Khi con người sáng tạo ra game và tay cầm điều khiển để chơi game cũng là lúc họ đã nghĩ đến chuyện thay thế chiếc tay cầm. Trackball, joystick, chuột, bàn phím, d-pad…cho dù hình dạng có khác nhau, chức năng có thể đa dạng hay chỉ để phục vụ cho một mục đích là cầu nối quan trọng giữa game thủ và những trải nghiệm tuyệt vời trong game.
Thế rồi thời kỳ của công nghệ motion control (điều khiển bằng cảm ứng chuyển động) cũng tới. Tay cầm điều khiển từ xa của Wii cho đến nay vẫn là thiết bị motion control đầu tiên thành công giữa một loạt các loại tay cầm điều khiển khác. Đột nhiên, một trong những yếu tố tưởng như bị lãng quên của game lại xuất hiện trở lại, và giống như bất kỳ một yếu tố mới mẻ nào khác, nó mới lạ, nó thu hút được người chơi. Nintendo Wii là một thứ rất dễ sử dụng, phù hợp với mọi lứa tuổi kể cả người già. Không để chịu thua thiệt đối phương, sau này Microsoft cũng có Kinect và Sony có PS Eye. Điều khiển game tự do, không bị phụ thuộc nhiều vào thiết bị điều khiển đang trở thành một xu hướng hoàn chỉnh trong thời đại công nghệ ngày càng tiến bộ này.
Tuy nhiên, để có được tiến bộ trong công nghệ motion control như ngày nay, con đường mà các nhà phát triển phải trải qua không đơn giản chút nào. Để có được thiết bị cảm ứng hoàn chỉnh như ngày nay họ đã phải bỏ ra quãng thời gian 30 năm, gần bằng nửa thời gian kể từ khi thứ gọi là game ra đời. Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của những thiết bị đi trước vào thị trường game hiện đại, mặc dù chính những thứ này nhiều lúc khiến game thủ cảm thấy phát ngán vì khá nhiều lí do.
Le Stick (1981, Atari 2600, Commodore 64)
|
Một trong những nỗ lực đầu tiên của ngành game trong lĩnh vực motion control còn được ghi nhận đến ngày nay là thiết bị Le Stick của DataSoft. Đúng như cái tên "Cây gậy" (Stick), thiết bị này có hình dạng của một tay cầm dọc gần giống Playstation Move, có 8 mặt và không có bệ đỡ ở phía dưới. Thiết bị độc đáo này cho phép game thủ điều khiển các hoạt động ở trên màn ảnh chỉ bằng một cử động tay đơn giản. Tuy nhiên, cho dù thiết bị này hoạt động được với hầu hết game trên Atari 2600 và Commodore 64, game thủ vẫn hờ hững đón nhận sản phẩm mà không chút mảy may nhiệt tình. Có hai nguyên nhân chính, thứ nhất là do khả năng điều khiển của thiết bị vẫn bị hạn chế giống như tay cầm truyền thống (lí do là vì công nghệ thời ấy không cho phép phần cứng của Atari 2600 và Commodore 64 tận dụng hết khả năng của thiết bị này), nguyên nhân thứ hai là do giá sản phẩm khá cao. Cuối cùng, cuộc đại khủng hoảng toàn ngành game 2 năm sau đó đã đưa chiếc tay cầm này vào dĩ vãng mãi mãi.
Power Pad (1986, NES)
Đã từng có thời, quan niệm của mọi người cho rằng game, tivi và thức ăn nhanh là ba trong số các nguyên nhân gây ra tình trạng béo phì ở trẻ em. Dường như trước đó Nintendo đã linh cảm được điều này, do vậy họ đã phát triển và tung ra thị trường một mẫu tay cầm chơi game có tên là Power Pad. Xét ở một số khía cạnh, Power Pad dễ khiến người ta liên tưởng đến Wii Fit, một game dạy tập thể dục sử dụng Wii Balance Board. Ý tưởng rất đơn giản, thay vì dùng tay giờ game thủ sẽ dùng chân, cụ thể hơn, họ sẽ chạy nhảy trên một thiết bị ngoại vi có hình dạng giống như tấm ván trong game World Class Track Meet. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của tấm ván này là không phân biệt được sự khác nhau giữa tay và chân. Do đó đã có chuyện game thủ dùng tay đập lên ván làm cho nhân vật chạy nhanh hơn hẳn so với khi dùng chân.
Power Glove (1989, NES)
Hơn hai thập kỷ trước, hãng Mattel đã tung ra một thiết bị điều khiển hiểu được cử động tay của người chơi (tương tự Wii Remote ngày nay), mang tên Power Glove và dành cho máy NES. Nó có hình dạng như một bàn tay robot với các nút bấm được tích hợp bên trên. Tuy nhiên, điểm lạ lùng là người dùng cần phải lập trình cho thiết bị này trước khi sử dụng được nó! Đối với các chuyên gia vi tính thì không thành vấn đề, nhưng với người dùng phổ thông thì đó là một cực hình. Không những thế khi hoạt động cơ chế điều khiển của Power Glove cũng cực kỳ dở! Thiết bị có gắn 4 cảm biến nhận biết cử động ngón tay, nhưng vì thời gian trễ quá lâu, cộng với hình dáng chẳng giống ai khiến người chơi chỉ có thể điều khiển Mario nhảy vào nấm độc hoặc đâm đầu xuống hố.
U-Force (1989, NES)
U-Force của Broderbund (cũng dành cho NES) cùng thời với Power Glove quái dị không kém. Nó được quảng cáo là có hai bộ phận cảm ứng siêu nhạy đồng thời hiểu được bất kỳ động tác nào của người chơi. Nói cách khác, với U-Force bạn không cần phải bấm một nút nào khi chơi game. Tuy nhiên, ngay sau khi phát hành, thiết bị trên đã bị game thủ phản ứng dữ dội bởi thiết kế khá phức tạp, trông như màn hình dùng trong các máy bay chiến đấu. Vấn đề chính nằm ở chỗ, người ta chỉ có thể "trưng" thiết bị vô dụng này bên cạnh chiếc máy NES bởi nó gần như không hoạt động với bất kỳ game nào.
Sega Activator (1993, Sega Genesis)
Năm 1993, Sega đang nắm giữ 65% thị phần ngành công nghiệp game. Để xứng danh anh cả châu Á, Sega quyết tâm làm điều gì đó thật đặc biệt. Sega Activator chào đời nhằm thể hiện "đẳng cấp cao quý" này. Sản phẩm có hình dáng kì lạ, hình bát giác của nó dễ làm người ta liên tưởng đến UFO hoặc vòng bát quái của các đạo sĩ vậy. Tất nhiên, Sega có dụng ý riêng: mỗi cạnh là một phím điều khiển. Hãng tự hào đây là thiết kế mở đường cho thời kỳ thiết kế game có yếu tố khí động học. Trên thực tế, chiếc vòng bát quái của Sega luôn làm game thủ toát mồ hôi. Để thi triển một đòn combo, người sử dụng phải xoay trái, xoay phải nhiều lần. Nếu chưa sử dụng quen, việc va đầu vào tường, kéo rách rèm hay lỡ tay đập vỡ lọ hoa là chuyện không hiếm. Rất nhanh chóng, game thủ từ chối làm người tiên phong, chấp nhận quay về với tay cầm thông thường.
Samba de Amigo (1999, Dreamcast)
Samba de Amigo là tên của một rhythm game (loại game vũ đạo dùng pad nhảy điện tử mà chúng ta vẫn hay nhìn thấy ở các trung tâm giải trí), khá nổi tiếng cuối những năm 90, đầu những năm 2000. Đáng nhẽ game đã rất thành công vì mang đến nhiều yếu tố mới lạ bên trong, nhưng mọi sự đều hỏng bét chỉ vì phụ kiện bắt buộc đi kèm game có quá nhiều. Để có thể chơi, game thủ phải dùng một tay cầm điều khiển, một thanh cảm biến, một tấm thảm để tăng hiệu quả cho tay cầm. Phiên bản sau này của game trên các hệ máy PS2 và Wii đã tối giản gần hết các thiết bị trên chỉ bằng EyeToy và Wii Remote.
EyeToy (2003, PlayStation 2)
Thiết bị Playstation Move của PS3 yêu cầu phải gắn một camera Playstation Eye mới có thể hoạt động được. Sau 3 năm, có vẻ như Sony chưa có ý định gì để cải tiến thêm cho chiếc tay cầm này. Tuy nhiên, những sản phẩm đầu tiên của họ trong lĩnh vực motion control lại khá giống với Kinect của Microsoft khi cho phép người chơi điều khiển game chỉ bằng cách cử động mà không cần cầm thêm bất cứ thứ gì. EyeToy thực chất là một camera USB gắn vào máy PS2 để ghi lại toàn bộ cử động của người sử dụng. Độ phân giải thấp (640x480) và game hỗ trợ không đặc sắc khiến EyeToy ít được biết đến, tuy nhiên cũng từ ý tưởng này mà 7 năm sau Sony đã cho ra Playstation Move khá thành công.
Nguyễn Hào
Nguồn: GameThu
|