnh đó, các hãng phát triển, phát hành cũng có thể đóng cửa hoặc ngừng hỗ trợ trò chơi nếu tổng lượng game thủ không đông như kỳ vọng hoặc doanh thu không còn ổn định.
Xem hàng hóa ảo như một loại dịch vụ
Rất nhiều người cho rằng hàng hóa ảo có thể được coi như là một dịch vụ được cung cấp bởi các nhà phát hành game tới người chơi bởi cả hai đều là những sản phẩm ở trạng thái phi vật thể. Tuy nhiên, dịch vụ thường bị ràng buộc bởi thời gian, không thể tách rời giữa việc phân phối bởi các nhà cung cấp và người nhận, không thể trả lại sau khi tiêu thụ, không thể phục hồi sau khi sử dụng, có những điểm độc đáo riêng về địa điểm thời gian và chịu ảnh hưởng của khá nhiều tác động từ hoàn cảnh môi trường xung quanh. Hàng hóa ảo không có những tính năng này.
|
Hàng hóa ảo có thể là trang bị, vũ khí, danh hiệu, nhân vật, tài khoản... |
Là sở hữu trí tuệ
Trong nhiều khía cạnh, hàng hóa ảo có nhiều điểm tương đồng với các sở hữu trí tuệ hơn là tài sản sở hữu cá nhân. Trong khi các tài sản cá nhân thường hữu hình, khan hiếm và không dễ biến dạng thì hàng hóa ảo giống như một loại tài sản trí tuệ, vô hình, có thể được sao chép thành một số lượng vô hạn mà không tốn thêm bất kỳ chi phí về vật chất hay hao tổn công sức nào. Chúng cũng có thể được kết hợp với các mặt hàng ảo khác để tạo ra tác phẩm phái sinh.
Việc xem xét hàng hóa ảo như sở hữu trí tuệ sẽ không giúp quyết định vấn đề sở hữu bởi bên vận hành (hay nhà phát hành hay nhà phát triển) sẽ lại "lý luận" rằng hàng hóa ảo thuộc sở hữu của họ vì ngay cả nguyên máy chủ đã thuộc sở hữu của họ (thì kể chi mấy thứ hàng hóa, vật thể ảo bên trong thế giới đó!). Dĩ nhiên, người chơi cũng có lập luận riêng: họ xưng đáng sở hữu vì họ phải bỏ công sức, thời gian, tiền bạc mới có được. Không ít người phải bỏ tiền thật để có được món đồ ảo trong game. Góc nhìn này giống như một ai đó từng hỏi: "Nếu tôi dùng Word để viết ra 1 cuốn tiểu thuyết thì sản phẩm đó liệu có thuộc sở hữu của Microsoft?"
Theo tác giả bài báo gốc trên Forbes.com, nếu xem hàng hóa ảo như sở hữu trí tuệ, thì bất kể hợp đồng giữa nhà phát hành và người dùng cuối, game thủ có thể đạt được quyền sở hữu theo đúng các nguyên tắc của luật sở hữu trí tuệ nếu họ có đủ đóng góp để hình thành quyền sử dụng chuyển đổi.
|
Ngành công nghiệp game đang ăn nên làm ra từ các trao đổi, giao dịch hàng hóa ảo. |
Luật pháp vất vả theo sau công nghệ
Từ trước đến nay, ngay tại nơi tập trung nhiều hãng game lớn nhất thế giới là Mỹ cũng có rất ít các vụ kiện liên quan tới hàng hóa ảo. Một vụ kiện nhà phát hành Second Life đã được dàn xếp bên ngoài tòa; còn một vụ khác liên quan đến xác định quyền của người mua tài sản ảo trong Second Life vẫn tiếp diễn. Như thường thấy, công nghệ luôn bỏ xa luật lệ; còn luật lệ vất vả lắm mới theo kịp. Nhìn vào doanh thu và lợi nhuận lớn mà ngành công nghiệp game đang đem lại, mong rằng tư cách pháp lý của hàng hóa ảo sẽ đượcv giải quyết càng sớm càng tốt hơn là trễ.
Đình Vũ
Nguồn: GameThu |