Cách đây hơn 10 năm, khi internet bắt đầu phát triển cũng là lúc người ta biết đến khái niệm internet cafe thay vì ngồi ở nhà và dùng mạng dial-up kết nối qua điện thoại cố định với mức giá được tính từng phút. Và cụm từ "quán net" được phổ biến nhất khi kết nối ADSL ra đời. Với đột phá về phương thức truyền dữ liệu giúp cho tốc độ truy cập được cải thiện trong khi giá dịch vụ lại ngày càng rẻ khiến cho nhiều người lao vào kinh doanh "quán net". Tuy nhiên không phải kinh doanh lúc nào cũng là mật ngọt.
Khách hàng gồm đủ các thành phần
Với mức giá dịch vụ giao động từ 3.000 đến 4.000 đồng thì mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể làm "thượng đế" tại quán net từ học sinh, sinh viên, người đi làm... thậm chí cả những tay anh chị. Và chuyện bị quịt nợ là chuyện không thể tránh khỏi.
|
Các "thượng đế" của quán net. Ảnh: Trọng Công. |
Bà Liên, chủ một quán net trên Xuân La, Hà Nội cho biết quán của mình chủ yếu là học sinh chơi và các thành phần không đi học cũng như không đi làm. Có trường hợp nợ vài nghìn nhưng cũng có trường hợp ngồi lì cả ngày, mua nước ngọt, đồ ăn nhưng đến cuối ngày thì lại gãi đầu gãi tai khi không mang tiền theo. Và thường số tiền nợ đó đều là nợ khó đòi. Chưa kể khi nhân viên quán kiên quyết không cho nợ hoặc lần sau không cho vào thì có thể bị ăn đòn te tua từ những vị khách không mấy thân thiện. Thậm chí không những không đòi được mà còn bị xin đểu hoặc bị đập phá máy móc nếu không đáp ứng nhu cầu của "thượng đế".
Cũng có nhiều "thượng đế" có nhu cầu ở lại chơi qua đêm và việc đuổi họ khi đến giờ "giới nghiêm" là việc không dễ. Nếu cương quyết đuổi khách, quán có thể bị tẩy chay hoặc xảy ra ẩu đả nhưng nếu chiều khách thì quán lại phải đối mặt với các cơ quan chức năng khi vi phạm quy định về giờ giấc đóng cửa.
Quản lý nhân sự và tài sản khó không kém quản lý doanh nghiệp
Với các quán net mà chủ quán không phải người trực tiếp quản lý thì việc theo dõi các nhân viên cũng là cả một vấn đề. Chọn được nhân viên thật thà đã khó và làm sao để họ không gian lận hay phát hiện ra họ có gian lận hay không còn khó hơn nhiều. Không ít chủ quán net loay hoay trong việc dùng phần mềm quản lý nào cho ổn. Anh Hoàng, chủ một quán net tại khu vực Từ Liêm, Hà Nội cho biết đã không ít lần sa thải nhân viên vì tính gian lận. Có khi anh bị nhân viên "đá pass" quản lý (nhìn trộm mật khẩu) khi kiểm tra dữ liệu thu chi trong hệ thống và sau đó các nhân viên này đã xóa đi một số dữ liệu khiến cho số tiền thu về không đúng như thực tế. Hoặc cũng có khi nhân viên lợi dụng một số lỗi của chương trình quản lý phòng net để cho khách hàng tiếp theo vào chơi mà không bị tính tiền trong hệ thống, số tiền khách hàng đó trả sẽ chui vào túi của nhân viên.
|
Bảo quản tài sản không phải dễ. |
Bên cạnh đó, khách hàng tại quán gồm nhiều thành phần dẫn tới những tài sản như RAM, card đồ họa, chuột game... có thể không cánh mà bay bất cứ lúc nào vì nhân viên trông quán vừa phải tính tiền, vừa phục vụ các nhu cầu ăn uống của "thượng đế"... thậm chí cả trông xe.
Bài toán doanh thu
Các quán net mọc lên như nấm cũng dẫn tới việc cạnh tranh để thu hút khách vì thế việc tính giá dịch vụ cao là điều bất khả thi. Chưa kể các quán net muốn giữ chân "thượng đế" thì phải đảm bảo máy móc của mình phải mạnh, đường truyền phải tốt và phải đảm bảo việc kết nối diễn ra liên tục. Hầu hết các quán net đều trang bị cho mình ít nhất 2 đường truyền để khi đường này chết thì còn đường kia. Cô Lan, chủ quán net tại khu vực Khương Thượng, Hà Nội cho biết trước đây khi chưa lắp thêm đường truyền, đến giờ công thành của game Võ Lâm Truyền Kỳ, mạng bị chết, thế là không ai bảo ai, khách đứng dậy đi sang các quán gần đó, khiến doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa kể với việc giá điện đang ngày càng leo thang, giá dịch vụ lại khó tăng dẫn đến việc tiền thu được càng ít. Bên cạnh đó còn phải trừ đi khấu hao tài sản do các "thượng đế" thường coi đây không phải tài sản của họ nên những trường hợp như bàn phím cháy đen vì thuốc lá, phím đi đằng phím do thói quen đập tay mạnh, tai nghe đứt dây, ghế gãy... thường xuyên xảy ra.
Phần nhiều quán net đều là địa điểm đi thuê nên giá cả thuê địa điểm sẽ tăng dần tại mỗi thời điểm thanh toán và tất nhiên các chủ cơ sở kinh doanh phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì chẳng nhẽ lại ôm đống máy móc, bàn ghế đó ra đường.
Và rất nhiều chủ cơ sở đã tính đến bài toán bán máy móc, bàn ghế cho các cửa hàng thu mua máy tính cũ hoặc đẩy tất cả về tỉnh lẻ cho người khác kinh doanh.
Diệp Chi
Nguồn: GameThu |