Cheat code cho game khá nhiều chủng loại và nhiều tác dụng khác nhau, không phải chỉ để hack giá trị mà đôi khi cheat còn có thể thay đổi ngoại hình nhân vật. Tuy nhiên, chúng thường được chia làm 2 loai: chỉnh sửa giá trị game hoặc khai thác bug phần mềm. Với loại cheat chỉnh sửa giá trị game, thông thường sẽ có cheat nằm sẵn trong game, cheat từ một phần mềm của bên thứ 3 hoặc từ một thiết bị bên ngoài.
Các phương pháp chỉnh sửa giá trị trong game
Người ta có thể dễ dàng cheat game bằng cách thay đổi các giá trị của game trong khi đang thực thi phần mềm. Trên thực tế, phương pháp này ít an toàn hơn so với việc sử dụng cheat code do nhà sản xuất đưa ra bởi việc lập trình khác nhau, các phiên bản khác nhau, sử dụng game ở thời điểm khác nhau hay thậm chí là trên từng cỗ máy khác nhau cũng sẽ khiến giá trị của game bị thay đổi, cho dù đó là cùng một game đi chăng nữa. Hậu quả đơn giản nhất là cheat có thể không hoạt động, xấu hơn là có thể khiến game không chạy được nữa. Cheat game thông qua chỉnh sửa bộ nhớ là cách làm phổ biến nhất hiện nay, kết quả của việc này phụ thuộc vào môi trường game hoạt động rất nhiều.
Thiết bị chỉnh sửa bộ nhớ bên ngoài
Băng cheat được gắn vào cổng giao tiếp của máy vi tính hoặc console, có khả năng cho phép người sử dụng chỉnh sửa các đoạn mã trong game trước hoặc trong quá trình thực thi. Một trong những băng cheat đầu tiên được sử dụng là Multiface do Romantic Robot sản xuất dành cho hệ máy ZX Spectrum vào đầu những năm 1980. Chức năng chủ yếu của thiết bị này là kết xuất dữ liệu ra bộ nhớ ngoài để chỉnh sửa, sử dụng một nút ảo để kích hoạt (chính xác hơn là nạp lại) dữ liệu đã sửa vào game.
Thời kỳ này, phần lớn các game không có chế độ save nên người ta còn dùng Multiface để lưu game lại, tuy nhiên nó cũng có khả năng tạo backup hay sao lưu bất hợp pháp phần mềm. Sau này, nhiều hình thức băng cheat tương tự cũng ra đời như dòng thiết bị Action Replay của Datel, Game Genie dành cho các hệ máy Sega Genesis, NES, Super Nintendo, Game Boy và Sega Game Gear. Ở các thế hệ console sau này vốn hiện đại hơn, băng cheat bị thay thế bởi đĩa cheat, có khả năng boot lại console, chỉnh sửa môi trường bộ nhớ trong máy bằng cách nạp trực tiếp dữ liệu từ đĩa vào. Hai đơn vị sản xuất đĩa cheat nổi tiếng nhất là GameShark và Code Breaker.
Tính hợp pháp của những thiết bị này cho đến nay vẫn là câu hỏi lớn. Vì vậy đã có khá nhiều vụ kiện tụng xảy ra giữa nhà phát hành game và đơn vị sản xuất thiết bị cheat.
Vụ việc điển hình nhất là tranh chấp năm 1992 giữa Lewis Galoob Toys và Nintendo ở Mỹ. Cụ thể hơn, Nintendo đã không thành công khi cáo buộc thiết bị Game Genie của Lewis Galoob Toys tạo ra một sản phẩm phái sinh (DERIVATIVE WORK: Là một sản phẩm dựa trên một sản phẩm đã có sẵn và được thay đổi, cô đọng hay hư cấu thêm dưới hình thức nào đó) và vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, Lewis Galoob Toys cũng cũng có phần may mắn vì luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chế độ bảo hộ cho các sản phẩm phái sinh.
Phần mềm chỉnh sửa bộ nhớ
Đối với dân cheat lão làng, CheatEngine và ArtMoney là hai phần mềm quen thuộc nhất thường được dùng để chỉnh sửa thông tin bộ nhớ của game. Phương thức hoạt động của các chương trình này đa phần là giống nhau, đầu tiên chúng sẽ tìm địa chỉ bộ nhớ của giá trị cần sửa đổi (có thể là số lượng mạng, máu, tiền hoặc điểm). Ban đầu kết quả tìm thấy thường rất lớn, thông qua các đợt giá trị thay đổi mà số lượng địa chỉ bộ nhớ cần tìm sẽ ngày càng thu hẹp dần. Sau khi tìm được địa chỉ cần thiết và sửa lại giá trị theo ý của người dùng, phần mềm này sẽ "đóng băng" địa chỉ đó lại để game không thể thay đổi giá trị được nữa.
|
Trainer là một dạng phần mềm chỉnh sửa giá trị bộ nhớ đặc biệt. Thông thường chương trình được định sẵn những địa chỉ bộ nhớ cụ thể dành riêng cho một game nhất định trên máy tính, do đó, người sử dụng có thể bỏ qua bước tìm giá trị để tiến hành bước sửa giá trị luôn. Ở thời kỳ đầu, mỗi trainer thường có một dấu "+" và một con số ở tiêu đề để biểu thị cho số lượng cheat mà chúng có sẵn. Trong những năm 1980 và 1990, trainer thường được các nhóm crack tích hợp thẳng vào game. Ngày nay, trainer được các nhóm cheat game nổi tiếng như Deviated, dRolle, LinGon hay Fling phát tán rộng rãi trên mạng để tiện sử dụng do các game có khá nhiều bản nâng cấp, mỗi trainer chỉ có thể dùng cho một hay một vài bản nhất định.
Hiện tại, nhiều phần mềm giả lập console cũng đã đưa chức năng sửa đổi giá trị game khi đang thực thi trở thành chức năng cơ bản. Các giá trị này được thu thập lại, tổng hợp cho từng hệ máy khác nhau để tạo thành các bộ cheat khác nhau. Không chỉ vậy, một chức năng ưu việt của các phần mềm giả lập so với console hiện nay là khả năng save lại bất cứ lúc nào. Một số thiết bị cheat game bên ngoài cho console như Install Replay cũng cung cấp khả năng này.
Tấn công lỗ hổng dữ liệu (code injection)
Không được sử dụng phổ biến như biện pháp chỉnh sửa bộ nhớ, thủ thuật của tấn công lỗ hổng dữ liệu là chỉnh sửa lại các đoạn mã thực thi game trong khi đang hoạt động, như sử dụng lệnh POKE đối với các game 8 bit. Hay trong game Jet Set Willy của hệ máy ZX Spectrum, người ta sẽ thay thế lệnh DEC (HL) của vi xử lý Zilog Z80 (có vai trò kiểm soát số lượng mạng của người chơi) bằng lệnh NOP để tạo ra số lượng mạng vô hạn.
|
Dùng CheatEngine để tạo code injection. |
Chỉnh sửa file save
Đây là một phương pháp gián tiếp để sửa lại dữ liệu trong game. Thông qua việc thay đổi các giá trị trong file save, môi trường dữ liệu game sẽ thay đổi khi nạp dữ liệu lại từ file save đã được sửa. Hex Editor là công cụ cơ bản nhất để làm việc này. Tuy nhiên, cũng giống như việc cheat dữ liệu bộ nhớ chương trình, các phần mềm cheat tự động ra đời đã khiến cho việc chỉnh sửa hex trở nên lỗi thời.
Nếu như một game được save lại ở nhiều file khác nhau, người ta vẫn có thể cheat được bằng cách nối những file này lại. Chẳng hạn như trong một game, một file có chức năng lưu giữ thông tin về vật phẩm trong hòm đồ, file khác lưu thông tin về chính hòm đồ đó, người chơi có thể lưu thông tin về file vật phẩm lại, sau đó sử dụng đồ. Khi save lại game, họ dùng file save vật phẩm cũ để thay thế file save vật phẩm mới nhằm tạo ra số lượng đồ dùng vô hạn. Tất nhiên cho đến nay không ai còn dùng cách này nữa.
Tác dụng khác
Cheat code cũng giống như thuốc, đôi khi chúng có thể gây ra một vài tác dụng không mong muốn, khiến cho game đáng nhẽ dễ chơi hơn thì nay lại khó hơn. Chẳng hạn như trong Jurassic Park: Operation Genesis, có một cheat có thể khiến đám khủng long trở thành bất tử. Hay như game Dungeon Siege, cheat tăng tầm bắn của cung không chỉ hiệu quả đối với người chơi mà có tác dụng luôn với NPC, khiến cho ưu thế về bắn xa không còn nữa. Các cheat như tăng độ khó, thêm khả năng đặc biệt cho đối phương cũng xuất hiện khá phổ biến.
Một vài cheat code lại có khả năng thay đổi ngoại hình của nhân vật, nhưng lại không làm ảnh hưởng đến quá trình của game. Hầu hết các game Grand Theft Auto đều có một code để biến người chơi thành NPC. Ở một số game, chẳng hạn như Oni hay GoldenEye 007, có một code gọi là "Đầu to" làm kích thước đầu của nhân vật tăng lên mấy lần. Một số code lại có tác dụng thay thế vũ khí hoặc làm nhân vật đổi màu.
Cheat game online
Trong khi việc ngăn chặn cheat game ở game offline hiện nay là không thể, cheat game online lại ngày càng trở nên phổ biến. Nếu như trước đây hoạt động cheat rất dễ bị phát hiện do phạm vi game gói gọn trong mạng nội bộ thì nay, với internet người sử dụng ngày càng trở nên ẩn danh hơn, khó phát hiện hơn và công cụ cheat ngày càng đa dạng hơn.
Trong các game FPS, các cheat thường liên quan đến chỉnh sửa texture như nhìn xuyên tường, hỗ trợ aimbot (bắn chuẩn bằng cách thu nhỏ tâm) hoặc hiện thông tin của đối phương trên đầu. Ở trong thể loại RPG, để đáp ứng yêu cầu của vật phẩm, game thủ ngoài việc tích cực rèn luyện nhanh lên level ra cũng có thể cheat.
Ở các game MMO như World of Warcraft, Anarchy Online , EverQuest , Guild Wars, các chương trình auto giúp tự động hóa hoàn toàn nhân vật mà không cần người chơi phải mó tay vào. Ngoài ra, việc cho phép giao dịch tiền ảo bằng tiền thật đã tạo ra nền kinh tế ảo. Điều này vô tình thúc đẩy người chơi lợi dụng các cheat cày vàng để kiếm một số tiền lớn phục vụ cho việc mua bán trao đổi. Điều khoản dịch vụ của hầu hết game online nước ngoài hiện nay đặc biệt nghiêm cấm việc mua bán tài khoản hoặc các vật phẩm trong game, tuy nhiên tùy từng công ty mà điều khoản này có được thực hiện nghiêm túc hay không.
|
Để chống lại tình trạng này, một vài công ty đã sử dụng các công cụ hỗ trợ chống cheat như PunkBuster, nProtect GameGuard hay Valve Anti-Cheat. Tuy nhiên, cũng giống như phần mềm diệt virus, nhiều công cụ chống cheat bị vượt mặt dễ dàng cho đến khi người phát triển phát hiện ra biện pháp chống cheat mới và tung ra bản cập nhật khác. Cũng giống như game offline, việc chống cheat trên các game online lúc nào cũng khó khăn, rất tốn kém mà ít khi đạt hiệu quả.
Kết luận
Không như chúng ta vẫn nghĩ về cheat như một công cụ phi lợi nhuận, ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của game thủ không ít người sẵn sàng rao bán công cụ cheat với giá tưởng như rất rẻ. Rõ ràng, sự ham muốn của game thủ đã vô tình biến cheat game trở thành một món hàng có khả năng sinh lời. Có lẽ, đã đến lúc game thủ cần thay đổi quan niệm về cheat game, thay vì lên án nó là bất công, ăn gian thì hãy học cách để sử dụng sao cho thật hợp lý.
Nguyễn Hào
Nguồn: GameThu |