Được và mất trong cuộc chiến giữa NPH nội và ngoại

Game thủ đang bị tung hỏa mù khi không biết game nào có giấy phép, game nào không có giấy phép được các NPH Trung Quốc trà trộn vào.

Sau nhiều năm tồn tại và phát triển, một cơn sóng ngầm đang hình thành trong lòng thị trường game Việt với cuộc chiến giữa NPH game Việt và NPH game Trung Quốc. Nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra không chỉ trên hệ thống các trang tin lớn mà còn ở diễn đàn và mạng xã hội.

Koramgame – NPH Trung Quốc đầu tiên lấn sân Việt Nam

Koramgame là NPH Trung Quốc đầu tiên lấn sân sang thị trường game Việt với các game như Phong Vân Tam Quốc 2, Phi Tiên, Tiên Cảnh, Tiếu Ngạo Tây Du. Mới gần đây, Koramgame gắn liền các NPH "chân rết" như lemon, myw, Gấu bay phát hành game Hoa Sơn Luận Kiếm, Hùng Bá Tam Quốc

Loạt game của Koramgame gắn liền với cách truyền thông vô tiền khoáng hậu như mua keywords tên game đối thủ, chạy quảng cáo google adwords, dùng các hình ảnh dâm tục thu hút sự chú ý của người chơi. Việc kết hợp chạy quảng cáo cùng ông lớn Google cùng tiềm lực kinh tế vững của mình, Koramgame đã phủ chiến dịch quảng cáo hùng hậu phủ rộng khắp trong cộng đồng người chơi Việt hiện nay. Không ít game thủ phàn nàn về việc các trang trên mạng đều thấy bóng dáng quảng cáo của Wartune Demon Slayer nhưng điều mà họ không ngờ tới cả hai sản phẩm này thực chất đều là "đi mượn" 100% phiên bản Việt hóa của game Thần Khúc, một sản phẩm được phát hành bởi VNG, và chúng được phát hành từ một NPH Trung Quốc, Koramgame.

Dùng "da thịt" để câu kéo người xem là những chiêu trò thường thấy của Koramgame.

Sự thành công không chính thống của Koramgame tại Việt Nam đã vô hình chung tạo cuộc chiến với các NPH game lớn nhỏ trong nước. Không chỉ ông lớn lo ngại, các công ty game Việt có vốn đầu tư nhỏ đều cảm thấy bất an với chiều hướng bị NPH game Trung Quốc chèn ép, giành thị phần hiện nay.

Nhiều NPH game nội e ngại NPH game Trung Quốc

95% game Việt hiện nay đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các sản phẩm game Trung Quốc đi liền với người dùng từ những ngày tháng đầu tiên Việt Nam chập chững vào ngành kinh doanh game như Võ Lâm Truyền Kỳ, Tam Quốc Chí... Game Trung Quốc đánh đúng tâm lý người dùng, hiểu rõ được game thủ cần gì, thích gì. Rất nhiều sản phẩm không phải game Trung Quốc tìm cách vào thị trường VN nhưng phần lớn đều thất bại do không đón bắt được tâm lý game thủ Việt. Có thể liệt kê ra những tên tuổi tiêu biểu như: Atlantica, Grando Espada, Cabal...

Các NPH game trong nước đều sang thị trường Trung Quốc để mang game về. Với tiềm lực kinh tế của các NPH game nội, không phải NPH nào cũng có thể mua được một game hay. Thay vào đó, khá nhiều game "rác" chất lượng thấp được mang về và quảng bá rầm rộ đã làm mất lòng tin ở một số bộ phận người chơi. Chưa kể, nhiều NPH game chọn hình thức truyền thông sản phẩm bằng các scandal như chọn các tên miền gây nhiều tranh cãi như clgt, cdgt... hay dùng hình ảnh các hot girl ăn mặc tiết kiệm vải hết mức có thể cùng với các hành động hay lời lẽ khiêu gợi khiến cho một nhóm lớn game thủ không còn tha thiết với các sản phẩm mà NPH trong nước tung ra.

"Bưởi", "Dưa" là những chiêu mà nhiều NPH trong nước hay dùng.

Khi NPH Trung Quốc vào Việt Nam, họ có nhiều cơ hội đưa các game tốt về và phát hành với cách truyền thông hiện đại. Họ cũng nhanh chóng tiếp cận người dùng Việt và vô hình chung, thị phần đã bị chia nhỏ. Sự thua kém về sản phẩm mang về, sự thiếu chuyên nghiệp trong cách quảng cáo tiếp cận người dùng khiến cho vị thế của các NPH game nội lung lay.

Game thủ được và mất gì trong cuộc chiến này?

Với việc bùng nổ các NPH "giấu mặt" như hiện nay, game thủ được tiếp cận nhiều sản phẩm từ game cài đặt, game web tới game mobile, muôn hình vạng trạng cũng giống như mâm cơm có nhiều món để lựa chọn hơn. Tuy nhiên, điều đánh nói là nếu như một ngày đẹp trời, game xảy ra vấn đề, NPH bỗng dưng mất tích thì số tiền mà game thủ bỏ ra để đầu tư cho tài khoản của mình sẽ không biết phải hỏi ở đâu, gõ cửa nào. Thêm vào đó với việc nhiều NPH trong nước hiện nay vì nhiều lý do không dám tự nhận sản phẩm do mình cung cấp đã khiến cho game thủ rối trí, không biết đâu là game được mua bản quyền, đâu là game bị ăn cắp, đâu là game không phép của các NPH Trung Quốc trà trộn vào... Vô hình chung khiến cho các game thủ có thể đánh đồng các sản phẩm đều như nhau dẫn tới thiệt hại cho những NPH lớn và uy tín.

NPH trong nước cần củng cố vị trí của mình trước cuộc chiến

Với việc NPH Trung Quốc lựa chọn VN là mảnh đất để "cày bừa" thì các NPH trong nước cần phải thay đổi lại cách thức hoạt động của mình từ nghiên cứu tâm lý game thủ, cách thức truyền thông quảng bá, chăm sóc khách hàng, lựa chọn sản phẩm tốt... Nếu ngày nào vẫn còn cảnh lựa chọn scandal hay dùng hình ảnh hở hang... để truyền thông cho game, quyền lợi của game thủ bị bỏ rơi, các sản phẩm luôn tìm cách thu lợi nhuận nhanh nhất rồi sau đó duy trì theo dạng bỏ mặc... thì ngày đó thị trường game tại VN vẫn bị đe dọa bởi các NPH ngoại lai.

Các NPH trong nước cần tăng cường sức mạnh cho chính mình thay vì chờ đợi những quy định về mặt pháp lý vì dù có quy định rõ ràng thì cũng không ai dám đảm bảo sẽ không có những đơn vị phát hành chui tồn tại.

Xem thêm: game bigkool - Mạng xã hội tuyệt vời trên Android

Trần Hạo Nam


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận