Nhà báo Phan Phú - hiện là quyền trưởng đại diện một tờ báo có tiếng của Sài Gòn ở Hà Nội. Anh đã "cai" được game chừng 2 năm, kể từ khi được bổ nhiệm làm chức vụ quản lý. Anh tâm sự: "Mình có lúc chơi game thâu đêm, suốt sáng. Mang cả máy tính vào trong giường chơi, nhiều hôm thức đến 3-4 giờ sáng, đi làm thấy bạc nhược hết cả người. Sau này, do yêu cầu công việc nên may mắn mình cũng cai được. Bây giờ, nhìn thấy ai chơi game, đã thấy mệt mỏi".
Anh Phú trước rất ham chơi game Võ lâm truyền kỳ. Anh cho biết, chỉ chơi game này trong khoảng 2 năm thôi nhưng thời gian có thể nói là "nghiện" cũng kéo dài 5-7 tháng. Có lúc ham mê, bao nhiêu tiền lương, nhuận bút chi hết vào việc mua sắm đồ, vũ khí… cho nhân vật của mình. "Có khi, nửa đêm rồi, thấy có thằng bé rao bán một món đồ trên mạng như bánh chưng (ảo) để tăng công lực, là vùng dậy, lấy xe đi cả chục cây số tìm người mua ở trong một ngõ hẻm", anh Phú chia sẻ.
Nhưng số nhà báo "nghiền" game như Phan Phú, thậm chí còn hơn, hóa ra cũng không ít. Thậm chí, họ còn tụ tập thành hội chơi. Mỗi khi tổ chức offline ở quán cà phê nào bàn chuyện game như mua sắm vũ khí, tả việc tấn công đối thủ trên chiến trường, những người xung quanh chẳng hiểu họ nói gì, lẳng lặng tìm bàn khác ngồi cho đỡ… ồn.
|
Với những người có chung niềm đam mê, offline là một thói quen khó bỏ (Ảnh minh họa). |
Nhà báo Ngọc Hải của đài truyền hình Hà Nội cũng vậy. Anh chơi nhiều game và game nào cũng say mê. Nhưng vợ anh lại không hài lòng về chuyện chồng suốt ngày mê đắm vào game, bỏ bê công việc gia đình khiến nhiều khi không khí gia đình mất đi sự yên ả. Cuối cùng, Ngọc Hải đã tìm được một cách. Những lúc vui vẻ, anh gạ vợ chơi game, cuối cùng thì cũng thành công. Hai vợ chồng giờ mỗi người một máy nhưng thỏa thuận với nhau rõ ràng, ai làm việc gì ở nhà, ai trông con, ai nấu ăn… Gia đình lại trở nên yên ấm, hòa thuận. Nhưng gần đây, hai vợ chồng anh bỗng cảm thấy chán game. Hỏi sao "cai" được, anh chỉ đáp: "Chán!".
Làng báo cũng không lạ gì nhà báo Hoàng Linh, làm ở văn phòng đại diện của một tờ báo trong Nam tại Hà Nội. Anh vốn sống nhiều năm ở Nga về nên thường không ngủ được vào buổi tối nên… đành chơi game cho qua đêm. Anh chơi nhiều thành nghiện. Chơi từ đêm sang ngày, buổi trưa nhiều hôm cũng không đi ăn, nhờ anh em trong phòng mua hộ cơm hộp đem về. Anh chơi nhiều đến nỗi cơ quan phải dọa đuổi việc, cuối cùng anh mới bớt chơi, chỉ hạn chế vài tiếng vào buổi tối. "May quá, đúng lúc mình phải chơi ít đi thì có phần mềm auto ra đời. Thế nên, ban đêm chơi, ban ngày chạy auto suốt, nhân vật vẫn lên level đều đều", anh nói.
Nhà báo Việt Hà làm ở một kênh của đài truyền hình kỹ thuật số VTC cũng là một game thủ khá đặc biệt. Chị rất ham chơi game, đặc biệt là Con Đường Tơ Lụa và Audition. Chồng chị là giám đốc điều hành của một chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam về thiết bị máy tính. Anh cũng ham chơi game. Hai người quen nhau trên mạng, qua game và yêu nhau, lấy nhau. Dạo chưa có con, cả hai về nhà, mỗi người 2 máy tính, toàn máy đầu tư rất đắt tiền để chơi. Nghiền game, nhưng hai vợ chồng phối hợp công việc gia đình, cơ quan khá ăn ý nên ai cũng ngạc nhiên: "Sao nhà này chơi game nhiều thế mà không thấy lúc nào cãi nhau nhỉ?". "Ai cũng ngồi chơi game tối ngày thế thì ai làm việc nhà?". Nhưng thực ra, họ cũng chơi game vào những giờ nhất định chứ không phải mọi lúc mọi nơi. Nhà Hà đôi khi có những sinh hoạt khác với các gia đình khác. Ví dụ, ngày 8/3 hay ngày 20/10, thay vì mua những món đồ như hoa tươi, quần áo, giầy dép… tặng vợ thì chồng của Hà lại mua cho Hà những món đồ ảo như quần áo, giầy, mũ… cho nhân vật trong game và chính điều đơn giản đó cũng đủ khiến cho chị Hà rất hạnh phúc.
|
Phân chia việc nhà hợp lý sẽ không làm mất đi khoảng thời gian thư giãn, vui chơi của cả hai người. |
Các game thủ trong làng báo cũng không lạ gì ở báo TN, trước đây có cả một bang hội bên trong mang tên Bang "Đoạn tình", mà bang chủ là một lãnh đạo của tờ báo. Bang chủ thì lấy nickname là "Đoạn tình-Kiếm", còn các phóng viên, biên tập viên của báo thì lần lượt là "Đoạn tình-Đao", "Đoạn tình-Thương", "Đoạn tình-Chùy"… tùy theo nhân vật. Nhiều khi ở báo, không gọi tên nhau như bình thường mà gọi theo tên trong bang hội. Mỗi buổi họp giao ban như một buổi offline và có một số thành viên gà gật vì tối qua chơi game khuya nên ngủ muộn. Nhưng "bang chủ" của nó cũng không nói ai được vì anh cũng khét tiếng trong giới "võ lâm". Nhân vật của anh đầu tư có lúc lên tới hàng trăm triệu đồng với đủ vũ khí, quần áo… đắt tiền nhất mà anh bỏ hết cả tiền lương, thưởng ra mua sắm, không chỉ ở server anh chơi mà mua từ các server khác về. Các game thủ khác chỉ nhìn thấy nhân vật của anh là lè lưỡi, bỏ chạy… không dám đương đầu.
Các công ty game cũng biết giới nhà báo nhiều người nghiền game nên rất chú ý chăm sóc các game thủ nhà báo, nhất là các nhà báo làm về công nghệ thông tin. Họ có thể cung cấp những tài khoản VIP để người chơi có thể nhanh chóng khắc phục các sự cố như bị hack, bị treo… thậm chí, cung cấp cả tiền (ảo) cho nhân vật. Tuy nhiên, điều này cũng hãn hữu vì đối với các nhà báo chơi game luôn có tâm lý muốn chơi một cách công bằng, không chấp nhận sự giúp đỡ về tài chính cho nhân vật. Công ty VNG có những năm cũng tổ chức giải thi đấu cho các nhà báo, thu hút hàng chục người tham gia. Ở những giải này, mới thấy trình độ chơi game, khả năng đầu tư của các nhà báo cho game đến mức nào. Nhân vật nào cũng… sáng choang bởi các vũ khí cực khủng. Đây cũng là nơi giao lưu gặp gỡ của các nhà báo Nam - Bắc, những người chỉ quen biết nhau qua mạng. Có người vào giải mới biết, tổng biên tập, phó tổng biên tập của mình cũng chơi game.
|
Chơi game là lựa chọn của nhiều nhân viên văn phòng, trong đó có không ít nhà báo. |
Nhìn chung, các nhà báo chơi game tuy khá nhiều và cũng khá ham mê nhưng đa phần họ vẫn kiểm soát tốt được thời gian. Phần vì đây là những người có hiểu biết, lại có sức ép về công việc, thời gian; phần vì có nhiều game không phù hợp với giờ giấc làm việc của cánh nhà báo. Hiện nay, đa số nhà báo nào chơi game cũng thường theo xu hướng sẽ chọn những game đơn giản, không trực tuyến để chơi, giải lao, xả stress vào những lúc rảnh rỗi như trực tin bài (khi chưa có tin bài), lúc ngồi chờ họp hành, hội thảo…
Mạnh Quân
Nguồn: GameThu |