10 lí do Steam Box chiến thắng trong cuộc chiến console (kì cuối)

Steam Box phá vỡ thế chân kiềng trên thị trường console giữa Nintendo, Sony và Microsoft.

Game cho Steam Box

Không có thiết bị phần cứng nào được coi là hoàn chỉnh nếu không có phần mềm cần thiết đi kèm với nó, Steam Box của Valve cũng không phải là ngoại lệ. Trước khi bước chân vào thị trường console, Valve đã làm rất tốt công việc cung cấp những game hay cho thiết bị của cả 3 nhà sản xuất Sony, Microsoft và Nintendo. Mỗi sản phẩm mà Valve làm ra đều thừa sức trở thành những cột mốc đáng chú ý của ngành công nghiệp giải trí, điển hình như Half-Life, Left 4 Dead hay Team Fortress, tất cả đều rất thành công và đều góp phần làm tăng doanh thu console như PS4 hay Xbox 360. Tuy nhiên trong tương lai, vị trí của những sản phẩm như thế không thể chỉ đơn thuần là game của bên phát hành thứ 3 được, và cũng chính Valve đã nhìn thấy điều này.

Steam Box rất cần những tựa game độc quyền để cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ của mình, có lẽ Valve thừa sức để làm điều đó, mặc dù thư viện game của Steam có thể chia sẻ game cho PC và các thiết bị sử dụng Steam OS khác. Hơn nữa tính đến thời điểm hiện nay Steam vẫn là thư viện trực tuyến có số đầu game lớn nhất, tất cả các sản phẩm, từ chơi miễn phí, bản thử nghiệm cho đến bom tấn đều có thể tìm thấy dễ dàng.

Mặc dù có những trường hợp đặc biệt như Minecraft hay Battlefield 3 chẳng bao giờ phát hành trên Steam, đó vẫn là mỏ vàng dành cho game thủ.

Phiên bản Beta của Steam Box

Trong chiến lược phát triển Steam Box của Valve, họ đã quyết định tung ra một lượng nhất định thiết bị nguyên mẫu để làm thử nghiệm. Thông qua phản hồi từ khách hàng, từ đó công ty sẽ hoàn thiện dần sản phẩm trước khi chính thức tung ra thị trường. Đây là bước đi tuy đơn giản nhưng khá thông minh vì có thể giúp bên phát triển tránh được những lỗi không đáng có. Một thiết bị cần phải đáng tin cậy, tiện dụng và dễ dùng, tuy nhiên chỉ có khách hàng mới là người có thể đánh giá đúng nhất về thiết bị đó. Vì lợi ích của khách hàng và công ty, đó là lí do vì sao ta vẫn thường hay nói: Khách hàng là thượng đế.

Đối với các phần mềm, việc tung ra các bản Beta thử nghiệm trước khi phát hành sản phẩm chính thức đã quá quen thuộc với mọi người, vậy tại sao không thể làm điều đó đối với thiết bị console? Hẳn nhiên chính Valve là người thu lợi nhiều nhất khi áp dụng chính sách ấy. Có lẽ đã đến lúc các nhà sản xuất console học tập điều này từ Valve trước khi hàng loạt chính sách ngớ ngẩn để duy trì cả doanh thu lẫn niềm tin của khách hàng.

Hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà phát triển game độc lập

Steam Greenlight, nói cụ thể, là một chương trình khuyến khích các nhà phát triển game độc lập đưa sản phẩm của họ phân phối thông qua hệ thống Steam của Valve. Các nhà phát triển game có thể đưa thông tin về sản phẩm của mình, các bản demo, thử nghiệm…đến "chào hàng", từ đó cộng đồng người dùng của Steam đánh giá và bầu chọn những game "đủ tiêu chuẩn" để góp mặt trên hệ thống này. Nếu được phê chuẩn "bật đèn xanh" (greenlight), game sẽ chính thức xuất hiện trên cửa hàng (store) của Steam và được Valve hỗ trợ về các vấn đề kỹ thuật.

Tuy vẫn còn nhiều nhược điểm như đánh giá của khách hàng chỉ mang tính chủ quan, số tiền 100 USD đảm bảo vẫn là gánh nặng cho bên phát triển…, đã có những động thái cụ thể để giải quyết những vấn đề trên. Đầu tiên, đó là việc cập nhật thường xuyên các câu hỏi thường gặp (Faqs), các thắc mắc của nhà phát triển và tùy chỉnh lại hệ thống Greenlight sao cho phù hợp và thuận tiện nhất.

Valve cũng nhận thấy vai trò quan trọng của mình trong việc này, hãng cũng đã hứa hẹn sẽ hoạt động tích cực hơn trong việc điều hành Steam Greenlight, qua đó mang lại chất lượng và uy tín tốt nhất cho chương trình, để các game được phát hành từ Steam Greenlight phải thực sự chất lượng.

Mặc dù các công ty khác có thể học theo ý tưởng này, sự thật Valve vẫn là người đi đầu và đây có thể trở thành ưu điểm nổi trội của Steam Box so với các loại console khác. Nếu điều này trở thành sự thực, chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ rằng các tựa game độc lập dành riêng cho Steam Box sẽ là những tựa game độc lập tốt nhất cả.

Family Sharing

Ngay trước khi công bố 3 sản phẩm Steam OS, Steam Box và Steam Controller, Valve đã từng tiết lộ rằng sẽ có chức năng Steam Family Sharing. Với chức năng này, người sử dụng có thể chia sẻ cho bạn bè và người thân những tựa game mà họ đã mua một cách miễn phí.

Công bố thứ ba này kỳ thực là điều rất được cộng đồng game thủ quan tâm, vì đơn giản, game thủ thường không có nhiều thắc mắc về hệ điều hành mới, trừ phi chúng hoạt động không như ý muốn. Những đơn vị phát triển game, từ lớn đến nhỏ mới là những người quan tâm tới Steam OS. Trong khi đó, với một chiếc máy tính thông thường, người sử dụng cũng có thể thay thế Steam Box để thưởng thức game trong phòng khách.

Hiện nay khả năng Family Sharing xuất hiện trên Steam OS là rất cao. Trong khi đó Microsoft cũng từng có một chính sách tương tự nhưng phải hủy bỏ vì có liên quan đến DRM, Nintendo và Sony thì vẫn đứng ngoài cuộc chứ không có một động thái nào cả.

Động lực thúc đẩy cho 3 "ông lớn" console làm việc tốt hơn

Từ những gì mà Valve làm được hơn chục năm qua, không khó để đoán được lý do vì sao họ dấn thân vào thị trường console bằng chính sản phẩm console của mình. Tuy nhiên liệu đây có phải là lúc để Steam Box gia nhập vào một thị trường vốn hấp dẫn nhưng không hề ít rủi ro không?

Thực tế cho thấy, thời điểm này là lúc tốt nhất để Valve thực hiện kế hoạch của mình. Từ sau năm 2006, thị trường console mặc nhiên bị coi là mảnh đất độc quyền dành cho ba ông lớn Nintendo, Sony và Microsoft. Tuy nhiên cuộc chiến giữa họ đã diễn ra quá lâu, đôi khi điều đó rất tốt vì nó thúc đẩy họ phải tự tìm cách đổi mới và hấp dẫn được game thủ, tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy. Khách hàng là thượng đế, ấy vậy mà nhiều lúc "thượng đế" bị chính các ông lớn này o ép, bắt phải tuân theo luật chơi của mình chỉ vì sự độc quyền ấy. Tuy nhiên, một khi có bên thứ tư như Valve nhảy vào, chắc chắn cục diện sẽ thay đổi.

Valve từng khiến các nhà phát triển game phải nghĩ lại về cách họ sản xuất và phân phối sản phẩm của mình, do đó chúng ta có thể tin tưởng rằng họ sẽ làm được điều tương tự với các nhà phát triển console bằng Steam Box. Điều đó rất tốt vì nó kích thích ba nhà phát triển kia cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, tác động ngược lại đến Valve khiến họ làm điều tương tự, do đó sự trì trệ trong quá trình phát triển là điều khó có thể xảy ra.

Kể từ khi ra mắt, Steam Box và hệ điều hành của nó thực tế đã tác động không nhỏ đến thị trường console. Do đó thế hệ console tiếp theo chắc chắn sẽ có rất nhiều điều hấp dẫn đáng để mọi người phải mong chờ, tất cả chỉ là vấn đề thời gian trước khi điều đó thành sự thật.

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu
Bạn thích:
     

Thảo luận