Game thủ: Những kẻ hèn nhát trước sự thay đổi

Luôn muốn nhận được điều mới mẻ, khác biệt nhưng lại rụt rè sợ hãi và thẳng tay "ném đá" những người tiên phong.

Lịch sử ngành game đã kéo dài hàng chục năm, từ thời những chiếc console đầu tiên xuất hiện hay khi chiếc PC đầu tiên được lập trình game. Tới nay, công nghệ và khoa học đã tạo nên những điều đổi mới không tưởng trong ngành công nghiệp trò chơi, chỉ có một điều là cộng đồng game thủ, những người tham gia trải nghiệm các thành quả của nó lại gần như không có quá nhiều thay đổi. Một trong những thói quen và tính cách vẫn được giữ nguyên và truyền lại cho đời sau bằng một cách nào đó không ai biết, đó là phần lớn game thủ luôn lo sợ những sự thay đổi.

Sự thay đổi trong ngành công nghiệp game được biểu hiện qua nhiều cách khác nhau nhưng phần lớn đều sớm bộc lộ qua những cuộc tranh luận và sớm trở thành cãi vã. Một công ty lớn thâu tóm hãng game nhỏ hơn, nhiều người chơi cho rằng thương hiệu cũ sẽ biến mất trong tay nhà đầu tư mới. Sony tung ra PS4, nhiều ý kiến lại cho rằng PS3 vẫn tốt hơn và console mới vừa đắt vừa có những tính năng "trời ơi đất hỡi". Một hãng phát hành đưa ra mô hình kinh doanh đặc biệt như P2P hay F2P vài năm trước đây, người dùng lại sợ quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, sợ phải bỏ tiền ra nhiều hơn, sợ những người muốn chơi chùa đe dọa cấp bậc. Resident Evil 6, DmC: Devil May Cry và sắp tới là Tomb Raider là những sản phẩm chấp nhận tạo ra sự khác biệt và cũng sớm nhận được phản hồi không tích cực từ phía những game thủ trung thành muốn hình tượng các anh hùng trong series game yêu thích của mình bất biến qua thời gian.

Dante, nạn nhân điển hình của xu hướng thay đổi phong cách.
Dante, nạn nhân điển hình của xu hướng thay đổi phong cách nhân vật quen thuộc.

Còn ở Việt Nam, "tập tính" này cũng không hề bị che khuất khi các sản phẩm game thế hệ mới tràn về (Cửu Âm Chân Kinh, Võ Lâm Truyền Kỳ 3...), một bộ phận không nhỏ cộng đồng vẫn tin tưởng rằng sản phẩm mới sẽ thất bại bởi đồ họa mới, gameplay mới, cách chơi mới khác với truyền thống 2,5D và phong cách "cày cuốc" lâu nay.

Hãng phát triển Emobi Games làm game offline, cộng đồng game thủ Việt vừa ủng hộ, vừa lo lắng cho số phận của sản phẩm chưa ra mắt. Khi 2112 xuất hiện với lối chơi đậm tính chiến thuật, người chơi lại tiếp tục lo lắng về con đường mới mà hãng game thuần Việt này lựa chọn.

Dường như chưa bao giờ, cộng đồng game thủ Việt tỏ ra lạc quan và tin tưởng vào một điều gì đó mới mẻ, dù nó đã được chứng minh thành công và rất phát triển ở nước ngoài. Điều đó một phần nào ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định kinh doanh của các nhà phát hành game trong nước trong việc lựa chọn sản phẩm.

Công nghệ chơi game đám mây, thu phí game theo tháng, một số trò chơi "phức tạp" như Atlantica, GunZ, Cabal... vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để du nhập vào trong nước trước những tư tưởng như "AOE hấp dẫn hơn game MOBA", "Half-Life hay hơn Call of Duty hay Battlefield 3", "game thủ Việt chỉ thích mấy trò 2,5D", "game không cày cuốc vào VN sẽ ngoẻo hết"... Các "anh hùng bàn phím" vẫn có thể liên hồi "chém gió" về các trò chơi chưa từng được sờ thử tới vỏ ngoài bìa đĩa.

Bao giờ những fan trung thành của Võ Lâm Truyền Kỳ mở lòng ra với các dòng game mới?
Bao giờ những fan trung thành của Võ Lâm Truyền Kỳ mới mở lòng ra với các dòng game mới?

Chuyện thay đổi về công nghệ, mô hình kinh doanh hay biến đổi nội dung các dòng game truyền thống là điều hoàn toàn cần thiết cho ngành công nghiệp này, nơi đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Mọi trò chơi đều cần tới sự đổi mới và những thứ vượt trội, tiên tiến hơn sẽ đào thải, thay thế những kẻ chậm tiến.

Tuy nhiên, các nhà phát triển lẫn phát hành đang bị mắc kẹt giữa hai luồng tư tưởng khi cố gắng đứng bên bờ vực của sự thay đổi và phía bên kia là "vách núi" quan niệm bảo thủ của cộng đồng người chơi, đặc biệt là những fan trung thành sẵn sàng tạo ra và kích động làn sóng đấu tranh hay phản đối mạnh mẽ. Nói cách khác, sự thay đổi đã trở thành một nguy cơ với những rủi ro khá cao đi kèm, điều khiến cho các nhà phát hành rụt rè hơn trong chuyện đầu tư.

Rất nhiều hãng phát triển, phát hành game lớn đã phải ra sức tuyên truyền với mong muốn cộng đồng hãy trở nên khoan dung và mở lòng với những sáng tạo mới, thử nghiệm trước khi buông ra những phát ngôn nặng nề. Tuy nhiên, không có nhiều sự thay đổi xảy ra đúng như mong đợi.

Phương Nam


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận