Trong hai thập kỉ trở lại đây, ngành công nghiệp game đã phát triển như một kết quả tất yếu của sự phổ biến việc chơi game đến mọi người. Điều này cũng dẫn đến việc game được xã hội đánh giá và công nhận hơn bao giờ hết. Tuy vậy, đâu đó vẫn còn tồn tại những suy nghĩ tiêu cực và hiểu lầm tai hại về game cũng như game thủ, hầu hết là từ những người không chấp nhận nó. Dưới đây là 10 ngộ nhận sai lầm phổ biến nhất về game thủ vốn xuất hiện từ rất lâu và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
1. Tất cả game thủ đều là nam
Đây có lẽ là một trong những sai lầm phổ biến nhất và cũng dễ phản bác nhất. Hầu hết những game thủ ở đây đều có bạn cùng chơi game là nữ, và mỗi khi online để chơi Dota, Call of Duty hay đơn giản là Candy Crush Saga kiểu gì trong danh sách bạn bè của họ cũng phải có ít nhất một, hai nữ game thủ. Và buồn cười hơn là càng ở các game FPS hay RPG, nữ game thủ càng giỏi bao nhiêu thì càng dễ bị ngộ nhận là nam bấy nhiêu.
Do đó không có gì lạ khi mà nói đến game thủ hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu mọi người là một đám đàn ông con trai tụ tập với nhau. Và trong khi mọi người vẫn còn bàn cãi về việc này thì những nghiên cứu gần đây của Đại học York, Canada cho thấy có 30% đến 60% game thủ thật ra là nữ. Và cho dù con số này có ở mức thấp nhất thì nó vẫn vượt xa con số 0% ở trong suy nghĩ của hầu hết mọi người.
2. Tất cả các game thủ đều trẻ
Đây cũng là một ngộ nhận khác về game thủ từng xuất hiện phổ biến trong cộng đồng, và cho đến giờ mỗi khi nói đến game thủ phụ huynh vẫn thường nghĩ đến hình ảnh mấy cậu học sinh tuổi teen dán mắt vào màn hình máy tính hoặc ti vi, gào thét vì quá sung sướng khi hoàn thành nhiệm vụ hoặc thất bại quá nhiều. Vấn đề ở chỗ nói game thủ chỉ mang độ tuổi từ 10 đến 20 là hoàn hoàn toàn vô căn cứ.
Hãy nghĩ về thời kỳ những năm 80, 90, khi các máy game arcade vẫn còn chiếm địa vị thống trị ngành công nghiệp game. Hầu hết đều các máy game thời đó đặt ở sòng bạc, các quán bar, nói chung là những nơi mà trẻ em dưới vị thành niên không được phép vào, có lẽ các bậc phụ huynh quên mất rằng họ đã từng vui như thế nào khi được chơi game hoặc có thể họ không muốn thế hệ sau sẽ mê game giống như họ ngày trước. Các nghiên cứu mới đây cũng cho thấy trung bình độ tuổi chơi game lớn nhất là 41, tức là khi ấy cũng phải có công việc ổn định và gia đình đàng hoàng rồi.
3. Game thủ là những người có suy nghĩ ngớ ngẩn
Quả thật đây là suy nghĩ tai hại nhất từ trước đến nay. Dù chưa từng có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh, vẫn có rất nhiều người tin rằng game thủ bỏ phí hàng đống thời gian vào game và chẳng mấy chốc họ sẽ ù lì, ngớ ngẩn vì game với lí do rất nực cười: chơi game nhiều khiến đầu óc họ ít hoạt động và trở nên dần chậm chạp. Thực tế cho thấy ngày nay game là một trong những hoạt động giải trí khiến não bộ hoạt động nhiều nhất. Từ các game như Resident Evil, Call of Duty cho đến những game đơn giản như Pacman cũng yêu cầu những kỹ năng nhất định, không chỉ đơn giản là thử mà còn là phán đoán và tư duy. Căn cứ duy nhất của ngộ nhận này là chơi game nhiều sẽ khiến game thủ sẽ xao nhãng những việc quan trọng khác như học tập, giống như Facebook vậy. Và cho đến giờ vẫn chưa có trường hợp nào bị ngớ ngẩn vì dùng Facebook nhiều cả.
4. Tất cả các game thủ đều là chuyên gia máy tính
Nghịch lý ở chỗ trong khi game thủ bị coi là đồ lập dị, ngớ ngẩn, đầu óc ù lì thì chính những con người ấy vẫn xem các game thủ như những chuyên gia máy tính thực thụ. Lại một lần nữa, đây là ngộ nhận sai lầm xuất phát từ việc không hiểu rõ bản chất của việc chơi game. Bởi vì việc chơi game phụ thuộc rất nhiều vào tiến bộ khoa học kỹ thuật không có nghĩa là game thủ phải hiểu rõ những tiến bộ đó đến từng chân tơ kẽ tóc. Tuy nhiên, sự thật là có rất nhiều người than phiền vì vẫn bị người quen gọi thường xuyên để nhờ sửa máy tính, ban đầu chỉ là vài phần mềm lặt vặt, sau đó có cả phần cứng, lâu dài thì có thể mở rộng ra cả iPod, điện thoại di động hay thậm chí là…máy in.
5. Bữa ăn của một game thủ rất vớ vẩn
Trường hợp này không phải là không đúng, tuy nhiên nó chỉ áp dụng với những game thủ chuyên cày cuốc hoặc mê game đến mức không muốn rời máy. Hầu hết mọi người vẫn tưởng tượng ra hình ảnh một bàn máy tính của game thủ đầy những vỏ lon nước ngọt và đồ ăn nhanh vào cuối ngày. Thật ra, với hầu hết game thủ họ cũng chỉ là con người bình thường, vì thế ngoài những lúc chơi game họ vẫn sẽ làm việc, học tập, sinh hoạt bình thường không khác gì những người xung quanh. Và đến bữa ăn, họ vẫn có thể tạm dừng để ăn cơm cùng với gia đình. Ở nhiều nước phát triển, niềm tin này còn biến tướng thành đã là game thủ thì phải mê hoặc ít nhất, thường xuyên uống nước tăng lực.
6. Game khiến cho con người trở nên bạo lực
Trong khi nhiều vụ án mạng và đặc biệt là các vụ xả súng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, giới truyền thông và rất nhiều các bậc phụ huynh đã đổ lỗi cho game là nguyên nhân chính gây ra những vụ việc này. Tuy vậy, bà Mary Ellen O’Toole, chuyên gia tâm lý tội phạm, từng là một đặc vụ cấp cao của Cục điều tra Liên Bang Mỹ FBI lại không đồng tình với nhận định này.
Thực tế, những người chỉ trích game là nguyên nhân chính gây ra bạo lực đã quên hoặc cố tình lờ đi rằng có rất nhiều yếu tố trong cuộc sống hàng ngày tác động đến tâm lý của con người và game chỉ là một trong số những yếu tố đó. Dù vậy, game vẫn phần nào phải gánh trách nhiệm vì đó là một trong nhiều nguồn thông tin khác nhau để nuôi dưỡng những ý tưởng tội ác đã hình thành sẵn trong đầu óc tội phạm. Tuy vậy, điều đáng trách ở đây là trong khi hầu hết phụ huynh đều tin game là nguyên nhân tình trạng bạo lực leo thang thì ngay chính tại Mỹ, có đến 1/3 những người làm cha mẹ không hề biết tới hệ thống đánh giá lứa tuổi ESRB.
7. Tất cả các nhân vật nữ đều do game thủ nam điều khiển
Đây là hệ quả của quan niệm bất bình đẳng giới tính, tin rằng tất cả các game thủ đều là nam, do đó tất cả các nhân vật chơi được, dù mang giới tính nam hay nữ, đều bị coi là do một nam game thủ điều khiển. Việc lựa chọn giới tính nhân vật là do sở thích cá nhân của mỗi người, do đó một game thủ nữ chọn nhân vật nam hay ngược lại không có gì bất thường cả. Với con số 30% đến 60% game thủ thực tế là nữ, có lẽ nhận định này nên sửa thành "Nhiều nhân vật nam do game thủ nữ điều khiển" mới chuẩn xác.
8. Tình yêu duy nhất của các game thủ là game
Không thể phủ nhận rằng, tình trạng cô đơn của một lượng lớn game thủ nam là sự thật. Tuy nhiên nếu như đổ lỗi hoàn toàn cho việc chơi game thì quả thật quá oan vì có rất nhiều nam game thủ đã có người yêu, thậm chí là có cả vợ con. Sự thật là dù có yêu game đến mấy thì tình yêu đó vẫn không thể cao quý và đủ mạnh để các game thủ sống cô đơn trọn đời. Chưa kể game nhiều khi còn là cầu nối lương duyên cho một cặp nam nữ nào đó. Vì game thủ cũng chỉ là con người bình thường nên cuối cùng họ cũng sẽ rung động trước một ai đó, vấn đề chỉ là bao giờ và liệu có đủ khả năng "cưa cẩm" không thôi.
9. Khái niệm "Cộng đồng" không có trong ý niệm của game thủ
Dán mắt vào màn hình ti vi hoặc máy vi tính cả ngày, ít tiếp xúc với mọi người xung quanh, đó là những gì mọi người thường hay nghĩ về các game thủ. Nghiêm trọng hơn, nhiều người còn cho rằng các game thủ không hề có khái niệm "xã hội" hay "cộng đồng" trong suy nghĩ của mình.
Trên thực tế, ở ngoài đời có rất nhiều game thủ tham gia vào các hoạt động xã hội, tập thể như chơi thể thao, tham gia các chương tình ca nhạc hay thậm chí là làm từ thiện. Trong game, các cộng đồng game thủ lâu nay vẫn tồn tại với vai trò là nơi thảo luận, giải đáp thắc mắc, thư giãn, kết bạn … Có thể nói khái niệm "cộng đồng" ngày càng phổ biến rộng rãi hơn bao giờ hết chứ không như mọi người vẫn nghĩ bấy lâu nay.
10. Game thủ để game kiểm soát cuộc sống của mình
Game thủ dành rất nhiều thời gian cho game nhưng điều đó không có nghĩa là game thủ để game chi phối mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày của mình. Ngược lại game thủ đúng nghĩa sẽ là những người chơi game một cách điều độ và hiểu biết. Dù rằng không ai có thể phủ nhận có những game thủ đã và đang sống theo kiểu ăn game, ngủ game, làm gì cũng game nhưng đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ, không thể coi họ như thước đo đánh giá toàn bộ các game thủ được.
Xem thêm: Tai game Chibbi - vương quốc thần tiên trên mobile
Nguyễn Hào
Nguồn: GameThu |