The Night of the Rabbit - Jerry ở xứ thần tiên

Sau hai phần của Deponia, Daedalic Entertainment tiếp tục đưa người hâm mộ đến với cuộc phiêu lưu mới mẻ không kém phần kỳ thú có tên gọi The Night of the Rabbit.

Trẻ con luôn có nhiều ước mơ, trong thế giới muôn màu của chúng không chỉ tồn tại hoài bão về tương lai tốt đẹp như kỹ sư, nhà khoa học mà còn cả những điều mà người lớn chúng ta tưởng chừng như vô lí. Jeremiah "Jerry" Hazelnut là cậu bé 12 tuổi bình dị như bao đứa trẻ khác, cậu luôn ấp ủ ước mong được làm một ảo thuật gia đầy tài phép. Và rồi khi kỳ nghỉ hè chỉ còn hai ngày là kết thúc, giấc mơ của cậu bé đã trở thành sự thật. Jerry vô tình được gặp gỡ Marquis de Hoto – một con thỏ trắng khổng lồ trong bộ đồ đỏ trang nhã, tự nhận là một nhà ảo thuật và ngỏ ý muốn Jerry làm người học việc của mình. Niềm ước ao mãnh liệt đã thôi thúc Jerry đồng ý cùng Marquis bước vào cánh cổng ma thuật dẫn đến Mousewood, một thị trấn thần tiên. Jerry phải học các câu thần chú, luyện tập phép thuật để trở thành một Treewalker (thầy phù thủy với biệt tài chu du đến các thế giới qua cổng ma thuật). Thế nhưng hành trình đẹp như cổ tích lại trở thành cơn ác mộng khi âm mưu của tên phù thủy Zaroff lộ rõ. Và Jerry cũng dần nhận ra cuộc gặp gỡ với thỏ trắng bí ẩn chẳng phải là sự tình cờ…

* Trailer The Night of the Rabbit

Hẳn người chơi sẽ cảm thấy gì đó quen thuộc ở đây: một đứa trẻ thích khám phá, được con thỏ dẫn đường và sau đó là một cuộc phiêu lưu ở thế giới khác. Đó là những gì chúng ta đã được đọc trong Alice ở xứ sở thần tiên. Dựa trên mô típ xưa cũ, nhưng cốt truyện của The Night of the Rabbit lại ẩn chứa nhiều tình tiết, khúc mắc chứ chẳng hề đơn điệu như cuốn tiểu thuyết thiếu nhi của Lewis Carroll. Mục đích của Marquis de Hoto khi muốn nhận bạn làm đệ tử là gì? Ý nghĩa của khởi đầu và kết thúc mà Woodsprite nói đến? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra với bạn xuyên suốt trò chơi.

Cách Daedalic dẫn dắt người chơi vào cuộc phiêu lưu phải nói rất thú vị. Ngay từ những giây phút đầu tiên, khi đoạn đối thoại giữa Marquis và Woodsprite diễn ra, game tạo nên một sự huyền ảo, ma mị lẫn giữa làn sương mù. Đến thế giới thực tại khi gặp gỡ Marquis là một vùng quê tràn ngập nắng hè. Và khi đã bước qua cánh cổng ma thuật, một thế giới cổ tích muôn màu hiện ra trước mắt bạn với những chú chuột chũi, thỏ rừng, sóc, nhím biết trò chuyện rôm rả, biết xây nhà, trồng trọt, những đồng lúa vàng óng, con suối chảy róc rách. Song song vẻ yên bình đó là những con quạ đen hung ác luôn là nỗi sợ hãi của cư dân, những cánh rừng âm u tăm tối đến rợn người…

Khung cảnh thần tiên được thể hiện xuất sắc, nhưng mảng âm thanh và thiết kế nhân vật còn ấn tượng hơn. Mỗi nhân vật trong trò chơi dù chính hay phụ đều thú vị và có cá tính: chú ếch Plato, cô nàng cáo Kitsune hay cô cú nhỏ hiếu động Ursula rất đáng yêu, vui nhộn. Gây ấn tượng sâu sắc nhất theo người viết chính là Marquis de Hoto. Ngoại hình kết hợp cùng giọng lồng tiếng tuyệt vời tạo nên một sự bí hiểm, một cảm giác nghi hoặc luôn thường trực quanh chú thỏ trắng này, thúc đẩy người chơi tìm hiểu. Thế nhưng thật buồn cười khi chính cậu bé Jerry lại không nhận ra điều này, đến lúc thấy được thì đã muộn màng. Tất cả những điều trên sẽ trở thành vô nghĩa nếu ghép cùng một hệ thống đối thoại tồi. May mắn thay, dù cho ngôn ngữ gốc của game là tiếng Đức nhưng khi được chuyển sang tiếng Anh, những đoạn hội thoại vẫn giữ được nét hài hước, ngôn từ sắc bén. Cuối cùng là khâu lồng tiếng, đội ngũ của Daedalic đã đảm nhiệm rất tốt vai trò, giúp cho các nhân vật càng sống động, có hồn hơn.

Đó là những cảm nhận dễ thấy từ đầu, thế còn đi sâu vào mảng giải đố thì sao? Nhìn chung khía cạnh này được đầu tư khá tốt và cân bằng, tương tự như Deponia trước đây. Để tìm ra lời giải cho một bài toán, bạn không những phải quan sát, tìm kiếm và kết hợp đồ vật mà còn phải suy nghĩ vận dụng chúng một cách logic, đồng thời để ý đến những yếu tố phụ cũng có ảnh hưởng đến việc giải đố chẳng hạn như chu kỳ ngày đêm. Tuy vậy, vẫn có những lúc trò chơi làm khó game thủ bởi lối tư duy có phần kì quặc, khiến hướng đi của bạn sai lệch.

Game hỗ trợ người chơi bằng hệ thống gợi ý thông qua đồng tiền ma thuật mà Marquis tặng cho Jerry, giúp họ kết nối với nhau. Nhưng tính năng này tỏ ra khá vô ích khi chú thỏ chỉ đưa ra những nhiệm vụ chung chung mà bạn cần thực hiện, còn cụ thể bằng cách nào thì… mặc kệ. Do đó đôi khi game thủ phải thử nghiệm đến chín, mười giải pháp cho một câu hỏi mà vẫn chưa thể biết mình đang đi đúng đường hay không. Nhược điểm này đã tồn tại từ các sản phẩm trước đây của Daedalic nhưng sang The Night of the Rabbit vẫn chưa được khắc phục. Dù rằng khi kích hoạt đồng tiền sẽ hiện ra các item tương tác được trong môi trường, nhưng bạn sẽ làm gì với chúng khi mà chẳng có lời giải thích nào hơn. Với internet, game thủ dễ dàng tìm được một bản hướng dẫn cụ thể nhưng như thế sẽ làm mất đi yếu tố làm nên thể loại game phiêu lưu. Đó là tự bản thân người chơi phải tìm tòi, khám phá, dùng trí óc để vượt qua thử thách chứ không phải chăm chăm bắt chước từng đường đi nước bước của người khác. Hy vọng những trò chơi về sau của Daedalic sẽ dễ tiếp cận hơn.

Điểm hấp dẫn khác là yếu tố phép thuật, dĩ nhiên rồi vì đó là mục đích mà Jerry theo đuổi khi đến với thế giới này. Các phép thuật có thể sử dụng như những item kích hoạt trong hành trang, giúp Jerry có thể tạo ra ảo ảnh, trò chuyện với các bức tượng, làm cây cối mọc nhanh,… Đáng tiếc các phép thuật này chỉ thực sự hiệu quả trong một vài trường hợp.

Bên cạnh đó có vài điều chưa ổn trong cách sắp xếp trình tự các diễn biến cốt truyện. Chẳng hạn như trùm cuối Zaroff, nhân vật này quả thực rất xứng với chữ "cuối" bởi phải đến tận lúc gần đến hồi kết mới được xuất hiện và đề cập tới. Mọi chuyện sẽ dễ tiếp thu hơn nếu Zaroff được giới thiệu ngay từ đầu game, thay vì đợi đến cuối cùng mới bung ra một câu chuyện dài dòng lê thê. Sau cùng là tên gọi của trò chơi : The Night of the Rabbit, không hiểu nó mang ý nghĩa gì khi Jerry có thể biến ngày thành đêm ngay lập tức với một trong các phép thuật của mình.

Dù cái tên có như thế nào đi nữa, The Night of the Rabbit vẫn là một game rất hay của Daedalic Entertainment. Nó là cuộc phiêu lưu đến xứ sở thần tiên mơ mộng và quyến rũ; một hành trình làm nên bởi những câu đố đầy thử thách mà lại rất cân bằng, cùng một câu chuyện với nhiều lắng đọng. Do lối chơi chú trọng vào khám phá cốt truyện nên nhịp game diễn ra khá chậm, sẽ mất của bạn khoảng gần 10 giờ chơi để hoàn thành với nụ cười mãn nguyện trên môi. Trong khi thể loại phiêu lưu point & click đang lép vế so với các đại diện khác của làng game thì Daedalic vẫn đang từng bước chứng minh mình là một nhà phát triển tài năng không kém gì Lucas Arts ngày xưa.

Chấm điểm Game
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

>>> Xem thêm Review - Preview game trên diễn đàn.

Buurin


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận