10 vụ kiện làm thay đổi ngành công nghiệp game (kỳ cuối)

Có những vụ kiện được đưa ra vì lợi ích chung của cộng đồng, tuy nhiên kết quả lại không được như mong muốn.

Nintendo – Blockbuster Video (1987)

Việc cho thuê băng trò chơi với giá chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá của game trở nên phổ biến nhanh chóng cuối những năm 80, khi mà các dịch vụ cho thuê game bắt đầu bùng nổ. Khách hàng rất hài lòng với dịch vụ kiểu này, nhưng nhà phát hành tất nhiên không vui chút nào vì doanh thu của họ đã bị hao hụt đi đáng kể. Nintendo đã thành công trong việc góp phần đưa ra luật cấm cho thuê game ở quê nhà Nhật Bản, và họ hi vọng có thể làm được điều tương tự ở nước Mỹ. Đó là nguyên nhân vì sao chi nhánh của Nintendo ở Mỹ đã đứng ra kiện một trong những hệ thống cho thuê lớn nhất lúc bấy giờ, Blockbuster Video.

Nintendo hi vọng có thể lặp lại được thành công ở Nhật, tuy nhiên cuối cùng người thắng vụ kiện lại là Blockbuster Video. Điều này đã khiến cho sản phẩm như game Super Mario Bros trở thành mặt hàng chia sẻ được giống như băng VHS phim Super Mario Bros. Chiến thắng nhỏ duy nhất mà Nintendo đạt được là ngăn không cho Blockbuster Video đưa các bản hướng dẫn game chính gốc vào hộp băng, vì thế mới xuất hiện tình trạng phổ biến tràn lan các bản photocopy chất lượng thấp vào những năm 90. Điều này chắc chắn làm Nintendo không vui, kể cả khi sau này Blockbuster bị bóp chết bởi các đối thủ cạnh tranh như Netflix và Redbox.

Harmonix – Activision (2007)

Guitar Hero - một trong những tựa game âm nhạc chất lượng cũng như nổi tiếng thuộc hàng nhất thế giới xuất hiện lần đầu vào năm 2005, dưới Harmonix phát triển. Sau thành công ban đầu, series game đã được phát hành tiếp với hai phiên bản sau đó là Guitar Hero II và Guitar Hero Encore: Rock the 80s. Sau những gì đạt được, vào năm 2006 RedOctane - công ty mẹ của Harmonix được Activision mua lại. Còn bản thân Harmonix sau đó không lâu gia nhập MTV Games – một nhánh của tập đoàn MTV. Mặc dù có sự chia cắt và thương hiệu Guitar Hero nay đã vào tay Activision, Harmonix vẫn tôn trọng thỏa thuận trước đây và hoàn thành nốt sản phẩm Guitar Hero Encore: Rock the 80s. Nhưng khi Guitar Hero III ra mắt với sự thành công rất lớn của mình, Harmonix đã gửi đơn kiện lên tòa án tối cao California về việc Activision đã không tôn trọng giao ước và nợ hãng phát triển game này số tiền 14.5 triệu USD.

Vụ lùm xùm này được giải quyết rất nhanh chóng với thông báo rút lui từ phía Harmonix để có thể "bàn bạc" ngoài tòa án với Activision, mang ý nghĩa rằng mặc dù được xử lý trong im lặng nhưng chưa chắc giữ cho hầu bao của Activision khỏi vơi đi. Dấu ấn này có lẽ ý nghĩa hơn với cộng đồng game thủ khi nó để lại vạch chia cách cho tới tận ngày nay giữa hai dòng game âm nhạc nổi tiếng cũng như thành công nhất – Guitar Hero và Rock Band (được phát triển sau này bởi Harmonix dưới trướng MTV Games).

Double Fine – Activision (2009)

Năm 2009, Acitivision bắt tay với Double Fine trong một dự án game lớn mang tên Brutal Legend. Trong điều khoản đã thỏa thuận, Activision đồng ý chi ra 15 triệu USD để đối tác của mình hoàn thành sản phẩm. Tuy nhiên, gặp phải một số sự cố trong quá trình phát triển, Double Fine xin thêm một khoản tiền 7 triệu USD và yêu cầu ra hạn thêm 9 tháng nữa. Không đồng ý với điều khoản mà đối tác đưa ra, thương vụ đổ bể và ông lớn Activision quyết định hủy dự án hợp tác này.

Rắc rối nảy sinh khi EA nhảy vào cuộc. Đại gia làng game này bỗng chốc trở nên tốt bụng và sẵn sàng chìa tay giúp đỡ Double Fine trong lúc khó khăn. Tháng 10 năm 2009, Brutal Legend chính thức ra mắt và đem về một khoản lợi nhuận không nhỏ cho EA. Nhìn thấy "món hời" bị nẫng mất, Activision nóng mắt, liền nhảy trở lại cuộc chơi để đệ đơn ra tòa kiện bản quyền tựa game mới ra mắt.

Hiển nhiên là bằng chứng mà Activision đưa ra là vô căn cứ. Double Fine hoàn toàn chứng minh được rằng Brutal Legend là sản phẩm của riêng họ. Mặc dù trước đây cả hai có cùng bắt tay trên lĩnh vực tài chính nhưng chính Activision là những người đã chấm dứt hợp đồng trước, họ không còn quyền hành cũng như ảnh hưởng nào nữa đến tựa game này. Phiên tòa kết thúc, không những không đạt được được mục đích, Activision còn phải đền bù một khoản tiền không nhỏ cho "cựu đối tác" của mình.

Edge Games – Tất cả mọi người (2010)

Năm 1990, Tim Langdell sáng lập nên Edge Games. Người đàn ông này dường như có niềm đam mê kỳ lạ với từ "Edge: nên không chỉ sử dụng nó để đặt tên cho công ty mình mà còn muốn sở hữu độc quyền nó. Langdell đăng ký bản quyền thương hiệu và đăng hẳn một trang riêng trên website của Edge Games chỉ để thông báo về điều đó. Chưa vừa lòng, Langdell còn tiếp tục mở một cuộc thôn tính với bất kỳ ai trong ngành game dám dính dáng tới cái tên "quí báu" của mình. Trong nhiều năm, hết Namco, Marvel cho đến Sony bị lôi ra tòa chỉ vì gắn từ "Edge" vào tên sản phẩm của hãng. Thất bại nhiều nhưng người đàn ông này vẫn nhất quyết không từ bỏ.

Năm 2010, Tim Langdell tiếp tục đổi mục tiêu và đệ đơn kiện Electonic Arts vì tựa game Mirror’s Edge của họ. Sau khi phiên tòa kết thúc, không những chịu một thất bại nặng nề, ông còn bị tước đi bản quyền thương hiệu của chính mình – "Edge" dù rằng không có bất cứ dấu hiệu phạm pháp nào. Có lẽ sau vụ này, chúng ta sẽ chờ xem liệu có doanh nghiệp nào ngu ngốc đến mức đi kiện người khác chỉ vì người ta cho một từ quá thông dụng vào tên sản phẩm của mình, chẳng hạn như "Saga".

California – ESRB (2010)

Tất cả các vụ kiện ở trên đều có nhiều mức độ, nhiều bản án, nhiều tranh tụng và xét xử lại. Tuy nhiên, chưa có vụ án nào lại được đưa lên tận Tòa án Tối cao cả. Ngành tư pháp của Mỹ kể từ khi ra đời đến nay đã từng chứng kiến nhiều vụ án mang tính bước ngoặt, và vụ án này (có tên chính thức là vụ kiện giữa Brown và Hiệp hội Thương gia Giải trí & Thương mại - Entertainment Merchants Association) thậm chí còn liên quan đến Đạo Luật Bổ Sung thứ nhất. Các nhà làm luật ở California muốn game bạo lực không còn đất sống, trong khi ESRB thì khăng khăng rằng game cũng là một sản phẩm được bảo hộ. Cuối cùng thì 9 thẩm phán đã đưa ra quyết định như thế nào?

Mặc dù rất hiểu và ý thức được mong muốn bảo vệ trẻ em khỏi các hình ảnh bạo lực trong game, Tòa án Tối cao vẫn đưa ra kết quả 7 phiếu thuận – 2 phiếu chống với ý kiến cho rằng game cũng là một sản phẩm bảo hộ với mức độ ngang bằng các sản phẩm văn hóa khác như tiểu thuyết, phim ảnh, âm nhạc… Lời tuyên án của tòa là một minh chứng rõ ràng cho quyền bình đẳng của game và là bước tiến lớn trong hành trình để game được chấp nhận như một loại hình nghệ thuật. Kết quả cuối cùng cũng đã cho thấy California đã lãng phí tiền bạc để soạn thảo những đạo luật chẳng đi đến đâu, hoặc có thể là gần như vậy.

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận