Kinh doanh game - giống như bao ngành kinh doanh khác - có vô số những chiêu trò chơi bẩn, dìm hàng đối thủ hòng đưa sản phẩm/dịch vụ của mình bứt lên. Với đặc thù là một ngành kinh doanh trực tuyến, những chiêu cạnh tranh không lành mạnh của các NPH game thường tập trung nhiều vào các sản phẩm, dịch vụ hay nền tảng online của đối phương. Chúng cũng muôn hình vạn trạng, từ cách thực hiện lộ liễu cho đến những hình thức tinh vi đến không ngờ.
Dìm hàng đối phương, câu kéo người dùng về sản phẩm của mình
Đây là một trong những phương thức cạnh tranh đang ngày càng trở nên phổ biến, được các NPH tập trung áp dụng triệt để vì tính hiệu quả rõ rệt của nó. Tất nhiên, dìm hàng ở đây không phải bằng phát ngôn công khai trên cái "loa làng". Đích nhắm đến của các NPH chính là các kênh cộng đồng với số lượng người dùng lớn như fanpage, diễn đàn, trang tin...
|
Cuộc chiến giữa CACK và VLTK bản 3D gần đây đã thu hút sự tham gia của rất nhiều fanboy và cả seeder. |
Hầu như tất cả các NPH lớn nhỏ hiện nay đều nắm trong tay một đội seeder (thường là thuê ngoài) để làm seeding trên cách kênh cộng đồng. Vai trò của những người làm seeding này là hoạt động bí mật tại các kênh được chỉ định, bằng mọi cách để thúc đẩy sự sôi động của những topic quảng bá sản phẩm từ NPH, giúp nó luôn nằm ở vị trí "hot", dễ phát hiện.
Gần đây, ý nghĩa thực sự của hoạt động seeding đã bị "biến tướng" khá nhiều. Thay vì đưa ra những bình luận mang tính xây dựng, giờ đây các seeder được NPH "giật dây" phải tìm mọi cách để nói xấu, dìm hàng sản phẩm của đối phương. Đồng thời, các seeder cũng phải khéo léo lái vấn đề theo hướng có lợi cho sản phẩm của đơn vị thuê mình.
Đấy là làm khéo, làm kín, song trên thực tế, có không ít trường hợp seeder không ngại ngần ném thẳng link trang chủ trực tiếp của sản phẩm game vào topic của đối thủ để lôi kéo người dùng. Thậm chí, đích thân lãnh đạo của một vài NPH cũng phải kiêm luôn công việc của một seeder khi đi bình luận dìm hàng, spam link trên những topic liên quan đến sản phẩm đối phương.
Giả mạo thương hiệu sản phẩm game của đơn vị khác
Hiện tượng này chưa xảy ra nhiều tại Việt Nam, tuy nhiên nó cũng gây ra không ít quan ngại trong cộng đồng về sự trắng trợn của một số đơn vị làm game. Một trong những "kỳ án" nổi tiếng nhất thời gian vừa qua chính là vụ việc Tình Kiếm của Soha Game bị giả mạo trên Google Play. Cụ thể, chợ ứng dụng vào một ngày đẹp trời bất ngờ xuất hiện hai ứng dụng Android đều có tên là Tình Kiếm với hình ảnh đại diện và các thông tin về game giống nhau tới 90%.
|
Vụ mạo danh thương hiệu game Tình Kiếm đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực. |
Trong đó, bên cạnh ứng dụng "xịn" của Soha Game, người ta còn tìm thấy một ứng dụng với hình ảnh, thông tin tương tự nhưng do một đơn vị khác phát hành. Điều đáng nói là sau khi cài đặt, người chơi nhận được sản phẩm cài đặt hoàn thiện là game Thiên Địa Quyết. Thậm chí, ứng dụng "fake" còn có quyền truy cập vào tin nhắn của người dùng và tính phí mà không báo trước.
Hiện chưa rõ danh tính thực sự của đơn vị đứng đằng sau vụ cạnh tranh không lành mạnh này nhưng rõ ràng, vụ việc đã khiến không ít người dùng cảm thấy hoang mang. Do kho ứng dụng của Google là một không gian mở, bất cứ đơn vị nào có đăng ký kinh doanh hợp lệ đều có thể đăng tải sản phẩm của mình trên đó nên chẳng ai dám khẳng định rằng, những trò chơi bẩn tương tự sẽ không diễn ra trong tương lai.
"Thọc gậy bánh xe" để kìm hãm ngày ra mắt sản phẩm của đối thủ
Trong vài tháng vừa qua, thông tin VED (tiền thân là Garena VN) đã sở hữu thành công bản quyền phát hành FIFA Online 3 tại Việt Nam là một trong những điểm nóng nhất của làng game. Sự mong ngóng trò chơi này từ cộng đồng những game thủ hâm mộ bộ môn túc cầu có thể thấy rõ qua từng động thái, tiếng nói trên các kênh cộng đồng của FIFA Online 3. Và sau khi VED tổ chức họp báo ra mắt chính thức FIFA Online 3 hồi đầu tháng 8/2013, hầu như ai cũng chắc chắn rằng, thời điểm game mở cửa đã cận kề.
Thế nhưng bẵng đi sau đó 1 tuần rồi 2 tuần, thông tin về ngày mở cửa của game vẫn hoàn toàn trong vòng bí mật. Cùng lúc đó, trong cộng đồng lại rộ lên tin đồn rằng FIFA Online 3 đã bị rút giấy phép phát hành do đơn vị chủ quan không có chức năng phát hành game online.
|
VED đang ở thế bí khi không thể mở cửa chính thức FIFA Online 3. |
Trên thực tế, theo những nguồn tin đáng tin cậy, việc FIFA Online 3 gặp tin đồn bất lợi và phải trì hoãn việc mở cửa tại Việt Nam xuất phát từ một động thái cạnh tranh không lành mạnh có tổ chức từ một đơn vị đối thủ có thế lực trong làng game. Bản thân VED cũng phải chịu cảnh "há miệng mắc quai" nên đành chấp nhận nhượng bộ cho đối thủ tự tung tự tác.
Rốt cuộc, họ cũng quyết định cho ra mắt đợt thử nghiệm đầu tiên vào hôm 27/8 vừa qua, song nhiều khả năng đây chỉ là một hình thức câu giờ để giữ chân khách hàng, còn thời điểm có thể mở thương mại hóa vẫn còn là ẩn số.
Kể từ khi FIFA Online 3 được công bố tại VN cho đến hiện tại khi đã mở cửa thử nghiệm, đối thủ của VED liên tục tung tin thất thiệt, nói xấu NPH này, thậm chí lập những hội nhóm trên các kênh cộng đồng kêu gọi tẩy chay. Mới đây nhất, một fanpage với danh xưng "Hỗ trợ cộng đồng FFOL3 và Anti Garena" cũng được cho ra đời với mục đích này.
Mua vị trí trên Google
Từ lâu, cuộc chiến chạy đua thứ hạng tìm kiếm trên Google đang ngày càng diễn ra khốc liệt giữa các đơn vị kinh doanh trực tuyến, trong đó có game online, với mục đích giúp người dùng tiếp cận sản phẩm của mình một cách dễ dàng nhất. Tuy nhiên, chiêu trò lợi dụng dịch vụ Google Adwords (mua từ khóa Google) để đưa trang chủ game của mình lên top bảng sponsor thì chẳng ai dám nghĩ đến - mà có nghĩ đến cũng không dám làm vì sẽ bị ăn gạch đá từ những người trong ngành.
Thế nhưng, hồi giữa năm 2012, có một đơn vị đã bất chấp dư luận để thực hiện điều đó. Họ chính là Korammgame, một trong những NPH Trung Quốc đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Ở thời điểm đó, khi người dùng gõ tìm kiếm một tên game đang hot không phải của Korammgame, kết quả trả về của Google sẽ là tên game đó nhưng đường link trang chủ phía dưới lại là sản phẩm game của NPH Trung Quốc.
|
Một bằng chứng cho thấy Mị Lực Vô Song (VTC Online) đã mua quảng cáo Google Adwords lợi dụng sức hút của từ khóa Hoành Tảo Thiên Hạ (FPT Online). |
Điều đáng nói là ban đầu, trò chơi bẩn này đã bị rất nhiều người lên án, trong đó đa phần là các NPH nội địa. Tuy nhiên không lâu sau đó, chính bản thân một số NPH Việt lại học theo cách của "kẻ khởi xướng" Korammgame để áp dụng cho sản phẩm của mình. Hiện tượng đáng buồn này chỉ có thể giải thích bằng tư tưởng đặt lợi nhuận kinh doanh lên trên đạo đức nghề nghiệp của những đơn vị đó. Song, trò chơi bẩn này thường không tồn tại được lâu khi bị phát giác, do đó các sản phẩm game ra mắt gần đây hầu như không còn xuất hiện tình trạng này.
"Thấy sang bắt quàng làm họ"
Cách đây vài tháng, làng game Việt từng xôn xao trước thông tin một đơn vị phát hành game ở thị trường nội địa đã dùng thủ đoạn "mạo danh thương hiệu" một NPH có tiếng khác để đi mua game dễ dàng hơn. Kẻ mạo danh tự nhận mình có năng lực tốt khi vận hành một loạt sản phẩm đã thành danh ở Việt Nam dù trên thực tế, những sản phẩm đó lại thuộc sở hữu của một NPH khác
Theo chia sẻ từ NPH bị hại, họ hoàn toàn bất ngờ khi được phía Trung Quốc thông báo có kẻ mạo danh mình và chiếm luôn quyền thương mại sản phẩm của mình khi làm việc với đối tác. Rõ ràng trong bối cảnh thị trường game Việt còn manh mún rối ren, chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh, các NPH nhỏ đã và đang mọc lên như nấm, phía đối tác nước ngoài khó có thể nắm bắt được thông tin chính xác từ các đơn vị kinh doanh game Việt Nam ngoại trừ những tên tuổi đã thành danh bao năm qua như VNG, FPT hay VTC. Cho nên, khả năng một NPH nào đó "thấy sang bắt quàng làm họ" hòng kiếm được mối làm ăn hay sản phẩm game tốt hoàn toàn có thể tái diễn sau này.
Hoàng Quân
Nguồn: GameThu |