Trên phương tiện thông tin đại chúng gần đây đang dấy lên dư luận về các vấn đề vi phạm bản quyền của nhiều hàng sản xuất và phát hành game mobile Việt. Theo phản ánh từ thành viên trên một diễn đàn công nghệ lớn ở VN, người này đã nhận được phản hồi về việc nhà sản xuất game mobile nước ngoài khá nổi tiếng là Kingdom Rush đang phải đau đầu đối phó với nạn xâm phạm bản quyền của cả 2 quốc gia Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, đại diện hãng game Kingdom Rush đặc biệt nhấn mạnh về sự nghiêm trọng của tình trạng này tại Việt Nam.
Về phía các hãng phát triển (developer) Việt Nam, đa số đều cố gắng bào chữa và dẫn chứng những công việc mà họ đang trực tiếp thực hiện mang tính chính quy, còn những trường hợp vi phạm kia chỉ là con số nhỏ. Song đó là tại thời điểm 2 năm về trước khi thị trường game trên smartphone còn đang manh mún.
Còn hiện tại, bất cứ người dùng ở VN nào sở hữu điện thoại thông minh trên các nền tảng iOS và Android đều có thể dễ dàng tìm thấy các ứng dụng và game "chùa" trên hàng loạt store lậu ở VN. Trong số những app này, họ không khó để tìm thấy vô số các game Clone và Rip-off, hay còn gọi nôm na là game đi ăn trộm.
"Vậy họ ăn trộm bằng cách nào? Quy trình thực ra khá đơn giản, các công ty này chỉ cần tải bản game nước ngoài về, bung các file hình ảnh ra và thay toàn bộ từ ngữ nước ngoài thành tiếng Việt. Tất cả các quyền tác giả hay logo của nhà sản xuất đều bị xóa hoặc thay thế một cách trắng trợn, một số game miễn phí nước ngoài sau quá trình được Việt hóa thì nghiễm nhiên trở thành có thu phí và phải trả tiền để được chơi", một người chơi phản ánh.
|
Plant Vs. Zombie - phiên bản game thủ trụ nổi tiếng của Popcap - bị một công ty game đổi tên Việt hóa trái phép thành Cuộc chiến thây ma. |
Có thể kể ra hàng loạt các thương hiệu trò chơi đình đám ở nước ngoài hiện đang có bản Việt hóa ở VN và được vận hành một cách đường hoàng như Tankzor (về Việt Nam bị đổi tên thành Tank Pro), Where is my Water (bị đổi thành Kì lưng cá sấu), Asphalt trở thành Quái xế, Plant Vs Zombie thành Cuộc chiến thây ma...
Không những thế, trong khi các dịch vụ vốn tích hợp sẵn trong game và được miễn phí từ bản nước ngoài chẳng hạn "Đăng tải kỷ lục" sau mỗi màn chơi thì ở các game "Việt hóa" này, chúng lại thu phí. Hình thức thu phí có thể bằng hình thức tin nhắn giá trị giá tăng, cũng có khi là quy đổi ra tiền ảo.
Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến phản ánh: "Tôi có tải trò chơi của họ (công ty game mobile lậu) về, chơi được vài phút đã thấy hiện thông báo thu phí với giá 15.000 đồng, tôi đang ham chơi nên đành chấp nhận trả số tiền này. Nào ngờ 1 tuần sau lại có thông báo bắt thu phí mới cho tôi tiếp tục chơi, chẳng lẽ bỏ ngang nên tôi đành chấp nhận mất tiếp. Đến khi có người bạn biết mới cho tôi hay rằng trò chơi này ở nước ngoài hoàn toàn miễn phí, tôi mới ngã ngửa người ra là mình đã bị móc túi bởi mấy công ty lừa đảo này".
|
Ảnh chụp màn hình thông báo yêu cầu nạp tiền dịch vụ của một game mobile lậu. |
Trao đổi với Game Thủ.net, đại diện một hãng game mobile offline lớn của nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam cho biết, họ cũng đang rất đau đầu về vấn nạn ăn cắp bản quyền của nhiều công ty game di động tại đây. Vị này khẳng định, hầu hết các game di động (đa số là offline) có nguồn gốc từ nước ngoài đang được kinh doanh ở Việt Nam hiện nay đều không có bản quyền và chưa được cơ quan quản lý cấp phép kinh doanh.
"Hiện có 2 hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất ở các công ty game mobile Việt. Thứ nhất, như đã đề cập ở trên, họ tải bản game nước ngoài về, bung các file hình ảnh ra, đổi tên game và thay toàn bộ nội dung thành tiếng Việt - hay còn gọi là Việt hóa game. Thứ hai, đối với một số công ty có tiềm lực tài chính khá và sở hữu studio riêng, họ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư sản xuất một dự án game riêng, song đáng tiếc là ý tưởng về nội dung, hình ảnh, nhân vật, vũ khí, vật phẩm... hầu như được sao chép nguyên xi từ một trò chơi nước ngoài có tiếng nào đó", vị này tiết lộ.
Nhờ đánh hơi được miếng bánh béo bở như vậy, dễ thấy một vài năm trở lại đây, song song với sự phát triển của thị trường smartphone, các đơn vị kinh doanh game mobile ăn trộm bản quyền đã và đang mọc lên như nấm. Nói như một người trong ngành "nhà nhà làm game mobile, người người làm game mobile" cũng không ngoa.
Cũng phải nói thêm rằng, việc ăn cắp bản quyền thường chỉ tập trung vào phần lớn sản phẩm game di động đến từ các nhà sản xuất nước ngoài chưa có nhiều tên tuổi hoặc tiềm lực tài chính không đủ mạnh.
"Nạn ăn cắp bản quyền sản phẩm đến từ các hãng game mobile lớn như EA Mobile hay Gameloft xảy ra ít hơn do họ có đủ cơ sở pháp lý chế tài cũng như khả năng tài chính dồi dào để tiến hành khởi kiện ra tòa án quốc tế. Trong khi đó, các studio game nhỏ thì đành phải 'ngậm bồ hòn làm ngọt' cho người ta làm càn do không thể đáp ứng được những điều kiện nói trên", một người công tác lâu năm ngành game di động tại VN cho Game Thủ.net biết.
|
Đến bao giờ, Việt Nam mới không bị mang tiếng là vùng đất màu mỡ cho các công ty kinh doanh game mobile vi phạm bản quyền? |
Dù nạn vi phạm bản quyền game di động đang diễn ra phổ biến song hiện tại, cơ quan quản lý hầu như vẫn chưa đưa ra những chế tài hay động thái xử lý triệt để. Bản thân VN hiện không có một hiệp hội nhà phát triển game mobile đúng nghĩa đứng ra để giải quyết vấn đề tranh chấp bản quyền. Chính kẽ hở này đã tạo điều kiện cho những đơn vị làm game mobile dễ bề kiếm lời từ những người dùng nhẹ dạ cả tin. Rõ ràng, điều này là không công bằng đối với một số doanh nghiệp sản xuất game mobile chân chính tại VN - những người đang ngày đêm nỗ lực để xây dựng và nâng tầm thương hiệu hình ảnh ngành game Việt còn non trẻ.
Hoàng Quân
Nguồn: GameThu |