Metro – cái tên gợi nhớ đến những con đường tàu điện dài, sâu hun hút tưởng như không có điểm dừng trong lòng đất. Mỗi khi game thủ nhắc đến, họ lại liên tưởng tới một nơi vốn dĩ không phải dành cho con người nhưng vì sự sinh tồn, nhân loại phải chấp nhận từ bỏ ánh sáng mặt trời để sống nơi lòng đất tăm tối. Trước năm 2010, số người biết đến cái tên Metro 2033 không nhiều dù rằng đây là một cuốn sách khá thành công. Sau năm 2010, khi video game cùng tên do 4A Games phát triển trở thành cú hit đình đám trên toàn thế giới, người ta đổ xô đi tìm cuốn tiểu thuyết của Dmitry Glukhovsky một phần để thỏa tính tò mò, một phần để so sánh xem liệu thế giới trong tiểu thuyết và thế giới trong game khác nhau như thế nào.
|
Có thể nói thành công của Dmitry Glukhovsky đã đóng góp khá lớn cho ngành công nghiệp game bởi nếu không có cuốn sách của ông sẽ không có Metro 2033 để game thủ thưởng thức. Tuy nhiên, liệu có ai đã từng đặt câu hỏi giữa thế giới thật và thế giới game có những điểm gì giống và khác biệt. Phải chăng chính từ những thứ gần gũi với cuộc sống hàng ngày hay một điều gì đó ngẫu nhiên trở thành động lực đã tạo nên cảm hứng cho tác giả để làm nên một cuốn sách hay – tiền đề cho một game cũng xuất sắc không kém. Trong khuôn khổ của bài viết này tác giả hi vọng sẽ giúp người đọc giải đáp những câu hỏi trên một cách thoả đáng nhất.
Metro – sơ lược và lịch sử hình thành
Hệ thống tàu điện ngầm của Moscow (Metro) không chỉ được đánh giá là một trong những hệ thống chuyên chở hành khách có tải trọng lớn nhất thế giới mà còn nổi tiếng bởi những nhà ga được trang trí lộng lẫy, có nhiều tác phẩm nghệ thuật cổ điển đan xen phong cách hiện đại…
Những con số ấn tượng về hệ thống tàu điện ngầm Moscow bao gồm: 312,9 km đường ray, 12 tuyến đường và 188 ga tàu. Vào ngày làm việc bình thường hệ thống Metro có thể chuyên chở tới 9 triệu hành khách/ngày.
Phần lớn hệ thống tàu điện ngầm của Moscow được xây dựng ở dưới lòng đất, chỉ có 9 ga nằm nổi trên mặt đất và 5 ga nằm cao hơn mặt đất (là những nhà ga nằm trên cầu vượt, cầu qua sông). Trong số những nhà ga nằm dưới lòng đất thì có 70 nhà ga nằm sâu dưới lòng đất và có 88 nhà ga nông hơn, trong đó ga ở sâu dưới lòng đất nhất là Park Pobedy "Парк Победы" - có độ sâu 84 m. Đến năm 2020 tính tổng cộng sẽ có thêm 90 km các tuyến đường và 46 ga điện ngầm mới.
Kế hoạch xây dựng hệ thống Metro của Moscow xuất hiện lần đầu từ thời kì Đế chế Nga, tuy nhiên bị trì hoãn lại bởi Chiến tranh thế giới thứ nhất, Cách mạng tháng Mười và nội chiến. Cho đến năm 1923, Hội đồng thành phố Moscow ra quyết định thành lập Văn phòng thiết kế hệ thống đường ray ngầm. Đơn vị này có nhiệm vụ chính là nghiên cứu, thiết kế hệ thống đường tàu điện ngầm của thành phố. Công việc thiết kế và xây dựng Metro được chia ra thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất: Hệ thống Metro của Moscow được xây dựng lần đầu tiên vào những năm đầu thập kỷ 1930 theo một kế hoạch tổng thể được thiết kế bởi Lazar Kaganovich. Năm 1935, tuyến đường đầu tiên được mở nối Sokolniki với Park Kultury, sau đó kéo dài tới tận Smolenskaya băng qua sông Moscow đến Kievskaiya vào tháng 4/1937. Vào thời kỳ này, thiết kế của các nhà ga còn khá đơn giản, chủ yếu "rập khuôn" một số nước. Chỉ đến khi xây dựng nhà ga Kievskaya thì nước Nga chính thức xây ga tàu điện ngầm theo bản sắc của riêng mình.
Giai đoạn thứ hai: Giai đoạn này được hoàn thành trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Tháng 3/1938, ga Arbatskaya được chia làm 2 nhánh và nối với Kurskaya. Đến tháng 11/1938, tuyến đường Gorkoskaya được mở nối Sokol và Teatralnaya với lối kiến trúc và trang trí nội thất giao hòa giữa hai trường phái nghệ thuật hiện đại và cổ điển Nga.
Giai đoạn ba: Đây là giai đoạn mà toàn nước Nga và các dân tộc anh em bước vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Thế nhưng, không vì thế mà những công trình tàu điện ngầm bị ngưng trệ. Nhiều tuyến đường vẫn được xây dựng và đưa vào hoạt động như tuyến Teatralnaya-Avtozavodskaya với 3 nhà ga ngầm đi qua sông Moscow và thêm 4 nhà ga khác ở khắp Moscow được khánh thành năm 1943 và 1944. Chiến tranh cũng làm ảnh hưởng đến thiết kế của hệ thống này. Trong suốt cuộc vây hãm Moscow thu - đông 1941, ga tàu điện ngầm được dùng làm nơi trú ẩn các cuộc oanh kích của phát-xít Đức và cũng là đại bản doanh của hội đồng bộ trưởng nước này.
Giai đoạn bốn: Sau chiến tranh, nước Nga bắt đầu hoàn thiện hệ thống tàu điện ngầm của mình với nhiều tuyến đường mới được thành lập và mở rộng ra các vùng lân cận thủ đô Moscow cho đến đầu những năm 1950. Cũng trong thời kỳ này, thiết kế và trang trí nội thất đạt đến đỉnh cao của sự tinh tế và "cảm xúc".
Từ thời kì chiến tranh lạnh cho đến nay, hệ thống Metro ở Nga không có nhiều biến đổi đáng kể, chủ yếu chỉ là mở thêm ga và kéo dài tuyến đường ray. Sau gần 80 năm, hệ thống này vẫn hoạt động rất tốt và trở thành phương tiện đi lại không thể thiếu được. Theo các chuyên gia giao thông Nga, để khắc phục vấn đề ách tắc, một trong các phương án được cho là khả thi nhất là mỗi năm xây dựng 15km thêm đường hầm dành cho tàu điện ngầm và làm mới tất cả các loại đầu tàu và toa tàu.
|
Trong series Metro của 4A Games, hình ảnh các ga tàu điện ngầm không còn giữ được vẻ hào nhoáng như người ta vẫn thường thấy ngoài đời. Ảnh hưởng của thời gian, thiếu thốn bàn tay con người chăm sóc và bị phá hoại thường xuyên đã khiến cho nơi này trở nên đổ nát hoang tàn, tăm tối, phảng phất chỉ còn lại một vài dấu tích của thời kì hoàng kim. Tuy vậy, nếu chú ý quan sát người chơi sẽ nhận thấy quy mô của hệ thống tàu điện ngầm không giảm mà còn mở ra rất rộng, có thể nói 20 năm trong game từ 2013 đến 2033 đã có tầm ảnh hưởng nhất định đến sự tồn tại và vai trò của hệ thống tàu điện ngầm Moscow.
Các vấn đề mắc phải nếu sự kiện của Metro trở thành sự thật
Dân số: Theo thống kê mới nhất thì trong năm 2012, dân số ở khu vực nội thành Moscow là gần 12 triệu người, trong khi sức chứa thật sự của hệ thống Metro chỉ có hạn. Nếu như một sự kiện nào đó tương tự như trong clip Enter the Metro của THQ ra mắt vào năm ngoái, thì số người sống sót được sau thảm họa nhờ vào đường tàu điện ngầm chỉ được khoảng 10% dân số, đó là chưa kể với điều kiện không có lợi với sự sống của con người như thiếu lương thực, ánh sáng và dưỡng khí (vấn đề này nếu trong điều kiện bình thường thì không có chuyện gì, tuy nhiên để chống ô nhiễm phóng xạ buộc phải cách ly Metro với bên ngoài bằng những cánh cửa thép dày đến cả thước), con số trên phải đến 70% là giảm chứ khó có thể tăng được, trừ khi chính phủ Nga đã dự trù trước tình huống này và xây dựng Metro thành nơi trú ẩn lâu dài cho người dân của họ.
|
Lương thực: Trong Metro 2033, có một điều khá kì lạ là lương thực không phải là vấn đề nghiêm trọng của người dân nơi đây. Ở các khu chợ, ngoài vũ khí ra người ta vẫn bán khá nhiều thứ như rau củ, cá và thậm chí nuôi được cả lợn. Dường như nguồn cung cấp lương thực ở đây đủ khả năng nuôi sống toàn bộ cư dân trong quãng thời gian 20 năm mà không gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, trên thực tế khả năng tự cung ứng lương thực của thành phố Moscow hiện nay gần như bằng không, thức ăn tươi của họ chủ yếu vẫn là từ bên ngoài nhập vào. Nếu như xảy ra chiến tranh hạt nhân thì cho dù chính phủ có chuẩn bị dự trữ lương thực từ trước, nạn đói xảy ra vẫn là hệ quả tất yếu và kéo theo đó là sự suy vong về mặt xã hội không thể tránh khỏi được. Giải quyết này tuy không khó nhưng cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị, đặc biệt là việc xây dựng các đặc khu cung cấp lương thực như trồng trọt, chăn nuôi ngay dưới lòng đất.
|
Chính quyền: Đánh giá về tình hình chính trị trong series game Metro, nhiều người tin rằng cụm từ chuẩn xác để nói về điều này là "vô chính phủ". Quả thật, trong Metro 2033 và Metro: Last Light người ta khó có thể tìm thấy một bộ máy hay đơn vị hành chính nào đại diện cho nhà nước cả. Lãnh đạo người dân trong hệ thống Metro là các đảng phái, tổ chức chính trị như Polis, Reds, Nazi hay Hansa. Như vậy, đến thời kì này nhà nước hoặc đã sụp đổ vì không còn người lãnh đạo hoặc không còn khả năng lãnh đạo nữa. Có lẽ trong các tình huống được nêu ra chỉ có tình huống này là có khả năng ở ngoài đời thật giống game nhất. Tuy vậy, việc chính phủ đã dự liệu tình huống này không phải là không có, minh chứng rõ ràng nhất có thể kể đến là dự án mang mật danh D-6.
Metro 2
Cho đến nay, sự tồn tại của Metro 2 vẫn đang được đặt trong diện nghi vấn dù rằng có khá nhiều thông tin về nó đã xuất hiện. Người ta tin rằng ngoài hệ thống tàu điện ngầm đang được sử dụng hiên nay, vẫn còn một hệ thống thứ hai nằm sâu dưới lòng đất mang mật danh D-6, được thiết kế từ thời chiến tranh lạnh để dành riêng cho các nhân vật chủ chốt của thành phố đề phòng trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, tồn tại dưới sự kiểm soát của bên quân đội. Nhiều tin đồn cho hay có một đường ray riêng nối liền điện Kremlin, bộ tổng tham mưu, văn phòng Lubyanka (trụ sở của Cục An ninh Liên bang) và các đơn vị bí mật khác với nhau. Hệ thống Metro 2 cũng nối liền đến các khu vực dân sự khác như Thư viện Nhà nước Nga, Đại học Nhà nước Moscow và ít nhất hai nhà ga khác của khu vực Metro thông thường. Truyện truyền miệng của người dân thành phố Moscow vẫn nói rằng khi có chiến tranh xảy ra, đây sẽ là nơi trú ẩn của một bộ phận nhỏ dân cư thành phố và hầu hết các lực lượng tinh nhuệ. Nghi vấn về liên kết giữa Metro 2 và Metro thường được tin là nằm ở ga Sportivnaya nằm ở tuyến đường ray Sokolnicheskaya. Khu vực cuối cùng của hệ thống Metro 2 được hoàn thành vào năm 1997.
|
Trong Metro 2033, D-6 là khu kiến trúc có chức năng giống như một boong-ke được ẩn giấu sâu dưới Metro, sự tồn tại của nó thường được các cư dân dưới lòng đất kể lại qua các câu chuyện truyền miệng như một huyền thoại. Từ những thông tin thu được tại thư viên Lenin, Artyom, Miller và một đội lính Ranger đã tìm được đại sảnh của khu phức hợp ở gần nhà ga Kievskaya. Sau này, đây trở thành mục tiêu tranh chấp giữa các phe phái trong Metro: Last Light.
Quái thú
Trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân thì liệu sau nhiều năm, phóng xạ tại khu vực đó khả năng gây đột biến tạo ra quái vật với sự hung hãn vượt trội, sức mạnh phi thường và đôi khi là kích thước khổng lồ hay không? Thật ra từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, các nhà khoa học, tiểu thuyết gia và thậm chí là cả các nhà làm phim đã thi nhau tìm đáp án cho câu hỏi này. Tuy vậy đây vẫn là một ẩn số chưa có câu trả lời. Từ sau các vụ nổ hạt nhân tại Hiroshima, Nagasaki, Prypiat (Chernobyl – Ukraina) và Fukushima, người ta đã tìm ra được rất nhiều hiện tượng sinh vật bị nhiễm phóng xạ tại các khu vực này, tuy nhiên biểu hiện ra ngoài kiểu hình không nhiều và khả năng tồn tại cũng khá thấp. Theo như các nhà khoa học, đa số đột biến gen tạo ra các gen lặn và có hại. Những gen lặn chỉ biều hiện ra kiểu hình khi ở thể đồng hợp và trong điều kiện môi trường thích hợp. Đột biến gen gây ra những thay đổi trong nucleotide dẫn đến biến đổi mARN và quá trình tổng hợp proteine nên thường gây ra hậu quả có hại, làm giảm khả năng sống của sinh vật, tức là đây là đột biến gây chết.
|
Như vậy, Dark Ones trong Metro 2033 là một trường hợp ngoại lệ và khó có thể tin được giống loài đó có nguồn gốc từ con người. Bởi lẽ chúng gần như không phải sự đột biến mà là sự tiến hóa, thích nghi để phù hợp với điều kiện môi trường nhiễm phóng xạ. Tuy vậy nếu nhìn bằng con mắt của các nhà làm game, điện ảnh và tiểu thuyết thì đây là một chuyện hết sức bình thường. Nói cho đúng, hình ảnh quái vật khổng lồ, sản phẩm trực tiếp của nhiễm phóng xạ là một di sản, di sản của nỗi lo chiến tranh hạt nhân có từ thời Chiến tranh lạnh. Lisa Lynch, một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa hạt nhân cho biết đến tận cuối những năm 90 của thế kỉ trước, nỗi sợ về sự đột biến thường lồng ghép với lo ngại về bức xạ. Các nhà làm phim đã có rất nhiều tác phẩm về chủ đề này, chủ yếu thuộc thể loại kinh dị như Godzilla (ảnh hưởng từ vụ đánh bom hạt nhân ở Nhật), Night of Living Dead (sản phẩm phụ của bức xạ). Sau đó, sự ám ảnh về bệnh dịch toàn cầu bắt đầu làm lu mờ lo ngại về bức xạ trong văn hóa đại chúng. Tuy nhiên để đến được điều ấy là cả một quãng đường dài, rất dài mà người viết sẽ gửi đến bạn đọc trong các bài viết sau này.
Nguyễn Hào
Nguồn: GameThu |