Làng game thế giới mất gì nếu chiến sự nổ ra tại Hàn Quốc

Không ai muốn chiến tranh xảy ra, tuy nhiên việc tính toán được mất từ trước theo dạng "lo xa" cũng không phải là chuyện xấu.

Tình hình chiến sự trên bán đảo Triều Tiên đang trong tình trạng vô cùng căng thẳng. Triều Tiên đã tuyên bố chính thức bước vào "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc.

Trước nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa hai quốc gia này, cộng đồng game thủ thế giới cùng các chuyên gia bắt đầu phải suy nghĩ. Đơn giản vì một nỗi, Hàn Quốc là một trong những khu vực có nền công nghiệp game thuộc loại lớn mạnh nhất thế giới, cái nôi của thể thao điện tử và rất nhiều yếu tố đặc biệt khác nữa. Nói một cách đơn giản, nếu chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên nổ ra, ngành công nghiệp game thế giới sẽ phải chịu tổn thất khá nặng nề.

Nguy cơ biến mất của các hãng phát triển, phát hành game tên tuổi

Hàn Quốc được ví như một thế lực lớn trong lĩnh vực phát triển game, đặc biệt nổi tiếng với các sản phẩm MMORPG đình đám, chất lượng thuộc vào hàng bậc nhất thế giới với những đại diện như Blade and Soul, TERA, MU, Guild Wars...

Các hãng phát triển cũng như phát hành game hàng đầu của nước này đều tập trung ở những trung tâm công nghiệp và thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Seoul, nơi chỉ cách biên giới với Triều Tiên hơn 40 km, hoàn toàn nằm trong tầm pháo và tên lửa đạn đạo.

Trụ sở chính của tập đoàn CJ nằm trong tầm tên lửa tầm trung của Triều Tiên.
Trụ sở chính của tập đoàn CJ nằm trong tầm tên lửa Triều Tiên.

Neowiz Games, NCsoft, CJ Internet, Gravity (hãng phát triển Ragnarok), Phantagram (phát triển Kingdom Under Fire II), Smile Gate (hãng phát triển Cross Fire) ... đều có trụ sở tại Seoul.

NHN, XLGAMES (hãng phát triển ArcheAge) có trụ sở tại thành phố Seongnam, cách thủ đô Seoul hơn 10 km. Webzen, cha đẻ game MU nổi tiếng cũng chọn "đóng đô" ở Gyeonggi-do, nơi cách Seoul khoảng 41 km về phía Nam.

Nexon, hãng phát triển game hàng đầu Hàn Quốc, cha đẻ Mabinogi Heroes may mắn hơn, đã chuyển trụ sở tới Tokyo, Nhật Bản vào năm 2010.

Cho dù vẫn còn các cơ sở ở những quốc gia lớn như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản nhưng nếu chiến tranh bất ngờ nổ ra, thiệt hại về người và của cũng rất khó có thể hạn chế một cách tối đa

Các game thủ chuyên nghiệp

Trong lúc người dân Hàn và khắp nơi trên thế giới đặt mối quan tâm vào diễn biến chính trị này thì không chỉ các fan hâm mộ của ca sĩ, diễn viên mà cộng đồng game thủ cũng khó có thể nằm ngoài số đó bởi những game thủ nổi danh tại đất nước này hầu hết đều nằm trong hoặc sắp tới độ tuổi nhập ngũ.

Với việc binh lính tinh nhuệ xứ Hàn đã được đặt trong mức báo động đỏ thì khả năng tất cả các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên và cả game thủ chuyên nghiệp cũng sẽ sớm từ bỏ "sân khấu" riêng của mình để ra chiến trường nếu chiến sự nổ ra.

StarCraft có lẽ sẽ là bộ môn bị thiệt hại nặng nề nhất, tiếp đó sẽ là DotA 2, LoL, HoN, Counter Strike...

Các sự kiện game quốc tế

Global StarCraft II League (GSL), giải đấu game cá nhân có quy mô lớn nhất Hàn Quốc, được tham dự bởi hàng nghìn game thủ đến từ khắp nơi trên thế giới cùng số tiền thưởng cao chót vót, tâm điểm chú ý của rất nhiều fan hâm mộ, hũ tiền của các hãng phát sóng và truyền hình trực tiếp... sẽ tạm dừng không cần thông báo nếu chiến sự xảy ra.

World Cyber Games (WCG), sự kiện eSports mang tầm quốc tế được tổ chức thường niên tại quốc gia này cũng sẽ sớm phải tìm địa điểm mới thay thế tại châu Âu hoặc Mỹ.

Các sự kiện game sẽ không thể tổ chức ở một nước đang có chiến sự.
Các sự kiện game sẽ không thể tổ chức ở một nước đang có chiến sự.

OGN, tên gọi chung của các giải đấu League of Legends được tổ chức bởi OnGameNet, một công ty truyền hình chuyên phát sóng các kênh về game tại Hàn Quốc cũng sẽ biến mất khi vừa mới bước đầu gặt hái được thành công trong thời gian gần đây.

G-Star, triển lãm game thường niên, nơi các nhà phát triển trò chơi từ khắp mọi nơi trên thế giới hội tụ về để giới thiệu và trưng bày những đứa con tinh thần mới nhất của mình (chủ yếu trong thể loại MMO) cũng sẽ bị ảnh hưởng không kém.

Bên cạnh đó, những giải đấu game lớn như ESWC, MLG, RGC (Razer Global Challenge)... cũng sẽ bớt đi sự hấp dẫn, tính cạnh tranh cũng như các trận so tài đỉnh cao.

Tương lai của ngành công nghiệp game trực tuyến

Hàn Quốc từ lâu đã có thế mạnh trong việc phát triển trò chơi, đặc biệt là game trực tuyến. Các hãng phát triển tại quốc gia này nắm trong tay vô số nhân sự cấp cao, các chuyên viên kỹ thuật hàng đầu bên cạnh hàng loạt bí mật công nghệ, bằng đăng ký bản quyền sáng chế...

Mặc dù không thể nói là độc quyền nhưng phong cách thiết kế, mức độ phong phú đa dạng về gameplay cũng như tạo hình nhân vật của trò chơi đến từ "xứ Kim Chi" luôn có một nét riêng độc đáo, rất dễ nhận biết trên thị trường. Ngoài ra, thế mạnh về các sản phẩm game casual (thuộc các thể loại âm nhạc, thể thao...) cũng đã và đang dần được định hình trong giới làm game quốc tế.

Phong cách game Hàn đã có chỗ đứng nhất định trong ngành công nghiệp giải trí.
Phong cách game Hàn đã có chỗ đứng nhất định trong ngành công nghiệp giải trí.

Bên cạnh đó, Samsung và LG, hai hãng đang thống trị thị trường CNTT Hàn Quốc cũng có ảnh hưởng trong lĩnh vực sản xuất điện thoại, "nền tảng chơi game thế hệ mới" có thể thay thế console và PC theo quan điểm của nhiều người.

Nếu chiến tranh xảy ra, game thủ Việt sẽ không có chuyện được chơi tiếp phiên bản mới của MU, FIFA Online 3, trải nghiệm Vua bóng rổ hay Audition 3 hoặc bất cứ trò chơi tương tự nào mua từ Hàn Quốc. Hãng phát hành game VTC nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất.

Còn với làng game thế giới, ngoài những điểm bất lợi, đây cũng có thể là cơ hội để các khu vực khác (Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ...) vươn lên giành vị trí có thể sẽ bỏ trống trong lĩnh vực phát triển game, làm game di động, sân chơi eSports... của đất nước đang gặp nhiều vấn đề chính trị này.

Bảo Nam


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận