Bức tâm thư của một CEO ngành game Việt

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, chia sẻ những điều trăn trở của mình trên blog cá nhân trước thềm năm mới 2013.

Bức thư của ông Minh gửi đến toàn thể nhân viên được chia thành 4 phần, mỗi phần là một câu chuyện riêng xoay quanh những sự kiện và biến cố của VNG trong năm qua. Game Thủ.net xin trích dẫn 2 phần đầu của bức tâm thư với chủ đề về khủng khoảng đóng cửa game và những khó khăn, thách thức khi tiến đánh thị trường game nước ngoài.

Ông Lê Hồng Minh.
Ông Lê Hồng Minh.

Năm 2012 tiếp tục là một năm có rất nhiều sự kiện với VNG, chúng ta liên tục gặp phải các cuộc “khủng hoảng truyền thông”, liên tục ra mắt sản phẩm mới, dự án mới, liên tục thay đổi về cơ cấu và nhân sự, và liên tục “nhức đầu” với các đối thủ mới mạnh mẽ xuất hiện. Chúng ta làm việc quay cuồng và hối hả, chưa kịp vui mừng vì một dự án thành công thì đã phải lo về sự cố hay thất bại ngay sau đó. 

Giữa những bộn bề hàng ngày thì việc có một khoảng thời gian tĩnh lặng để suy ngẫm và rút ra những bài học cho bản thân là điều rất cần thiết. Qua email này, Minh xin chia sẻ 4 câu chuyện làm Minh suy nghĩ nhiều trong năm 2012, với hy vọng sẽ giúp cho người VNG hiểu hơn về những việc chúng ta đã, đang và sẽ làm.

1)    Khủng hoảng Chinh Đồ ngừng hoạt động

Câu chuyện “nóng hổi” nhất và cũng là buồn nhất với VNG trong 2012 là khủng hoảng Chinh Đồ xảy ra vào những ngày cuối cùng của năm. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh và đột ngột, làm cho những người trong cuộc (team Chinh Đồ) cũng bàng hoàng khi phải ngay lập tức ngừng hoạt động trò chơi. Bản đồ “lưỡi bò” xuất hiện đột ngột trong bản update 14/12 (dù rằng không phải là bản đồ chính, nằm sâu trong một giao diện con). Team Chinh Đồ quá tập trung vào việc update phiên bản mới và xử lý lỗi nên đã sơ xuất việc kiểm tra thật kỹ các giao diện. Cuối cùng, chúng ta phải ngừng hoạt động một trò chơi có cộng đồng lớn và trung thành, chịu tổn thất tài chính, và quan trọng hơn là tổn thất uy tín với khách hàng và công chúng.

Qua bài học “Chinh Đồ”, Minh muốn toàn bộ VNG phải hiểu rất rõ rằng bất kỳ lỗi lầm nào của chúng ta sẽ có khả năng trả một cái giá rất lớn. Đơn giản là chúng ta có hàng triệu khách hàng, vận hành những sản phẩm có sức lan tỏa nhanh và lớn, mọi hành động đều diễn ra công khai và không thể che dấu bất kỳ lỗi lầm nào. Điều này sẽ là thách thức lớn nhất của VNG trong quá trình tăng trưởng sắp tới khi càng ngày chúng ta càng có nhiều sản phẩm, nhiều khách hàng, và người của VNG thì chưa kịp trưởng thành (cả về kỹ năng và suy nghĩ) để có thể hiểu rõ và cẩn trọng trong các hành động của mình. VNG chắc chắn sẽ phải tiếp tục “mổ xẻ” và chỉnh sửa lại bản thân từ bài học Chinh Đồ này trong 2013.

2)    Nhận xét của DeNA

Năm 2012, VNG thâm nhập thị trường Nhật Bản và Trung Quốc bằng những sản phẩm của mình làm ra, vừa để “luyện quân” và vừa tìm kiếm cơ hội tại những thị trường game lớn nhất thế giới này. Tại Nhật Bản, chúng ta may mắn có cơ hội làm việc với DeNA (#1 mobile game developer + mobile SNS platform). Từ những bước khởi đầu hào hứng, VNG đã gặp phải rất nhiều khó khăn và thất bại tại Nhật Bản vì yêu cầu và đòi hỏi quá khắt khe của thị trường. Sau hơn 9 tháng “vật vã”, Minh đã hỏi các bạn DeNA điều gì làm cho VNG khó khăn như vậy. Câu trả lời, tương đối bất ngờ, là một sự so sánh giữa VNG (Studios) với các studios khác của DeNA ở những thị trường tương tự chúng ta (Pakistan, Chile) (chứ chưa nói tới so sánh với Nhật/Âu Mỹ). Bảng so sánh dưới đây, tuy mang tính chất chủ quan, so sánh VNG Studios với các studios của DeNA ở 2 nước Chile và Pakistan.
 

Bảng so sánh này và những nhận xét chân tình, thẳng thắn của DeNA làm chúng ta suy nghĩ rất nhiều. Khi so về kỹ năng (Code Quality, Art quality, KPI Analysis), chúng ta có thể hơn các studios ở Chile, Pakistan, nhưng chúng ta thua hoàn toàn họ ở yếu tố “mindset” – (dòng 1-2) và sự tập trung nghiên cứu, học hỏi (dòng 4). Trên thực tế, các project team làm thị trường Nhật cũng rất quyết liệt, cũng cố gắng làm việc điên cuồng nhưng một nhận xét tưởng chừng như bình thường của các bạn Nhật đủ cho chúng ta hiểu tại sao lại có một bảng đánh giá trên “Vietnam team không chịu chơi các sản phẩm đang làm, và hơn nữa là không chơi tất cả các game khác cùng loại thành công để thực sự hiểu sản phẩm và học hỏi từ họ. Vietnam team chỉ thích chơi game theo ý thích và làm game theo cảm hứng”.

Muốn thành công, làm việc nhiều hay rất nhiều cũng chưa đủ, mà chúng ta phải thực sự đào rất sâu những gì mình đang làm. Chịu khó học hay làm những điều tưởng chừng như đơn giản nhất, nhàm chán nhất (ví dụ: nghiên cứu 1 tính năng ở 10 sản phẩm khác nhau để thực sự hiểu điều gì là mấu chốt, điều gì là lý do của tính năng này). Nếu chúng ta tiếp tục làm theo cảm hứng, theo suy nghĩ chủ quan cá nhân, theo những nhận biết hời hợt hay mơ mộng thì khả năng tồn tại và thành công là rất ít. Thị trường Nhật đã “đánh thức” VNG một cách rất thực tế, và hiện tại chúng ta chỉ có thể quyết tâm chứng tỏ khả năng thông qua kết quả cụ thể từ các dự án Nhật Bản trong 2013.

3)    Cuộc chiến Labàn vs. Hao123

Không có nhiều người VNG biết đến sản phẩm này cũng như cuộc chiến giữa www.Laban.vn và vn.Hao123.com. Labàn hay Hao123 là một trang chủ của trình duyệt máy tính (homepage), có box tìm kiếm và thư mục các trang web thường truy cập. Hao123 là một sản phẩm rất phổ biến ở TQ với hàng trăm triệu người dùng (được 1 cá nhân làm ra năm 2002 và Baidu mua lại ít năm sau đó). Đây là một sản phẩm nhìn rất đơn giản – không có bất kỳ công nghệ gì ghê gớm, một cá nhân có kinh nghiệm lập trình web hoàn toàn làm được trong thời gian rất ngắn. VNG đã làm sản phẩm này từ 2 năm trước với tên gọi Zing home nhưng cứ tà tà ở khoảng 500-700K visits/ngày, không có gì nổi bật. VNG đã nghĩ rằng đây là một sản phẩm không quá quan trọng, và có lẽ người dùng Internet ở Việt Nam không có thói quen sử dụng homepage như TQ.

Tháng 4/2012, Baidu ra mắt sản phẩm hao123.vn sau đó đổi lại là vn.hao123.com). Dù bị “ném đá” toàn diện trên báo chí và cộng đồng, Hao123 tăng trưởng đột phá từ khoảng 70K visits/ngày (tháng 4/2012) lên đến 2M visits/ngày (tháng 8/2012) (30x trong 4 tháng). Khi nhìn thấy sự tăng trưởng “không hiểu nổi” này, VNG vô cùng sốc và mọi suy nghĩ trước đây đều phải dẹp bỏ (e.g. sản phẩm không quan trọng, không có người dùng ở VN vv…). 2 câu hỏi đặt ra (1) điều gì sẽ diễn ra nếu Hao123 tiếp tục tăng trưởng và (2) tại sao họ lại có thể làm một sản phẩm rất đơn giản tăng trưởng với tốc độ không tưởng.

Câu trả lời của (1) đến khá nhanh – homepage sẽ trở thành một trong những nguồn hướng traffic/users lớn nhất nếu đạt đến một độ lớn nhất định. Quan trọng hơn, vì homepage là trang đầu tiên mà những người dùng Internet thông thường sẽ tiếp cận mỗi khi sử dụng Internet, homepage sẽ thu thập được mọi thông tin và định hướng được thói quen sử dụng Internet của users. Nếu hao123 tiếp tục tăng trưởng và đạt đến tỷ lệ là homepage cho 50% số máy tính ở Việt Nam (Hao123 từng đạt 75% số máy tính ở Trung Quốc) thì VNG và toàn bộ các trang web Việt Nam sẽ mất kiểm soát một “đầu vào” vô cùng quan trọng.

Vì vậy, G2 tập trung ngay một số nguồn lực tốt nhất để Zing home quyết đấu với Hao123, đổi tên sản phẩm thành Labàn (laban.vn), chiêu mộ ngay một BD Manager có kinh nghiệm trận mạc, và nhiều key people của G2 tập trung cho Labàn một cách quyết liệt. Khi chúng ta nghiên cứu cho câu hỏi (2) thì mới thấy một sản phẩm tưởng chừng rất đơn giản lại có rất nhiều điều “phức tạp” và vô số cách thức vận hành/phân phối sản phẩm mà trước giờ chúng ta hoàn toàn không biết. Team Labàn tập trung từ tháng 8/2012, đến cuối tháng 9 đưa ra sản phẩm và áp dụng ngay những điều mới học được từ đối thủ. Cục diện thay đổi rất nhanh từ tháng 9 đến tháng 11/2012 như biểu đồ minh họa. Tuy tạm thời Labàn.vn đã vượt lên Hao123, nhưng chúng ta hiểu rằng khoảng cách này sẽ rất mong manh. Team Labàn đang đặt ra một KPI rất thách thức cho 2013 (5M visits/ngày), và mọi sự thành công của Labàn trong 2013 sẽ đến từ việc làm tốt nhất những điều tưởng chừng như đơn giản nhất, hiểu sâu nhất về sản phẩm của mình, và thuyết phục từng user về giá trị của sản phẩm.   
 

 4)    Zalo và lựa chọn của VNG

Zalo nổi tiếng hơn Labàn, nhưng vất vả hơn rất nhiều. Từ giữa 2011, VNG đã cảm nhận được “sức nóng” của thị trường Mobile Communication và quyết định sẽ phải đầu tư vào thị trường này trước khi quá muộn. Chúng ta lúc đó đứng trước 2 lựa chọn (1) sẽ hợp tác với đối tác Tencent để phát hành sản phẩm ở thị trường VN (tương tự như Zing chat) hay (2) tự nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Lựa chọn (1) sẽ dễ dàng cho VNG trong ngắn hạn vì sản phẩm WeChat rất tốt và thành công rất lớn ở TQ, nếu kết hợp với khả năng vận hành, quảng bá của VNG thì cơ hội “chiếm lĩnh thị trường” là rất cao. Nhưng (1) lại chứa đựng nhiều rủi ro dài hạn về hình ảnh/thương hiệu và khả năng kiểm soát hoàn toàn được nền tảng communication trên mobile. Lựa chọn (2) sẽ khó khăn hơn trong ngắn hạn do phải làm một sản phẩm rất khó, cạnh tranh trực tiếp với nhiều đối thủ lớn nhưng về dài hạn sẽ tốt hơn cho VNG. Dĩ nhiên, vì chúng ta là VNG (luôn thích “khó” thích “khổ”), chúng ta chọn phương án (2).

Tháng 12/2011, team Zalo hình thành và VNG ước tính sẽ mất khoảng 6 tháng để ra mắt sản phẩm. Cả team Zalo làm việc “điên cuồng” từ những ngày đầu tiên và hình ảnh thường gặp của team Zalo trong suốt 2012 là cặm cụi làm việc tới đêm khuya, và …ngủ “vật vạ” trong một góc của văn phòng. Tháng 4/2012, Tencent chính thức giới thiệu WeChat phiên bản quốc tế (có giao diện tiếng Việt), đầu tư đáng kể vào marketing/quảng bá sản phẩm tại Việt Nam. WeChat tăng trưởng nhanh chóng trong suốt 2-3 tháng sau đó đạt gần 1 triệu users (chỉ trên iOS & Android), một con số vô cùng lớn với mobile.

Zalo ra mắt phiên bản thử nghiệm vào tháng 8/2012, nhân dịp kỷ niệm Zing 5 tuổi, nhưng ngay sau đó, chúng ta nhận ra nhiều điều tưởng chừng như điểm mạnh của Zalo/Zing lại trở thành những cản trở và giới hạn (ví dụ: dùng Zing ID để đăng nhập, sử dụng chung nền tảng chat của Zing me). Team Zalo phải thay đổi rất nhiều để đến cuối tháng 11/2012 mới hoàn thiện phiên bản chính thức trên 3 nền tảng iOS, Android và Nokia S40. Chúng ta chậm hơn dự kiến 6 tháng, và chậm hơn đối thủ 8 tháng. Trong khoảng thời gian này, thị trường Mobile Communication trở nên nóng bỏng hơn với sự tham gia của Line (#1 Japan), KakaoTalk (#1 Korea) và Facebook messenger. Nếu tính cả Viber, Whatsapp và Yahoo Messenger thì có tới 8 “đại gia” đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc chơi mobile communication. Hiện tại, dù kết quả ban đầu có chút khích lệ (xem bảng xếp hạng dưới đây), Zalo đang bị đặt trong một tình thế vô cùng “mong manh” khi tất cả các đối thủ mạnh nhất, giỏi nhất và “giàu” nhất đang dồn sức cho cuộc chiến “winner-take-all”. VNG chỉ có năm 2013 để đánh trận “Zalo”, và Zalo/G2/VNG sẽ phải cố gắng tập trung toàn lực để dành lấy một cơ hội thành công, dù không cao.

Lời kết

Hy vọng với từng câu chuyện trên đây, mỗi người chúng ta sẽ có những suy nghĩ và trải nghiệm của bản thân mình trong những thời khắc bận rộn cuối năm. 2013 sẽ còn khó khăn nhiều hơn so với 2012, với những áp lực từ môi trường kinh tế, từ đối thủ cạnh tranh và những khó khăn về rào cản pháp lý mà chúng ta đang vẫn còn loay hoay, cùng với những thách thức nội tại của 5 mảng kinh doanh (G1, G2, G3, G6, G8) và 2,000 nhân sự. Chúc cho toàn bộ thành viên VNG và gia đình có một năm mới 2013 mạnh khỏe hơn, trưởng thành hơn và hạnh phúc hơn – mong sao cho tất cả chúng ta luôn “chân cứng đá mềm”, cùng đồng lòng đón nhận và vượt qua mọi thách thức, để chuẩn bị cho một tuổi lên 10 đột phá hoàn thành mục tiêu 1441.

Trân trọng,

(26/12/2012)

MinhLH

Bạn thích:
     

Thảo luận