GRID 2 - đường đua hoàn hảo

Một tựa game chắc chắn không thể bỏ qua đối với những người đam mê tốc độ.

Codemasters và EA – hai tượng đài, hai kẻ đối địch nhau với hai lối đi riêng nhưng cùng có chung mục tiêu: Thống trị làng game đua xe. Các game của EA như Need for Speed hay Burnout chọn cho mình phong cách acade dễ chơi quen thuộc trong khi những đứa "con cưng" nhà Codemasters (F1, DiRT, Colin McRae Rally) lại thiên về hướng simulation (mô phỏng) nhiều hơn. Tưởng như cả hai đã tạm hài lòng với doanh số sản phẩm ổn định cũng như lượng fan trung thành đông đảo thì đột nhiên vào năm 2008, Codemasters tung ra "con bài chiến lược" GRID với cách chơi lai giữa acade, simulation nhằm đánh vào thị phần của EA và nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên, không rõ mải "ngủ quên trên chiến thắng" hay phải "thai nghén kĩ càng" để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo mà đến tận 5 năm sau, phiên bản tiếp theo của trò chơi này mới ra đời?

Cuộc đua bất ngờ vào đầu game.
* Trailer GRID 2

GRID 2 có một phần mở đầu khá ấn tượng khi bất ngờ "ném" người chơi ngay vào một màn đua ở Chicago với chiếc xe "cơ bắp" Ford Mustang mạnh mẽ. Bạn cần nhanh chóng đạp ga và lên số ngay khi chưa kịp "hoàn hồn" bởi những tiếng động cơ V8 gầm rú bên cạnh. Nếu là người mới chuyển qua từ các game dạng acade thì chắc chắn sẽ có vài rắc rối "nho nhỏ" đang chờ bạn phía trước ở những khúc cua tay áo; tình trạng xe trượt bánh, mất kiểm soát rồi đâm sầm vào tường, quay vài vòng để rồi chốt hạ bằng một pha "đối đầu" trực tiếp với các tay đua khác thật không lấy làm dễ chịu tí nào. Nhưng đừng quá lo lắng vì đây chỉ là màn "chào hàng" nho nhỏ và dù về đích với thứ hạng nào đi chăng nữa thì ngay ngày hôm sau, bạn sẽ được giới truyền thông đưa tin với những cái tên rất "kêu" đại loại như: "ABCXYZ gây náo loạn tại đường đua".

Hãy là người dẫn đầu để tiến xa trong làng xe thế giới.

Ở mục chơi đơn với tên gọi là World Series Racing, phần chủ đạo tất nhiên vẫn là chế độ nghề nghiệp Career. Người chơi khởi đầu ở danh nghĩa là tay đua "vô danh tiểu tốt" với góc làm việc vô cùng hạn chế, bạn cần "check mail" hàng ngày để theo dõi những lời mời từ các sự kiện sắp diễn ra trên toàn thế giới. Cố gắng giành chiến thắng trong những cuộc đua nhỏ để "tích lũy" lượng fan dần dần, khi đạt đến mức danh tiếng nhất định, bạn sẽ được mời tham gia vào các giải lớn hơn diễn ra trong vòng nhiều ngày. Phần thưởng lúc này sẽ là những chiếc xe "cáu cạnh" và "đại bản doanh" cũng trở nên hoành tráng hơn rất nhiều, từ màn hình LCD bé tí sẽ được lên đời bằng màn chiếu vài trăm inch trông rất chuyên nghiệp.

Phần độ xe quá hạn chế.

Điểm hạn chế của phần này chính là game đã tinh giản, bỏ đi tất cả các tính năng "râu ria" không cần thiết. Bạn không cần phải lo lắng đến vấn đề tài chính khi sắm xe, nâng cấp xe, độ xe nữa mà tất cả đã có những người khác (trong đội) đảm nhận. Điều này nghe thì có vẻ hợp lý nhưng nó đã tạo ra cảm giác gò bó không ít; nên biết rằng việc được tự tay "chăm sóc" cho "đứa con cưng" của mình là rất thú vị, thế mà Codemasters chỉ cho phép người chơi được tinh chỉnh vài chi tiết vô cùng hạn chế như màu sơn, decal, kiểu dáng bánh… mà thôi!

Kiểu đua Eliminator.

Các chế độ đua của GRID 2 khá phong phú gồm: Race, Time Attack, Drift, Eliminator, Overtake, Touge, Faceoff, Checkpoint và Edurance. Race là kiểu đua truyền thống mà chắc chắn tất cả các game đua xe đều có, bạn tranh tài với nhiều đối thủ khác và cố gắng giành thứ hạng càng cao càng tốt qua các vòng đua. Time Attack dựa vào thời gian về đích để xếp hạng thành tích. Drift thì có lẽ không cần phải giới thiệu nữa vì nó đã quá quen thuộc. Eliminator là chế độ đua mà sau mỗi 20 giây, tay đua đang "đội sổ" sẽ phải rời khỏi cuộc chơi, cứ thế cho đến khi tìm ra được người chiến thắng. Overtake tính điểm dựa vào số xe mà bạn qua mặt được trên đường, điểm được bonus cao dần lên khi thời gian vượt xe nằm trong khoảng xác định.

Và truyền thống.

Touge và Faceoff đều là chế độ đối đầu trực tiếp 1vs1. Chỉ khác là với Touge, bạn không được dùng các chiêu trò "bẩn" như ép xe và nếu dẫn trước đối thủ 5 giây thì thắng luôn. Checkpoint và Edurance cũng tương tự nhau, bạn cần chạy càng xa càng tốt trong khoảng thời gian cho phép, nhưng đối với Checkpoint thì bạn sẽ được cộng thêm thời gian khi đi qua một số vị trí.

Về phong cách đua, GRID 2 có cách chơi lai giữa acade và simulation, điều đó có nghĩa là game không khó đến mức "chán nản" như F1 hay quá vô lý kiểu Need for Speed. Bạn hoàn toàn có thể dễ dàng làm chủ chiếc xe của mình trong vòng từ 1 đến 2 giờ chơi. Với những khúc cua, tùy vào độ khó mà người chơi có thể chọn lựa giữa việc nhả ga, nhấn phanh nhẹ hay thậm chí là trình diễn một màn drift điệu nghệ, gây "ngỡ ngàng" cho các tay đua khác. Phải nói rằng GRID 2 là game đua xe tính đến thời điểm này làm cho người viết "kích thích" nhất mỗi khi vào cuộc chơi; cảm giác lách nhẹ sang một bên, đạp ga, lên số rồi vượt mặt "kẻ ngáng đường" phía trước vô cùng tuyệt vời, cứ như mình là Vin Diesel trong Fast and Furious vậy. "Sướng" nhất có lẽ là những đoạn drift đẹp mắt để vượt qua khúc cua 180 độ.

Pha vào cua hoàn hảo.

Sẽ thật thiếu sót khi không nói đến tính năng rewind, đây là "chìa khóa" cứu cánh vô cùng hữu hiệu mỗi khi người chơi mắc một sai lầm đáng tiếc. Cứ thử tưởng tượng, bạn đang giữ một khoảng cách an toàn với các đối thủ sau lưng thì đột nhiên, trong vài phần trăm giây phân tâm không đáng có, chiếc xe của bạn trượt bánh khi vào cua; đâm sầm vào tường bên này rồi lại văng qua bên kia, kết thúc với vài bộ phận nhỏ rơi ra ngoài thì sẽ thế nào? Rewind sẽ giúp bạn "đảo ngược thời gian, xoay chuyển lịch sử" để thay đổi số phận giống như dòng cát trong Prince of Persia.

Tranh tài trong trường đua.

Nói thêm về các màn đua (không nói về vẻ đẹp mà chúng ta sẽ dành cho nó ở phần sau), tuy số lượng nhiều nhưng chúng được chia ra làm 3 dạng chính: đua trong thành phố, đường đèo và trong trường đua. Mỗi nơi có những đặc điểm riêng biệt khác nhau và bạn cần nắm bắt rõ để có thể giành chiến thắng. Theo đánh giá của người viết thì đua trong thành phố là dễ nhất, tuy có khá nhiều khúc cua nhưng chúng không quá khó để có thể vượt qua. Với đường đèo, đường xá có vẻ thẳng hơn nhưng chỉ cần bạn lơ đễnh một chút thôi thì con đường nào cũng sẽ dẫn xuống vực hết. Cuối cùng là trong trường đua, nơi có thể đạt được tốc độ cao nhất nhưng một số đoạn được thiết kế khá "ác" với các đoạn vòng vèo hình chữ S; nếu giảm tốc độ nhiều quá thì khó có thể giành được ưu thế còn chạy nhanh quá thì rất dễ lộn nhào. Trong trường hợp này tốt nhất là bạn nên mở Fast and Furious Tokyo Drift ra để tham khảo.

Hoặc trên một cung đường đèo hiểm trở.

Ở phần xe cộ, lần này, Codemasters cung cấp cho người chơi gần 50 chiếc xe nổi tiếng trong suốt 40 năm qua ở phiên bản tiêu chuẩn (số lượng xe sẽ tăng lên rất nhiều trong các bản DLC đã, đang và sẽ được phát hành). Chúng được chia ra làm 4 nhóm chính. Nhóm 1 gồm các xe "đời thường", dễ dàng bắt gặp trên nhiều con phố, có thể là những chiếc muscle car (xe cơ bắp) cơ bản hoặc đơn giản chỉ là xe dành cho gia đình như Volkswagen Golf R. Nhóm 2 cao cấp hơn, sử dụng công nghệ tiên tiến hơn, vài chiếc có thể được xem là xe hạng sang như Mercedes-Benz C63 AMG hay Nissan 370Z Roadster. Nhóm 3 là "niềm ao ước" của nhiều người với động cơ "khủng", các chi tiết được chế tạo tinh tế, làm bằng vật liệu cao cấp giúp giảm trọng lượng cũng như tăng sức bền; đó là McLaren MP4-12C, Mercedes-Benz SL65 AMG Black hay Aston Martin V12. Và cuối cùng, nhóm 4, những siêu xe được sinh ra để dẫn đầu, dễ dàng đạt được vận tốc trên 250mph như McLaren F1 GT, Pagani Huayra và Mercedes Benz SLR 722... Đáng tiếc như đã nói là game không cho phép "độ xe" mà bạn chỉ có thể thay đổi ngoại hình với vài sự lựa chọn hết sức hạn chế.

Một chiếc xe mà ai cũng muốn có.

Về độ khó, có 5 mức để lựa chọn bao gồm very easy, easy, medium, hard và very hard. Ngoài ra, game thủ còn có thể tùy chỉnh mức độ hư hỏng của xe khi va chạm (chỉ thể hiện hình ảnh hay ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu năng xe). Ở 2 mức đầu tiên, game khá dễ và hầu như ai cũng có thể dễ dàng vượt qua được (đúng như tên gọi). Mức thứ ba tạo ra cho người chơi vài rắc rối nho nhỏ khác, nhìn chung thì đối thủ của bạn cũng bình thường nhưng chỉ vì lúc nào đua bạn cũng "bị" khởi đầu xếp gần cuối nên khó khăn tý thôi. Và nếu muốn thử tài ở 2 mức cuối thì tôi khuyên bạn nên dẹp ngay cái bàn phím của mình đi và sắm ngay một cái gamepad đúng nghĩa (có lẽ nhiều người sẽ tự hỏi sao không dùng vô lăng, trả lời luôn là dùng vô lăng đua cũng tốt những rất mỏi tay, chỉ cần 2-3 vòng là phải nghỉ ngơi rồi). Còn với 2 chế độ hư hỏng, ở mức đầu thì bạn muốn đâm xe thế nào cũng được, không quan trọng lắm vì nó chỉ thể hiện hình ảnh nhưng đối với mức độ sau thì đảm bảo không ít lần bạn phải về đích cuối trong tình trạng bánh xe chỉ còn lại mỗi vành, lốp thì văng đâu đó trên đường. Ở một số màn, sẽ còn có vài thử thách đặc biệt được thêm vào như không hiển thị mini map, không cho phép rewind, không cho chơi "ăn gian" bằng cách đi đường tắt (xuyên qua bãi đất)…

Cạnh tranh khốc liệt cho vị trị dẫn đầu.

Phần multi với tên gọi GRID Online còn thú vị hơn bội phần. Có thể nhiều người không đua hay bằng máy nhưng họ không bao giờ bị bắt bài vì thay đổi chiến thuật liên tục và hơn hết là những "chiêu trò" vô cùng khó đỡ. Ở những màn "tranh tài" giữa những người bạn với nhau, đôi khi mục tiêu chính không phải là về đích ở vị trí đầu tiên mà là làm cho "thằng" mình thấy ghét nhất về đích cuối cùng. Thật sự những màn ép xe khiến đối thủ bay thẳng vào tường hay tệ hơn là lao xuống vực mang lại rất nhiều tiếng cười… ra nước mắt. Đừng bỏ qua chế độ đầy hấp dẫn này khi bạn có điều kiện (nếu không có điều kiện thì… cũng không sao, đơn giản là vì đã có cách "bẻ khóa" mục online này mà bạn có thể dễ dàng tìm được trên mạng). Ngoài ra, game còn cung cấp chế độ chơi chia đôi màn hình tưởng như đã vắng bóng trên hệ máy PC.

Multiplayer hấp dẫn.

Mảng đồ họa trong game cũng là một điểm rất đáng khen ngợi, ngay từ màn hình loading thì có lẽ nhiều game thủ đã nhận ra biểu tượng của Intel. GRID 2 là một trong những số ít game hỗ trợ rất tốt mọi nền tảng, từ những chiếc PC cao cấp, "khủng bố" mà chủ nhân của nó xây dựng nhằm mục đích để chơi game đến vài dàn máy "cùi cùi" phổ thông khác. Người viết đã thử nghiệm trên con laptop "già cỗi" tuổi đời 3 năm của mình với VGA chỉ là ATI HD 550; và thật bất ngờ, game chạy mượt mà ở các thiết lập gần như là cao nhất (chỉ phải giảm shadow – đổ bóng xuống mức thấp nhất và tất nhiên phải tắt luôn chế độ khử răng cưa). Hình ảnh mà game tái hiện không bị giảm sút nhiều so với PC và có thể đạt được đến một 8, một 10. Hy vọng các nhà phát triển sau này sẽ học tập Codemasters nhằm "giảm tải" gánh nặng cho các game thủ.

Đồ họa xuất sắc.

Đi sâu vào phần hình ảnh, chỉ có thể nói lên một từ: "Tuyệt vời!". Những con đường sầm uất, những tòa nhà cao ốc chọc trời ở Chicago, Paris hoa lệ, những ngọn đồi thông lá kim lãng mạn… được tái hiện không thể chê vào đâu được. Chắc hẳn nhiều người từng chơi qua game này đều có cảm giác ước gì được "dẹp" cuộc đua sang một bên để có thể ngồi yên trên con "xế" chiến của mình, đạp ga nhè nhẹ quanh những cung đường đèo California hiểm trở ngắm cảnh. Những hiệu ứng phản chiếu ánh sáng, bụi đường dính vào kính… đều được chăm chút cực kì tỉ mỉ. Ngay cả màn hình loading cũng được thiết kế rất chuyên nghiệp khi hiển thị các thông số trong quá trình chơi như số km đã đi được, vận tốc cao nhất đạt đến, quãng đường drift dài nhất..

Va chạm nảy lửa.

Bên cạnh phần đồ họa tuyệt vời là hiệu ứng vật lý, chủ yếu để diễn tả cảnh va chạm xe cũng vô cùng sống động. Sau màn mất lái thì bao giờ cũng xuất hiện vài tia lửa xẹt ra đầy đường, kéo theo đó là vô số mảnh vỡ, vật dụng, thậm chí là cả bánh xe… Tất cả đều diễn ra một cách hoàn hảo, tạo cho người chơi sự hưng phấn để... ép xe đối thủ.

Phần âm thanh cũng không chịu kém cạnh "những người bạn" của mình. Tiếng động cơ gầm gú từ những con muscle car, tiếng rít gió mỗi khi vượt xe, tiếng drift "cháy khét lẹt"… tạo cảm giác vô cùng phấn chấn trước mỗi cuộc đua và đâu đó cũng là một tý "run sợ" khi nghe những tiếng va chạm nhức óc.

Ưu điểm:

- Sự kết hợp giữa 2 phong cách chơi acade và simulation tạo ra cảm giác đua tuyệt vời.

- Đồ họa, âm thanh không thể chê vào đâu được.

- Xe cộ, chế độ chơi phong phú, không gây ra cảm giác nhàm chán.

- GRID Online xuất sắc.

Khuyết điểm:

- Hầu như không có phần độ xe.

- Map hay bị trùng lặp trong các mùa giải.

Chấm điểm Game
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

> Xem thêm Review - Preview game khác trên diễn đàn.

Advent


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận