Những vụ tai tiếng lớn trong lịch sử ngành game

Hơn 20 năm qua, làng game đã trải qua rất nhiều sóng gió với không ít những scandal chẳng thua gì giới showbiz.

Scandal, đôi khi đó không phải là vấn đề cá nhân của bất cứ cá nhân nào mà thuộc về cả một cộng đồng. Khi tìm hiểu về scandal của ngành game người đọc sẽ tìm hiểu được rất nhiều điều thú vị. Không ít những vụ tai tiếng đã soi sáng cho cả một game hay thậm chí là cộng đồng game thủ của nó, đồng thời còn cho thấy những mảng đen tối của game mà ít người biết tới. Thậm chí qua đó chúng ta còn hiểu rõ hơn về lịch sử của ngành công nghiệp giải trí này, chẳng hạn như sự hình thành của ESRB. Dưới đây là 7 vụ tai tiếng nổi tiếng nhất lịch sử ngành game, hãy cùng đọc và suy ngẫm cộng đồng game thủ đã trải qua quãng thời gian phát triển như thế nào.

Vụ bán độ Starcraft – vết nhơ của eSport Hàn Quốc

Đây có thể nói là một Scandal gây chấn động làng game thế giới, mối đe dọa lớn nhất từ trước tới nay đối với uy tín của Hàn Quốc - một trong những đất nước được mệnh danh là vương quốc của e-sport. Đó là khi những game thủ thi đấu chuyên nghiệp hàng đầu của quốc gia này, những người đã vốn đã rất nổi tiếng trên thế giới bởi tài năng và tinh thần thể thao chân chính, đã tham gia vào việc bán độ, điều chỉnh tỷ số và kết quả những trận đấu Starcraft nhằm tạo cơ hội kiếm lời cho những nhà cái, những tay môi giới cá cược. Và từ đó, những game thủ này sẽ nhận được hoa hồng.

16 người đã bị buộc tội trong vụ scandal điều chỉnh kết quả các trận đấu StarCraft, trong đó có 11 game thủ bao gồm cả các game thủ đã nghỉ thi đấu, 3 kẻ môi giới và 2 cá nhân khác sử dụng thông tin để đặt cược. Tuy luật pháp Hàn Quốc cho phép giữ bí mật những cái tên nhưng hầu như mọi người đều phần nào đoán được danh tính các game thủ trong danh sách đen, có thể kể đến một vài người như Savior, Upmagic, Yellow, Justin, Luxury....

Những phát hiện ngay sau đó đã chứng minh rằng bóng đen cờ bạc đã vươn vòi bạch tuộc của nó đến với thánh địa của eSport. Đây có thể nói là một trong những vụ bê bối nhất trong lịch sự làng thể thao điện tử chuyên nghiệp Hàn Quốc cũng như thế giới.

Vụ bê bối DLC Street Fighter X Tekken

Năm 2012, theo bản ước tính doanh thu của Capcom thì hãng phát hành game này đang có khả năng lỗ 47 triệu USD nguyên nhân theo do sai lầm trong việc thay đổi quá nhiều những tựa game nòng cốt của mình cũng như giao việc phát triển cho các studio ở phương Tây.

Trước tình hình tài chính bết bát trên, Capcom đã đề ra kế hoạch đưa các dự án game chủ lực của họ quay trở về Nhật Bản, mặt khác tiếp tục tung ra các bản DLC để nhằm gỡ gạc lại những gì đã mất. Nói về việc "spam" DLC, Capcom đã có rất nhiều tai tiếng mà Street Fighter x Tekken là một ví dụ điển hình nhất.

Lí do các nhân vật của bản DLC không có luôn trong đĩa mà lại phát hành riêng lẻ được Capcom đưa ra là để tiết kiệm chỗ trống HDD, tạo sự tương thích cho các nhân vật… Nhưng lí do đó không giải đáp thỏa đáng các thắc mắc của game thủ bởi các hacker vốn đã phát hiện ra những đoạn mã chương trình vốn đã có sẵn trong đĩa của họ và đã bẻ khóa để có thể chơi trước ngày DLC phát hành. Ngoài ra, 20 USD cho một bản DLC là cái giá khá là "cắt cổ" bởi đĩa game gốc vốn cũng chỉ có giá 60 USD. Mặc dù không ủng hộ việc hack game nhưng trên hầu hết các diễn đàn, cộng đồng game thủ đều đang lên tiếng chỉ trích cách phân phối, phát hành và quản lý của hãng Capcom.

Vụ bê bối an ninh PlayStation Network

Nhiều người tin rằng vụ việc này có liên quan đến một trong những hacker từng tham gia vào quá trình hack máy PS3, George Hotz hay còn được biết đến với cái tên GeoHot. Cuối tháng 4/2011, sau khi bị nhóm hacker Anonymous tấn công liên tục trong một tuần, Sony xác nhận thông tin cho biết mạng chơi game trực tuyến PlayStation Network (PSN) và mạng Qriocity của hãng đã bị hacker phá hoại và truy cập vào được các tài khoản cá nhân lưu trữ của người chơi. Toàn bộ thông tin cá nhân và tên tài khoản, bao gồm cả tài khoản phụ đều đã bị đánh cắp. Đây có thể xem như vụ bê bối an ninh lớn nhất của Sony kể từ ngày thành lập.

Theo Electronistra, hãng điện tử của Nhật đã phải liên hệ với một công ty điều tra về an ninh mạng để giải quyết những hậu quả mà hacker đã gây ra với PSN và Qriocity. Sony buộc phải đưa ra khuyến cáo, người dùng nên thay đổi mật khẩu của mình tại các trang web khác để tránh trường hợp hacker có thể sử dụng thông tin, mật khẩu có được để mạo danh và truy cập vào các trang mạng hay dịch vụ khác của người dùng. Trong khi đó, trang game trực tuyến PlayStation Network sau gần 3 tuần mới có thể hoạt động trở lại.

Trong những ngày đen đủi ấy, Sony còn suýt bị chính những người dùng của mình kiện do đã để lộ các thông tin cá nhân của họ tới hacker và không đảm bảo chúng an toàn giống như đã cam kết ban đầu. Trước đó tòa án tại San Francisco (Mỹ) đã nhận được đơn kiện từ một người sử dụng mạng PlayStation Network của Sony.

Vụ Jeff Gerstmann và điểm 6 cho Kane & Lynch

Jeff Gerstmann là một trong những cây bút "lão làng" nhất của Gamespot từ năm 1996, nơi mà ông trở thành tổng biên tập sau này. Bên cạnh đó Jeff còn là một trong 25 thành viên thuộc hội đồng đánh giá của Spike Video Game Awards, một trong 25 người được xướng danh là những cá nhân nổi tiếng nhất ngành công nghiệp game của tạp chí Complex.

Nhưng với uy tín là vậy, người đọc hiện nay khó có thể tin rằng cách đây 5 năm Jeff lại trở thành một người thất nghiệp, bị đá ra khỏi vị trí tổng biên tập của Gamespot vì viết quá sát và đúng sự thật về tựa game Kane & Lynch: Dead Men.

Ngay sau khi đưa ra điểm số 6/10 cho sản phẩm này, gần như ngay lập tức Jeff Gerstmann bị sa thải khỏi Gamespot. Trở lại thời điểm đó, khi vụ việc này chưa được liên kết các tình tiết lại với nhau, điểm số của một số trang đánh giá được tập hợp lại với mức trung bình là 7.5/10 (hiện nay đã giảm), nhưng từ chính người chơi lại chỉ dừng ở mức 5 đến 6. Điều này dấy lên nghi ngờ rằng chính việc cho điểm quá sát này đã khiến Jeff mất việc, gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng game thế giới.

Như một giọt nước làm tràn ly, Frank Provo, một biên tập viên lâu năm khác của Gamespot, đã nộp đơn từ chức và "vụ án Gerstmann" là lý do chính mà anh ta quyết định thôi việc. Vẫn chưa dừng ở đó, vào ngày 11/1/2008, nhân viên tường thuật trực tuyến tại Gamespot tên Alex Navarro cũng đã tiếp bước ra đi. Chỉ trong một tuần mà hai nhân viên đã nghỉ việc khiến cho ngọn núi lửa "căm phẫn" sục sôi trong cộng đồng báo chí game như bùng nổ.

Dư luận cho rằng Jeff bị sa thải là vì Kane & Lynch lúc bấy giờ do Eidos phát hành lại được quảng cáo ngay trên chính trang web của Gamespot. Điều đó đã khiến cho bên Eidos tức giận thật sự và dọa sẽ rút quảng cáo khỏi trang tin. Vì thế sau này người ta vẫn đùa rằng nếu muốn sống tốt ở Gamespot thì phải cho điểm tuyệt đối mấy game được đăng quảng cáo trên trang của họ.

Mortal Kombat và sự ra đời của ESRB

Đã từng có thời, game chỉ được xem như là trò giải trí vô hại, với những mảnh ghép hình đơn giản của trò Tetris, với anh chàng thợ sửa ống nước dễ thương vui tính có tên là Mario. Lúc bấy giờ, game là một kiểu "đồ chơi" đúng nghĩa khi có thể bán được cho bất cứ người nào mua mà không phải lo nghĩ xem liệu có phù hợp hay không. Mọi chuyện cứ êm đẹp diễn ra như vậy cho đến khi Mortal Kombat bắt đầu xuất hiện.

Được phát hành lần đầu vào năm 1992, tựa game này khiến bất cứ phụ huynh nào cũng phải khóc thét lên khi thấy con, em của mình mê mẩn với nó - từ thời đồ họa 2D đi ngang cổ lỗ sĩ. Người ta thích chơi Mortal Kombat vì ít có tựa game nào lại thể hiện rõ ràng nghệ thuật kung fu cùng những chiêu thức kết liễu đối thủ khó nhằn theo một cách không thể tàn bạo hơn. Với những tuyệt chiêu kết liễu Fatality siêu bạo lực, có lẽ không có tựa game nào xứng đáng hơn được đề cập trước Mortal Kombat.

Những cảnh hành động của Mortal KombatDoom chắc chắn khiến cho không ít các bậc cha mẹ phải lo lắng cho sự ảnh hưởng của chúng tới tinh thần và tâm lý của các con. Do đó, vào năm 1994, các nhà phát hành game đã ngồi lại với nhau để cùng hỗ trợ cho hoạt động của hội đồng đánh giá phần mềm giải trí ESRB.

Hội đồng có nhiệm vụ xác định rõ độ tuổi được phép chơi game cũng như đánh giá tác động của game với người chơi dựa trên sự xuất hiện của các yếu tố liên quan đến ma túy, bạo lực, nude. ESRB là một hội đồng kín, hoạt động bí mật mà không một thông tin nào về người tham gia đánh giá hay những tiêu chí đánh giá được lộ ra ngoài.

Sự có mặt của ESRB trong ngành công nghiệp game đã giúp cho các sản phẩm game được quản lý tốt về các tiêu chuẩn đạo đức, pháp luật. Theo như đại diện của ESRB cho biết, thông qua kiểm duyệt game sẽ thực sự mang mục đích giải trí một cách thuần khiết mà không bị nhiễm bẩn bởi các yếu tố không lành mạnh.

Chỉ trong 24 giờ, liên tiếp có 2 game bị cấm ở Úc

Ngày 27/6/2013, Ủy ban Phân loại Úc (ACB) đã cung cấp lí do họ từ chối việc phân loại State of Decay. Theo đó, trong game người chơi có thể lựa chọn các loại thuốc để hồi phục sinh lực hoặc tăng khả năng chịu đựng. Những loại thuốc đó bao gồm cả các chất được phép sử dụng cũng như bất hợp pháp như methadone (chất cai nghiện hợp pháp thay thế ma túy), morphine, amphetamine (ma túy tổng hợp), thuốc kích thích, acetaminophen (tên khác của paracetamol), ibuprofen (một loại chất giảm đau), codeine, aspirin, thuốc giảm đau và atussin (tên một loại thuốc ho). Trong số này, methadone, morphine, amphetamine là những thuốc bị cấm và thuật ngữ "chất kích thích" thường được dùng để chỉ một nhóm thuốc trong đó nhiều chất không được khuyến khích sử dụng.

Chỉ chưa đầy 24h trước đó, các nguồn tin cũng cho biết Saints Row IV bị từ chối phân loại ở Úc vì các loại vũ khí tấn công hậu môn đã khiến Ủy Ban Phân loại đánh giá game có hình ảnh bạo lực gợi mở đến yếu tố sex, cùng với việc các phần thưởng trong game cũng liên quan đến việc sử dụng ma túy (trong trường hợp này là siêu năng lực của các nhân vật).

Trước nay, những game có yếu tố sử dụng ma túy thường gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc được xếp hạng ở Úc. Năm 2008 Fallout 3 thất bại trong việc đáp ứng yêu cầu phân loại vì Bethesda đã sử dụng các thuật ngữ của thế giới thực như "morphine" trong game của họ. Cuối cùng, hãng phải chỉnh sửa lại game và may mắn thay, bản sửa lại này cũng được xếp hạng và lên kệ.

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận