10 vụ kiện làm thay đổi ngành công nghiệp game (kỳ 1)

Nếu không có những vụ kiện tụng này, ngành công nghiệp game sẽ không thể giống như ngày nay được.

Ít ai biết rằng, hệ thống tư pháp có mối quan hệ lâu dài với game, ngay từ khi khái niệm về ngành công nghiệp giải trí lớn mạnh mới ở giai đoạn manh nha. Không phải chỉ là tranh chấp giữa các đại gia trong lĩnh vực, đôi khi đó còn là vì một cộng đồng game thủ đông đảo. Kể từ lúc game bắt đầu trở thành một lĩnh vực có thể sinh lời, các cá nhân, công ty đã lao vào kiện tụng nhau vì những vấn đề pháp lý có liên quan đến game. Một vài trong số đó chỉ nhằm đánh bóng thương hiệu tên tuổi, một số khác để bảo vệ cho quyền lợi của mình, nhưng không thể phủ nhận rằng qua những vụ kiện tụng này mặt trái của ngành công nghiệp game dần bộc lộ.

Dưới đây là 10 vụ kiện nổi tiếng nhất trong lịch sử game, và điểm chung của chúng là đều khiến cho ngành giải trí này thay đổi mãi mãi.

Atari - Magnavox Odyssey (1974)

Quay trở lại thời kì sơ khai của game vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, lúc này, hãng Magnavox Odyssey đã bắt đầu đặt nền móng cho cả một ngành công nghiệp với trò chơi Bóng Bàn trên hệ máy console. Tuy nhiên, do gần như là người tiên phong trong lĩnh vực này nên trò chơi của hãng còn khá sơ sài và chưa thật sự ấn tượng. 3 năm sau, Pong của Atari ra đời với cách chơi khá giống với Bóng Bàn của Magnavox Odyssey nhưng đã có một chút thay đổi. 2 "cục gạch" ban đầu đã được thay bằng 2 thanh dài dễ dàng hơn cho việc đỡ bóng. Thêm vào đó hệ thống tính điểm cũng đã xuất hiện thay cho việc ngồi đỡ bóng một cách vô nghĩa. Ngay lập tức, Pong trở thành một cơn sốt vào thời bấy giờ và chính thức mở ra thời kì phát triển cho ngành công nghiệp game.

Hiển nhiên Magnavox Odyssey đã để ý đến sự thành công ngoài mong đợi của Pong và muốn kiện Atari vì đã ăn cắp bản quyền trò chơi của mình. Atari cho rằng mình có thể thắng trong vụ kiện nhưng chi phí sẽ lên tới 1,5 triệu USD. Sau đó, Magnavox Odyssey đã đưa ra cho Atari một đề nghị về việc bán bản quyền trò chơi với mức giá 700 nghìn USD và Atari đã chấp nhận. Kết thúc màn "quay cóp" đầu tiên trong lịch sử một cách êm thấm và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, vụ này để lại một tiền lệ không mấy tốt đẹp khi mà trong vòng 10 năm, trước khi Nintendo đặt chân sang Mỹ, chuyện game giống nhau y xì đã trở nên quá phổ biến.

Universal – Nintendo (1984)

Trước năm 1984, Nintendo chỉ là một công ty đồ chơi tầm trung của Nhật Bản, là lính mới của ngành công nghiệp game và mới chỉ đạt được thành công đầu tiên ở khu vực Bắc Mỹ - Donkey Kong, cú hit bất ngờ nhất năm 1981. Còn Universal là đế chế điện ảnh nổi tiếng từ giữa thập niên 10 của thế kỷ trước và được biết đến với hình ảnh King Kong cùng rất nhiều thứ khác trên màn bạc. Ban đầu, Universal đe dọa sẽ kiện Nintendo, vốn nhỏ bé hơn họ rất nhiều ra tòa án vì lí do vi phạm sở hữu trí tuệ và thương hiệu. Tuy nhiên, Nintendo đã đi trước một bước khi đưa vụ này ra tòa trước tiên.

Nếu như Nintendo để thua vụ kiện này và mất thương hiệu Donkey Kong vào tay Universal, ngày nay chúng ta khó có thể thấy được một đế chế game thứ hai đến từ đất nước Mặt Trời Mọc. May mắn thay, Nintendo đã thắng cả vụ kiện ban đầu cũng như kháng cáo. Không chỉ vậy, qua vụ kiện này người ta cũng phát hiện ra rằng Universal không phải là đơn vị độc quyền sở hữu các thương hiệu mang hình ảnh King Kong. Universal đã phải bồi thường thiệt hại cho Nintendo số tiền gần 2 triệu đô la và Nintendo cũng bổ nhiệm một trong những luật sư của họ, Howard Lincoln, làm giám đốc điều hành cho chi nhánh công ty ở bên Mỹ, bắt đầu một thời kỳ mới – thời kỳ game Nhật Bản làm mưa làm gió hậu Đại Khủng Hoảng 1983.

Immersion – Sony (2002)

Ở giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ, việc thêm chế độ rung đã trở thành một chủ đề "nóng" khi mà cả Sony và Microsoft đều học tập theo Nintendo chế tạo các thiết bị có tính năng rumble. Nhưng đến năm 2002, Immersion kiện cả Microsoft và Sony ra toà vì xâm phạm bản quyền sáng chế tính năng rung của họ. Immersion sáng chế ra hệ thống rung năm 1995 trước khi tay cầm Xbox và DualShock 1 ra đời (Nintendo không bị lôi vào cuộc vì khi Rumble Pack cho N64 ra mắt vào năm 1997, họ đã nhanh chóng đăng ký độc quyền cho sản phẩm này). Microsoft chọn đứng ngoài cuộc bằng cách nhanh chóng mua lại Immersion. Sony chậm chân hơn nên phải theo vụ kiện này đến cùng và phải bồi thường 90 triệu USD, đồng thời ngừng việc cung cấp dòng DualShock cho thị trường.

Năm 2006, PS3 chuẩn bị phát hành, vì vụ kiện này nên Sony quyết định bỏ tính năng Rumble khỏi tay điều khiển chuẩn bị ra mắt của họ. Việc này là một trong những nguyên nhân khiến doanh số PS3 thời gian đầu khá ảm đạm. Mặc dù vậy, cuối cùng Sony cũng đạt được thoả thuận với Immersion tháng 3 năm 2007. Sony đồng ý trả khoản bồi thường và sẽ tiến hành thoả thuận mua bán công nghệ của Immersion cho thế hệ tay cầm mới. Kết quả là Sony công bố thông tin về Sixaxis cuối năm 2007. Tuy chậm nhưng cuối cùng thế hệ DualShock 3 ra mắt tại Mỹ, có khả năng tương thích khá với những tựa game PS3 sau này.

Silicon Knights - Epic Games (2007)

Kể từ khi xuất hiện, Unreal Engine 3 của Epic Games đã trở thành một trong những engine phổ biến nhất của thế hệ console thứ 7. Hàng loạt nhà phát triển coi đây là bộ engine ưa thích, sử dụng nó để làm nên nhiều game có đồ họa cực "đỉnh". Cũng giống như nhiều studio khác, Silicon Knights lựa chọn Unreal Engine 3 để thiết kế ba phần game Too Human cho Xbox 360.

Với chất lượng không cao, điểm review của game cũng khá èo uột, hầu hết dừng ở mức 6/10 nên dự án này. Từ bạn hóa thù, Silicon Knights đâm đơn kiện Epic Games vì đã cung cấp cho họ bộ Engine "chưa hoàn chỉnh", làm giảm tiến độ và chất lượng của dự án game. Chủ tịch của Silicon Knights, ông Denis Dyack không ngại ngần phát biểu với báo giới về việc ông và studio của mình đã bị "ngược đãi" và đối xử tệ bạc như thế nào. Ngày mùng 9/8/2007, Epic Games kiện lại Silicon Knights với lí do không trả tiền bản quyền. Đến ngày 30/5/2012, Epic Games thắng kiện và được bồi thường 4,45 triệu đô la.

Trên thực tế, vụ án dân sự này khá phức tạp, đó là lí do vì sao nó kéo dài gần 5 năm mới ngã ngũ. Nếu Silicon Knights thành công, rất có thể vụ án này sẽ làm thay đổi vị thế của các nhà phát triển thứ 3 cũng như bản chất của việc phát triển phần mềm trung gian, nhưng cuối cùng Epic đã bảo vệ thành công Unreal Engine 3 và về cơ bản buộc Silicon Knights phải đóng cửa. Theo ý kiến của tòa, Epic Games đã thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng trong khi Silicon Knights đã sửa đổi bất hợp pháp Unreal Engine 3 để làm engine riêng mà không báo cho đối tác. Giờ đây, với món nợ lên đến hàng triệu đô la và phải hủy tất cả các bản game Too HumanX-Men: Destiny chưa kịp bán, Silicon Knights rất khó có thể hồi phục lại sau sự kiện này.

West và Zampella – Activision (2010)

Sau thành công với dòng game FPS nổi tiếng Medal of Honor, Jason West và Vince Zampella rời khỏi EA và thành lập studio Infinity Ward. Sản phẩm nổi tiếng nhất mà họ đem lại cho Activision, không gì khác, series chính là Call of Duty. Sau khi Call of Duty: Modern Warfare 2 phát hành và trở thành một trong những tựa game thành công nhất lịch sử, quan hệ giữa hai bên bắt đầu có sự rạn nứt. Cuối cùng, Activision đơn phương sa thải West và Zampella, nhấn mạnh vào việc hai người này phá vỡ hợp đồng từ trước. Điều đó đã khiến hai cựu "sếp" của Infinity Ward đâm đơn kiện ra tòa với lý do Activision sa thải họ chỉ để né khoản tiền thưởng có thể lên tới hàng triệu đô la.

Vụ kiện tụng này đã tác động rất lớn đến dòng game Call of Duty và các bên có liên quan đến nó, theo cách rất khó chịu nhưng cũng rất nhanh, khó ai có thể ngờ được. Sau khi bị sa thải, cặp đôi West và Zampella đã thành lập công ty Respawn Entertainment, dưới quyền điều hành của EA và lôi kéo rất nhiều nhân viên cũ tại Infinity Ward đi theo. Hành động này đã dẫn đến việc đối đầu trực tiếp tại tòa án giữa hai "ông lớn" của ngành game, EA và Activision. Cuối cùng, sau hơn 2 năm, Activision chấp nhận nhượng bộ và bồi thường 42 triệu USD cho các nhân viên cũ của mình.

(Hết kỳ 1)

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận