Total War: Rome II - chinh phục thế giới cổ đại

Rome II hoàn toàn là một game hay, đại diện sáng giá cho danh hiệu game chiến thuật của năm.

 

Chín năm trước, Rome: Total War ra đời như một cuộc cách mạng đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của dòng game, thành công của nó là không phải bàn cãi. Sau gần mười năm chinh chiến, thăng trầm với những Medieval II, Empire, NapoleonShogun II, cuối cùng Creative Assembly đã làm thỏa lòng fan hâm mộ khi công bố phần tiếp theo của huyền thoại Rome với tên gọi đầy đủ Total War: Rome II. Thế nhưng trong những ngày đầu tiên sau khi phát hành, Rome II lại chịu không ít búa rìu từ phía game thủ. Liệu Rome II có đủ sức lật đổ cái bóng của người tiền nhiệm hay lại đi vào vết xe đổ của Empire: Total War?

 

Mỗi phiên bản Total War đều mang theo nhiều thay đổi mới lạ về nhiều mặt. Bản đồ của Rome II là bản đồ rộng lớn nhất từ trước đến nay, trải dài từ những khu rừng chìm trong làn sương mờ ảo của Anh cho đến tận các sa mạc nóng bỏng Ả Rập Saudi. Những đế chế, bộ lạc cổ đại quen thuộc của Rome I vẫn còn đó, nhưng đã được hệ thống lại nhằm phản ánh một cách chính xác hơn, tỉ mỉ hơn các nền văn hóa đương thời. Sự thay đổi đầu tiên là ở cơ chế quản lý vĩ mô, thế giới Rome II được chia thành 57 tỉnh (province) bao gồm 173 vùng lãnh thổ (region) lớn nhỏ. Người chơi có thể chinh phục và quản lý từng region riêng lẻ, nhưng nếu nắm quyền kiểm soát toàn bộ province sẽ cho phép bạn ban hành nhiều chính sách giúp tăng cường thế mạnh của toàn tỉnh chẳng hạn như siết chặt an ninh hay gia tăng sản lượng nông nghiệp… Mỗi tỉnh có một thủ phủ riêng biệt, là đầu não phát triển lớn mạnh nhất, xây được nhiều công trình nhất và là thành trì kiên cố nhất. Việc xây dựng và quản lý của thủ phủ và tất cả các region trực thuộc đều được gộp chung vào một khung menu duy nhất, giúp người chơi dễ dàng và nhanh chóng truy cập; tiết kiệm khá nhiều thời gian thay vì phải click chuột vào từng lãnh thổ như trước đây.

Public Order là chỉ số thể hiện sự hài lòng của dân chúng về sự cai trị của bạn, giờ đây cũng được tính theo cấp độ toàn tỉnh. Có nghĩa là nếu bạn duy trì trị an tốt ở một thành phố, thì trật tự của các vùng lân cận trong tỉnh đó cũng được tăng theo. Tương tự, nếu chỉ số an ninh của tỉnh quá thấp, sẽ chỉ có một region thấp nhất xảy ra bạo loạn thay vì cả một tỉnh. Người dân có hạnh phúc hay không tùy thuộc vào các công trình bạn xây dựng, số lượng quân đồn trú, mức thuế hiện tại, tình hình chiến tranh và nhiều yếu tố khác.

Tiếp đến là hoạt động của các unit trên bản đồ, một trong những thay đổi lớn của Rome II là tầm quan trọng của các tướng lãnh được nâng cao rất nhiều. Game thủ không còn được phép mua lính từ các thành trì nữa mà chỉ có thể mua tướng và bắt đầu xây dựng quân đội từ họ. Thậm chí việc tách quân cũng cần đến một vị tướng để dẫn dắt, và nếu như tướng của bạn chẳng may tử trận hoặc chết vì bệnh tật, một vị tướng khác sẽ lên thay. Quân đội trong Rome II cũng được đổi mới, đó là sự bổ sung các stance khác nhau, áp dụng cho cả thủy quân lẫn lục quân. Đầu tiên là Force March: giúp bạn đẩy tốc độ hành quân lên tối đa, nhưng sẽ là con dao hai lưỡi khi quân lính trở nên mệt mỏi, sức tàn lực kiệt. Fortify là lựa chọn rất tốt để lập các đồn binh, trấn thủ những điểm trọng yếu điển hình như các khe núi hẹp. Trong khi đó Ambush lại cho phép bạn sắp đặt những cuộc phục kích với khả năng đặt bẫy. Người chơi cũng có thể đặt tên và lựa chọn cờ hiệu cho từng đội quân của mình. Trải qua nhiều cuộc chiến, đội quân của bạn sẽ tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn, đem lại những bonus cho toàn quân ví dụ như tăng khả năng đánh cận chiến. Tướng cũng sẽ thăng cấp và có được các kỹ năng cũng như đức tính (trait) một cách độc lập với đội quân anh ta dẫn dắt.

Rome II có ba loại agent: spy, champion và dignitary, tùy theo mỗi nền văn hóa, vẻ ngoài và tên gọi có thể khác nhau. Mỗi loại agent có mục đích sử dụng khác nhau, bạn có thể dùng Spy thu thập những thông tin hữu ích về đối thủ, từ đó tìm ra và khai thác điểm yếu của chúng. Dignitary có thể mua chuộc, truyền bá văn hóa và hỗ trợ cho thành phố. Champion lại là chuyên gia trong những hoạt động phá hoại. Các lựa chọn của agent khi thực hiện nhiệm vụ cũng đa dạng và có chiều sâu hơn, ví dụ như khi muốn triệt hạ một agent đối phương, bạn có thể chọn giữa mua chuộc, thuyết phục hoặc ám sát hắn ta.

Chính trị và ngoại giao được củng cố trong Rome II. Có tất cả 9 faction trong phiên bản gốc, nếu bạn sở hữu gói DLC Greek State Cultures thì sẽ là 12. Với Rome và Carthage, người chơi sẽ được chọn lựa giữa một trong ba thế lực hùng mạnh của mỗi đế chế, xây dựng tầm ảnh hưởng của các cá nhân trong hoàng tộc, cạnh tranh quyền lực với các phe phái khác. Bạn có thể nhận một vị tướng làm con nuôi, xếp đặt hôn nhân chính trị, tung tin làm giảm uy thế ai đó, ám sát đối thủ cạnh tranh và nhiều sự kiện khác cần phải xử lý. Nếu không khôn khéo, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ bùng nổ một cuộc nội chiến.

Bản đồ ngoại giao được thiết kế khá trực quan, dễ nắm bắt những thông tin về tình hình chiến tranh, quan hệ buôn bán, liên minh quân sự của các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên những hạt sạn trước đây vẫn còn tồn tại, máy tuy đã hạn chế những hành động điên khùng như các phần trước khi mà một nước nhỏ bé lại dám khiêu chiến cả đế chế hùng mạnh, nhưng nhìn chung còn khá yếu kém. Chúng thường đưa ra những đòi hỏi hết sức phi lý thậm chí là trơ trẽn, điển hình như tự ý gây thù chuốc oán với hàng loạt mục tiêu rồi ngỏ ý muốn bạn kí kết hiệp ước giúp chúng phòng vệ, đã vậy lại còn đòi thêm tiền cho điều đó. Chỉ riêng việc muốn mua bán với chúng cũng không ít trở ngại khi bạn không những phải có quan hệ tốt mà còn phải sở hữu nhiều mặt hàng giá trị thì chúng mới chịu "mở cửa". Các điều kiện chiến thắng cũng phong phú hơn, bạn có thể chọn nhiệm vụ chinh phục bằng quân sự, bằng văn hóa hay bằng kinh tế, một điểm tương đồng với series Civilization.

Creative Assembly đã đưa vào Rome II khoảng 700 binh chủng thuộc nhiều nền văn hóa, một con số khổng lồ. Sự trùng lặp các loại quân giữa các quốc gia cũng được giảm thiểu, nếu như trong phiên bản chín năm trước, Gaul và Germania có nhiều đơn vị tương đồng thì nay hai đại diện mới Arverni và Suebi lại có nhiều chủng loại riêng biệt với lối chơi đa dạng hơn. Bên cạnh đó, sự phong phú của từng người lính trong một đội quân cũng được nâng cao. Không chỉ khác nhau về những chi tiết khuôn mặt, quần áo mà cả chiều cao của mỗi người lính cũng có sự khác biệt. Những hành động của họ cũng được cải thiện, họ biết giơ khiên chắn lên che đầu khi bị dội tên chứ không còn đứng ngơ mặt ra như trước nữa, thậm chí là hoảng loạn khi những người đồng đội xung quanh ngã xuống. Một cái chết vì trúng tên cũng chẳng hề giống bị một lưỡi kiếm đâm xuyên. Tất cả kết hợp cùng những tiếng hò hét xung trận, tiếng hô khích lệ của tướng lãnh và những bản nhạc hào hùng càng làm cho những trận chiến của Rome II ngày càng trở nên chân thực, khốc liệt, giúp người chơi cảm nhận được sự tàn bạo, đáng sợ của chiến tranh.

Tầm nhìn (line-of-sight) có cải tiến đáng kể, mỗi loại quân có tầm nhìn khác nhau, giới hạn khả năng quan sát của người chơi theo hướng thực tế hơn. Một đội kị binh giáp trụ nặng nề sẽ không thể có tầm nhìn rộng như một đội cung thủ trang bị gọn nhẹ. Hay những toán quân ẩn nấp phía sau ngọn đồi mà bạn khó lòng phát hiện ra được. Những ai đã chơi Rome I đều biết sự khủng khiếp đến từ những cú húc của kị binh đáng sợ đến mức nào, và nếu đó là một cú đổ đèo thì chỉ một lần thọc sườn thôi cũng đủ thổi bay bất kì đạo bộ binh nào. Do vậy trong Rome II người chơi càng phải đề cao việc do thám, tránh những vị trí đáng ngờ, dễ mai phục. Với một kế hoạch hợp lí, cẩn thận bạn dễ dàng tiêu diệt địch dù quân số có thấp hơn nhiều lần, còn ngược lại, một kế hoạch tồi và lối tấn công bừa không chủ đích sẽ chỉ khiến bạn chuốc lấy thất bại.

Sự đa dạng của chiến trận được nâng lên một tầm cao mới. Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của những trận đánh kết hợp thủy – bộ. Nếu trong Shogun II, tàu chiến ngoài khơi chỉ có thể nã pháo yểm trợ vào đất liền thì nay chúng có thể đổ bộ, kết hợp cùng lục quân trong những cuộc công thành. Điều này khiến cho việc phòng thủ cũng như tấn công những thành phố ven biển trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Kế đó là những cuộc phục kích được cải tiến, đem lại trải nghiệm hoàn toàn khác: bên mai phục được phép bố trí những cạm bẫy như đá lửa, hầm chông,… chào đón đối phương, trong khi bên thủ phải tìm cách thoát khỏi khu vực nguy hiểm để giành chiến thắng. Game thủ còn có thể thực hiện cuộc đột kích vào một binh đoàn đang mệt mỏi, rã rệu sau chuyến hành quân gian khổ, khi này đối thủ sẽ không phòng bị kịp, sĩ khí sa sút dễ dàng để bạn làm cỏ. Nhưng đơn giản hơn bạn chỉ cần chiếm được xe lương của chúng là sẽ thành công. Các trận công thành cũng mang chút hương vị mới với cơ chế cướp cờ - chiếm cứ điểm quen thuộc.

Thế nhưng đáng tiếc, game thủ sẽ không được thưởng thức trọn vẹn sự hấp dẫn của những trận đánh hoành tráng ấy bởi rất nhiều những lỗi khó chịu. Kể đến ngay là góc quay camera không hợp lí, làm người chơi bị hạn chế tầm nhìn và khó xoay trở trong những trận đánh lớn với số đông quân lính tham gia. Rất may là Creative Assembly đã bổ sung chế độ Tactical View cho phép bạn bao quát toàn cảnh chiến trường. Tiếp theo là trí thông minh của máy, vẫn là vấn đề nhức nhối qua biết bao phiên bản. Bước sang Rome II, A.I vẫn còn thực hiện nhiều hành động ngớ ngẩn đến khó hiểu, song song đó là những bug AI buồn cười mà bạn có thể tìm kiếm trên Youtube. Máy thường xuyên bị rối loạn hàng ngũ, gây khó khăn cho việc điều binh của bạn. Và cuối cùng là vị trí của những điểm chiến lược trong những trận đánh ở đồng trống, phải nói là cực kì vô duyên khi bó buộc bạn phải thủ ở những điểm dễ bị tấn công từ nhiều phía, làm giảm đi tính tự do sáng tạo chiến thuật của người chơi.

Vẫn được phát triển trên nền Warscape engine của Shogun II với nhiều tinh chỉnh mạnh mẽ, Rome II sở hữu nền đồ họa đẹp lộng lẫy, chi tiết đến không ngờ. Từ những đường nét trên khuôn mặt người lính, vết rạn nứt trên chiếc khiên cho đến những hiệu ứng đổ bóng, phản quang, khói lửa hoành tráng, đủ sức tạo nên những cuộc chiến sống động, hào hùng. Những thành phố nổi tiếng thời cổ đại như Capua, Carthage, Rome hay Alexandria được thể hiện với những nét kiến trúc đặc trưng, sẵn sàng mê hoặc người chơi. Tuy nhiên một lần nữa, Rome II lại bị tàn phá bởi bug. Lỗi mất và lẫn lộn texture diễn ra thường xuyên, thậm chí có khi bạn bị kẹt trong một khung giao diện nào đó mãi không thể tắt được, chỉ còn cách load lại game. Khó chịu hơn nữa là hiện tượng khung hình trồi sụt bất kể cỗ máy của người dùng mạnh mẽ đến đâu đi nữa. Và "điên cuồng" hơn là trường hợp bị hỏng save game sau một thời gian chơi, chẳng cách nào cứu vãn được công sức bạn đã bỏ ra. Đến thời điểm hiện tại, nhà sản xuất đã tung ra bản cập nhật đầu tiên sửa một số lỗi trong đó có lỗi tụt khung hình trên bản đồ chiến lược và bỏ đi những capture point khi đánh trên đồng. Nhưng có lẽ phải mất một thời gian nữa trò chơi mới thật sự ổn định, còn bây giờ bạn vẫn phải chịu không ít bực bội.

Nếu muốn thực sự thử thách, bạn phải tìm đến chế độ chơi mạng. Rome II không chỉ cho phép game thủ so tài cầm quân với những trận chiến thời gian thực mà còn đem lại một mảng chơi chiến dịch với hai chế độ: cùng hợp tác đè bẹp AI hoặc lãnh đạo một quốc gia riêng đối đầu nhau. Nhưng có lẽ mảng chơi mạng này cũng chưa làm hài lòng bởi game load màn khá lâu, số lượng các faction lớn nhỏ lên đến hàng trăm khiến cho mỗi lần kết thúc lượt đi là cả một quá trình dài, cùng với những lỗi khó chịu kể trên.

Total War: Rome II có thể chưa đủ sức làm nên cuộc cách mạng như người tiền nhiệm đã làm chín năm về trước, và với những cựu binh của dòng game có lẽ đây là một sự thất vọng nhưng đó là do họ đã đặt quá nhiều niềm tin. Công bằng mà nói, Rome II hoàn toàn là một game hay, là đại diện sáng giá cho danh hiệu game chiến thuật của năm. Vẫn còn sớm để nói về thành công của trò chơi, bởi trong tương lai sẽ còn nhiều bản cập nhật quan trọng để sữa chữa những hạt sạn sót lại. Còn bây giờ, chẳng có lí do gì để chúng ta từ bỏ những cuộc chinh phục huy hoàng của thời cổ đại cả.

 

Buurin


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận