Trong một trò chơi ảo, cuộc sống ảo, những lời nói dối vô thưởng vô phạt hoặc nhằm mục đích đề cao mình lên, hoặc che giấu khuyết điểm hay đơn giản chỉ là một câu nói phòng vệ để tránh những rắc rối có thể tới bất ngờ.
Không chỉ trẻ em mà thậm chí, những game thủ nhiều tuổi cũng đã từng nói dối. Nói dối về game với bạn bè đôi khi đem lại những điều vui vẻ và làm cho mối quan hệ giữa hai người thêm thân mật, nhưng dù sao đi nữa thì nó cũng là chuyện dối trá. Dưới đây là một vài tình huống hay được các "chú người gỗ Pinocchio" hay phải trổ tài.
Này, tớ biết một bí mật trong game...
Trên mạng internet, trong nhiều diễn đàn có chủ đề về các trò chơi, rất dễ bắt gặp những game thủ thao thao bất tuyệt về những điều mình có thể làm trong game, những điều mà chưa từng một ai biết tới trước đây.
|
"Tớ biết một chỗ xuyên tường có thể giết hết con tin trong hầm rượu..." |
Những kỹ năng mở khóa nhân vật đặc biệt, những combo liên hoàn vô cùng bá đạo, kỹ năng nhảy tới những điểm chết trong bản đồ, cách làm thế nào để lái một chiếc xe tăng... Tất nhiên có một số người đã chơi game đủ lâu để khám phá ra những bí ẩn đó, nhưng số lượng đó không thật sự nhiều như hiện nay.
Rất khó để chứng minh họ sai bởi cái họ làm được không dễ để chứng minh trừ khi người đọc là thành viên trong đội ngũ phát triển. Tuy nhiên, lời nói dối này đôi khi cũng khiến cho một vài game thủ khác sẵn sàng bỏ thêm công sức thời gian để thử nghiệm, tìm tòi cái mới.
Tôi đã từng vượt qua con boss đó trước đây!
Khi một ai đó khoe khoang trước mặt game thủ về lần dứt điểm một con boss khủng trong game, nhiều khả năng bạn sẽ nói rằng đã thấy và đánh bại nó trước đây.
Mặc dù thực tế người chơi có thể vẫn đang mắc kẹt ở những cấp độ đầu tiên, chưa biết cách nào để vượt qua đám lính bâu xâu trước khi giáp mặt trùm cuối. Những điều đó không quan trọng, cảm giác thua thiệt đôi khi khiến game thủ đôi lúc tự nâng mình lên một cấp bậc nào đó khác biệt. Tuy nhiên, sự việc sẽ trở nên rắc rối hơn khi người đối diện hỏi lại cách game thủ đã tránh né đòn tấn công của con trùm như thế nào, dứt điểm ra sao và bằng kỹ năng gì.
|
Mình nói thật mà, màn chơi đó khó vô cùng... |
Mình đã chơi game đấy ở chế độ Hard Mode.
Đôi khi bạn đã hoàn thành trò chơi, nhưng lại ở cấp độ dễ dàng (Easy) hoặc sử dụng một vài thủ thuật như Cheat hay mã lệnh để vượt qua cửa ải cuối cùng. Tuy nhiên, khi được hỏi hoặc không có ai khỏi, rất nhiều người chơi cũng không muốn tự tiết lộ rằng mình chỉ mới vượt qua game ở chế độ dễ nhất và... thế là hết.
|
Lỗi hệ thống, đòn cứu cánh cuối cùng. |
Tớ không lưu lại file Save rồi
Đôi khi những lời nói khoác khiến người khác nghi ngờ và đòi bằng chứng. Nếu thật sự game thủ đã thực hiện được điều kỳ diệu đã nói trước đó, mọi chuyện rất đơn giản. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, lỗi hệ thống là một lý do quen thuộc nhất được vin vào để xóa sạch dấu vết.
Này, đã nghe tới phần tiếp theo của...
Đây là một lời nói dối thuộc loại trung bình và thường vô hại. Trong giai đoạn quảng cáo hay PR game, các hãng phát triển hoặc chính fan cuồng thường nói tới tất cả các tính năng ưu việt mà trò chơi có thể thực hiện.
Devil May Cry sẽ ra phần chơi multiplayer, Blizzard quyết định dừng toàn bộ series Diablo III và bắt đầu một game đối kháng mới, Crysis 4 sẽ đưa người chơi về quá khứ, đại diện hãng phát triển game Cửu Âm Chân Kinh chuẩn bị sang Việt Nam đàm phán...
Không cần bằng chứng, chẳng ai phán xét, mọi người có thể tạo ra vô số tin đồn từ những câu chuyện nhỏ nhặt được bàn tán trên các trang tin, diễn đàn hoặc Facebook... Đôi khi một vài thứ cũng chỉ bắt đầu từ những ý tưởng thoáng qua.
Tôi không biết cách nào để...
Có một số người đã chơi hết game, nắm rõ một số thủ thuật, nhìn thấy lối chơi sai lầm của đồng đội... tuy nhiên họ lại không muốn chia sẻ kiến thức của mình với tất cả mọi người.
"Mình xin thề là tôi không biết 'đúp' đồ như thế nào", "Tớ chưa bao giờ vượt qua được màn chơi ấy", "Tự dưng làm được combo ấy thôi", "Tôi không chơi Ngũ Độc nên chẳng biết cách lên đồ", "Mình không biết sút Knuckle shot"...
Đôi khi game thủ thực sự biết cách làm thế nào nhưng lại không dễ gì để truyền tải chúng cho người khác, không biết cách giải thích một quá trình hay lo sợ mình sẽ mất đi lợi thế trong quá trình cạnh tranh, lên cấp, đua top. Trong các trường hợp này, nạn nhân thường buộc phải chấp nhận và đi tìm một người khác "hào phóng" hơn.
Mình đã từng chơi game đó rồi!
- Này, cậu đã chơi phiên bản Battlefield mới nhất chưa? - Rồi, nó thật tuyệt vời. Đồ họa cực đẹp còn âm thanh thì nghe đã tai vô cùng.
Trên thực tế, dù là một lời nói dối, câu nói trên vẫn dễ gây cảm hứng, sự thân thiện và niềm vui cho cả hai hơn là lời đáp "Chưa" gọn lỏn. Một số người không chơi game nhưng tìm hiểu khá nhiều về các trò chơi để có thể chém gió, mua vui cùng bạn bè. Một số người biết một vài tiếng lóng trong trò chơi và điều đó giúp cho họ dễ dàng nhập hội với đám đông game thủ. Trong các trường hợp này, câu nói dối có thể khiến cho một người chưa từng chơi cảm thấy tò mò và thích thú, đồng thời tự hứa sẽ trải nghiệm game sau đó để có thể tiếp tục nói chuyện về chủ đề này trong những lần tiếp theo.
Chuyện nói dối trở nên nhanh chóng và dễ dàng trong tinh huống này, tuy nhiên để bị phát hiện lại là một thảm họa.
|
"Mình chơi game đối kháng không giỏi lắm, hay mình với bạn giao lưu đi..." |
Tôi thực sự chơi giỏi game này
Đôi khi, game thủ có tài năng về một thể loại trò chơi nào đó và dường như không có đối thủ. Lúc này, tất cả bạn bè hoặc "đồng nghiệp" sẽ đều xa lánh và ngừng đấu với bạn bởi họ không thể tìm thấy cửa thắng của mình. Vì vậy, khi tìm được một người sẵn sàng chơi với mình bởi không biết quá khứ lẫy lừng, câu nói này trở thành "đòn gió" đầu tiên được tung ra. Lời nói dối sẽ mang lại lợi ích cho cả hai khi bạn được chơi trong khi người kia cũng có đối thủ để học hỏi. Tất nhiên nếu là một trận đấu dính dáng tới lợi ích hoặc tiền bạc, đây có thể là lý do tạo ra các xích mích và gây gổ sau này.
Tớ chơi trò này "đỉnh của đỉnh"!
Dù ai cũng biết tác hại của những lời nói dối như thế này nhưng rất khó để bắt một người không nói tốt hoặc tự khen bản thân mình. Xung quanh người chơi, trong cộng đồng game thủ có rất nhiều "chuyên gia" về một nhân vật nào đó hoặc một trò chơi bất kỳ. Họ có thể kể tường tận từng hiệu ứng của kỹ năng, từng dòng tính năng trên các món đồ hỗ trợ ra sao cho nhân vật, từng góc chết trên bản đồ... tuy nhiên đó chưa chắc đã là những cao thủ.
|
Thường thì cao thủ sẽ nhận mình là "gà" và ngược lại. |
Tôi đã làm điều đó! Tôi đã chặn hắn!
Đây là lời nói dối điển hình và phổ biến nhất trong hầu hết các game Lan lẫn online. Nếu người chơi thực sự đã làm được điều ấy, câu chuyện giữa hai người đã rẽ sang một hướng khác. Những câu nói dối này thường được dùng để che giấu và bao biện cho lỗi lầm của bản thân, đặc biệt là các game hành động bắn súng. Câu nói dối tiếp theo trong trường hợp này sẽ là các lý do mà người chơi nghĩ ra để đổ lỗi cho sự việc như lúc đó mình bị đánh úp, đối phương quá nhanh và may mắn, đội bạn chắn chắn đã cắm mắt trong rừng... Tất cả sẽ được thốt ra để game thủ giữ thể diện cho mình. Nhìn chung, mọi chuyện sẽ nhanh chóng qua đi và lỗi lầm sẽ bị lãng quên trừ trường hợp game thủ phạm lại chúng vài lần liên tiếp sau đó.
Đình Vũ
Nguồn: GameThu |