Những scandal gây chấn động làng game Việt nửa đầu 2013

6 tháng đầu năm của làng game tương đối sôi động với hàng loạt vụ việc gây xôn xao như tên game Rồng Lộn, DotA 2 được VTC mua về hay Maria Ozawa sắp làm đại sứ game tại VN...

Rồng Lộn - tên game bị cộng đồng quy kết là "dung tục"

Bắt đầu được hé lộ tại VN từ cuối tháng 2, Rồng Lộn của Game5 đã nhận được vô số những ý kiến trái chiều trên các kênh truyền thông và cộng đồng. Không ít quan điểm cho rằng, NPH đã sử dụng cái tên nói lóng "mang ý nghĩa dung tục" để đặt cho sản phẩm này. "Cái tên gốc là Dragon's Call 2 (tiếng gọi của Rồng) nghe hay thế mà về đây dịch thành Rồng Lộn, tởm không chịu được", độc giả MrNCK của Game Thủ.net bức xúc.

Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, đại diện NPH Game5 vẫn tỏ ra bình thản khi tuyên bố, hình ảnh, logo của trò chơi này cũng hoàn toàn không có gì thiếu văn hóa mà tương thích với tên game: một con rồng được treo lộn ngược. Ngoài ra, ông này cho biết thêm, giữa một rừng sản phẩm webgame đang tràn ngập thị trường game Việt, NPH cần làm điều gì đó gây ấn tượng để thị trường game online có thêm luồng gió mới.

Dù có những lý giải hùng hồn như vậy nhưng rốt cuộc, Game5 vẫn quyết định đổi tên sản phẩm khi ra mắt thành một chữ ngắn gọn "Rồng", được cho là để tránh thị phi sau này.

Phản ứng trước "mác thuần Việt" của Đại Việt Truyền Kỳ

Từng được quảng bá là trò chơi nhập vai trực tuyến thuần Việt lấy bối cảnh xoay quanh Truyền thuyết về Lạc Thần, Đại Việt Truyền Kỳ lập tức nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng. Theo tiết lộ mới đây của OneC - một công ty game có trụ sở chính ở miền Bắc, họ tự lực phát triển trò chơi và dự kiến sẽ kiêm luôn cả khâu phát hành.

Trên thực tế, ngay khi vừa trình làng một số thiết kế hình ảnh của nhân vật trò chơi, Đại Việt Truyền Kỳ đã bị cộng đồng ném đá dữ dội vì đa phần là hàng sao chép từ game nước ngoài mà cụ thể là Trung Quốc chứ không hề có chút sáng tạo nào của người Việt.

Chưa hết, NPH trò chơi còn bị phản ứng khi cố tình sáng tạo hình ảnh bản đồ Việt Nam theo dạng con rồng nằm ngửa. Đa phần những phản ứng của cộng đồng đều thể hiện sự không đồng tình và cho rằng sự sáng tạo của OneC là không phù hợp và "xuyên tạc lịch sử". Tuy nhiên, đại diện NPH này vẫn khẳng định, sự sáng tạo trong thiết kế của họ là không sai về nguyên tắc. "Đã là linh vật rồng thiêng, bản đồ của đất nước thì dù có quay ngang, quay dọc hay thậm chí lộn ngược thì nó vẫn là linh vật rồng thiêng, vẫn là bản đồ của đất nước", ông này lý giải.

Garena về chung mái nhà VIRESA với VTC

Đầu tháng 4/2013 vừa qua, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) đã tổ chức cuộc họp ban chấp hành để báo cáo những kết quả hoạt động trong thời gian qua và thảo luận phương hướng hoạt động giai đoạn sắp tới. Cũng tại đây, VIRESA đã biểu quyết đồng thuận với việc gia nhập của thành viên mới Garena. Như vậy, hai đại gia lĩnh vực eSports là VTC và Garena sẽ bắt tay nhau với cùng một sứ mệnh chung là phát triển nền eSports Việt - một sự kiện có thể xem là đáng mừng cho ngành thế thao điện tử VN.

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa hai đơn vị trên nếu xảy ra, cũng sẽ đem lại những thách thức không nhỏ với một số cộng đồng game thủ ủng hộ các trò chơi như Starcraft, Counter Strike, DotA, DotA 2, AOE... bởi tất cả chúng đều nằm ngoài danh mục sản phẩm của cả VTC lẫn Garena.

Gần đây nhất, mối lương duyên của 2 đơn vị phát hành này đã gặp không ít sóng gió dư luận khi xuất hiện nhiều đồn thổi về việc Garena đã "hớt tay trên" VTC Game trong thương vụ bản quyền phát hành FIFA Online 3 tại Việt Nam. Theo tin đồn này, một công ty hoạt động trong lĩnh vực về game khá thân thiết với Garena là PlayInter đã tiến hành mua những domain sẽ gán cho website chính thức của FIFA Online 3 tại Thái Lan. Nếu như công ty này có thể độc quyền phát hành FIFA Online 3 tại đất nước triệu voi thì một hãng phát hành game có nhiều điểm tương đồng với PlayInter là Garena ở Việt Nam hoàn toàn có thể làm được việc tương tự.

Hiện tại, khá nhiều ý kiến cộng đồng thiên về khả năng Garena đã nắm trong tay bản quyền phát hành FIFA Online 3 tại VN. Tuy nhiên, sự việc cũng làm dấy lên nghi ngại về mối quan hệ giữa Garena và VTC, một bên có khả năng sẽ phát hành phiên bản mới còn bên kia đang vận hành sản phẩm cũ của dòng game FIFA Online. Tất nhiên, vẫn có không ít quan điểm nhận định, khả năng VTC và Garena sẽ bắt tay nhau để cùng vận hành sản phẩm mới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Gosu bị CA sờ gáy do kinh doanh game không phép

Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty cổ phần truyền thông và dịch vụ trực tuyến Mặt trời (gọi tắt là Sunsoft) đã bị niêm phong hoạt động, khám xét và thu giữ tang vật với tội danh kinh doanh khi chưa được cấp phép hàng loạt trò chơi trực tuyến. Đây là vụ án nằm trong chuyên án mà Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 phối hợp với Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội C45 Bộ Công An thực hiện, nhằm rà soát và kiểm tra các đơn vị kinh doanh trò chơi trực tuyến sai quy định.

Cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố 3 bị can cầm đầu là Lê Thanh Minh, Ngô Minh Thắng và Nguyễn Quang Hưng. Trước đó công ty này đã từng bị xử phạt hành chính nhiều lần do kinh doanh trái phép nhưng vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động, thu lời hàng chục tỷ đồng mỗi năm qua các trò chơi Thần Bài, Tiên Kiếm, Ngạo Kiếm, Cửu Đỉnh.

Vụ việc này đã khiến dư luận làng game Việt náo loạn, từ những đơn vị đang kinh doanh game online tại VN cho đến cộng đồng game thủ, đặc biệt là những người đang chơi các sản phẩm game trên cổng Gosu. Trên thực tế, đa phần các trò chơi trực tuyến mới đang hoạt động tại VN trong 2 năm trở lại đây đều chưa thể xin được giấy phép phát hành theo quy định của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Chính vì vậy, vụ việc này ít nhiều đã gây tâm lý hoang mang cho những đơn vị phát hành game online ở VN.

Chưa kể, cộng đồng game thủ của Gosu cũng phải chịu thiệt hại đáng kể từ vụ scandal này do các game của NPH này - trong đó nổi bật là Cửu Âm Chân Kinh - đều đã bị tạm thời đóng cửa. Mới đây nhất, trang tin tức Gosu đã bất ngờ được cho mở cửa trở lại, tuy nhiên các sản phẩm phát hành trên cổng này vẫn hoàn toàn bặt vô âm tín và chưa biết đến khi nào được hồi sinh.

Tin đồn DotA 2 được VTC Game mua về VN

Mới đây, VTC Game đã phát thông báo về việc chuẩn bị tổ chức giải đấu thể thao điện tử sinh viên University eSports Championship (UEC 2013) trong tháng 5. Đáng chú ý là trong số 5 bộ môn thi đấu được công bố lần này xuất hiện cái tên DotA 2. Bốn bộ môn còn lại đều là những sản phẩm quen thuộc của VTC Game là FIFA Online 2, World Of Tanks, Đột Kích Phi Đội.

Ngay lập tức, một số đồn đoán đã nảy sinh từ cộng đồng khi cho rằng việc VTC Game đưa DotA 2 vào thi đấu tại UEC 2013 không đơn thuần chỉ là động thái lựa chọn bộ môn vì nó được nhiều người ưa thích. Thay vào đó, luồng ý kiến này còn đề cập đến khả năng VTC Game đưa DotA 2 vào UEC chính là bước khởi động cho một chiến dịch quảng bá rầm rộ trò chơi MOBA này sắp tới. Nói cách khác, NPH miền Bắc này được suy đoán là đã sở hữu trong tay DotA 2.

Tin đồn này không phải không có cơ sở. Hồi đầu năm nay, làng game Việt từng chấn động trước một số nguồn tin tuyên bố DotA 2 đã rục rịch đổ bộ VN và người đỡ đầu không ai khác chính là VTC Game. Qua tìm hiểu chân tướng sự việc ở thời điểm đó của Game Thủ.net thì thực tế, đã có một cuộc gặp gỡ giữa đại diện đơn vị phân phối DotA 2 của Valve tại khu vực Đông Nam Á với một số đại diện NPH tại Việt Nam, trong đó có FPT Online và VTC Game. Mục đích của cuộc gặp gỡ này là nhằm đi đến thỏa thuận về việc thiết lập cổng thanh toán để phục vụ cho cộng đồng game thủ Việt trên hệ thống Steam. Tuy nhiên, kết quả cuộc đàm phán đã hoàn toàn trong vòng bí mật sau đó.

Sau này, DotA 2 đã bị VTC Game loại khỏi giải đấu UEC 2013.

Vụ bản quyền Naruto và nguy cơ tiềm tàng đến game online Việt

Cũng trong tháng 4 vừa qua, hãng Tencent bất ngờ gửi thông cáo tuyên bố độc quyền thương hiệu Naruto tới các nhà phát triển game trên toàn Trung Quốc sau khi công bố dự án Naruto Online của mình và ký kết một hiệp ước cấp phép cho tất cả các manga do hãng Shueisha phát hành tại thị trường Trung Quốc. Shueisha là một trong những hãng xuất bản truyện tranh lớn nhất Nhật Bản, với các sản phẩm tên tuổi như Naruto, One Piece, Bleach và Toriko.

Ngay sau đó, trang chủ của Pockie Ninja, trò chơi do Dream Network Technology phát triển đã thông báo sẽ đóng cửa các máy chủ của game. Các sản phẩm game khác tại Trung Quốc có nội dung ăn theo manga đương nhiên cũng như "ngồi trên đống lửa' sau khi nghe phán quyết của Tencent.

Sự việc này ít nhiều đã gây xôn xao làng game Việt do có không ít trò chơi ăn theo manga - trong đó một số lấy đề tài Naruto - xuất xứ từ Trung Quốc đang hoạt động tại dải đất chữ S như Ninja VN (VTC Game), Naruto Online (FPT Online)... Tuy nhiên khi được hỏi, các NPH đều tự tin khẳng định, sản phẩm của họ sẽ vẫn được hỗ trợ tốt trong tương lai và không chịu ảnh hưởng nào từ vụ việc trên.

Nạn vi phạm bản quyền game di động tại VN

Trên phương tiện thông tin đại chúng gần đây đang dấy lên dư luận về các vấn đề vi phạm bản quyền của nhiều hàng sản xuất và phát hành game mobile Việt. Hiện tại, bất cứ người dùng ở VN nào sở hữu điện thoại thông minh trên các nền tảng iOS và Android đều có thể dễ dàng tìm thấy các ứng dụng và game "chùa" trên hàng loạt store lậu ở VN. Trong số những app này, họ không khó để tìm thấy vô số các game Clone và Rip-off, hay còn gọi nôm na là game đi ăn trộm.

Có thể kể ra hàng loạt các thương hiệu trò chơi đình đám ở nước ngoài hiện đang có bản Việt hóa ở VN và được vận hành một cách đường hoàng như Tankzor (về Việt Nam bị đổi tên thành Tank Pro), Where is my Water (bị đổi thành Kì lưng cá sấu), Asphalt trở thành Quái xế, Plant Vs Zombie thành Cuộc chiến thây ma... Không những thế, trong khi các dịch vụ vốn tích hợp sẵn trong game và được miễn phí từ bản nước ngoài chẳng hạn "Đăng tải kỷ lục" sau mỗi màn chơi thì ở các game "Việt hóa" này, chúng lại thu phí. Hình thức thu phí có thể bằng hình thức tin nhắn giá trị giá tăng, cũng có khi là quy đổi ra tiền ảo.

Đại diện một hãng game mobile offline lớn của nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam cho biết, họ cũng đang rất đau đầu về vấn nạn ăn cắp bản quyền của nhiều công ty game di động tại đây. Vị này cho biết, hiện có 2 hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất ở các công ty game mobile Việt. Thứ nhất, họ tải bản game nước ngoài về, bung các file hình ảnh ra, đổi tên game và thay toàn bộ nội dung thành tiếng Việt - hay còn gọi là Việt hóa game. Thứ hai, đối với một số công ty có tiềm lực tài chính khá và sở hữu studio riêng, họ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư sản xuất một dự án game riêng, song đáng tiếc là ý tưởng về nội dung, hình ảnh, nhân vật, vũ khí, vật phẩm... hầu như được sao chép nguyên xi từ một trò chơi nước ngoài có tiếng nào đó.

Dù nạn vi phạm bản quyền game di động đang diễn ra phổ biến song hiện tại, cơ quan quản lý hầu như vẫn chưa đưa ra những chế tài hay động thái xử lý triệt để. Bản thân VN hiện không có một hiệp hội nhà phát triển game mobile đúng nghĩa đứng ra để giải quyết vấn đề tranh chấp bản quyền. Chính kẽ hở này đã tạo điều kiện cho những đơn vị làm game mobile dễ bề kiếm lời từ những người dùng nhẹ dạ cả tin. Rõ ràng, điều này là không công bằng đối với một số doanh nghiệp sản xuất game mobile chân chính tại VN - những người đang ngày đêm nỗ lực để xây dựng và nâng tầm thương hiệu hình ảnh ngành game Việt còn non trẻ.

Maria Ozawa được đồn sang Việt Nam làm đại sứ game

Hôm 17/5, cư dân mạng Việt Nam như dậy sóng trước thông tin Maria Ozawa - ngôi sao phim người lớn nổi tiếng của Nhật Bản - chuẩn bị đến Việt Nam vào tháng 9 tới với tư cách đại sứ game online cho NPH VDC-Net2E.

Độ xác thực của thông tin này có vẻ như càng được củng cố khi bản thân NPH này khi chính họ đã xác nhận với Game Thủ.net về mong muốn được mời nữ Maria Ozawa sang VN từ lâu. Một nguồn tin từ VDC-Net2E cũng khẳng định thêm, họ đã có kế hoạch chi tiết về việc mời Maria Ozawa đến VN trong tháng 9 tới, đồng thời tiết lộ cả mức giá phía người đại diện Maria Ozawa yêu cầu là hơn 5 tỷ đồng để "Thánh nữ" có thể đặt chân tới dải đất chữ S.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là ngay sau đó, VDC-Net2E đã bất ngờ ra thông báo trên trang chủ trong đó tuyên bố "Chúng tôi không bình luận về các vấn đề liên quan tới Maria Ozawa". Đến lúc này, khá nhiều ý kiến chuyên môn nhận định, những diễn biến liên quan đến việc VDC-Net2E mời Maria Ozawa về Việt Nam làm đại sứ thực chất chỉ là vở kịch do NPH này dàn dựng để quảng bá thương hiệu công ty và sản phẩm.

Thực tế, việc một công ty game Việt sở hữu lượng khách hàng đông đảo ở độ tuổi thanh thiếu niên lại đi mời một nữ đại sứ xuất thân từ ngành công nghiệp phim khiêu dâm rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Các bậc phụ huynh sẽ nghĩ gì khi biết con em họ đang chơi một sản phẩm game mà có đại sứ là ngôi sao phim người lớn? Chưa kể, cơ quan chức năng liệu có bỏ qua động thái nhạy cảm, ảnh hưởng đến thuần phục mỹ tục này hay không, nhất là khi nó xuất phát từ một doanh nghiệp nhà nước?

Hoàng Quân


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận