Series Grand Theft Auto (GTA) làm thay đổi bộ mặt của cả một ngành công nghiệp game khổng lồ. Với việc phiên bản mới nhất GTA V ra mắt vào 17/9 vừa qua, một lần nữa đưa game lên một tầm cao mới với những thành công liên tiếp cả về mặt thương mại (trở thành sản phẩm giải trí bán chạy nhất trong lịch sử với doanh thu 1 tỉ USD chỉ sau ba ngày đầu ra mắt), lẫn chuyên môn (Gamespot 9/10, IGN 10/10,...). Vậy đâu là nền móng vững chắc mà GTA đã thiết lập nên trong suốt hơn một thập kỉ qua.
GTA đi tiên phong trong việc chọn lựa diễn viên phù hợp với nội dung game
Trước GTA, sự xuất hiện của các ngôi sao lớn thuộc mọi lĩnh vực trong game đơn thuần chỉ là chiêu câu khách của nhà sản xuất. Các diễn viên được mời tham gia hầu như không có sự am hiểu cần thiết về game mà có lẽ chỉ mới nghe nói về nó như một ngành "giải trí tương tác" sẽ sớm phất lên trong tương lai gần; các hãng phát triển thì cố gắng nâng tầm sản phẩm chỉ thuộc mức khá của mình lên bằng những gương mặt đình đám. Tất cả tạo thành một mớ hỗn độn thực sự.
Apocalypse có tài tử điện ảnh Bruce Willis đóng vai chính. Revolution X có ban nhạc Aerosmith. Shaq Fu có siêu sao bóng rổ Shaquille O'Neal thủ vai. The Daedalus Encounter có Tia Carrere. Tựa game trinh thám Ripper thậm chí có nguyên cả một dàn sao, bao gồm Christopher Walken, Burgess Meredith, Karen Allen, John-Rhys Davis và Paul Giamatti. Không tựa game nào trong số này có chất lượng thật sự xuất sắc và cũng chẳng đáng được đề cập tới trong sự nghiệp của các ngôi sao kể trên.
Thế nhưng GTA, bắt đầu từ phiên bản thứ III trở đi, đã xử lí rất tinh tế vấn đề này. Không có những dàn sao lung linh chỉ để thu hút sự chú ý của dư luận, Rockstar chọn diễn viên cho GTA theo cách một đạo diễn giỏi lọc diễn viên cho bộ phim tâm huyết của ông ta: Tìm hiểu kĩ lưỡng về các nhân vật trong game, bối cảnh của từng nhân vật một, sau đó chọn những diễn viên có khả năng hóa thân thành các nhân vật đó một cách thuyết phục nhất, không cần biết họ có là siêu sao hay không. Đó có thể là một diễn viên "có số má" như Samuel L. Jackson hay Charlie Murphy, nhưng cũng có thể chỉ là một tay rapper hạng xoàng như Young Maylay. Thật trớ trêu khi chính cách tiếp cận có phần ít hào nhoáng hơn này lại dần biến game trở thành môi trường giàu tiềm năng để phát triển tài diễn xuất, lồng tiếng. Bằng cách cẩn trọng thực hiện công đoạn "casting" cho game thay vì dùng nó như một công cụ để lôi kéo sự quan tâm của công chúng, Rockstar đã góp phần biến ngành công nghiệp game thành miền đất hứa cho những ngôi sao hạng A của Hollywood.
Grand Theft Auto đi tiên phong trong việc lồng cấu trúc RPG vào game hành động
|
Trước GTA, các thể loại game được phân định hết sức rạch ròi, hầu như không có sự pha trộn. Nếu bạn chơi game bắn súng, bạn sẽ chỉ bắn súng. Nếu bạn chơi game đua xe, bạn hầu như sẽ chỉ đua xe. Nếu bạn chơi game nhập vai, bạn sẽ có một thế giới gần như mở trong game, nhưng sẽ phải mở nó ra dần dần theo cách khá tuyến tính. Nhưng Grand Theft Auto III xuất hiện năm 2001 và đã ném tất cả những ranh giới ấy ra ngoài cửa sổ. Là một tựa game được gắn mác hành động nhưng GTA III lại pha trộn gameplay của nhiều thể loại khác nhau, điều chưa từng thấy trước đây, và không quên xây dựng bối cảnh hoành tráng cũng như chiều sâu nội dung cho mình, những yếu tố trước đó là độc quyền của những series như Final Fantasy và The Elder Scrolls.
Tận dụng tối đa bối cảnh là thành phố Liberty rộng lớn (mô phỏng theo New York), GTA III xếp đầy thế giới của mình với những bí mật, vật phẩm đặc biệt, nhiệm vụ phụ và đem lại cho người chơi cảm hứng khám phá thực sự. Đều là những yếu tố rất cơ bản trong những tựa game hành động thế giới mở (thậm chí là cả game hành động tuyến tính) ngày nay nhưng ở thời điểm ấy thì hoàn toàn chưa có ai nghe nói tới những thứ như thế cả. Phiên bản San Andreas năm 2004 là phiên bản có pha trộn chất RPG rõ nét nhất của series từ trước đến nay với hệ thống thông số nhân vật, cho phép thay đổi kiểu tóc, trang phục theo ý muốn, xây dựng cho nhân vật một thân hình lí tưởng thông qua việc ăn uống và tập gym,... song chắc chắn không phải là phiên bản đầu tiên thử nghiệm ý tưởng trộn lẫn các thể loại với nhau, mà là GTA III.
GTA đi tiên phong trong việc biến thế giới mở thành nòng cốt của gameplay
|
(Mục này chỉ nói riêng trong phạm vi game hành động, bởi trước GTA cũng đã có một số game thuộc thể loại khác áp dụng khá nhuyễn hệ thống open world như The Elder Scrolls và The Legend of Zelda).
Trước Grand Theft Auto III, "thế giới trong game" chỉ đơn thuần là cảnh nền. Chúng là sự tô điểm tương đối quan trọng về mặt hình ảnh cho gameplay và cốt truyện, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó mà thôi, chỉ đáp ứng nhu cầu trang trí và tạo không khí. Nhưng với GTA III, mọi thứ trở nên "sâu" hơn. Thay vì chỉ là "hoa lá cành" phụ trợ cho gameplay, thành phố Liberty chính là gameplay. Vận hành như một thành phố ngoài đời thực, Liberty tùy biến và phản ứng theo những hành động trong game của người chơi, cho dù đó là những hành động được dựng sẵn theo kịch bản cho mỗi nhiệm vụ hay những hành động ngẫu nhiên trên đường phố như xả súng, cướp xe, đập phá...
Nghe có vẻ trừu tượng nhưng Grand Theft Auto từ trước tới nay luôn là tựa game hướng về cái tổng thể và mong muốn phát triển một cách hoàn hảo tổng thể đó. Không một ai, kể cả những fan "cuồng" của dòng game, dám khẳng định chắc chắn rằng mảng bắn súng trong GTA là xuất sắc nhất, hay cơ chế lái xe trong GTA là dễ dàng, trơn tru nhất. Nhưng tất cả những phần riêng rẽ ấy, khi có chất keo dính là một môi trường mở khuyến khích việc khám phá, thử nghiệm và tùy ứng, đã xây dựng nên vị thế độc tôn cho series cho đến tận ngày hôm nay. Grand Theft Auto là series game hành động đầu tiên khiến cho bạn có cảm giác bạn đang "sống" trong game, và có lẽ là thế giới không - phải - RPG đầu tiên dường như vẫn tiếp tục vận động hàng ngày, hàng giờ, ngay cả khi bạn đã tắt game đi rồi.
GTA đi tiên phong trong việc áp dụng thông số vào game
Game luôn có những "phụ gia" ngoài phần chơi chính cho game thủ khám phá. Đã từ rất lâu rồi, kể từ căn phòng bí mật đầu tiên đi thông qua "ống cống" trong trò chơi kinh điển Super Mario Bros, người ta đã biết giấu những đồng tiền vàng "bonus", đơn giản như vậy thôi mà có thể kích thích mạnh mẽ ham mê "mò mẫm" trong người chơi. Với Grand Theft Auto, những "phụ gia" như thế được nâng lên một tầm cao mới. Một tầm cao mới điên rồ, hài hước, gây nghiện.
Bảng thống kê các thông số đạt được là một phát kiến đặc biệt của Grand Theft Auto. Đặc biệt bởi nó quá... đơn giản, tưởng như ai cũng có thể nghĩ ra được nhưng lại chưa từng được áp dụng trong bất cứ một trò chơi nào khác trước GTA. Vừa mang tính châm biếm những màn phá phách trong game (số người đã bị bạn "giải quyết", số người đã bị... người khác "giải quyết",...), vừa chính xác về những thành tựu bạn đã đạt được, "bảng thành tích" khôi hài của Grand Theft Auto nửa kích thích người chơi đua tranh, khám phá, nửa lại như nhạo báng chính sự đua tranh đó. Ghi lại không chừa một thứ gì, từ số ngày đã trôi qua trong game, số lần phải ghé thăm bệnh viện cho tới số xe cộ bạn đã làm nổ tung và nhân vật của bạn đã đi bộ được bao xa, GTA khiến cho hàng cơ số nhiệm vụ phụ và công việc tìm những vật phẩm được giấu kín trở nên hứng khởi hơn bao giờ hết. Hiểu rõ thế mạnh là sự rộng lớn của mình và khai thác triệt để thế mạnh đó - triết lí này đã trở thành kim chỉ nam cho hầu hết các tựa game open world kể từ sau khi GTA III ra mắt.
GTA đi tiên phong trong việc sử dụng âm nhạc một cách khéo léo
|
Nhạc được đăng kí bản quyền đã từng xuất hiện trong một số tựa game trước Grand Theft Auto. Nhưng Grand Theft Auto là series game đầu tiên thực sự biết cách sử dụng các bài hát bản quyền. Các kênh radio được thiết kế sẵn trong mỗi phiên bản GTA ẩn chứa rất nhiều mục đích. Chúng khiến thế giới trong game trở nên đáng tin cậy hơn, chân thật hơn... đơn giản bởi thứ nhạc mà các kênh radio này phát lên là nhạc thật và được bật lên rất giống ngoài đời thực thông qua các công đoạn dò kênh, chọn kênh. Chúng cũng khiến không gian trong game trở nên thuyết phục hơn khi danh sách các bài hát được lựa chọn trong mỗi phiên bản đều rất phù hợp với thời điểm mà phiên bản ấy lấy bối cảnh: GTA Vice City diễn ra vào khoảng năm 1986, thời kì hoàng kim của Pop, Post - Disco, Heavy Metal nên trên sóng radio tràn ngập các tác phẩm của Michael Jackson, Bryan Adams, Lionel Richie, Ozzy Osbourne; GTA San Andreas lại đặt bối cảnh vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước nên việc các ca khúc thuộc dòng Old School Hip Hop, Hard Rock, Country, Gangsta Rap của những Faith No More, Rage Against The Machine, 2Pac, Guns N' Roses, Alice In Chains, Public Enemy... thống lĩnh phiên bản này cũng là điều dễ hiểu.
Âm nhạc phù hợp với hành động của nhân vật trong game cũng là một trong những điều đáng được nhắc tới. Bởi radio chỉ được lắp trên các phương tiện xe cộ nên trò chơi luôn đảm bảo rằng âm nhạc sẽ "vào cuộc" - theo cách tự nhiên nhất có thể - khi một tình tiết quan trọng nào đó đang diễn ra. Dù là một bản soundtrack uptempo dồn dập trong một màn rượt đuổi tốc độ hay một ca khúc kinh điển như "Free Bird" (Lynyrd Skynyrd) cất lên khi nhân vật của bạn đang phiêu du trên đường cao tốc, cách sử dụng âm nhạc của GTA luôn nâng tầm giá trị các pha hành động trong trò chơi lên theo cách hết sức tinh tế và hiệu quả, điều mà hầu hết các bộ soundtrack truyền thống thường không làm được.
Linh Vũ
Nguồn: GameThu
|