Cuộc đời game thủ từ khi sinh ra đến lúc qua đời (kì 1)

Dù cuộc đời có xoay vần thế nào thì game vẫn không bỏ rơi con người.

Đối với nhiều người, game đã trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Thật khó để có thể gợi nhớ lại thời kỳ chiếc tay cầm chơi game vẫn còn là một thứ xa lạ, hoặc cảm xúc của người chơi khi lần đầu được chạm tay vào cỗ máy arcade hay chiếc console. Và đến giờ khi có thời gian để nhìn lại, thật bồi hồi khi nghĩ đến việc cuộc sống đã thay đổi như thế nào khi được gặp game. Chưa biết là tốt hơn hay xấu hơn, nhưng chắc chắn một điều là nếu không có game thì cuộc sống của game thủ sẽ chẳng bao giờ giống như bây giờ cả.

Không phải lúc nào người chơi cũng quan tâm đến việc game hoạt động như thế nào, và không phải ai cũng để ý xem mình đã bỏ bao nhiêu thời gian vào game. Bởi vì cuộc sống hàng ngày vốn bận rộn đã cuốn hút tâm trí của họ sau những giờ phút được thảnh thơi với trò chơi mình yêu thích. Cuộc đời của một game thủ chia ra làm nhiều giai đoạn, và chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các giai đoạn đó trong bài viết dưới đây.

Giai đoạn 1: Từ 0-5 tuổi

Trong suốt thời kỳ thơ ấu, khi trẻ hoàn toàn cần sự giúp đỡ và lệ thuộc người khác để được an toàn về thể chất và cảm xúc, chơi game là một việc hết sức khó khăn. Đây là giai đoạn trẻ tự tìm hiểu cuộc sống diễn ra quanh mình, đồng thời học tập, bắt chước những hành động của người lớn. Đối với độ tuổi này, sử dụng gamepad rất phức tạp và còn khó hơn cả cầm bút màu để tô vẽ nhưng vẫn là điều hết sức mới mẻ và thú vị. Đôi lúc, trẻ có thể lại gần anh chị hay thậm chí là bố mẹ để giành giật tay cầm điều khiển. Cần phải xác định hành động này không phải là do trẻ muốn chơi game mà là vì trẻ tò mò với những đồ vật lạ xuất hiện trong tầm mắt. Và chỉ cần được giao cho chiếc tay cầm ấy là đứa bé có ngoan ngoãn cả ngày kể cả khi tay cầm có được cắm vào máy hay không. Việc làm quen với thiết bị chơi game như vậy đã gieo mầm game thủ cho trẻ nhỏ từ những ngày đầu mới chập chững bước vào cuộc đời.

Giai đoạn 2: Từ 5-10 tuổi

Ở giai đoạn này, trẻ đã hình thành những hiểu biết cơ bản về game, có khả năng sử dụng và tự điều chỉnh (hoặc nhờ người lớn giúp) các thiết bị chơi game. Lúc này trẻ đã biết cách dùng tay cầm và nhớ được vị trí các nút mà không cần nhìn (điều khiến đứa bé nào cũng cảm thấy tự hào). Tuy nhiên ở giai đoạn này trẻ cũng lần đầu phải đối mặt với sự bực mình cũng như cảm giác bất lực mà game đem lại, chẳng hạn như trẻ có thể biết hết các động tác cơ bản của game đua xe, nhưng lại chưa nắm được những mẹo, bí quyết cần thiết để có thể chiến thắng. Tệ hơn, phụ huynh có thể buộc trẻ phải ra ngoài để vận động chân tay và "cho đầu óc nghỉ ngơi". Dù thế, giai đoạn 5 đến 10 tuổi vẫn giữ vai trò quyết định xem trẻ có chính thức gắn bó lâu dài được với game hay không. Bởi ở lứa tuổi này, ngoài game ra vẫn còn rất nhiều thứ khác có thể hấp dẫn đứa bé và góp phần hình thành nên sở thích lâu dài. Từ sau giai đoạn 10 tuổi trở đi đến năm 30 tuổi, các trường hợp dứt bỏ game hoàn toàn là rất hiếm, trừ khi có biến cố đặc biệt nào đó xảy ra.

Giai đoạn 3: Từ 10-15 tuổi

Bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, tâm lý trẻ thay đổi cũng dẫn đến thay đổi về thể loại game yêu thích. Nếu như trước đây trẻ thường chọn những game có lối chơi đơn giản, đồ họa đẹp theo kiểu dễ thương, phim hoạt hình thì giờ đây game sẽ có lối chơi hay nội dung phức tạp hơn, mang tính thử thách cao hơn. Tuy vậy, ở thời kỳ này, trẻ vẫn chưa hình thành sở thích cao độ với một thể loại game nhất định như FPS, TPS hay RPG mà vẫn chỉ là gặp game gì thì chơi game đó cho dù trẻ đã có thể phân biệt được sự khác nhau giữa các thể loại rồi. Với những em chưa từng hay ít chơi game từ trước thì niềm đam mê với loại hình giải trí này có thể được hình thành ngay trong giai đoạn từ 10 đến 15 tuổi thông qua bạn bè xung quanh, chủ yếu là do tò mò, muốn được trải nghiệm cảm giác.. Ở tuổi này trẻ thường thích thể hiện, vì thế các em có xu hướng hay khoe các game mình đã chơi hay chứng tỏ mình là cao thủ trong một game nào đó. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của phụ huynh, việc chơi game không đến mức quá sa đà nên các em vẫn có thể tập trung vào việc học và cuộc sống quanh mình.

Giai đoạn 4: Từ 15-19 tuổi

Ở giai đoạn này, game thủ bắt đầu có sự phân hóa ra làm hai loại: loại thứ nhất ít thể hiện ra ngoài rằng mình là một game thủ, cố gắng không để ai biết trong khi loại thứ hai công khai sở thích đặc biệt của mình và đôi khi phải hứng chịu những chỉ trích sai lầm từ người khác. Ở thời kỳ này, với tình yêu mà họ dành cho game, cùng với hàng loạt kỹ năng, kỹ xảo học được sau nhiều năm, cộng thêm sự am hiểu sâu sắc do tiếp xúc với game một thời gian dài đã giúp họ trở thành một game thủ đúng nghĩa. Tuy nhiên, điều khiến mọi người khó chịu nhất là giai đoạn này là giai đoạn hình thành khái niệm fanboy. Game thủ bắt đầu bị lôi vào một cuộc chiến bất tận để so xem giữa Call of Duty, BattlefieldMedal of Honor game nào mới là hay nhất, giữa PS3 và Xbox 360 đâu mới là chiếc console tốt nhất (hoặc chí ít là được ưa chuộng nhất), giữa VTC và VNG đâu mới là nhà phát hành hút máu nhiều nhất, giữa Đột KíchCounter Strike game nào đáng chơi hơn… Điều không may ở chỗ một khi đã là fanboy thì mãi mãi sẽ là fanboy, và cuộc chiến của họ cứ thế kéo dài bất tận mà không có điểm dừng.

Giai đoạn 5: Từ 20-25 tuổi

Kết thúc giai đoạn trung học, bước vào giai đoạn đại học là điều thay đổi lớn nhất trong cuộc đời của game thủ. Ở độ tuổi được coi là đẹp nhất này, họ có rất nhiều bạn bè cùng chung sở thích với mình. Không phải chịu sự quản thúc của gia đình (hoặc nếu có thì cũng bớt kiểm soát gắt gao hơn) nên cuộc sống của game thủ có phần thoải mái hơn. Game thủ ở độ tuổi này cũng có thể đôi lúc tự hào vì lần đầu tiên trong đời, họ có thể đi làm, kiếm ra những đồng tiền đầu tiên và tự mua những gì mình thích mà không cần hỏi xin bố mẹ. Tuy nhiên tuổi trẻ thường nông nổi nên tiền họ kiếm được nhiều khi cũng hết rất nhanh và đến giữa tháng đã lại thấy họ ăn mì tôm trừ bữa. Một đôi khi, sự hoài cổ lại khiến họ gạt hết PC với PlayStation sang một bên để cắm máy Nintendo 64 chơi Super Mario Bros. Ngoài chuyện học hành và yêu đương (tức là may mắn đã thoát kiếp F.A), phần lớn thời gian trong ngày game thủ chỉ có chơi và chơi, nhiều khi còn không muốn ăn nữa.

Giai đoạn 6: Từ 25-30 tuổi

Bước ra khỏi cổng trường đại học, game thủ cũng chính thức tự mình đối mặt với sóng gió của cuộc sống hàng ngày. Thật buồn cười khi nghĩ đến việc cuộc sống thay đổi nhanh như thế nào. Trước đây mối bận tâm lớn nhất của game thủ là làm thế nào để chơi được nhiều mà không phải lo trượt môn học. Còn giờ đây thì sao? Họ có thêm rất nhiều quan hệ và công việc cần phải lo đến. Ở giai đoạn vẫn còn thiếu kinh nghiệm ứng xử, non nớt về tay nghề, nhiều khi họ sẽ cảm thấy khủng hoảng trầm trọng tưởng như không bao giờ thoát ra được. May mắn thay, game vẫn là nguồn động lực an ủi tinh thần, giúp họ giải tỏa và nghĩ cách gỡ rối cho khó khăn. Không còn những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng nữa, giờ đây họ chỉ có thể chơi game vào buổi tối, khi mà công việc tạm thời cho phép họ có thời gian để nghỉ ngơi. Cái sướng của họ là vì còn độc thân cho nên gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng chưa đến mức khủng khiếp lắm. Dù vậy, tuổi này cũng là tuổi người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện lập gia đình chứ không còn là vui chơi qua đường nữa, vì thế đôi khi có thể họ xao nhãng hoặc không còn nghĩ đến game nữa. Tuy nhiên, chính những ông bố, bà mẹ trẻ ở lứa tuổi này lại gieo mầm hạt giống game thủ cho con của họ sau này.

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận