Một trong những chiêu quảng cáo ấn tượng nhất năm 2012 vừa qua là màn phát game miễn phí của nhà phát hành Mass Effect 3. Tuy nhiên, không chỉ đơn giản là chọn lựa người chơi may mắn, hãng đã quyết định buộc đĩa game của mình vào những quả bóng bay gắn thiết bị GPS rồi thả chúng lên trời. Người chơi có thể theo dõi vị trí của chúng trên trang web riêng và đuổi theo đến địa điểm hạ cánh để nhận lấy món quá bất ngờ của mình. Nếu may mắn, game thủ còn có thể được chơi game trước hôm phát hành chính thức một hai ngày. Đây được coi là sáng kiến độc đáo, vừa mang tính mới lạ vừa đề cao trò chơi có bối cảnh không gian vũ trụ của BioWare.
|
Chiến dịch quảng bá độc đáo của Mass Effect 3 thu hút sự chú ý của cộng đồng game thủ thế giới. |
Còn với Resident Evil 6, trước thời điểm ra mắt và công bố thông tin, hàng trăm logo biểu tượng và dòng chữ "No hope left" đã được phun lên các bức tường, công viên, quảng trường... tại khắp những thành phố lớn trên thế giới. Tất nhiên, thông tin mật đã được rò rỉ giúp fan hâm mộ nhanh chóng kết nối các sự kiện lại với nhau để có thể cùng "hồi hộp và hi vọng".
Bên cạnh đó, với một sản phẩm game đậm chất kinh dị và không thiếu máu me, Capcom cũng chẳng ngại ngần khi tung ra các tảng thịt được làm theo hình người ở thành phố London, Anh. Điều này khiến nhiều người bình thường cảm thấy ghê rợn nhưng với các game thủ trung thành của thể loại game này, đây là một sự khiêu khích mang tính kích thích tột cùng.
|
|
Chiêu "độc" của Capcom. |
Riêng với sản phẩm game hoàn toàn mới, hãng phát triển lạ trên thị trường, ấn tượng ban đầu không những phải đẹp mà còn không thể thiếu đi sự bí ẩn. Đơn cử như Phantom Pain, trò chơi trên danh nghĩa thuộc về hãng phát triển Moby Dick, một cái tên chưa bao giờ xuất hiện trước đó. Mặc dù không rõ ai là đại gia đứng sau, bởi một studio nhỏ khó có thể tạo ra sản phẩm sắc nét và chất lượng như trailer quảng cáo khiến cho cộng đồng game thủ cũng như trang game, chuyên gia trong ngành háo hức với các thông tin mới từ trò chơi này. Lúc thì vị giám đốc hãng xuất hiện trong bộ dạng băng kín đầu như nhân vật chính, khi thì tên họ của ông lại là sự sắp xếp đảo lộn của nhà thiết kế nổi danh Hideo Kojima. Dù có thật sự hai sản phẩm Phantom Pain và Metal Gear Solid: Ground Zeroes có phải là một hay không, hai cái tên này cũng đã dựa vào nhau mà nổi tiếng.
Một chiêu trò quảng bá khác cũng hay được các nhà phát triển game tận dụng là tặng cho người chơi những món đồ độc như tượng sáp, vũ khí, áo giáp thu nhỏ... điển hình là các hãng nổi danh như Blizzard, Sony hay Capcom. Không quá đắt về mặt giá trị nhưng thiết kế độc đáo, số lượng giới hạn, khả năng đa dụng.. đã khiến cho những người chơi sở hữu có thể tự hào, sung sướng khoe mẽ chúng với bạn bè hay đưa lên mạng internet.
Còn với game thủ Việt, từ khi thị trường game online mới phát triển, bấy lâu nay người chơi dường như đã quen dần với những chiếc móc chìa khóa, áo phông, mũ lưỡi trai, tranh ảnh dán tường, ba lô cặp sách, USB... được xếp thành từng chồng ở cửa vào mỗi sự kiện game lớn. Món quà trực tuyến sẽ mãi xướng tên của "Gift code thần thánh".
|
|
Cái mà các NPH trong nước thiếu không phải tiền, mà là sự dũng cảm. |
Yếu tố cuối cùng được sử dụng, phổ biến nhưng cũng không hề rập khuôn nhàm chán mà các nhà phát triển, phát hành game quốc tế không bao giờ bỏ lỡ là các đoạn trailer, video quảng cáo. Tuy nhiên, nếu ở Việt Nam, nhìn vào trailer quảng cáo game thủ chỉ thấy lúc thì toàn gameplay, khi thì clip hở ngực, tuột khăn tắm, lâu lâu lại có video cổ trang nửa vời, còn phần lớn toàn bộ là video đồ họa 3D chèn phụ đề từ đầu tới cuối thì với các hãng game nước ngoài, điều này không bao giờ được chấp nhận.
Một khi đã là video đồ họa dàn dựng, đó phải là một cốt truyện hấp dẫn xoay quanh nhân vật chính, một phần tái hiện cách chơi, một phần tô điểm tính cách nhân vật chính (đại diện là Blizzard, Ubisoft, Valve...); nếu đã chọn lựa phong cách trailer người đóng, diễn xuất cũng như nội dung kịch bản được tính toán và thực hiện chi li, cẩn thận và không thể thiếu khâu hậu kỳ cẩn thận (Sony với God of War, Microsoft với Halo...). Trong trường hợp không thể thực hiện được 2 điều trên, các trailer giới thiệu của những hãng game sẽ hướng tới yếu tố cuối cùng để ghi điểm, đó chính là tính nhân văn sâu sắc. Tình yêu, gia đình, tình đồng loại, sự khốc liệt của chiến tranh... rất nhiều đề tài và ý tưởng đã được vận dụng và truyền cảm hứng tới người xem một cách thành công và ấn tượng (Dead Island, Binary Domain...).
Ngành công nghiệp giải trí, cụ thể là game thế giới chưa bao giờ hết bất ngờ với những chiêu quảng bá, giới thiệu game mà các nhà phát hành, phát triển từ khắp nơi mang tới. Những scandal liên quan tới tình dục, kỳ thị, bạo lực, quấy rối... luôn được để ý giải quyết một cách dứt điểm, gọn gàng ngay từ khi vấn đề mới phát sinh, khiến tất cả mọi người từ "nạn nhân" tới cộng đồng hả hê, thỏa mãn và khâm phục.
Còn với game thủ Việt, bây giờ và sau này, người chơi sẽ tiếp tục được mời mọc bằng những CLGT, DCM, phồng tôm, rồng lộn... những thứ "không hề dung tục" nhưng cũng chẳng đủ sạch sẽ để mọi người có thể giao tiếp hằng ngày.
|
|
Hai trong số nhiều clip quảng cáo game bị "ném đá" dữ dội thời gian qua. |
Nhìn lại thị trường game trong nước với gần 99,9% là các nhà phát hành từ lâu năm cho tới mới xuất hiện, trong khi số lượng đầu game ra ngày càng nhiều thì việc tạo nên một chiến dịch quảng bá game mới lạ, độc đáo và hiệu quả lại tỷ lệ nghịch với chúng. Nếu so sánh tỷ lệ số tiền phải chi cho truyền thông, quảng cáo trên chi phí mua game, con số này không hề thấp so với các dự án triệu USD của các công ty nước ngoài. Nhiều dự án game tại Việt Nam được đầu tư hàng trăm triệu đồng hoặc nhiều hơn nữa để phục vụ truyền thông nhưng giống như câu chuyện ngụ ngôn về "những con khỉ và trái chuối", các hãng phát hành mới vẫn cần mẫn đi theo lối mòn của cosplay, teaser mập mờ, hotgirl, đặt banner, treo băng rôn tại quán internet, thi ảnh, chế tranh... Trong số này, yếu tố sex, tình dục... "ngẫu nhiên" được hầu hết các NPH lưu tâm để ý.
"Việt Nam muôn đời cũng chỉ có thế, bao giờ cũng chỉ dùng sex để câu hàng. Từ phim tới truyện. Giờ là game. Thực sự không hiểu ngành công nghiệp giải trí nước nhà bị cái giống gì mà lại để yếu tố tình dục thao túng từ A-Z vậy nhỉ?", game thủ huavancuong098 nói.
|
"Bưởi", "Dưa"... ăn bao nhiêu năm chưa chán? |
Một số ý kiến cho rằng các trò chơi được phát hành trong nước quá "lởm", tới mức mà các NPH cũng chẳng buồn suy nghĩ, sáng tạo để thu hút người chơi. Số khác lại cho rằng lĩnh vực quảng bá, PR và truyền thông tại Việt Nam thiếu những cái đầu biết sáng tạo, thiếu những con người bản lĩnh dám đi đầu. Dù là nguyên nhân nào đi nữa, trong thời điểm hiện tại và có thể cả tương lai, người chơi Việt nhiều khả năng vẫn phải nhìn ra các sản phẩm bên ngoài mà thèm muốn, ước ao.
>>> Thảo luận về sự biến thái của game Việt
Bảo Nam
Nguồn: GameThu |