Thực hư một giải E-Sports

Có nhiều cách lý giải khác nhau cho một hành động khá kỳ lạ và bất ngờ của đơn vị tổ chức giải đấu.

Ngày 16/5/2013, trước thềm giải đấu UEC 2013, có thể coi là một giải lớn của phong trào E-sports tại Việt Nam và chỉ đứng sau VEC, nhà tổ chức đưa ra thông báo thay đổi môn thi và loại bỏ "món ngon" DotA 2 ra khỏi thi đấu với lý do "do yêu cầu từ phía quản lý với sự hậu thuẫn và tác động từ một số tổ chức sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu DotA 2 phát triển quá mạnh tại thị trường Việt Nam".

Lật lại lịch sử

Chúng ta cần lật lại lịch sử của các giải đấu này, và rõ ràng vấn đề tại sao nhận được "yêu cầu từ phía quản lý"? Đầu tiên là giải đấu VEC 2012 diễn ra trong năm ngoái tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm dài chỉ là sự kiện diễn ra tại các phòng máy (trừ chung kết quốc gia), thì lần đầu tiên nhà tổ chức có đủ sức mạnh để đưa vào nhà thi đấu thể thao Rạch Miễu nhằm tổ chức một giải E-Sports tầm cỡ quốc gia. Đó là sự tiến bộ đáng khích lệ trong nỗ lực đem E-Sport lên một tầm cao mới về quy mô tổ chức, khiến game thủ khấp khởi mừng thầm vì cuối cùng cũng đã có thể thi đấu một cách hoành tráng như thế. Tuy nhiên đã xảy ra những chuyện dở khóc dở cười tại kỳ đại hội thể thao điện tử này khi được đích thân "phía quản lý" đến hỏi thăm sức khỏe. Hậu quả là bộ môn Đột Kích, DotA, Age of Empires được xóa tên khỏi bảng thi đấu, và toàn bộ thành viên thi đấu Đột Kích đã được ưu ái dời ra phòng máy để tiến hành.

Vậy câu chuyện trên cho ta thấy điều gì? Đó là sự mập mờ trong công tác tổ chức. Đứng đăng cai một sự kiện "tầm cỡ" quốc gia như thế, nhưng không chuẩn bị kỹ lưỡng dẫn đến việc bị sờ gáy ngay những ngày tổ chức. Trong giai đoạn đó, Đột Kích rõ ràng không có ai cạnh tranh, nên cái vế "một số tổ chức sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu Đột Kích, DotA, AoE phát triển quá mạnh tại thị trường Việt Nam" chắc sẽ không xảy ra.

Trong 36 kế binh pháp, thì kế đầu tiên là Man Thiên Quá Hải, tức là dối trời vượt biển. Thiết nghĩ nhà tổ chức giải đấu cũng cố gắng áp dụng kế hoạch này trong cả 2012 và 2013, ráng nhắm mắt làm liều qua biển dù biết là tổ chức thế là vi phạm luật quản lý. Lẽ đời một nhà phát hành lớn thế lại không biết khi ấy Đột Kích đang bị Sở cấm cửa tại thành phố Hồ Chí Minh, và rằng tổ chức một game chưa được cấp phép phát hành tại Việt Nam (Dota 2) là vi phạm? Chuyện này ai tin được.

Gắp lửa bỏ tay người

Chung quy tại sao một game đáng được mong chờ lại vắng mặt ngay gần ngày thi đấu, cũng chỉ là vấn đề về việc gắp lửa bỏ tay người. Cộng đồng phản ứng vì một giải đấu lớn thế, đã công bố từ sớm, nhưng gần đến ngày lại bị mất môn thi đấu như vậy thì dĩ nhiên bao trút giận đổ lên đầu của người tổ chức. Và để tránh cơn bão dư luận ấy thì chả có gì tốt hơn là bóng gió tìm người khác đổ tội, để hướng cơn giận của dư luận sang bên phía khác.

UEC cuối cùng còn lại gì? 4 môn thi đấu của cùng một nhà phát hành đứng đằng sau. Một trong 4 game ấy thì là game online dạng nhập vai đơn thuần và thật khó để tìm thấy giải nào tổ chức nó như một môn E-Sports cả. Vậy cuối cùng UEC có còn là một giải thể thao lớn mang tầm vóc quốc gia dành cho sinh viên, hay là một đợt quảng cáo cho nhà phát hành tài trợ?

4 môn này đều có giấy phép phát hành, vì thế đưa vào thi đấu không có gì là lạ. Tuy nhiên trong một nền E-Sports đang trên đà phát triển, sự thiếu hụt một game theo thể thức MOBA dạng DotA là một sự thiếu sót. Nếu một giải thể thao điện tử là một giải thể thao đúng nghĩa, thì môn thi đấu dạng DotA chính là bóng đá, là chai rượu ngon trên một bàn tiệc. Một bàn tiệc dù ngon đến đâu đi nữa, mà không có một chai rượu ngon để thưởng thức cùng, thì buổi tiệc cũng là một sự thiếu sót.

Trong hoàn cảnh ấy, việc ráng đưa một chai rượu ngon vào bàn tiệc là một điều dễ hiểu. Đành đoạn đã phục vụ các món ăn trên bàn tiệc với những món "cây nhà lá vườn", nhưng không có chai rượu thì ít người muốn ăn. Khi mà DotA 1 đang không còn độ "hot" như xưa, hai game tương tự đang nổi tiếng là League of LegendsHeroes of Newerth thì đã rớt vào tay nhà phát hành khác, thì có lẽ DotA 2 là sự lựa chọn hợp lý hơn cả. Thứ nhất, DotA 2 có sức hút lớn vì nó giữ khá nguyên bản các yếu tố của DotA 1, nên không lo không có người tham gia. Thứ 2, DotA 2 chưa có nhà phát hành tại Việt Nam, nên đó có thể là cơ hội đầu tư tốt. Vừa tìm kiếm một sản phẩm mới để phát hành, vừa có thể thu hút gamer đăng ký tham gia một giải đấu của mình tổ chức, đó là một nước cờ đôi rất hay khi chả mất gì, nhưng lại đạt được cùng lúc hai mục đích.

Vụng chèo khéo chống

Văn bản của những người làm công tác quản lý đã khiến nước cờ đôi này sụp đổ. Đó là một điềm không may, vì chắc chắn số lượng game thủ sẽ tụt giảm ít nhiều vì mất đi trò chơi mà họ háo hức tham gia. Vậy cách tốt nhất là nên làm gì? Dĩ nhiên hướng sự nóng giận của cộng đồng sang một người khác, và thật thuận tiện khi người may mắn được chọn hứng đạn ấy lại là đối thủ "tiềm năng" đang dần khẳng định vị thế của mình trong mảng E-Sports. Cũng lại là một nước cờ hy vọng có thể "Nhất tiễn hạ song điêu" mà thôi.

Suy cho cùng, đây chỉ là một nước cờ bí bách, và trong cái bí bách ấy lại tìm cách khắc phục bằng việc ném sự nóng giận của cộng đồng sang một nơi khác để bảo toàn danh tiếng cho mình. "tác động từ một số tổ chức sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu DotA 2 phát triển quá mạnh tại thị trường Việt Nam" hay thật ra chỉ là một màn kịch thất bại và ráng tìm người đổ tội? DotA 2 đã phát triển tại Việt Nam, không lớn mạnh vì không có nhà phát hành chính thức, nhưng cộng đồng cũng chả mong gì một giải đấu được một nhà phát hành đến trước giải 1 ngày còn dời lịch thi đấu giúp DotA 2 phát triển đâu.

(theo Người làm game)


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận