Họa sỹ game và những mảnh ghép nghề nghiệp

Những trải lòng nặng trĩu trăn trở và tâm huyết từ một game artist trên fanpage cộng đồng của VNG.

Những bước chân đầu tiên đặt vào làng Art (nghệ thuật) vô cùng đặc biệt. Đó là một cuốn truyện với những hình ảnh đầy cuốn hút. Đó là những nét vẽ cuốn hồn tôi vào say mê. Đó là những phút giây tôi thả mình vào tưởng tượng. Và tôi bước vào hành trình của một người làm họa sĩ game. Đơn giản, lãng mạn và cũng đầy say mê.

Khi nghề nghiệp là khó và vượt khó mỗi ngày

Một cái nhìn tổng quan nhất, người làm Art có thể theo hai xu hướng: 3D hoặc 2D. Với xu hướng 2D, những nét vẽ được thể hiện ngay. Tất nhiên, nó sẽ đẹp hơn và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Còn với 3D, khó khăn của mỗi họa sĩ được nhân lên gấp nhiều lần qua những việc như: lên ý tưởng, vẽ ở nhiều góc độ khác nhau và dựng thành một bức tranh hoàn chỉnh.

Mỗi nghề có một nỗi khó khăn mang tính đặc thù. Với người làm Game Art, khó khăn của họ nằm ở thị hiếu của người chơi. Làm sao để nắm bắt được thị hiếu ấy? Làm sao để người chơi game thích thú với mỗi nét vẽ của mình? Làm sao và làm sao?

Khó khăn của người làm Game Art còn nằm ở chính bản thân mỗi con người họ. Mỗi người họa sĩ phải luôn tự thúc giục mình cố gắng nắm vững chuyên môn. Thế giới game biến đổi không ngừng nghỉ, mỗi bước chùng chân của họa sĩ cũng là lúc họ đẩy mình vào vòng xoáy bị đào thải. Không dừng lại ở đó, Artist còn phải rèn luyện khả năng ước lượng thời gian, phải cân bằng được chất lượng của sản phẩm với thời gian "mang nặng đẻ đau" nó.

Người làm Game Artist cần chơi các game nổi tiếng trên thế giới để bắt kịp các xu hướng.

Và để vượt qua được những khó khăn ấy, người làm Game Art tạo cho mình một bí kíp là: thường xuyên tham gia các diễn đàn như: zda.vn, cghub... hay xem các bộ phim và chơi các game nổi tiếng trên thế giới để bắt kịp các xu hướng mới, không để mình tiến sau thời đại.

Một nỗi khó khăn khó gọi thành tên của Artist nữa là yêu cầu từ "sếp". Có những khi, yêu cầu ấy vượt ra khỏi thị hiếu của thị trường, họ phải tự mày mò để ra tác phẩm hoàn chỉnh vì xung quanh không có bất cứ tài liệu nào để tham khảo, không có bất cứ hình ảnh nào để minh họa. Nhưng nỗi khó khăn ấy hoàn toàn có thế trở thành lợi thế vì người họa sĩ là người đi tiên phong. Một vùng đất mới được khai phá sẽ dễ dàng trở nên hấp dẫn trong mắt game thủ và sự thành công sẽ là một phần thưởng ngọt ngào nhưng cũng hoàn toàn xứng đáng.

Mỗi ngày đem đến một niềm vui

Người làm Game Art ví mình như những diễn viên hài, họ đem niềm vui đến cho mọi người, lấy đó làm niềm vui cho chính mình. Người làm Game Art có một thang đo đặc biệt, họ lấy cảm xúc của người xem chấm điểm cho sự thành công của tác phẩm.

Cái thôi thúc đem niềm vui đến cho mọi người khiến họ luôn miệt mài trên hành trình tìm kiếm nguồn cảm xúc. Chăm chỉ rèn luyện và bỏ qua hoàn toàn yếu tố vật chất, chỉ sống với đam mê và năng khiếu chính là điều quan trọng nhất của một người làm Game Art.

Người làm Game Artist lấy cảm xúc của người xem để chấm điểm cho sự thành công của tác phẩm.
Người làm Game Artist lấy cảm xúc của người xem để chấm điểm cho sự thành công của tác phẩm.

Người làm Game Art không có giỏi hay dở, chỉ có người yêu nghề hay không yêu nghề mà thôi. Người làm Game Art tâm niệm rằng khi ta yêu thích điều gì đó, ta sẽ thấy nó dễ dàng. Và khi dễ dàng, ta bắt đầu đào sâu nó. Và khi đào sâu nó, ta bắt gặp những khó khăn chưa bao giờ lộ diện. Giải quyết trọn vẹn những khó khăn ấy, ta lại thấy mọi việc trở nên thật nhẹ nhàng.

Người làm Game Art đòi hỏi sự tập trung cao độ, người bạn thân thiết của họ là chiếc tai phone- họ đeo chúng cả ngày. Họ nghe gì? Từ hài, rock đến hòa tấu, thậm chí là truyện ma và cả… kinh Phật. Người làm Game Art luôn hỗ trợ nhau trong mọi kỹ năng, để khi mọi người cùng giỏi lên sẽ tạo ra một môi trường thật sự chuyên nghiệp.

Con đường của người làm Game Artist không bao giờ kết thúc.
Con đường của người làm Game Artist không bao giờ kết thúc.

Con đường của người làm Game Art không bao giờ kết thúc. Con đường ấy đầy những thử thách, lắm những chông gai. Đỉnh cao của con đường ấy cũng không tồn tại. Người họa sĩ, dĩ nhiên phải leo, leo mãi, leo hoài. Và khi nào còn đam mê, khi nào còn khát khao đem đến niềm vui cho mọi người, khi ấy người họa sĩ vẫn sẽ làm Game Art.

Hoàng Quân


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận