Cộng đồng game thủ háo hức với vấn đề nghĩa vụ quân sự

So với bạn bè cùng trang lứa, đây là những người thường tự cho mình có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về cuộc sống chiến đấu thực tế hơn mọi người.

Theo Thông tư liên tịch số 13 mới được Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT ban hành, từ ngày 7/3, nếu công dân cùng nhận giấy báo nhập học và lệnh gọi nhập ngũ, dù thời hạn nhập học quy định có mặt trước thời gian nhập ngũ, vẫn phải thực hiện lệnh gọi nhập ngũ. Kết quả thi đại học, cao đẳng được bảo lưu.

Ngay lập tức, những câu chuyện xung quanh vần đề sửa đổi luật mới này đã thu hút cộng đồng game thủ, những người sẽ đóng góp một phần lớn nhân sự vào lực lượng tham gia nhập ngũ mới trong thời gian tới.

Càng ngày sẽ có nhiều thanh niên đi nghĩa vụ quân sự là game thủ.
Càng ngày sẽ có nhiều thanh niên đi nghĩa vụ quân sự là game thủ.

Trên thực tế, từ lâu nay game thủ là những người đã sớm được tiếp xúc với các thông tin liên quan tới lĩnh vực quân sự như súng ống, trang thiết bị, chiếc lược hành quân, chiến trường.. thậm chí cả sự hi sinh so với những bạn bè cùng trang lứa. Các yếu tố đó phần nào dấy lên trong lòng người chơi sự háo hức với việc tham gia nghĩa vụ quân sự, được sờ tận tay những khẩu súng chỉ được cầm "ảo" trong game. Tuy nhiên, đây cũng là những người sớm được hiểu thế nào là sự khốc liệt tàn ác của chiến tranh cũng như sự khó nhọc vất vả của thao trường và những cuộc hành quân dưới mọi thời tiết.

Bàn về chuyện thay đổi quy định mới về việc tham gia nghĩa vụ quân sự nói riêng cũng như chuyện đi nghĩa vụ nói chung, các game thủ cũng tỏ ra lo lắng vì nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên, vấn đề sức khỏe được nhiều game thủ vô cùng sốt sắng. Đơn giản một lẽ, game thủ là người thường xuyên ngồi trước PC hay màn hình TV nhiều giờ, ít vận động, ăn uống không hợp lý nên những "câu chuyện trên thao trường" được lớp đàn anh đi trước kể lại khiến không ít người hốt hoảng. Tiếp đó là các vấn đề quân trang quân dụng, cuộc sống cô đơn, chuyện tình cảm, quan điểm nhìn nhận của xã hội...

Game thủ hay bị coi là thành phần những người "mắt cận, đầu to, thể lực yếu".
Game thủ hay bị coi là thành phần những người "mắt cận, đầu to, thể lực yếu".

"Biết nấu cơm, nấu cháo, nấu mì, luộc rau, luộc trứng, biết giặt đồ quét nhà... chắc sau này có bị gọi thì xin vào cục hậu cần thôi", một game thủ còn đang đi học suy nghĩ về tương lai xa.

"Dân thành phố cũng tùy người chứ có phải ai cũng ốm yếu đâu. Đám bạn mình từ năm cấp 3 mỗi tuần đều đặn ba buổi chạy bộ 10km đều như vắt chanh, có 2 đứa tốt nghiệp trường quân sự rồi, chả thấy kêu ca gì về chuyện thể lực hết", một game thủ lại phản bác ý kiến của thành viên khác về vấn đề thể lực yếu.

"Thằng cu em đi lính nghĩa vụ tăng thiết giáp được giao lái T-54. Về đến nhà cứ thề sống thề chết là Việt Nam không có xe tăng T-64. Hay đứa khác học sỹ quan lục quân không phân biệt nổi súng RPD với RPK", có người lại kể chuyện vui về kiến thức quân sự của một "gà mờ".

"Mình nghĩ căn bản mọi người ngại đi nghĩa vụ do ấn tượng về chuyện nhập ngũ ở nước mình đôi khi vẫn còn bị nhìn nhận xấu lắm. Giờ trong họ có đứa cháu nào nói nhập ngũ là cô dì chú bác nghĩ ngay 'À, cái thằng này vô công rồi nghề không học hành được gì nên mới phải vào bộ đội đây'", một thành viên khác nói.

Đặc biệt, thành viên có nickname Nihs lại lo xa hơn khi đi nghĩa vụ xong, cơ hội tìm bạn gái sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

"Lũ con trai ra trường nhưng lại phải đi lính, tới lúc đi học năm nhất thì con gái bằng tuổi đã được gần hết năm 2 rồi. Sau này họ cũng đi làm trước mình, dễ thành công hơn. Gái đẹp mà giỏi nữa thì lại càng dễ thành công. Ai mà có bạn gái ở cấp 3 mà đi lính thì khi về chắc gì đã có người đợi chờ", Nihs chia sẻ.

Hình ảnh việc "đi bộ đội" trong tâm trí của một số người chơi.
Hình ảnh việc "đi bộ đội" trong tâm trí của một số người chơi.

Lo lắng, băn khoăn, thắc mắc, phân vân... là những trạng thái tình cảm, tư tưởng khó tránh khỏi của một số game thủ trước việc mình sẽ phải đi nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, rất nhiều thành viên đã sớm có tư tưởng chín chắn và lạc quan về vấn đề này.

"Mình vừa đi bộ đội về đây, cần chút thông tin gì cứ hỏi nhé. Thanh niên đi bộ đội bây giờ tốt chứ không như suy nghĩ của một số người đâu", thành viên mr.gau205 xuất hiện đúng lúc để giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm cho các đàn em.

"Đi thì đi chứ có gì đâu mà sợ. Vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm mà", thành viên rcv120 nói.

Nhìn chung, nhiều game thủ đã ý thức được đây là vấn đề quan trọng và quan niệm "đất nước cần thì mình phải đi thôi" cũng nhận được sự ủng hộ của khá nhiều người.

Với nhiều người chơi, việc đi nghĩa vụ đôi khi còn được so sánh giống việc được trải nghiệm Battlefield hay Call of Duty ngoài thực tế, được lăn lê bò toài trên thao trường, được mân mê lau súng, được học lái xe tăng, được nghiên cứu chiến thuật quân sự...

"Thật ra mình cũng muốn đi nghĩa vụ quân sự xem sao nhưng ở nhà ai cũng bảo là điên, không thích kiếm việc làm rồi ăn chơi ở nhà mà lại thích lao đầu đi vào cái đấy. Trước mình đã được đi tập quân sự thấy cũng ghê lắm, đi được 3 tuần thì bắt đầu thấy thích thế mà hết tuần thứ 4 đã phải về rồi", thành viên nghia9a nói.

Trong môi trường quân sự hiện đại ngày nay, kỹ năng đặc biệt của các game thủ đang ngày càng được coi trọng.
Trong môi trường quân sự hiện đại ngày nay, kỹ năng đặc biệt của các game thủ đang ngày càng được coi trọng.

Tại các nước có nền công nghiệp game phát triển mạnh, nghĩa vụ quân sự đôi khi cũng là nỗi lo lớn đối với các game thủ chuyên nghiệp bởi nó sẽ làm gián đoạn con đường sự nghiệp riêng vừa mới bắt đầu đầy huy hoàng. "Rất may", số lượng game thủ chuyên nghiệp thường xuyên thi đấu quốc tế ở Việt Nam không nhiều, đồng thời ý thức và trách nhiệm của người chơi về bổn phận và nghĩa vụ với tổ quốc không hề nhỏ nên những câu chuyện tréo ngoe về nghĩa vụ quân sự và chuyện thi đấu game quốc tế chưa xảy ra.

Năm 2005, chính phủ Singapore đã lần đầu tiên cho phép một game thủ hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự 2 tháng để có thể tham dự Giải thi đấu game thế giới WCG. Người phát ngôn của chính quyền lúc đó đã nói rằng đây là một động thái "ủng hộ dành cho thể thao, văn hóa và nghệ thuật". Từ đó tới nay, Bộ quốc phòng nước này cũng đã xem xét việc hoãn quân dịch đối với người chơi game đại diện cho quốc gia đi dự các giải đấu mang tầm cỡ quốc tế.

Có được điều đó một phần là do Singapore là nơi có tỉ lệ phát triển Internet cao nhất thế giới. Đất nước này muốn thúc đẩy nền công nghiệp game giải trí trở thành một mũi nhọn trong nền kinh tế của đảo quốc sư tử.

Còn với Hàn Quốc, các game thủ chuyên nghiệp lại rất được trọng dụng trong quân ngũ, đặc biệt là lực lượng không quân. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực cho kế hoạch phát triển các môi trường chiến đấu giả lập ngày càng trở nên cần thiết và trong đội ngũ các binh sĩ mới, chắc chắn những game thủ có kinh nghiệm là người thích hợp nhất để có thể nhanh chóng làm quen với hệ thống mới.

Bảo Nam


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận