Có nhất thiết phải bảo hộ cho NPH game Việt?

Nếu nhìn nhận ở góc độ nhất định, sự xâm lấn của NPH Trung Quốc thời gian gần đây có thể là liều thuốc giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh chất lượng dịch vụ của các NPH trong nước.

Nói về chuyện xâm thực của các nhà phát hành Trung Quốc vào thị trường game Việt, liệu chúng ta có đang làm quá? Làng game Việt thật sự cần một sự bảo hộ cho những nhà phát hành trong nước, hay cần thả nổi trên cơ chế thị trường?

Trung Quốc không phải thế lực ngoại bang duy nhất ở làng game Việt

Thật ra không phải chỉ mỗi làng game Việt mới bị Trung Quốc nhòm ngó thị trường, mà phần lớn các ngành nghề khác, chúng ta đều có thể tìm thấy sản phẩm đến từ Trung Quốc trên thị trường Việt Nam. Nền công nghiệp Game Việt đang là con gà đẻ trứng vàng, và dĩ nhiên miếng bánh béo bớ ấy dễ dàng lọt vào ánh mắt của những gã khổng lồ. Những tin tức như Tencent đang xâm lăng thị trường Việt bằng cách đầu tư vào các công ty game Việt hoàn toàn không hề xa lạ ở Việt Nam, và dù không ai xác nhận hay bác bỏ, rõ ràng những động thái trên thị trường đã cho thấy một số công ty game Việt đã bắt tay với các siêu cường từ Trung Quốc.

Không ít game online do NPH ngoại phát hành từ trước đến nay vẫn được cộng đồng ủng hộ.
Không ít game online do NPH ngoại phát hành từ trước đến nay vẫn được cộng đồng ủng hộ.

Thật sự, làng game Việt tràn ngập game Trung Quốc, nên rõ ràng những công ty game Trung Quốc có lợi thế khi xâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này. Nhưng đừng quên Trung Quốc không phải là kẻ ngoại quốc duy nhất tại làng game Việt. Chúng ta còn có hai "người ngoài làng" đến từ Đông Nam Á trên mô hình công ty con của tập đoàn đa quốc gia phát hành game. Dù là người ngoài, nhưng cả Asiasoft và Garena đều đã được chào đón khá nồng hậu tại Việt Nam. Với Asiasoft thì khi phát hành Cabal, cộng đồng đã ủng hộ họ rất mạnh mẽ. Còn Garena thì với việc mang Liên Minh Huyền Thoại đến Việt Nam, game thủ cũng dành cho họ một tình cảm nhiệt thành. Vậy tại sao chúng ta lại e ngại một nhà phát hành ngoại đến từ phương bắc?

Thị trường khắc nghiệt

Trên thương trường, các công ty lớn đầu tư chéo nhau, hay thậm chí là cá lớn nuốt cá bé, không phải là hiếm có. Lấy ví dụ như Tencent từ Trung Quốc chẳng hạn. Không chỉ là một siêu cường tại Trung Quốc, Tencent hiện sở hữu một lượng lớn cổ phần của Riot Game, nhà sản xuất của Liên Minh Huyền Thoại. Vì thế, việc họ đầu tư chéo vào một công ty game Việt cũng không thật sự quá lạ. Công ty game Việt cần vốn, điều mà Tencent hay các công ty Trung Quốc không hề thiếu. Trên thương trường, đó là chuyện "vì ta cần nhau".

Chúng ta đều thấy những hình ảnh nhà phát hành Trung Quốc đang làm hoen ố làng game Việt bằng những quảng cáo đậm chất gợi dụng, xàm nhảm... Nhưng nếu nhìn xa hơn, thật sự những điều ấy đâu phải do người Trung Quốc mang đến? Tất cả đều có những người Việt ra tay giúp đỡ cả đấy. Họ làm game lậu, không phép, núp bóng một vài cổng game cũng không phép để thu tiền, nhưng nếu không có những người Việt đứng ra đưa lối dẫn đường, liệu họ có làm dễ dàng vậy? Cổng thanh toán do người Việt thiết kế và vận hành, và đó là cái mầm mống của quỷ dữ trong làng game, chứ không phải là Trung Quốc hay bất kỳ một nước nào khác.

Thật sự, nếu một đại gia như Tencent hay Perfect World đầu tư vào làm game Việt một cách đường đường chính chính, có lẽ game thủ nên vui mừng. Đó đều là những công ty game lớn với bề dày truyền thống lịch sử, cộng với những sản phẩm đã làm nên tên tuổi của họ, rõ ràng chất lượng sản phẩm lẫn dịch vụ do họ đem lại là vô cùng lớn. Người chơi Việt ca thán về thái độ dửng dưng của nhà phát hành, phong thái thiếu chuyên nghiệp, coi thường game thủ... Vậy nếu có sự xuất hiện của một thế lực mới với chất lượng tốt hơn, có lẽ đó sẽ là liều thuốc mạnh cho những nhà phát hành game Việt thức tỉnh và chú trọng lại dịch vụ của mình. Lẽ dĩ nhiên đó là nếu họ làm game một cách chính thống và hợp pháp tại Việt Nam.

Vấn đề cốt lõi vẫn ở quản lý

Suy cho cùng, một siêu cường từ Trung Quốc xâm lấn vào làng game Việt không phải là đại họa. Đại họa của làng game Việt nằm ở việc quản lý điều hành còn nhiều bất cập, đã tạo kẻ hở cho nhiều kẻ gian lách luật. "Kẻ gian" ở đây, không chỉ là những nhà phát hành từ Trung Quốc đang kinh doanh lậu tại Việt Nam mà còn là cả những người Việt, hoặc tiếp tay cho Trung Quốc, hoặc tự mình lách luật làm bậy. Môi trường đầu tư game ở Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều vấn đề về quản lý và chính vì thế tạo ra kẻ hở lách luật.

Các làm và quảng bá game của NPH Việt hiện nay cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.
Các làm và quảng bá game của NPH Việt hiện nay cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.

Làng game Việt chưa phải chưa thấy sự có mặt của những thế lực nước ngoài, và xét trên bình diện quốc tế, cái tên Asiasoft hay Garena không thề thua kém những công ty game Trung Quốc. Họ mang đến Việt Nam không chỉ là những sản phẩm hay mà còn ở cung cách quản lý và điều hành phong cách quốc tế, vốn đúc kết từ nhiều năm làm game tại nhiều đất nước khác nhau. Thật sự, nếu những đại gia từ Trung Quốc đầu tư vào làng game Việt Nam, chỉ cần họ đầu tư đầy đủ, chính đáng và làm việc với phong thách chuyên nghiệp nhất, làng game Việt thật sự không có gì phải quá lo ngại. Một sự cạnh tranh từ nước ngoài sẽ đánh thức những gã khổng lồ của làng game Việt tỉnh dậy sau khi nằm ngủ quên quá lâu trên thành công của mình.

Nguoilamgame


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận