Những chiếc console thất bại đầu thế kỉ 21 (kỳ 1)

Không thành công về doanh thu, bị "chê" vì kiểu dáng thô kệch, số lượng game hạn chế…

Bước vào thế kỉ 21 chưa được 15 năm, tuy vậy chúng ta đã được chứng kiến một giai đoạn biến động và sôi nổi hơn hẳn so với thời kỳ 30 năm trước. Hai thế hệ console thứ sáu và thứ bảy đi qua để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp với người chơi. Kể từ khi PS2 được bán ra vào tháng 10/2000, ngành công nghiệp game đã bị thay đổi hoàn toàn. Có thể nói, đây là thời kỳ cách mạng của ngành công nghiệp game bùng nổ, đem đến sự đổi mới mạnh mẽ không chỉ về chất lượng đồ họa, thể loại game, lối chơi cũng như thiết bị chơi game. Từ sau cuộc khủng hoảng nội bộ năm 1983, giai đoạn 2000 – 2012 có thể xem như thời kỳ vàng của ngành game cho dù vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước.

Dù vậy, thành công vẫn thường đi liền với thất bại. Bên cạnh những tên tuổi nổi bật như PS2, PS3, Xbox 360 hay Wii, chúng ta không thể quên được các sản phẩm như Gamecube, PSP Go hay N-Gage, dù không thành công nhưng cũng đã đóng góp một phần vào công cuộc phát triển và làm phong phú thế giới game. Có thể nói, thất bại của những thiết bị này là bài học đắt giá cho nhà phát triển trong việc đem đến những sản phẩm tốt hơn, thành công hơn nữa.

Dưới đây là danh sách 14 thiết bị console đã bị đánh giá là thất bại đối với ngành công nghiệp game trong 10 năm đầu thế kỉ 21. Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc vì sao trong này lại có tên của các sản phẩm handheld như Gizmondo hay PSP Go. Thực ra handheld cũng là thiết bị console, vấn đề chỉ là ở Việt Nam khi nhắc đến console người ta thường chỉ nghĩ đến home console như PS hay Xbox mà thôi. Chính vì thế chúng ta mới có sự phân loại, tách biệt về hai khái niệm này.

1. Nuon (2000)

Thường được biết đến với cái tên "Dự án X", trên thực tế, Nuon không phải là tên của một thiết bị. Nuon là nền tảng hệ thống phần cứng/phần mềm cho đầu đọc DVD và thiết bị set-top box được phát triển bởi VM Lab nhằm đem lại internet cũng như biến những đoạn phim thụ động trở thành trải nghiệm tương tác thông qua khả năng điều hướng nâng cao. Không phải là console, nhưng điều tuyệt vời ở chỗ Nuon có thể đem lại trải nghiệm chơi game đến những thiết bị vốn không có chức năng này. Ưu điểm lớn nhất của thiết bị Nuon so với các máy console đương thời là chiếc đầu đọc DVD. Có người đã ví von Nuon là một nỗ lực để chạm vào giấc mơ "Tất cả-trong-một" mà nhiều ông lớn về công nghệ đã từng theo đuổi trước đây. Tuy nhiên ở thời điểm ấy giấc mơ này vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Toshiba, Samsung, Motorola và các nhà sản xuất khác đã phát hành sản phẩm Nuon với số lượng các game và phim khá hạn chế trong năm 2000, 2001. Tuy nhiên, chính công nghệ đã khiến các thiết bị Nuon bị đội giá lên quá cao, đắt hơn nhiều so với chiếc đầu đọc đĩa DVD thông dụng. Chi phí đắt đỏ, số lượng chương trình ít ỏi đã khiến cho tình cảnh của Nuon không thể nào thê thảm hơn nữa. Và chỉ một năm sau, Playstation 2 ra mắt đã đặt dấu chấm hết cho loại thiết bị này. VM Lab bị phá sản vào cuối năm 2001 và công nghệ Nuon cũng biến mất vài tháng sau đó, chính thức trở thành huyền thoại công nghệ "tất cả-trong-một" bị quên lãng một cách phũ phàng nhất trong lịch sử.

2. Panasonic Q (2001)

Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ đến chuyện Gamecube, vốn nổi tiếng vì chạy loại đĩa đặc biệt đường kính chỉ có 8cm, từng xuất hiện phiên bản chạy được DVD thông thường. Một thời gian ngắn sau khi Gamecube phát hành ra thị trường, Panasonic đã kết hợp ổ đĩa DVD với hệ thống máy của Nintendo để tạo ra sản phẩm mới và đặt cho nó một cái tên ngắn gọn là "Q", có thể chơi được cả 2 loại đĩa mini và đĩa thường. Việc PS2 và Xbox xuất hiện với ổ đọc DVD được xem như là nguyên nhân chính buộc Nintendo phải bắt tay Panasonic để làm điều không hề muốn chút nào, bởi mục đích của họ khi dùng đĩa 8cm là để giảm nguy cơ chơi game copy lậu, vốn được xem như vấn nạn từ trước đến nay.

"Q" chỉ được phát hành ở Nhật. Và cũng giống như nhiều thiết bị khác trong danh sách này, giá thành của "Q" nằm ở mức khó có thể chấp nhận được – 400 USD cho bản thường và 500 USD cho bản không bị khóa khu vực (năm 2001, Gamecube chỉ có giá 200 USD và hạ xuống còn một nửa vào hai năm tiếp theo). Bên cạnh đó, người sử dụng có thể tự mod chip cho máy GameCube để có thể chơi được game sao chép cho dù phải tháo vỏ máy ra. Với những yếu tố này, "Q" không thể cạnh tranh được và buộc phải ngừng sản xuất từ tháng 12/2003. Người ta ước tính rằng con số 100.000 máy dự tính bán được sau 1 năm phát hành vẫn là quá xa vời so với thực tế ảm đạm của mà Panasonic phải hứng chịu.

3. Indrema L600 (Chưa phát hành)

L600 của hãng Indrema là một trong số ít những chiếc console đầy tham vọng chưa từng được tung ra thị trường, tuy nhiên sở dĩ nó được đề cập trong này vì nếu như được phát hành, L600 sẽ là chiếc console đầu tiên chạy hệ điều hành Linux và do đó cũng là thế hệ console tiên phong cho việc sử dụng nguồn mở. Tức là người sử dụng bình thường cũng có thể tự viết game và các phần mềm khác dành cho hệ thống. Bên cạnh việc tạo dựng hình ảnh một hình mẫu kinh doanh triệt để, L600 còn có khả năng chạy đĩa CD và DVD ca nhạc hay phim thông thường, trình duyệt web riêng và thậm chí hỗ trợ của thiết bị DVR (Digital video recorder – đầu thu video kỹ thuật số) để thu lại các chương trình truyền hình (nghĩa là sản phẩm "tất cả-trong-một" theo kiểu Xbox One đã xuất hiện từ năm 2000). Nguyên mẫu của thiết bị có kiểu dáng khá bắt mắt, và sản phẩm hoàn chỉnh được lên kế hoạch ra mắt vào giữa năm 2001 với giá 300 USD.

Nhưng tất cả chúng ta đều thấy rằng cỗ máy đi trước thời đại này đã có số phận không thể nào đen hơn được nữa khi mà các sản phẩm khác còn xuất hiện được 1 đến 2 năm, trong khi L600 còn không có cơ hội đến tay người sử dụng. Indrema khởi đầu là một công ty nhỏ, và vì thế họ không thể gây dựng đủ vốn để hoàn thành chiếc console mơ ước của mình. Chưa kể, ở thời điểm ấy, người ta còn đang mải chú tâm đến cuộc chiến giữa bộ ba PS2 – Gamecube – Xbox nên ít ai để ý đến sản phẩm mang tính đột phá của một công ty chưa hề có danh tiếng gì. Cuối cùng, Indrema đóng dự án lại vào năm 2002 và số phận của L600 chính thức đi vào bóng tối từ đây.

4. PSX (2003)

Sau thành công về mặt thương mại của PS2, Sony đã hướng tầm nhìn đến một thiết bị mới có khả năng thực hiện rất nhiều công việc như vừa chơi game vừa ghi lại được các chương trình TV lên ổ cứng hoặc đĩa DVD. Đó là lí do mà PSX ra đời. Nó vừa có đặc điểm của một chiếc PS2, vừa có khả năng của một thiết bị DVR, vừa kết nối được với PSP. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên sử dụng giao diện XrossMediaBar nổi tiếng của Sony.

PSX chưa từng được phát hành ở phạm vi bên ngoài Nhật Bản, và nó khiến nhiều người bực mình ở chỗ không tương thích với tay cầm DualShock 2, tuy nhiên vấn đề lớn nhất của PSX là giá cả. Thời điểm mới ra mắt, PSX có giá 79.800 yên, tương đương với 800 USD bây giờ (gấp đôi PS4). Cho dù Sony đã phải hạ giá thành nhưng sản phẩm vẫn không phổ biến được đến đại đa số người tiêu dùng. PS2 trở thành chiếc console có doanh số cao nhất trong thế hệ console thứ 6 với 155 triệu máy được bán ra trong khi PSX còn xa lắm mới đạt đến được ngưỡng ấy.

5. Nokia N-Gage (2003)

Cho dù bị liệt vào hàng ngũ những chiếc console thất bại của lịch sử, tuy vậy ý tưởng cốt lõi pha trộn giữa điện thoại di động và console chơi game đã khiến đứa con của Nokia trở thành sản phẩm mang tính đột phá nhất giai đoạn 2000-2005. N-Gage có những điểm mà bất kỳ chiếc điện thoại nào cũng phải thèm muốn như đồ họa 3D ấn tượng, khả năng kết nối online chơi nhiều người cùng lúc, được các đại gia ngành game như Activision, Electronic Arts hay THQ để mắt tới. Trong thời buổi mà một game java mới chỉ dừng lại ở mức 100-200 KB thì một game cho N-Gage đã lên đến 50-60 MB và những game độc quyền cho máy là những sản phẩm xuất sắc thật sự, mang tầm vóc next-gen cho thể loại game mobile thời bấy giờ.

Thế nhưng lý do thực sự khiến N-Gage "chìm xuồng" như tàu Titanic nằm ở chính bản thân sản phẩm: cực kỳ đáng thất vọng. Trong phiên bản đầu tiên, cứ mỗi lần muốn đổi game khác là người chơi lại phải tháo pin ra. Còn nếu như muốn gọi điện (tức là sử dụng chức năng nguyên thủy của máy), họ sẽ phải dựng ngược nó lên. Rút kinh nghiệm N-Gage, Nokia tung tiếp ra N-Gage QD vào năm 2004, khắc phục các thiếu sót về pin và thiết kế side-talking, thế nhưng doanh số tiêu thụ vẫn rất èo uột. Trong vòng ba năm, hãng chỉ bán được vẻn vẹn hai triệu máy N-Gage (cả phiên bản đầu tiên lẫn QD), so với dự kiến ban đầu là 6 triệu. Sau đó Nokia chỉ còn kế hoạch sản xuất với số lượng cực kỳ hạn chế để phục vụ hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ và chính thức ngừng hẳn vài năm sau đó, chấm dứt thời kỳ đáng nhớ của một chiếc điện thoại chơi game.

6. Tapwave Zodiac (2003)

Được thiết kế bởi hãng công nghệ Tapwave, Zodiac cũng giống như N-Gage lại là một thất bại trong nỗ lực kết hợp giữa console và thiết bị PDA thời kỳ smartphone mới bùng nổ. Được quảng cáo là một thiết bị giải trí đa chức năng mạnh mẽ, Zodiac sử dụng hệ điều hành Palm của Motorola rất thông dụng lúc bấy giờ. Với thiết kế độc đáo, hỗ trợ giả lập nhiều hệ máy (dù không hoàn chỉnh 100%) và có những game rất nổi như Tony Hawk's Pro Skater 4 Doom II, Zodiac đã nhận được không ít bình luận tích cực lúc mới ra mắt.

Dù vậy, vẫn có những tiên đoán về thất bại của Zodiac ngay trong thời kỳ này. Đầu tiên là về giá cả, Zodiac bị đánh giá là quá đắt với 300 USD dành cho bản 32 MB và 400 USD cho bản 128 MB. Giới hạn khu vực của thiết bị cũng khiến cho số lượng đại lý bán lẻ quan tâm đến việc chọn Zodiac làm sản phẩm kinh doanh không nhiều. Việc ít đối tác bên thứ ba hỗ trợ cho thiết bị này khiến cho thư viện phần mềm của Zodiac khá eo hẹp. Cuối cùng, sự xuất hiện của PSP và DS một năm sau đó chính thức kết thúc vòng đời của Zodiac. Với doanh số 200.000 thiết bị đã bán ra, đứa con của Tapwave đã trở thành chiếc console handheld có doanh thu thê thảm thứ ba, chỉ sau Gizmondo và R-Zone. Bản thân Tapwave cũng chính thức bị buộc phá sản vào tháng 7 năm 2005.

7. Infinium Labs Phantom (Chưa phát hành)

Ý tưởng về một thiết bị console kết nối internet 24/24 thật ra không phải chỉ có ở Xbox One. Trên thực tế, năm 2003 Infinium Labs đã đề xuất về một cỗ máy mang tên Phantom dựa vào nền tảng của internet hoàn toàn, online liên tục và có khả năng chơi các game PC của hiện tại và tương lai thông qua download trực tiếp chứ không cần đĩa hay băng từ như hầu hết console lúc bấy giờ. Dự kiến về giá thời bấy giờ của Phantom là 200 USD kèm với mức phí hàng tháng là 30 USD. Infinium Labs từng tuyên bố rằng việc online liên tục của Phantom sẽ thúc đẩy lợi nhuận của cả nhà phát triển cũng như bên phát hành tăng lên nhanh chóng.

Đen đủi cho Infinium Labs ở chỗ, cũng như Indrema, họ không thể gây dựng vốn liếng đủ để đưa Phantom ra ngoài thị trường. Chiếc console này dự kiến phát hành vào năm 2004 sau khi ra mắt ở hội chợ E3 tháng 5 năm ấy, nhưng phải hoãn lại sang năm 2006 và cho đến nay, thông tin về Phantom cũng coi như mất tăm. Cũng giống như uDraw của THQ, Phantom đã để lại cho công ty phát triển một khoản thâm thủng ngân sách kinh khủng: 62,7 triệu đô la, trong đó gần một nửa là để xây dựng hệ thống Phantom Gaming Service và Phantom Lapboard, một thiết bị se-top box dành cho phòng khách gia đình.

Nguyễn Hào

 


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận