Những chiếc console thất bại đầu thế kỉ 21 (kì cuối)

Zeebo, HyperScan, Gizmondo… là những cái tên tiếp theo xuất hiện trong danh sách này.

8. SSD Company XaviXPORT (2004)

Khi mới nhìn thấy console XaviXPORT của SSD Company lần đầu, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đây là tiền thân của chiếc máy Wii nổi tiếng của Nintendo khi sử dụng công nghệ Motion Control và thư viện phần mềm chủ yếu toàn các game hoạt động thể thao. Thay vì sử dụng tay cầm điều khiển thông thường, mỗi game của XaviXPORT lại có một thiết bị điều khiển riêng, như XaviX Tennis thì sẽ có cặp vợt tennis, XaviX Bowling thì sẽ có quả bóng bowling giả… Danh sách này còn có thể kéo dài nếu như nhà sản xuất có hứng thú với cỗ máy này. Vấn đề chỉ là công nghệ của chiếc console bé tẹo này đã khá lỗi thời khi mà vẫn còn sử dụng băng từ, loại hỗ trợ đa xử lý 8 bit khá thông dùng từ thời NES.

Hiển nhiên là SSD cũng không mong muốn điều gì quá cao xa với sản phẩm này, chính vì thế mà họ cũng không đặt quá nhiều kì vọng cho XaviXPORT. Giá của chiếc console này tương đối rẻ, chỉ 80 USD. Tuy nhiên thực tế cho thấy với công nghệ thô sơ của chiếc máy này, cộng với việc một vài game vẫn đội giá lên tới 50 USD thì chi phí mà người sử dụng phải bỏ ra còn nhiều hơn cả giá của máy. Cho đến nay, giá thành đã hạ đi đáng kể nhưng vẫn không thu hút được sự quan tâm của nhiều người, kể cả khi đã từng có lần họ mời ngôi sao võ thuật Thành Long quảng cáo cho máy thông qua game Jackie Chan Studio Fitness Powerboxing.

9. ZAPiT Game Wave (2005)

Tương tự như hệ thống Nuon ở kỳ trước, ZAPiT Game Wave (hay còn có tên gọi khác là Game Wave Family Entertainment System) là một loại console có chức năng giống như đầu đọc DVD. Dòng sản phẩm chính của chiếc console này chủ yếu là các game thể loại giải đố hoặc board game (các game sử dụng bàn cờ đông người chơi như cờ tỉ phú, cờ cá ngựa…) và đánh bài.

Cũng giống như nhiều thiết bị chơi game mang tính chất casual khác, Game Wave chính thức phát hành vào cuối năm 2005 với giá 99 USD và được tiên đoán từ trước là sẽ không gây được ảnh hưởng đáng kể đối với game thủ. Có hai nguyên nhân chính để Game Wave không thành công: thứ nhất là về số lượng thể loại trò chơi. Nếu như so sánh với một số cổng game online hiện nay thì chắc chắn Game Wave không thể đọ được về độ đa dạng cũng như cách thức thể hiện. Thứ hai là nhiều trò chơi của Game Wave như Sudoku được ưa chuộng ở ngoài đời thực hơn là trên máy.

10. Gizmondo (2005)

Nhắc đến thiết bị hỗ trợ cá nhân, người ta sẽ thường nghĩ đến gì? Đa phần câu trả lời ngày nay sẽ là điện thoại di động và máy tính bảng. Tuy nhiên, trước khi sản phẩm của Apple trở nên phổ biến và smartphone vẫn còn là thứ gì đó khá xa xỉ thì người tiêu dùng đã giải quyết ham muốn chơi game trên PDA của mình bằng cách nào? Câu trả lời là N-Gage và Gizmondo. Khi Tiger Telematics ra mắt Gizmondo vào tháng 3 năm 2005, đây quả là một thiệt bị tuyệt vời với những tính năng tiện lợi như mạng di động GPRS (mặc dù không phải điện thoại), nhắn tin SMS, hệ thống định vị GPS, xem phim và nghe nhạc MP3, hỗ trợ camera để quay phim hay chụp hình. Hệ thống phần cứng của máy cũng rất ổn với CPU ARM9 S3C2440 tốc độ xử lý 400MHz, sử dụng hệ điều hành Windows CE 4.2. Chất lượng game của Gizmondo có thể ngang bằng, thậm chí là nhỉnh hơn chút so với PSP của Sony và điều quan trọng nhất, Tiger Telematics biết cách dùng tiền để tạo tiếng vang cho sản phẩm của mình.

Tuy vậy, danh tiếng không phải là yếu tố quyết định cho sự thành bại. Cho dù đã được tâng bốc như là đối thủ của PSP và DS thì Gizmondo vẫn cứ thất bại, thậm chí thất bại nặng nề. Trước hết, giá của chiếc console handheld này quá đắt: 400 USD cho phiên bản không có Smart Adds (hệ thống quảng cáo ngẫu nhiên có tính phí) và 229 USD cho bản thường. Ngoại trừ ở Anh ra, chiến dịch quảng cáo cho Gizmondo chưa từng tồn tại bao giờ. Hệ thống phần mềm của Gizmondo nghèo nàn đến mức khó tin, cho đến năm 2007 (nghĩa là 1 năm sau khi dừng sản xuất) tổng số game dành cho Gizmondo chưa được đến 30. Khi mới lên kệ lần đầu tại Anh, chiếc console này mới chỉ có 1 game duy nhất: Trailblazer. Cho đến khi phát hành ở Mỹ, Gizmondo chỉ xuất hiện với số lượng rất hạn chế tại một vài ki-ốt với 8 tựa game tất cả. Chưa hết, Gizmondo còn phải hứng chịu khá nhiều tai tiếng từ một trong những người phụ trách - Stefan Eriksson, vốn là cựu giang hồ ở Thụy Điển. Khi ngừng sản xuất và tuyên bố phá sản vào năm 2006, doanh số của Gizmondo chưa đến 25.000 đơn vị, chính thức trở thành chiếc console đầu tiên có số lượng bán ra thảm hại nhất trong lịch sử của console handheld. Năm 2008, một kế hoạch hồi sinh Gizmondo với tên gọi Gizmondo 2 đã được đề ra, tuy nhiên từ đó đến nay, dự án ấy vẫn mất hút không có một dấu vết.

11. Mattel HyperScan (2006)

Nhắc đến Mattel, người ta vẫn thường nhớ đến thành công của hãng với Intellivision năm 1979, một trong những chiếc console được IGN đánh giá là tuyệt vời nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, đóng góp thứ hai của hãng cho thế giới console lại là một thứ khác hơn rất nhiều, và tất nhiên là cũng tệ hơn rất nhiều. HyperScan được thiết kế dành cho trẻ nhỏ và có giá ban đầu rất hời: chỉ có 70 USD. Nhiều người tin rằng tên của chiếc console này bắt nguồn từ công nghệ RFID (Radio Frequency Identification - nhận dạng bằng sóng vô tuyến), được sử dụng để quét các thẻ đi kèm với game dành cho HyperScan. Trong quá trình chơi game, người chơi có thể sử dụng tính năng scan trên máy để scan thẻ game để sử dụng các nhân vật mới hay khả năng mới vào trò chơi.

Đây là điểm mạnh nhưng cũng là điểm khiến Hyperscan tàn lụi. Lí do là vì Mattel không thể tiếp tục sản xuất và bán các thẻ hỗ trợ này mãi mãi bới giới hạn nền tảng phát triển các ứng dụng tích hợp cho game. Chỉ có năm game dành cho HyperScan được phát hành, tất cả đều rất tệ và không được game thủ đón chào. Bản thân chiếc máy được thiết kế rất kém, thời gian tải thì lâu vì hệ thống phần cứng đã quá lỗi thời, quy trình thủ tục phức tạp cũng là những yêu tố khiến Hyperscan đánh mất khách hàng. Chỉ một năm sau ngày phát hành, Mattel đã phải dừng việc phát hành chiếc console này lại. Và bài học kinh nghiệm được các nhà sản xuất khác rút ra từ đây là: trẻ em ngày nay được tiếp cận với những dòng console nổi tiếng từ rất sớm, do đó việc thiết kế một chiếc console riêng biệt cho độ tuổi nào đó quả là vô nghĩa.

12. Zeebo (2009)

Zeebo là một trong những nỗ lực nhằm đem game và các nội dung tương tác có liên quan đến thị trường các nước đang phát triển. Phát hành lần đầu tiên vào năm 2009, Zeebo được một vài nhà phát hành nổi tiếng hỗ trợ như Disney, EA và Activision, tuy nhiên hầu hết các game của Zeebo sau này được làm lại từ điện thoại di động. Đây là một thiết bị đặt trên nền tàng internet hoàn toàn, sử dụng mạng 3G và game chỉ có thể download về nhằm chống lại nạn vi phạm bản quyền. Các tạp chí công nghệ của nước ngoài từng ca ngợi Zeebo rất nhiều với vai trò là thiết bị có tiềm năng lớn trong nỗ lực toàn cầu hóa của ngành công nghiệp game.

Tuy vậy, trong khi là sự lựa chọn rẻ tiền đối với game thủ ở Brazil, Mê-hi-cô và một vài nước đang phát triển, ở những quốc gia khác Zeebo lại không được đón chào nồng nhiệt như vậy. Danh sách game dành cho Zeebo không nhiều, tổng cộng lại chỉ có 46 trò, thiết kế đồ họa thậm chí không bằng PS2. Sau khi lên kệ từ đầu tháng 6 năm 2009, chỉ 3 tháng sau nhà phát hành phải liên tục giảm giá để thu hút khách hàng. Đến năm 2011, Zeebo chính thức ngừng sản xuất.

13. Envizions Evo Smart Console (2009)

Ra mắt lần đầu vào năm 2008, Evo Smart Console nối tiếp giấc mơ của Indrema L600 khi là chiếc console sử dụng hệ điều hành Linux và nguồn mở. Về cơ bản, đây có thể xem như là kiểu một chiếc PC được thu gọn trong chiếc hộp nhỏ. Mục tiêu mà Evo Smart Console hướng đến là các hình thức giải trí đa phương tiện thông thường bên cạnh một vài game dành cho Windows và Commodore Amiga.

Thật không may, những game này phần lớn đã lỗi thời, và toàn bộ hệ thống nói chung đều bị đánh giá là không đủ mạnh. Rất ít người chọn mua – thậm chí là nghe nói đến Smart Console, và vì thế kế hoạch về một phiên bản tiếp theo của chiếc console này không bao giờ trở thành hiện thực. Năm 2012, người sáng lập Envizions quyết định khởi động một dự án mới có tên là EnGeniux nhằm thiết kế một loại console là Oton mà theo như công ty giới thiệu thì có thể tự tạo ra game cho chính mình.

14. PSP Go

Vẫn còn quá sớm để quyết định về số phận của PlayStation Vita, tuy nhiên sản phẩm trước đó của Sony tại phân khúc thị trường portable chắc chắn không thành công được như mong đợi. PSP Go là sản phẩm cuối cùng trong dòng sản phẩm PSP khá thành công, và tất nhiên là nó mạnh mẽ không thua kém gì những người anh em 1000, 2000, 3000, nhưng kiểu dáng nhỏ hơn và sử dụng màn hình trượt. Thay đổi lớn nhất cần phải kể đến ở đây là PSP Go đã loại bỏ đi ổ đĩa UMD của PSP thông thường. Điều đó có nghĩa là giờ đây PSP Go chỉ có thể chơi game từ thẻ nhớ thông qua download. Có thể đây là một phép thử của Sony, nhằm mục đích kiểm tra xem liệu thời kỳ số hóa hoàn toàn đã đến hay chưa và điều gì có thể xảy ra.

Đáng buồn là những điều tốt đẹp diễn ra rất ít. Tròn 1 năm sau ngày ra mắt và cái tên PSP Go vẫn là khái niệm xa lạ với ngay cả nhiều game thủ kỳ cựu. Cụ thể hơn, trong quá trình chuẩn bị đến tận ngày phát hành, Sony đã không có bất cứ chiến dịch quảng bá nào có quy mô lớn. Do vậy, người dùng lúc đó đã đổ xô đi mua DSi với rất nhiều cải tiến từ Nintendo. Bên cạnh đó, cái giá 249,99 USD là quá cao so với một chiếc máy chơi game cầm tay. Với số tiền đó, game thủ hoàn toàn có thể lựa chọn Nintendo Wii hoặc phiên bản PS3 Slim do chính Sony phát hành. Cấu hình phần cứng không có gì nổi trội nhưng giá lại cao hơn gần 100 USD so với những phiên bản trước là rào cản lớn nhất của PSP Go đến tay game thủ. Ngoài ra thì chính việc Sony cố gắng thiết kế lại hình dáng của PSP Go với phong cách trượt độc đáo cũng đã vô tình làm hại chính họ. 20/4/2011, PSP Go chính thức ngừng sản xuất.

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận