Miễn phí, đó là ước mơ lớn của bất cứ người tiêu dùng nào chứ không phải chỉ riêng game thủ. Để đạt được mục đích này, nhiều người đã làm đủ mọi cách để không phải trả tiền, thậm chí là vi phạm bản quyền của nhà sản xuất. Dù có biện minh như thế nào thì vẫn bị liệt vào tội danh ăn trộm. Vấn đề này ngày nay càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nạn vi phạm bản quyền ngày càng phổ biến rộng rãi hơn bao giờ hết. Sao chép lậu, đó có lẽ là cách nhanh nhất để sở hữu được một game miễn phí, nhưng đó cũng là cách nhanh nhất để hủy hoại công sức của những người lập trình game.
Lịch sử của nạn sao chép lậu bắt nguồn từ những năm 80, khi mà ngành game mới bắt đầu bước ra khỏi cuộc khủng hoảng và máy tính cá nhân dần được phổ biến đến từng gia đình. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem việc vi phạm bản quyền đã có quá trình phát triển như thế nào, dư luận xã hội với việc này ra sao và vì sao đến nay nó vẫn còn có thể tồn tại được.
Phần 1: Những năm 80
Băng, đĩa sao chép lậu
Đầu những năm 80, khi cuộc đại khủng hoảng toàn ngành game ở Bắc Mỹ nổ ra cũng là lúc cuộc chiến giữa console và máy tính cá nhân bước vào giai đoạn quyết định. Ở thời kì những năm 70, một chiếc máy tính gia đình có giá cắt cổ với hơn 1.000 USD. Nhưng vào đầu những năm 80, giá thành của mỗi chiếc máy tính đã rẻ hơn rất nhiều. Trong số đó, hai hệ máy tính được ưa chuộng nhất phải kể đến là Spectrum và Commodore 64, vốn có phần cứng khá mạnh và phục vụ tốt cho việc chơi game ở thời điểm bấy giờ. Ngày nay, với sự phổ biến của đĩa quang khó ai có thể tưởng tượng được đã từng có thời game được lưu trữ ở trên…băng cassette. Đúng như vậy, phần lớn game cho PC như máy Spectrum và Commodore hồi ấy đều được lưu trên một cuộn băng giống như băng ghi âm vậy.
|
Mặc dù băng ghi âm là một phương tiện để chơi game nhanh chóng, đơn giản và tiện lợi (tất cả những gì game thủ cần chỉ là một một đoạn băng kéo dài khoảng nửa tiếng và một hộp kín để có thể chạy băng), nó cũng có một nhược điểm rất lớn, đó là dễ bị sao chép lại. Chỉ cần một máy ghi âm hai ngăn, băng trắng cho vào một ngăn và băng game cho vào ngăn còn lại và nhấn nút Play and Record là xong. Trong quá trình lưu sẽ có tiếng nhiễu điện khá khó chịu, nhiều người hay gọi vui đó là "tiếng khóc chào đời" của một game lậu.
Băng cassette ghi âm là một trong những công nghệ lưu trữ âm thanh cơ bản nhất, mục đích ban đầu của nó chỉ là để ghi âm phục vụ cho mục đích ghi chép nên cấu trúc của nó không phải là một thiết bị lưu trữ chuyên dụng. Do vậy, bảo mật sao chép luôn là vấn đề căng thẳng nhất khi sử dụng băng ghi âm và nhà phát hành thường phải làm việc này ở bên ngoài phạm vi của cuốn băng. Có thể nói, đó là thời kỳ của những cuốn băng game rẻ tiền được mã hóa bởi một máy ghi âm chỉ trong vòng 17 giây. Tất nhiên, sau này khi biện pháp bảo mật được hoàn thiện hơn, có người đã sử dụng các đoạn access code rất hiếm để ghi đè lên băng nhằm khiến cho người khác không thể sao lưu lại được. Âu đó cũng là vỏ quýt dày có móng tay nhọn.
Console nhái không được đăng kí
Bước sang thời kỳ của thế hệ console thứ 3, việc chơi game lậu là một vấn đề khá phức tạp. Thời kỳ này, Nintendo bắt đầu đưa NES sang làm mưa làm gió ở thị trường Bắc Mỹ, chắc chắn đây là miếng mồi ngon mà những tay chuyên làm game lậu khó có thể bỏ qua. Tuy nhiên, máy NES do Nintendo sản xuất có chế độ bảo mật khá phức tạp và là một trong những công nghệ khó phá nhất lúc bấy giờ. Thậm chí nhiều người đã thử và thất bại chỉ vì một nguyên nhân đơn giản đến mức ngớ ngẩn: băng NES là loại hộp nhựa chứa ROM ở bên trong chứ không phải băng cassette, nhưng do không biết điều này nên họ vẫn xử lý như băng ghi âm và dẫn đến hậu quả là hỏng máy thu.
|
Lúc bấy giờ chỉ có một giải pháp duy nhất: muốn chơi được băng lậu thì phải có console lậu. Do đó người ta đã dỡ máy NES ra, sao chép, chỉnh sửa lại các chi tiết phần cứng tương thích để tạo ra một cỗ máy mới không có bảo mật của Nintendo và có thể chạy được băng lậu. Ở mức cao hơn, họ còn nhái được cả ROM và tích hợp vào bộ nhớ trong của máy hoặc chế thành băng lưu nhiều trò. Trước năm 1995, những cỗ máy như vậy khá phổ biến, nổi tiếng nhất là các máy Famiclone được mod lại chip có khả năng chơi được cả băng xịn lẫn băng lậu và tương thích với tất cả các phụ kiện.
|
Phản ứng của cộng đồng game thủ với hiện tượng này rất phức tạp. Ở nhiều nơi mà đế chế của Nintendo không với tay được, đó lại là địa bàn hoạt động của những cỗ máy và game lậu kiểu như thế này. Thực tế thì Dendy, một trong những phiên bản nhái của NES tại Nga, phổ biến tại quê hương của Tetris chẳng khác gì NES chính thức hoành hành tại Nhật và các nước phương Tây. Tất nhiên các biện pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền cũng được ban hành nhưng không ăn thua, ít nhất cũng là do sự thiếu quyết liệt của Nintendo vì họ đã lời to chỉ sau 2 năm đưa NES "đi đánh xứ người".
Đĩa Blobby
Đây là một khái niệm không phổ biến, đến nay số người biết đến nó còn rất ít bởi giai đoạn đĩa blobby xuất hiện rất ngắn ngủi. Vì vậy trước hết chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem Blobby là gì. Khi game bắt đầu xuất hiện trên đĩa mềm thì cũng là lúc các phần mềm vi phạm bản quyền trở thành thứ gần gũi, quen thuộc, phù hợp với mục đích giải trí nhưng vẫn miễn phí của mọi người. Game được lưu trong một cuốn băng đầy hoặc chia nhỏ ra làm nhiều đĩa mềm. Do đó nếu như lưu hết một game trên một cuộn băng cassette thì sẽ có hiện tượng tua rất nhanh hoặc tua lùi lại khó kiểm soát, gần như không thể bắt đầu được. Đây có thể xem như là một trong những nguyên nhân lí giải vì sao tình trạng sao chép lậu ở thời kỳ cuối những năm 80, đầu những năm 90 chỉ có quy mô nhỏ chứ không rầm rộ như trước.
|
Nhưng rồi cuối cùng thời đại số hóa cũng xuất hiện. Đĩa CD ra đời, với dung lượng lưu trữ lớn vượt trội và tốc độ xử lý nhanh hơn đã dần thay thế cho đĩa mềm, tuy vậy vẫn có một thời gian cả hai loại này cùng tồn tại song hành với nhau. Với dung lượng hơn 600MB, một đĩa CD có thể chứa được đến 600 game mới nhất và là mục tiêu săn đuổi của không ít game thủ bất chấp việc giá thành không hề rẻ chút nào. Một chiếc đĩa CD chứa game sao chép từ đĩa mềm như vậy được gọi là "blobby", không ai biết được lí do vì sao có cái tên ấy cả và cho đến nay nó gần như đã đi vào quên lãng.
Cũng giống như thời kỳ trước, đĩa mềm rất dễ bị sao chép và phát tán. Tất cả những gì nhà sản xuất có thể làm là đưa ra các ưu đãi để khuyến khích game thủ mua bản chính thức và tìm cách ngăn chặn việc mua bản lậu. Nhiều biện pháp chống sao chép lậu đã ra đời (trong đó thông dụng nhất vẫn là tạo lỗi game), các tổ chức giám sát cũng xuất hiện mà FAST (Federation Against Software Theft – Liên đoàn chống nạn ăn cắp phần mềm) là một điển hình. Nhưng nhìn chung hoạt động của họ không hiệu quả vì đĩa blobby vẫn cứ tràn ngập thị trường.
(Hết kì 1)
Nguyễn Hào
Nguồn: GameThu
|