Theo các số liệu thống kê của Deutsche Welle, Việt Nam có hơn 13 triệu game thủ và ngành công nghiệp giải trí này đang phát triển nhanh chóng. Đây cũng là thị trường game trực tuyến lớn nhất (tính theo giá trị) ở Đông Nam Á, với doanh thu khoảng 200 triệu USD trong năm 2012, tăng lên từ mức 150 triệu USD năm 2011 và 120 triệu USD năm 2009.
"Việt Nam là thị trường game trực tuyến lớn nhất ở Đông Nam Á, nhưng các nhà phát triển địa phương đang gặp khó khăn. Có một sự hỗ trợ "nhẹ" từ phía chính phủ nhưng không ít các phương tiện truyền thông lại gọi game online là "tệ nạn xã hội." |
Tuy nhiên, trái ngược với những con số đáng mơ ước này thì đây lại là một ngành công nghiệp mà chính những người đang hoạt động bên trong nó "không muốn được đặt tên". Trong khi các nhà phát hành game kiếm được bộn tiền thì những đơn vị phát triển trò chơi lại sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, chật vật.
Cũng theo báo cáo này, qua những cuộc trò chuyện phỏng vấn với nhiều nhân vật tên tuổi trong ngành game Việt Nam, kết luận được rút ra rằng các game thủ chơi nhiều trò nhưng trong số đó rất ít sản phẩm do các đơn vị trong nước thực hiện. Hầu hết các game trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc, mang đậm chất võ thuật hay kiếm hiệp, tiên hiệp.
Trong khi đó, hầu như mọi lúc giới truyền thông đều mô tả game online như một loại "tệ nạn xã hội", liên kết chúng với các hành vi bạo lực của tội phạm. Điều đó khiến cho ngành công nghiệp mang lại doanh thu khổng lồ này luôn là một thứ gì đó "không phổ biến" với các "chính trị gia", giống như ở các nước phát triển.
"Vấn đề lớn nhất lúc này là chính phủ không nhận thấy game là một cái gì đó tốt, cần phải phát triển. Chuyên ngành thiết kế game cũng không phải là ưu tiên hành đầu trong các trường đại học", một nhân vật giấu tên chia sẻ.
"Thành thật mà nói, tôi không thực sự quan tâm đến việc một trò chơi được thực hiện như thế nào, do ai phát hành. Nếu tôi thích nó, tôi chơi nó", ghi nhận từ một game thủ Việt của Deutsche Welle. |
"Trong ba năm qua, không có trò chơi nào nhận được giấy phép phát hành", người trong cuộc này chia sẻ. "Tất cả các công ty game đã phải tồn tại bằng cách phát hành sản phẩm mà không có giấy phép. Họ phải đối mặt với mối đe dọa đóng cửa hoạt động từ các cơ quan chức năng. Nhưng liệu có cách nào khác không khi chúng tôi bắt buộc phải tồn tại?"
Cũng theo ghi nhận từ báo cáo này, phần lớn các công ty game trong nước của Việt Nam sẽ tiếp tục hoạt động mà không có giấy phép. Bởi việc xin cấp giấy phép là một quá trình vô cùng chậm chạp, lề mề.
|
Game thủ Việt: "Cho" gì cũng "ăn"? |
Deutsche Welle chỉ ra rằng có khoảng 76 trò chơi được phép phát hành tại Việt Nam, trong khi có tới hơn 200 game ra mắt mỗi năm.
Trong khi đó, hầu hết mọi game được đưa ra thị trường đều chịu sự ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc, Hàn Quốc. Nói cách khác, "món" mà các game thủ Việt đang ăn hàng ngày, được các NPH nhặt lại từ "mâm" của các game thủ Trung Quốc, Hàn Quốc (trong đó Trung Quốc là chủ yếu).
Kết quả là vô tình, các trò chơi đến từ Trung Quốc đang dần dần bão hòa thị trường, game thủ Việt dần mất đi quyền được lựa chọn game theo sở thích mà phải chơi theo trào lưu của các game thủ nước láng giềng.
Đình Vũ
Nguồn: GameThu
|