Câu chuyện về phát triển game Việt đã không còn là chủ đề mới hiện nay, song nó lại luôn là vấn đề khiến những người đam mê game hay đang công tác trong ngành công nghiệp giải trí không khói này phải đau đáu. Được chính thức hình thành và phát triển trong hơn 10 năm nay, song tại làng game Việt hiện nay, dễ thấy đa phần các sản phẩm trò chơi tại VN hiện đều có nguồn gốc từ nước ngoài.
Len lỏi trong một rừng game nhập, người ta vẫn thấy đâu đó bóng dáng của các sản phẩm game do bàn tay khối óc của người Việt làm nên. Bên cạnh các dự án trò chơi mang tính tự phát, quy mô nhỏ và nhanh chóng đi vào quên lãng do cộng đồng đam mê game thực hiện, thị trường game Việt trong 5 năm trở lại đây vẫn chứng kiến những sản phẩm game do người Việt tự phát triển với quy mô lớn, được đầu tư bài bản.
Thất bại hàng loạt của các dự án game Việt tự sản xuất
Một trong những cánh én đầu đàn trong công tác sản xuất game ở Việt Nam không ai khác chính là VNG (tiền thân là Vinagame) với sản phẩm MMORPG đầu tay được dồn nhiều tâm huyết để phát triển - Thuận Thiên Kiếm. Là trò chơi trực tuyến mang tính lịch sử, văn hóa Việt Nam do nhóm Game Studio miền Nam thực hiện, Thuận Thiên Kiếm đã đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của nền công nghiệp sản xuất game nước nhà. Tiêu tốn của VNG hơn 25 tỷ đồng cùng 3 năm trời song kết cục của MMORPG này chỉ là thông báo đóng cửa sau hơn 2 năm hoạt động không mấy hiệu quả.
|
Thuận Thiên Kiếm là một trong những dự án game tự phát triển đình đám nhất trong lịch sử ngành game Việt. |
Sau "hiện tượng" Thuận Thiên Kiếm, tưởng chừng làng game Việt sẽ không thể đón thêm một dự án game Việt tầm cỡ nào nữa. Tuy nhiên, sự ra đời của Emobi Games đã thắp lên tia sáng hy vọng cho một nền công nghiệp game Việt còn quá non trẻ với 2 dự án được đầu tư lớn là 7554 - game bắn súng đề tài chiến dịch Điện Biên Phủ và 2112 - MMO chiến thuật viễn tưởng. Điều đáng buồn là tương tự Thuận Thiên Kiếm, dù được cộng đồng săn đón và ủng hộ từ trong trứng nước, cả 2 sản phẩm đầu tay của Emobi Games đều không đạt được kỳ vọng về doanh thu.
Những tấm gương như VNG, Emobi Games cùng sản phẩm game tự sản xuất quy mô Thuận Thiên Kiếm, 7554, 2112 có thể nói đã giúp khơi nguồn cảm hứng, tạo động lực lớn lao cho các studio lớn nhỏ khác nỗ lực để cho ra lò những dự án ấp ủ của mình. Song cái dớp thất bại của sản phẩm game tự sản xuất dường như vẫn không buông tha cho các studio game Việt.
Có thể kể ra hàng loạt cái tên đáng chú ý khác phải chịu chung số phận hẩm hiu khi phát hành ra thị trường Việt Nam như SQUAD, Generation 3, Gà Chiến (VTC Studio), B-Kool (FPT Online), Sát Thát (SSGroup), Bá Kiến (Soha Game)... Điều đáng nói là ngay cả khi phát hành ra nước ngoài, hầu hết các sản phẩm này đều không gặt hái được thành công, điển hình là trường hợp của VTC Studio.
Hướng đi nào cho ngành phát triển game Việt Nam?
Tại sao các dự án game do người Việt sản xuất đều không đạt được kỳ vọng dù được đầu tư nhiều chất xám cũng như tiền của như vậy? Theo nhận định của giới chuyên môn, nguyên nhân thì có rất nhiều, từ vấn đề hạn chế nội tại về hạ tầng công nghệ sản xuất, năng lực chuyên môn của đội ngũ phát triển, thiếu hụt nhân sự làm game giỏi cho đến các rào cản khách quan về thị hiếu người dùng, cơ chế chính sách hỗ trợ từ nhà nước, định kiến xã hội...
Một trong những vấn đề vốn bị coi là "căn bệnh kinh niên" của ngành công nghiệp nội dung số VN là thiếu nhân lực và người đưa ra nhận định này không ai khác chính là CEO VNG - ông Lê Hồng Minh. Ông Minh dẫn chứng về ngành game Việt Nam, sau 5 năm, ước tính cả nước mới có khoảng 1.000 người làm được game online (hầu hết là những người đam mê vì không có trường nào đào tạo nghề này). Trong khi đó, lực lượng làm game của Hàn Quốc có tới 100.000 người, Trung Quốc là 300.000 người. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi chất lượng game của doanh nghiệp Việt thường bị "lép vế" so với đối thủ ngoại. Cũng vì nguyên nhân thiếu "người tài" nên NPH này từng nếm mùi thất bại khi đưa Thuận Thiên Kiếm ra thị trường.
|
Đến bao giờ ngành phát triển game Việt mới có thể ngẩng cao đầu với các cường quốc phát triển game trên thế giới như Trung, Hàn? |
Đã có không ít ý kiến cũng như giải pháp được giới chuyên môn đề xuất để tháo gỡ khó khăn cũng như rào cản của ngành phát triển game hiện tại, song đa phần đều chưa thể giải quyết được vấn đề. Sự hạn chế về đội ngũ nhân sự, năng lực chuyên môn như ông Lê Hồng Minh đã đề cập ở trên chính là một trong những bài toán hóc búa nhất mà các đơn vị trong ngành vẫn chưa thể tìm ra lời giải thích đáng sau nhiều năm tồn tại và phát triển.
Trên thực tế, một chuyên gia lâu năm trong ngành game ở VN từng đề xuất giải pháp có vẻ khả thi hơn cả cho vấn đề nhân sự, đó là Việt Nam nên thuê hẳn một đội phát triển bên Trung Quốc để sản xuất game Việt, sau đó đưa đội ngũ phát triển của mình vào làm chung. Điều này sẽ giúp đội phát triển người Việt tích lũy kinh nghiệm thay vì tự ngồi mò mẫm cả năm trời mới có được một game. Không những thế, sau khi sản xuất game, VN còn có thể phát hành qua thị trường các quốc gia khác.
Bày tỏ thái độ lạc quan hơn khi nhận định về ngành phát triển game Việt, ông Nguyễn Tuấn Huy, Giám đốc Emobi Games đồng thời là "cha đẻ" của 7554 và 2112 cho biết, ngành sản xuất game Việt mới chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, số lượng game PC lại càng ít. Chúng ta chẳng có cái gì thuận lợi trong tay để có thể đạt tới thành công ngay, kinh nghiệm không, nhân lực không, công nghệ không...
"Game có một đặc thù, là một sản phẩm công nghệ nhưng chứa đứng nhiều yếu tố nghệ thuật, do đó nó càng khó hơn. Chúng ta cần thời gian để trả giá. Tổng số tiền mà tất cả các công ty Việt Nam đã đầu tư vào cho sản xuất game vẫn còn chưa bằng một game bom tấn của thế giới, thế nên, mọi chuyện cũng mới chỉ bắt đầu", ông Huy thẳng thắn chỉ ra vấn đề.
Hoàng Quân
Nguồn: GameThu |