Cuộc chạy đua console next-gen giữa hai nhà sản xuất Microsoft và Sony đang bước vào thời kỳ chung cuộc và ngày càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Tại hội chợ E3 khai mạc vào hôm qua, hai hãng đã giới thiệu chi tiết về sản phẩm của mình.
Tạm bỏ qua các yếu tố về mặt kỹ thuật, phần cứng, hãy cùng nhìn xem trong con mắt của một khách hàng, vì sao Xbox One khó có thể so sánh được với PS4, cả về mặt kinh tế, khả năng chi trả của người tiêu dùng cũng như nhiều yếu tố khác.
Giá cả
Cả hai sản phẩm sẽ cùng lên kệ vào cuối năm nay. Xbox One chắc chắn vào tháng 11, còn ngày ra mắt chính thức của PS4 vẫn chưa được xác nhận. Tại hội chợ E3 ngày hôm qua, giá cả của hai sản phẩm đã chính thức được thông báo. Theo đó, một chiếc PS4 sẽ trị giá 399 USD ở Mỹ, 349 bảng ở Anh, 399 euro tại châu Âu và 549 đô la Úc.
Trong khi đó, Xbox One sẽ có giá là 499 USD ở Mỹ, 429 bảng ở Anh và 599 đô la Úc.
Trước nay, giá cả vẫn luôn là một trong các yếu tố quyết định sản phẩm có thể bán được với số lượng lớn hay không. Và với tình hình kinh tế hiện nay, Microsoft có lẽ đã sai lầm khi đưa ra mức giá khó có thể cạnh tranh với đối thủ, chưa kể hàng loạt chính sách o ép khác.
Online 24/24
Một điều khá bất cập của Xbox One là yêu cầu game thủ phải kết nối internet 24/24 và online ngày ít nhất 1 lần, nếu như ngắt kết nối khoảng 1 tiếng thì các game trong máy sẽ ngừng hoạt động, Người dùng vẫn có thể xem TV, sử dụng đầu đĩa Blu-Rays và lướt web nhưng chơi game gần như là chuyện bất khả thi. Nắm được khuyết điểm chí mạng này, Sony đã tung ra máy PS4 không yêu cầu phải kết nối mạng liên tục. Trừ khi chơi online, download hay đưa clip lên mạng thì máy có thể luôn ở trong tình trạng offline và game vẫn sẽ hoạt động suôn sẻ.
Vấn đề chuyển nhượng game và chơi online
Đây có lẽ là vấn đề nhiều người quan tâm, nhất là ở Việt Nam khi điều kiện để chơi game bản quyền, mua mới 100% là rất khó và thói quen dùng đĩa secondhand khá phổ biến. Trong danh sách cập nhật mới về những câu hỏi thường gặp (Q&A) về Xbox One, Microsoft mới đây đã nói rõ hơn về chính sách quản lý tựa game cũ, theo đó họ sẽ không tính phí với lập trình viên, nhà phát hành game và người chơi khi sang nhượng những đĩa game cũ sau khi chơi xong. "Chúng tôi thiết kế Xbox One với mong muốn bạn (người chơi) sẽ như một nhà bán lẻ có toàn quyền buôn bán những đĩa game của mình. Phía phát hành game và đối tác bên thứ 3 của họ có thể lựa chọn là thiết lập các điều khoản kinh doanh hoặc phí chuyển nhượng đĩa game cũ".
Đối với Xbox One, Microsoft cho biết họ sẽ nới lỏng cách quản lý bản quyền game. Cụ thể họ sẽ không tính phí các nhà phát triển game và đối tác thứ 3 nếu người dùng chơi game cũ. Tức là khi chơi xong một đĩa game, người sử dụng có toàn quyền sang nhượng lại đĩa để người sau được chơi game đó, đĩa game này cũng sẽ chơi được ở chế độ multiplayer dễ dàng mà không cần phải mua Pass Code mới. Nhưng Microsoft cho biết họ đưa ra 2 giới hạn: người chơi phải kết bạn trên mạng Xbox Live ít nhất 30 ngày trở lên để chơi đĩa game cũ của nhau và đĩa chỉ được sang tay một lần. Mặt khác, để chơi online thì Xbox One của người chơi cũng phải được kết nối internet thường xuyên, ít nhất là cách mỗi 24 giờ một lần nhằm giúp Microsoft kiểm tra bản quyền của đĩa game đó và để giúp họ tải về những bản cập nhật cho hệ thống hoặc tính năng cho trò chơi.Tốc độ internet tối thiểu mà họ yêu cầu là 1,5Mbps.
|
Còn PS4 thì sao? Mới đây, Sony cho biết một đĩa game đã được mua sẽ thuộc quyền sở hữu của người sử dụng vĩnh viễn, người chơi có toàn quyền cho mượn, cho thuê hoặc bán cho bất cứ ai cũng được và người đó sẽ được chơi đĩa game cũ đó thoải mái mà không phải trả thêm khoản tiền phí nào khác. Tuy không đánh phí bản quyền lên đĩa game cũ nhưng Sony lại có một ràng buộc khác: nếu người dùng muốn chơi game PS4 trực tuyến thì phải có tài khoản PlayStation Plus để chơi online những tựa game này. PS Plus (PS+) là một dịch vụ mở rộng của PS Network, với nhiều tính năng nâng cao và có thu phí thuê bao. Nhân dịp này Sony cũng công bố thêm gói cước mới cho dịch vụ PS+, với giá 10$ cho gói 1 tháng, bên cạnh giá 20$ cho gói 3 tháng và 50$ cho gói 1 năm, bù lại game thủ sẽ được giảm giá một số tựa game nhất định kèm theo nhiều ưu đãi khác. Còn nếu chơi offline thì không cần phải bỏ tiền mua tài khoản PS+.
Rõ ràng xét về mặt này, chính sách của cả Microsoft và Sony đều có điểm hay và điểm dở. Tuy nhiên đây là điều tất yếu nếu như họ vẫn muốn thu được lợi nhuận kể cả sau khi đã giao máy vào tay người chơi.
Kinect 2.0: cái chết bất ngờ
Bắt buộc phải có Kinect 2.0 để có thể hoạt động Xbox One, điều này ban đầu có vẻ không phải vấn đề lớn vì dù sao Kinect 2.0 cũng được bán kèm với máy từ đầu. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày nọ Kinect bị trục trặc và phải đem bảo hành? Chắc chắn sẽ phải "nhịn" việc chơi game với Xbox One, ít nhất là cho đến khi bộ cảm biến chuyển động của mình được sửa xong.
Còn với PS4, có PS Eye hay không thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc chơi game, trừ khi PS Move là điều quá quan trọng trong việc thưởng thức game.
Kết
Người ta vẫn thường có câu: "Khách hàng là thượng đế", tuy nhiên Microsoft đã không thực hiện tốt điều này bởi không hề lắng nghe ý kiến của game thủ, nhiều người đã chỉ trích họ chỉ thích làm giàu và moi tiền từ khách hàng của mình. Sony nắm bắt rõ cách làm ăn của Microsoft nên đã lật ngược tình thế, lắng nghe ý kiến của khách hàng, và tạo ra một máy chơi game console hoàn toàn đối lập với tất cả những khuyết điểm của Xbox One.
Nguyễn Hào
Nguồn: GameThu |