10 sự thật về đại khủng hoảng ngành game 1983 (kì cuối)

Đó là cuộc khủng hoảng thừa giống như Đại suy thoái 1929 - 1933.

6. Ai cũng có thể làm game Atari và bán nó

Khi các đạo luật về bên phát triển game thứ 3 được chính thức thừa nhận hợp pháp vào năm 1982, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp vô tình phát hiện ra đây là một mỏ vàng khá lớn. Còn cách nào để được nhiều người biết đến ngoài việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, vốn có chi phí đắt đỏ chứ? Câu trả lời rất rõ ràng: Thông qua game. Một chiến dịch sản xuất ồ ạt đã nổ ra và vô hình chung đã dẫn đến hậu quả khủng khiếp: Rất nhiều game dành cho hệ máy Atari 2600 được thiết kế và lập trình không phải bởi những người có tay nghề, dẫn đến việc phần lớn các sản phẩm ấy đều có chất lượng rất thấp. Ở kì trước, chúng ta đã được nghe chuyện về công ty sản xuất thức ăn cho chó Purina và băng game Chase the Chuck Wagon. Đó chỉ là một phần rất nhỏ của tảng băng chìm. Không thiếu những sản phẩm có chất lượng tương tự và cũng mang mục đích tương tự xuất hiện ồ ạt trong các quầy hàng, các siêu thị, nhiều đến mức chính họ cũng không có chỗ để chứa và khách hàng dần đánh mất niềm tin vào cái gọi là game.

Khi Nintendo đưa hệ máy NES đặt chân lên Bắc Mỹ vào năm 1985, vấn đề của bên phát triển thứ 3 bị họ kiểm soát rất gắt gao (đó là lí do vì sao hầu hết game của NES nói riêng và của các hệ máy khác do Nintendo sản xuất nói riêng đều do bên phát triển thứ nhất tự làm). Có thể chính sách của họ khắt khe, nhưng quyết tâm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự của Nintendo có thể hiểu được.

7. Sự thật về vùng đất chôn băng của Atari

Một trong những "truyền thuyết" nổi tiếng nhất của thời kì này còn được lưu truyền cho đến tận bây giờ, đó là việc Atari chôn E.T. Năm 1982, sau khi tung ra khoảng 5 triệu băng game E.T và hầu hết bị gửi trả về nơi sản xuất, với hàng triệu thứ hàng phế phẩm ấy trong nhà kho, Atari đã phải dùng đến hạ sách cuối cùng là đổ chúng xuống một cái hố ở sa mạc và phủ xi măng lên trên. Câu chuyện trên là có thật và tất nhiên, cái hố ấy cũng có thật. Ngày nay, từ những tài liệu còn sót lại, người ta xác định nơi đó thuộc khu vực Alamogordo, bang New Mexico.

E.T không phải là thứ duy nhất bị vứt xuống cái hố đó. Atari còn đổ xuống đấy vô số máy game Atari 2600 không có khả năng bán được cùng với một lượng lớn các game khác. Tuy nhiên, đừng mất công đi tìm cái hố ấy làm gì vì sau 30 năm, chẳng ai có thể đảm bảo được những thứ ấy còn có thể hoạt động hay không. Nói chung, tính đến thời điểm hiện nay giờ chúng là rác thải đúng nghĩa.

8. Đại khủng hoảng có ảnh hưởng lớn đến thiết kế của NES

Khi nhìn vào mẫu máy NES (Nintendo Entertainment System) đầu tiên xuất hiện ở Bắc Mỹ và so sánh với các hệ máy hậu bối khác do Nintendo sản xuất, nhiều người đồng ý rằng NES có kết cấu nhỏ gọn hơn rất nhiều (đặc biệt là khi đặt cạnh Gamecube).

Nguyên nhân của việc này nếu giải thích ra thì rất buồn cười: Nintendo đã thiết kế và chế tạo mẫu NES đầu tiên sao cho nó giống với bất cứ thứ gì cũng được, miễn không phải là máy chơi game. Họ nhận ra rằng sau Đại khủng hoảng, dân Bắc Mỹ rất nhạy cảm với những thứ có liên quan đến những thứ có tên là "console" hoặc có liên quan đến game. Đó là lí do họ gọi cỗ máy của mình là "hệ thống giải trí" (Entertainment System) chứ không phải là "video game console" và thiết kế nó khá giống với một đầu máy VCR.

Thực tế đã chứng minh quyết định của họ là đúng đắn. 2 năm sau cuộc khủng hoảng, 1985, Nintendo lợi dụng sự kiện trên và cho đây là một cơ hội tốt để chiếm lĩnh thị trường Bắc Mỹ đầy tiềm năng. Với sự xuất hiện của NES ở thị trường Bắc Mỹ năm 1985, với cải tiến quan trọng đó là Lockout-chip, một con chip điện tử giúp Nintendo có thể kiểm soát số lượng game trên hệ máy của mình (chỉ có những công ty được cấp phép mới có thể sản xuất các tựa game trên hệ máy của hãng). NES đã lấy lại lòng tin của người tiêu dùng với hàng loạt các tựa game có chất lượng cao, giá rẻ. Kết thúc năm 1987 Nintendo đã kiểm soát đến 70% thị trường game ở Bắc Mỹ, còn đối thủ Atari cũng đã rút lui khỏi thị trường console sau nhiều nỗ lực thất bại và lui trở về thành một nhà phát triển thứ 3.

9. Chỉ các nhà sản xuất game mới là người chịu thiệt hại

Sự sụp đổ của nền công nghiệp game Bắc Mỹ đã gây ra một hậu quả rất lớn cho nhà sản xuất. Giá các của các máy console và game console giảm xuống thấp đến nỗi gần như cho không. Một băng trò chơi có giá từ 30 USD - 40USD đến lúc đó chỉ còn 4 USD. Thật đúng là một thảm họa khủng khiếp cho bên phát triển thứ nhất. Tuy nhiên, điều này ngược lại lại rất có lợi cho khách hàng vì đây là lần đầu tiên họ có thể mua game với giá rẻ bất ngờ. Nhiều người hiện nay không biết đến Đại khủng hoảng toàn ngành game 1983 vì sự kiện này chỉ có ảnh hưởng xấu cho các hãng sản xuất game chứ không phải là người tiêu dùng.

Nhưng dù sao đi nữa thì nó cũng rất ảnh hưởng đến tương lai của ngành công nghiệp non trẻ này khi một loạt các hãng sản xuất game bị phá sản, Atari- kẻ chịu trách nhiệm lớn nhất trong vụ này bị Warner Communication bán đi, và quan trọng hơn hết đó là sự mất lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm video game. Đây có lẽ là một bài học xương máu trong tất cả các hãng sản xuất game sau này. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì việc tôn trọng và lấy niềm tin của khách hàng luôn là hàng đầu. Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà vội vàng làm những tựa game kém chất lượng.

10. Liệu một cuộc khủng hoảng tương tự có thể xảy ra?

Trải qua nhiều biến động, game và các thiết bị console vẫn được xem như những thứ xa xỉ. Chúng tồn tại đơn giản chỉ để thỏa mãn một mục đích duy nhất: giải trí và giết thì giờ. Vì không phải là nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống hàng ngày (chúng ta không thể ăn game để sống hay mặc như mặc quần áo được) nên khi có khủng hoảng kinh tế xảy ra, game luôn được dành một chỗ trong danh sách những thứ buộc phải cắt giảm để tiết kiệm ngân sách chi tiêu.

Dù vậy, liệu một cuộc khủng hoảng tương tự có khả năng xảy ra? Có vẻ như lịch sử luôn lặp lại theo một kịch bản có sẵn. Ngày nay chúng ta có số lượng game nhiều đến mức vượt quá khả năng có thể chơi hết cũng như khả năng chi trả. Thật sự thì cũng chỉ một nhóm nhỏ trong số đó đáng để chơi và con số có giá trị thật sự còn thấp hơn nhiều. Hơn nữa, dù chi trả qua bất cứ hình thức nào, chẳng hạn như qua hệ thống bán lẻ của Gamestop, điện toán đám mây của Steam hay App Store, số tiền bỏ ra cũng không hề thấp tí nào.

Tuy nhiên, sau đại khủng hoảng, ngành công nghiệp game ngày càng phát triển và thay đổi từng ngày. Những công ty lớn và có tiếng tăm như Nintendo vẫn cho ra những tựa game đỉnh và có chất lượng thật sự hàng năm. Các nhà phát triển độc lập xuất hiện trong thị trường vốn chỉ dành cho "đại gia" này cùng với những ý tưởng cách tân, đổi mới và thật sự thú vị, điều đáng mừng là sản phẩm của họ khá chất lượng và được biết đến nhiều nhờ vào thị trường số hóa rộng lớn. Về phía nhà sản xuất, ít nhất họ cũng đã khôn ngoan hơn rất nhiều sau sự kiện kể trên, chẳng hạn như giờ không còn nhập game về ồ ạt mà có chọn lọc kĩ càng hơn, không nhập một game nào đó về vượt quá khả năng mà họ có thể bán.

Điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng đáng mừng là ngành công nghiệp game vẫn vững vàng sau một phần tư thế kỉ và phát triển lớn mạnh từng ngày. Có lẽ chỉ đến khi một nhà sản xuất có danh tiếng nào đó lỡ bước chân vào vết xe đổ của Atari và khiến khách hàng mất niềm tin. Nhưng điều đó còn lâu lắm mới xảy ra được.

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận