Từ năm 2003, game trực tuyến đã bùng nổ và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Đến nay, đã có rất nhiều sản phẩm game trực tuyến đang hoạt động tại Việt Nam thuộc đủ thể loại nhập vai, chiến thuật, hành động... Tuy nhiên, trong dòng chảy không ngừng của game online thì mảng giáo dục vẫn chưa có tiếng nói trên thị trường.
Theo thống kê của Bộ giáo dục, trong năm 2012-2013 vừa qua, cả nước có hơn 20 triệu học sinh - sinh viên, trong đó có 17 triệu học sinh các cấp 1, 2, 3. Hàng năm, có khoảng hơn 1 triệu học sinh lớp 12 ra trường, có hơn 2 triệu học sinh vào lớp 1. Đây rõ ràng là một thị trường khách hàng rất lớn cho các nhà sản xuất, kinh doanh game, trong đó có thể loại giáo dục. Bên cạnh các em học sinh thì phụ huynh của các em cũng là một tập khách hàng rất lớn.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy, CEO công ty Egame chia sẻ, qua khảo sát thị trường, nhiều học sinh hiện nay cảm thấy không mấy thích thú với việc học tập và thường dành thời gian học tập vào việc chơi game. Ông này rút ra một điều rằng, đối với học sinh, việc học tập luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất, tuy nhiên giải trí cũng là một nhu cầu cần thiết để lấy lại thăng bằng sau những giờ học căng thẳng.
Hiện nay, trên thị trường du nhập hàng loạt game trực tuyến đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc... với nội dung chưa mang nhiều tính giáo dục mà chỉ đơn thuần phục vụ cho nhu cầu giải trí. Chính vì vậy, các phụ huynh học sinh thường hạn chế hoặc cấm con em mình chơi game. Trong bối cảnh này, game giáo dục đã được cho ra đời nhằm thỏa mãn cả 2 tiêu chí giải trí và kiến thức, ông Thủy cho biết thêm.
|
|
Game giáo dục được xem là thị trường còn bỏ ngỏ do số lượng sản phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay. |
Nhìn quanh thị trường hiện nay, có thể thấy số lượng game ở mảng này chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết do doanh nghiệp tự phát triển. Một trong những cái tên game giáo dục ở thời kỳ đầu là Chinh Phục Vũ Môn của Egame hiện vẫn cố gắng để tìm chỗ đứng cho mình trên thị trường, Vương Quốc Chuột Chũi của VNG thì đã đóng cửa vì lý do doanh thu, Đấu Trí với Lớp 5 của ExeStudio vẫn chưa có nhiều tiếng nói...
Rõ ràng, game giáo dục vẫn đang là một thị trường bị bỏ ngỏ, là cơ hội và thách thức cho các hãng game Việt. Thực tế, không mấy đơn vị làm game muốn nhảy vào thị trường này. Theo lý giải từ lãnh đạo của một doanh nghiệp game thuộc top đầu VN, mặc dù thị trường game giáo dục lớn, rất hứa hẹn cho các doanh nghiệp khai phá, song đây là một cuộc chiến dài hơi, cần sự quyết tâm cũng như cam kết phát triển bền vững. Doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực này cần xác định đây là một hành trình kéo dài 5 - 10 năm.
Vị này nhận định, game giáo dục muốn thành công cần liên tục thay đổi, cập nhật tình hình chung. Nó không thích hợp cho mô hình kinh doanh "ăn xổi" muốn thu lại lợi nhuận ngay lập tức như đa số các sản phẩm game trực tuyến nhập khẩu trên thị trường. Hơn nữa, đây là sản phẩm phục vụ người Việt nên cần do người Việt phát triển, tích hợp tất cả các nét văn hóa, truyền thống, thói quen và tâm lý người Việt vào trong game. Do đó không có mấy doanh nghiệp đủ kiên nhẫn, thời gian để làm những điều này.
Nhìn chung, thị trường game giáo dục hiện được xem là mảnh đất hoang chưa nhiều người đến khai phá. Do đó, đây cũng là cơ hội gần như còn nguyên cho tất cả đơn vị kinh doanh game. Một đơn vị làm game giáo dục ở VN từng lạc quan khẳng định, nếu ta quyết tâm đầu tư khai phá và tự tin vào năng lực của chính mình thì chắc chắn sẽ cày xới, vun đắp thành công mảnh đất hoang này.
Hoàng Quân
Nguồn: GameThu |