>Khám phá kho tàng game kinh dị (phần I) >Khám phá kho tàng game kinh dị (phần II) > Khám phá kho tàng game kinh d? (phần III)
Jefferson Goldstein, Giáo sư ngành Xã hội - Tâm lý học tại Đại học Utrecth, Hà Lan cho biết: "Người ta thích xem những bộ phim kinh dị vì họ thích cảm giác sợ hãi. Đôi khi, đó cũng có thể là họ muốn kết thúc cái cảm giác tò mò khi chưa được nếm trải cái sự kinh dị đó". Có lẽ đây lời giải thích hợp lý cho câu hỏi tại sao dù sợ nhưng con người luôn có hứng thú với những thứ liên quan đến kinh dị. Trong một thời gian dài, rất dài, đề tài kinh dị mang đến sự ám ảnh nhất định đến tâm trí người đọc, người nghe. Nhiều người chỉ coi nỗi sợ đó là nhất thời, nhưng không ai phủ nhận rằng những trải nghiệm đi kèm với nỗi sợ đó vô cùng hấp dẫn. Những sản phẩm ăn theo mang chất kinh dị như game, phim phần nào chỉ có thể tái hiện lại phần nào nỗi sợ ấy.
Thời gian lâu dài đã làm cho mọi thứ dần thay đổi, ngày nay chất kinh dị trong game đã khác hẳn, không còn như trước kia nữa. Dù vậy, so với cách đây 15-20 năm, tốt nhất chúng ta không nên nói game kinh dị đã bước vào giai đoạn thoái trào mà chỉ nên coi đây là sự biến đổi. Tuy nhiên, từ bài học của Amnesia: Dark Descent hay Slender Man có lẽ nên đặt câu hỏi: liệu rằng game kinh dị có trở về thời đại hoàng kim với chất kinh dị điển hình như trước đây không hay sẽ lại bắt đầu một thời kì mới?
Thời kì sơ khai
Nguồn gốc của game kinh dị có thể truy ngược trở lại về các tiểu thuyết kinh dị từng xuất bản trước đó. Người ta tin rằng nhiều yếu tố trong game có liên quan đến những cuốn sách của HP Lovecraft, trong đó bao gồm cả tường thuật điều tra, hoặc hành trình mang tính chất chiều sâu. Khi so sánh người ta thấy có nhiều điểm tương đồng giữa các sinh vật thần thánh trong Cthulhu của Lovecraft với các boss quái vật mà người chơi phải đối mặt. Chủ đề sinh tồn cũng có thể tìm thấy trong dòng phim kinh dị chặt chém, nơi mà nhân vật chính phải đấu tranh không ngừng với kẻ phản diện để giữ mạng sống. Một ảnh hưởng lớn khác đối với thể loại này là kinh dị Nhật Bản, bao gồm nhà hát cổ điển Noh, những cuốn sách của Edogawa Rampo và điện ảnh Nhật. Nguồn gốc thể loại kinh dị nói chung khá đa dạng, từ cả phương Tây (chủ yếu là Mỹ) và yếu tố văn hóa truyền thống của châu Á (chủ yếu là Nhật Bản). Trong khi thể loại kinh dị của phương Tây mang nặng yếu tố hành động thì của Nhật Bản lại có xu hướng thiên về tâm linh.
|
Cthulhu Mythos – sản phẩm của H.P Lovecraft định hình cho nhiều game kinh dị sau này |
Một vài yếu tố phổ biến của game kinh dị ngày nay có thể tìm thấy trong game Haunted House trên hệ máy Atari 2600 được phát hành năm 1982, với gameplay nhấn mạnh vào giải đố và lẩn trốn chứ không đề cao tính hành động, sử dụng kẻ địch là những con quái vật xuất hiện phổ biến trong tiểu thuyết kinh dị như dơi hoặc hồn ma, buộc người chơi phải quản lý nguồn vật phẩm luôn luôn thiếu thốn. Vì có những chi tiết như vậy nên nhiều người đã coi đây là game đầu tiên của thể loại kinh dị sinh tồn.
Cũng trong năm đó, Terror House, một game kinh dị khác cũng được phát hành trên hệ máy LCD SolarPower của Bandai, sử dụng màn hình LCD trắng đen nên lúc ấy yếu tố ánh sáng bên ngoài ảnh hưởng khá nhiều đối với việc trải nghiệm game. Một ví dụ khác là Monster Bash trên hệ máy Arcade của SEGA, trong đó giới thiệu khá nhiều quái vật điển hình của phim kinh dị những năm 80 như Frankenstein, Dracula, người sói, đặt nền móng cho việc sử dụng quái vật đa dạng cho game kinh dị sau này. Phiên bản remake của Ghost House vào năm 1986 đã đẩy lên một mức độ cao hơn với gameplay được thiết kế quanh chủ đề kinh dị, xây dựng chi tiết về một ngôi nhà đầy cạm bẫy và bí ẩn, kẻ địch thì nhanh, mạnh và nguy hiểm, buộc người chơi phải tìm hiểu các bí ẩn trong ngôi nhà và dựa vào trí thông minh để giải quyết vấn đề.
|
Haunted House – game mang yếu tố gây sợ hãi đầu tiên |
Yếu tố chiến đấu, bắn súng bắt đầu xuất hiện vào năm 1985 với game The Screamer của Magical Zoo. Năm 1987, Shiryou Sensen: War of the Dead được phát hành và được coi là gần nhất với game kinh dị hiện nay, với lối chơi dạng RPG, nội dung game xoay quanh nữ thành viên của đội SWAT Lila giải cứu người sống sót trong một thị trấn cô lập bị quái vật tấn công và đưa họ đến nơi an toàn ở một nhà thờ. Game có môi trường mở như Dragon Quest và yếu tố chiến đấu thời gian thực giống Zelda II. Game khác hẳn so với những game RPG cùng thời bởi sự tối tăm và bầu không khí đáng sợ thể hiên qua cách kể chuyện, đồ họa và âm nhạc. Yếu tố chiến đấu được chú trọng khi mà hệ thống vũ khí bị giới hạn, đạn dược ít ỏi, người chơi có thể chiến đấu bằng dao hoặc tay không. Game xuất hiện vòng tuần hoàn ngày đêm và game thủ có thể ngủ để hôi phục sinh lực chuẩn bị cho những trận chiến kế tiếp, và thành tích được tính bằng việc người chơi có thể sống sót sau bao nhiêu ngày.
|
Shiryou Sensen: War of the Dead |
Tuy nhiên, người ta vẫn coi game kinh dị sinh tồn thật sự đầu tiên, có ảnh hưởng lớn đến Resident Evil là Sweet Home, được Nintendo Entertainment System phát hành vào năm 1989. Game tập trung vào việc giải quyết một loạt các câu đố bằng cách sử dụng các vật phẩm thu thập được trong khi chiến đấu hoặc trốn tránh những sinh vật đáng sợ, có thể dẫn đến cái chết vĩnh viễn cho bất kỳ của các nhân vật, do đó tạo ra căng thẳng và nhấn mạnh yếu tố sống còn. Đây cũng là lần đầu sự sợ hãi được xây dựng từ cốt truyện trong game, chủ yếu thông qua các nhật ký rải rác ghi chép lại thời điểm 50 năm trước khi sự kiện trong game diễn ra. Phát triển bởi Capcom, game trở thành nguồn cảm hứng chính cho Resident Evil sau này, cũng mượn nhiều yếu tố từ các trò chơi khác, chẳng hạn như bối cảnh tòa biệt thự, cảnh mở cửa, cảnh nhân vật bị giết, kết thúc đa chiều dựa vào nhân vật, kho chứa vật phẩm hạn chế, cốt truyện được kể thong qua các nhật kí và ghi chép…
|
Sweet Home (1989) |
Năm 1989, Electronic phát hành game Project Firestart. Xây dựng từ cốt truyện của bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng nổi tiếng lúc bấy giờ, Alien, đây thực sự là một chiến tích lớn trên hệ máy già cỗi Commodore 64. Đồ họa của game gần như lỗi thời so với Atari ST hay Amiga. Vì thế Dynamix phải hết sức nỗ lực trong việc thiết kế game. Tunnel cho biết họ đã viết một cốt truyện từ đầu và sau đó cố gắng biến nó thành game. Project FireStart kể về một phi hành gia được giao nhiệm vụ điều tra một trạm không gian đã bị mất liên lạc và tìm hiểu điều gì đã xảy ra tại đó.
Anh ta nhanh chóng nhận ra rằng thí nghiệm về biến đổi gene trên một loại sinh vật hiền lành ở đây đã bị đi lệch hướng, và giờ đây những con quái vật đang tràn lan trên trạm. Nguyên tắc thiết kế của trò chơi giống hệt như Alone in the Dark và Resident Evil. Không vũ khí hạng nặng, chỉ có súng lục và rất ít đạn được. Kẻ địch trong game rất mạnh mẽ và ẩn nấp ở khắp nơi. Mặc dù chậm chạp và hoàn toàn có thể né được, chúng vẫn tiếp tục lao lên bất chấp đạn bắn ầm ầm. Sức ép từ việc phải hạ gục kẻ địch trước khi chúng đến gần trở nên vô cùng nặng nề, và được nhân lên nhiều lần với âm nhạc (thay đổi mỗi khi có một kẻ địch tiến vào phòng).
Có thể nói đây là một tựa game xuất sắc thời bấy giờ, điều đáng buồn là cả Electronic Arts và Dynamix đều không đầu tư nhiều lắm vào Project FireStart nhiều. Kết quả là nó được phát hành với rất ít truyền thông và quảng cáo, và thất bại trong việc tạo ra một tiếng vang. Tại Châu Âu, nơi các game thủ quan tâm đến nhiều thể loại game hơn, giới phê bình đã đánh giá Project FireStart với những điểm số rất cao, nhưng một thành công tại thị trường nội địa là hoàn toàn xa vời.
|
Project Firestart (1989) |
Năm 1992, Infogrames phát hành Alone in the Dark, được coi là game tiên phong của thể loại này. Game sử dụng nhiều yếu tố quen thuộc như điều khiển một nhân vật duy nhất chống lại quái vật, thực hiện giải đó và tìm chìa khóa để sang khu vực khác. Về mặt đồ họa, game sử dụng góc nhìn camera tĩnh kết xuất trước mang tính điện ảnh để thể hiện cảnh tự nhiên. Dù có khả năng chống lại quái vật như trong trò chơi hành động, người chơi vẫn có thể lựa chọn trốn tránh, hoặc ngăn chặn chúng. Nhiều loại quái vật không thể bị giết chết, và do đó chỉ có thể xử lí bằng cách sử dụng năng lực cá nhân giải quyết vấn đề. Nhiều yếu tố đã được sử dụng trong các game kinh dị về sau, và Alone in the Dark được coi là "kẻ tiên phong" đem game kinh dị đến với số đông người chơi.
|
Alone in the Dark (1992) |
Năm 1994, Riverhillsoft phát hành game kinh dị 3D đầu tiên, Doctor Hauzer, cho hệ máy 3DO. Lần đầu tiên cả nhân vật trong game và môi trường xung quanh được kết xuất hoàn toàn trong khối đa chiều, trong khi người chơi có thể chuyển đổi góc nhìn theo ba hướng khác nhau: góc nhìn thứ nhất, góc nhìn thứ ba và từ trên không. Khác với những game kinh dị khác trước và sau nó, trong Doctor Hauzer không có nhiều kẻ thù, mối đe dọa lớn nhất là ngôi nhà có khả năng tri giác mà game đặt bối cảnh, giải đố và tránh xa cạm bẫy là chìa khóa giúp nhân vật sống sót. Hiệu quả của âm thanh cũng được sử dụng, bao gồm cả nhạc nền căng thẳng cao độ và thay đổi tùy thuộc vào tình hình, âm thanh lặp đi lặp lại của tiếng bước chân thay đổi tùy thuộc vào bề mặt, sau này được sử dụng hiệu quả hơn trong Resident Evil.
|
Doctor Hauzer (1994) |
Cụm từ "kinh dị sinh tồn" được dùng lần đầu vào năm 1996 bởi Capcom để quảng bá cho sản phẩm của họ: Resident Evil. Trò chơi được lấy cảm hứng từ game Sweet Home năm 1989 và dự định ban đầu đây sẽ là một phiên bản remake. Resident Evil cũng sở hữu một vài tính năng đã thấy ở trong Alone in the Dark bao gồm góc nhìn camera cố định và một vài thử thách giải đố. Kiểm soát và quản lý vật phẩm trở thành một yếu tố chính trong game và nhiều trò chơi sau này cũng học tập theo bằng cách phân phối hạn chế nguồn tài nguyên và vật phẩm. Thành công về mặt thương mại của trò chơi đã giúp Playstation trở thành thiết bị chơi game console nổi trội thời bấy giờ đồng thời dẫn đến sự ra đời của series phim Resident Evil sau này. Học tập theo Resident Evil, nhiều hãng phát triển game sau này cũng cố gắng áp dụng cơ chế gameplay vào trong sản phẩm của mình. Có thể nói Resident Evil đã định hình hoàn chỉnh thể loại kinh dị sinh tồn và giúp cho game kinh dị có chỗ đứng vững chắc của riêng mình.
Clip giới thiệu game Resident Evil 1 (1996) (Hết phần 1)
Nguyễn Hào
Nguồn: GameThu |