'Ngành sản xuất game Việt đang thiếu nhân lực trầm trọng'

Đó là chia sẻ của ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG, tại Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc về công nghiệp nội dung số diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Với chủ đề "Hiện trạng ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam và kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc", hội thảo do Bộ Hành chính và An ninh công cộng Hàn Quốc phối hợp với Bộ TT&TT Việt Nam tổ chức.

Tại đây, ông Lê Hồng Minh có dịp chia sẻ với báo chí về sự sinh tồn và phát triển của các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam. Cụ thể theo ghi nhận của báo Ictnews, một "căn bệnh kinh niên" của ngành công nghiệp nội dung số VN là thiếu nhân lực. Ông Minh lấy ví dụ ngành game Việt Nam, sau 5 năm, ước tính cả nước mới có khoảng 1.000 người làm được game online (hầu hết là những người đam mê vì không có trường nào đào tạo nghề này). Trong khi đó, lực lượng làm game của Hàn Quốc có tới 100.000 người, Trung Quốc là 300.000 người. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi chất lượng game của doanh nghiệp Việt thường bị "lép vế" so với đối thủ ngoại.

Ông Lê Hồng Minh (ngoài cùng bên trái) tại hội thảo.
Ông Lê Hồng Minh (ngoài cùng bên trái) tại hội thảo. Ảnh: Facebook VNG.

Tổng Giám đốc VNG chia sẻ thêm, cũng vì nguyên nhân thiếu "người tài" nên NPH này từng nếm mùi thất bại khi đưa game Thuận Thiên Kiếm ra thị trường. Dù đã đầu tư 4 năm cho một game được xác định là hoành tráng, thậm chí mời cả hoa hậu Mai Phương Thúy làm hình ảnh đại diện và xúc tiến nhiều hoạt động truyền thông, thế nhưng sau khi phát hành, Thuận Thiên Kiếm vẫn không được nhiều người chơi. Nguyên nhân sâu xa của sự thất bại này được chỉ ra là chất lượng game còn thua kém các sản phẩm của Hàn Quốc, Trung Quốc.

Khó khăn trong việc tạo ra nội dung của các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam để gây dựng lợi thế cạnh tranh cũng là vấn đề khác được ông Minh "mổ xẻ" tại hội thảo. Ông Minh dẫn chứng bằng thực tế của VNG khi phát hành một game online cho thị trường Nhật. Để làm dự án đó, VNG chuẩn bị sẵn 20 người làm sản phẩm trong 8 tháng, trong đó 10 người chuyên vẽ, nhưng kết quả chuyển sang đối tác Nhật thì 50% số hình ảnh bị loại bỏ.

Để kịp tiến độ dự án, VNG phải lên các diễn đàn tìm kiếm người có khả năng vẽ giỏi và đặt hàng. Tuy nhiên, sau 1 tháng thì tỷ lệ từ chối của Nhật đối với những sản phẩm mà VNG cộng tác bên ngoài này lên tới 95%, thậm chí đối tác Nhật còn chỉ rõ hình ảnh bộ phận của nhân vật này được sao chép từ nguồn nào chứ không phải là sản phẩm sáng tạo. Cuối cùng, VNG đành phải sang Nhật nhờ một công ty chuyên nghiệp thực hiện khâu vẽ hình.

Galaxy Pirates, sản phẩm game mới nhất được VNG tự sản xuất và xuất khẩu thành công sang Nhật.
Galaxy Pirates, sản phẩm game mới nhất được VNG tự sản xuất và xuất khẩu thành công sang Nhật.

Theo đánh giá của ông Minh, các chính sách quản lý, hỗ trợ phát triển công nghiệp nội dung số vẫn chưa rõ ràng, tốc độ ban hành chính sách quá chậm. Trong khi đó, chỉ cần 1 năm, mạng xã hội Facebook đã nâng số người sử dụng tại Việt Nam từ con số 3 triệu lên tới 12 triệu, hoặc chỉ cần 6 tháng, một game phát hành có thể sở hữu số người chơi đông nhất tại Việt Nam.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, TS. Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cũng thừa nhận các văn bản chính sách quy định về ưu đãi phát triển công nghiệp nội dung số còn chung chung, không thực sự phát huy tác dụng. Nhiều hoạt động công nghiệp nội dung số chưa có chính sách điều chỉnh phù hợp như vấn đề hợp tác kinh doanh giữa nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ nội dung (tỷ lệ ăn chia doanh thu), các vấn đề liên quan đến quản lý game online, vấn đề thanh toán dịch vụ nội dung số xuyên biên giới...

Thùy Chi


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận