Mới đây, khi Bộ Giáo dục đưa ra thông báo năm nay sẽ không thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, nhiều học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP HCM đã đồng loạt ra ban công trường để ăn mừng bằng cách xé giấy, trong đó có cả đề cương môn sử.
Sự việc đặc biệt này đã gây ra nhiều dư luận trái chiều trên các trang tin và cộng đồng mạng. Trong khi một số người lý giải rằng "học sinh xé đề cương Sử cũng chỉ vì không muốn học thuộc lòng hàng chục trang A4 kín chữ", một số ý kiến khác lại bày tỏ nỗi thất vọng vì phong cách dạy sử tại nước ta từ trước tới nay. Trong công cuộc kiếm tìm một cách thức giảng dạy mới cho bộ môn đậm tính truyền thống dân tộc này, một hướng đi đã được nhiều người đề xuất, đó là làm game về lịch sử Việt Nam.
|
Cảnh ném đề cương môn sử từ trên các tầng lầu dãy nhà A trường THPT Nguyễn Hiền. |
Từ trước đến nay, làng game đã đón nhận nhiều sản phẩm có nội dung phản ánh lịch sử như Thuận Thiên Kiếm (VNG), 7554 (Emobi Games) tuy nhiên, một sản phẩm đã dừng hoạt động, còn sản phẩm kia chỉ là game offline. Dù chưa thực sự thành công về mặt doanh thu nhưng sức hút từ thương hiệu và đặc biệt là thái độ quan tâm, săn đón của cộng đồng với các trò chơi này được ghi nhận là vô cùng mạnh mẽ, hơn hẳn các trò chơi MMO Client 3D nổi danh thế giới hay các game MOBA được hàng triệu game thủ nước ngoài quan tâm.
Trả lời phóng viên của Gamethu.net, ông Nguyễn Tuấn Huy, trưởng dự án 7554 trước đây và Sát Thát hiện nay cho biết định hướng của Emobi Games là dùng lịch sử như một nền tảng để xây dựng câu chuyện, không tái hiện lại mọi thứ chính xác, theo kiểu "thành Thăng Long phải cao bao nhiêu, quần áo trang phục phải như thế nào, vũ khí ra làm sao... Nói chung, mọi thứ sẽ không hoàn toàn chính xác".
"Khi làm game, chuyện hư cấu nội dung và các tình tiết là không thể tránh khỏi. Game là phải hư cấu", ông nói.
|
Sát Thát, dự án đang được Emobi Games xây dựng và phát triển. |
Dẫu vậy, khi được hỏi về việc có muốn các cơ quan chức năng sử dụng sản phẩm của mình như một công cụ hỗ trợ việc giảng dạy lịch sử trong các trường học hay không, vị giám đốc này lại cho rằng sản phẩm của mình khó có thể đáp ứng được các tiêu chỉ cần thiết.
"Các sản phẩm đưa vào giảng dạy hoặc hỗ trợ giảng dạy cần có tính chính quy cao, sự chính xác từ các tình tiết nhỏ nhất. Những điều này rất khó thực hiện và giữ vững được trong một sản phẩm game. Bên cạnh đó, sức ép không nhỏ từ phía dư luận trong việc quy chụp, gán ghép... các trò chơi hiện nay cũng sẽ gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp khi phát triển", ông Huy chia sẻ.
Trong khi đó, VNG, đơn vị còn lại đã từng phát triển game thuần Việt về đề tài lịch sử (Thuận Thiên Kiếm) sau khi đóng cửa sản phẩm của mình, chưa có bất kỳ động tĩnh gì cho thấy sẽ tiếp tục theo đuổi "sự nghiệp" này. VNG hiện đã im hơi lặng tiếng trong suốt quý I năm nay và các sản phẩm được công bố toàn bộ đều là "hàng ngoại nhập".
|
"Học sinh nghĩ về môn Sử với thái độ thù ghét là về việc học thuộc lòng vô nghĩa, chứ không phải vì các em bàng quang với lịch sử". |
Nói về vấn đề học sử, dạy sử trong các trường cấp 3, PGS Vũ Duy Mền, Viện Sử học Việt Nam cho rằng, năm nay việc Bộ GD&ĐT bỏ thi tốt nghiệp môn Sử là không nên bởi Lịch sử giáo dục ý thức công dân, là người Việt Nam thì phải biết sử Việt Nam.
"Việc học sinh xé đề cương có thể thông cảm nhưng đó không đơn thuần là trò chơi mà phản ánh thực tế việc dạy và học. Không nên tra tấn học sinh và giáo viên khi 45 phút phải học toàn bộ bối cảnh lịch sử Đông Nam Á. Cần phải chọn lọc nội dung giảng dạy", PGS Mền khẳng định.
Còn theo quan điểm của nhiều người, không phải giới trẻ đang quay lưng với lịch sử mà nguyên nhân chính là do chương trình lịch sử quá nặng nề.
"Cái việc học lịch sử nó đơn giản chỉ là học thuộc lòng, ra trả bài hoặc thi cử thì cứ chép đúng y như tài liệu là được điểm, không cần biết em đó có hiểu, hoặc có cảm thụ được gì ko. Dù một người có đam mê, thông thạo lịch sử đến mấy mà không học bài cũng chẳng thể nhớ đúng từng câu từng chữ trong đề cương. Còn một người không cần biết, không quan tâm gì đến lịch sử, chỉ ráng học cho xong thì lại đậu. Bởi vậy học sinh nghĩ về môn Sử với thái độ thù ghét là về việc học thuộc lòng vô nghĩa, chứ không phải vì các em bàng quang với lịch sử", một độc giả chia sẻ.
"Chúng ta hãy để đề cương những môn các em thi trên bàn làm việc của mình, giở từng trang sách, và tự hỏi rằng chúng ta có muốn học thuộc lòng như các em đang phải học không?", chia sẻ của một bạn đọc trên báo VnExpress.net.
|
Trong khi đó, một thực tế hiện nay về việc học và chơi của giới trẻ. |
Tâm An
Nguồn: GameThu |