Game online là sản phẩm của ngành giải trí với mục đích tốt đẹp. Sau nhiều năm, nó đã bị biến tướng bởi bàn tay nhào nặn của nhiều yếu tố: NPH, NSX và cả bản thân game thủ. Dần dà, trò chơi trực tuyến phải mang trên mình những tư tưởng, định kiến không mấy tích cực của xã hội.
Game online là vô bổ
Nhắc đến game online, không ít người trong xã hội sẽ cho đó là một trò vô bổ, mang tính bạo lực, thường kéo theo những hệ lụy như bỏ học, bỏ nhà, thậm chí là phạm pháp... Điều này là chưa chính xác. Đôi khi, một trò chơi không chỉ đơn giản là một trò chơi, nó là kết quả lao động của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bộ óc với những tính toán và ý đồ khoa học.
Trên thực tế, game online mang lại cho người chơi nhiều bài học bổ ích mà không phải ai cũng biết cách lĩnh hội, ví như khả năng phân tích và xử lý vấn đề thông qua các chiến thuật chơi game. Để giành chiến thắng, người chơi phải vận dụng chất xám để tư duy chiến thuật, ra skill như thế nào, vượt map ra sao... Nhờ những phân tích này mà game thủ dần luyện được cách tư duy logic, nhạy bén, có chiến lược.
|
Game online không vô bổ như nhiều người nghĩ. Ảnh minh họa: Polygongiant. |
Bên cạnh đó, game thủ cũng sẽ học được những bài học khác như cách lãnh đạo một tập thể thông qua các vị trí bang chủ trong game; cách đối nhân xử thế... Game thủ Vodanh, năm nay 20 tuổi, hiện chơi game Hạo Thiên, chia sẻ: "Sau hơn 4 tháng ở ngôi vương, em đã học được cách sống có trách nhiệm, cụ thể là với thần dân Quốc gia, biết cách đoàn kết anh em trong nước, điều hòa các mối quan hệ, cách đối nhân xử thế sao cho hợp lòng anh em mà vẫn giữ bảo đảm được lợi ích chung. Làm Quốc vương vất vả nhưng vui, là vua ảo nhưng lại không ảo tí nào".
Học dốt vì game online
Chơi game là không có thời gian học, không có thời gian học thì ắt hẳn kết quả học tập sẽ "xuống dốc không phanh". Với nhiều người, điều này trở thành chân lý. Song, bản thân game online không phải yếu tố khiến game thủ học kém mà nguyên nhân chính lại nằm ở bản thân game thủ.
|
Chơi game giỏi không đồng nghĩa với kết quả học tập kém. |
Thực tế chứng minh, có không ít game thủ tài năng mà vẫn là học sinh giỏi, xuất sắc. Như trường hợp của Nguyễn Võ Phi Tòng - người từng đạt top cao thủ game Hoàng Đế - hiện là một học sinh giỏi của trường chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận). Hay như trường hợp của Nguyễn Kim Phượng, cựu học sinh trường chuyên Thăng Long, là người đầu tiên trong cả nước đạt 30 điểm ở kỳ thi ĐH năm 2012 vừa qua. Phượng cho biết, cô rất thích chơi game, ngày nào cũng dành thời gian để giải trí với "món" này.
Mê game online nên cô đơn
Nhiều người cho rằng, việc suốt ngày cắm mặt vào game khiến cho các game thủ sẽ luôn trong tình trạng Forever Alone (gọi tắt là FA) bởi họ không có thời gian hẹn hò hoặc chăm sóc bạn gái, vụng về trong giao tiếp... Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề của một bộ phận game thủ không biết khai thác cộng đồng game mình đang chơi.
|
Một cặp đôi ảo nên duyên vợ chồng. |
Có thể thấy, từ nhiều năm nay, nhiều nam game thủ đã có mối tình "đẹp như mơ" với những cô nàng có cùng sở thích. Hàng loạt cặp đôi ảo tình thực tiêu biểu có thể kể tên như Hùng - Yến (Chân Long Giáng Thế), Tài - Như (Chinh Đồ), Việt Còi - Ajite (Shaiya), Uyên - Tùng (VLTK II)...
Hơn thế, cộng đồng game thủ còn giúp nảy sinh các mối quan hệ như tình bạn, tình anh em, tình đồng chí... giúp nhau trong cuộc sống hàng ngày, biến game từ thế giới ảo thành thế giới thực.
Báo chí đã tốn không ít giấy mực để bàn luận về chủ đề "chơi game online được gì và mất gì?". Mỗi khi vấn đề này được đưa ra bàn thảo, người ta lại được nghe hàng tá nhận định trái chiều, người nâng kẻ dìm. Nói đi nói lại, bản thân game online chỉ đơn thuần là sản phẩm giải trí, nó không tự gây ra tội, quan trọng là chúng ta sử dụng nó như thế nào.
"Không có game online xấu, chỉ có game thủ xấu", không ít game thủ chân chính đã tuyên bố như vậy. Người chơi khôn ngoan là người biết sử dụng game làm công cụ giải trí phục vụ mình, có chừng mực, biết phân biệt thế giới ảo và thực. Nếu đã gọi là "nghiện" thì nghiện cái gì cũng là xấu, không cứ là game.
"Có thể ví chơi game giống như một trận chiến tinh thần. Nếu người chơi làm chủ thế trận thì sẽ thắng, còn nếu thế trận nghiêng về trò chơi, game sẽ over. Hãy chọn một trò chơi mà trong đó bạn là chủ thế trận, có thể làm chủ tinh thần mình trong trò chơi đó", một game thủ kỳ cựu ví von.
Hoàng Quân
Nguồn: GameThu |