Hướng tới The International 4 - phương Tây đọ sức phương Đông

Nhận định của Scant trên trang 2P.com về cách chơi DotA ở 2 khu vực phương Đông và Tây.

Khi game thủ bắt đầu bàn tán về The International 4 (TI4), một chủ đề quen thuộc lại xuất hiện: DotA phương Tây và phương Đông, ai mạnh hơn?

Các đội ở hai khu vực này thi đấu online trên server hoàn toàn khác nhau và các giải đấu offline bao gồm cả hai khu vực khá hiếm hoi. DotA phương Đông và phương Tây sẽ hình thành các meta khác nhau (meta viết tắt của metagame – chiến thuật cơ bản, bao gồm xu hướng ban/pick hero và chiến thuật trong trận đấu).

Mặc dù tuyển thủ ở hai khu vực này có theo dõi lẫn nhau nhưng yếu tố chính hình thành nên các meta là việc đối phó với những gì đối thủ làm và có thể làm trong trận đấu. Với lý do này, sẽ là không khó hiểu khi có những khác biệt lớn giữa cách chơi DotA của phương Đông và phương Tây.

Vậy thật sự đâu là những khác biệt giữa DotA phương Đông và phương Tây? Đông và Tây, ai sẽ có lợi thế khi TI4 bắt đầu? Câu hỏi thứ hai là một câu hỏi khó có lời giải đáp, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đi sâu vào tìm câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất.

Sự khác nhau DotA phương Đông và Tây

Từ trước đến nay, game thủ thường cho rằng phương Tây chơi DotA sáng tạo hơn, còn phương Đông chơi thực dụng và hiệu quả hơn. Nếu đây từng là sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây thì bây giờ nó không còn tồn tại nữa. Ở TI3, Alliance đã cho thấy sự hiệu quả của mình với việc stack ancient cực chuẩn và split push hoàn hảo. Hoàn hảo đến mức độ chiến thuật này bị ghét và bị đặt một cái tên không hay ho gì cho lắm – "rat dota" (Rat dota: chiến thuật tập trung phá trụ và rax để tiến tới phá Ancient của đội bạn trong khi tránh combat, giống như chuột nhắt phá hoại rồi lẩn trốn. Rat dota rất khó chống và vô cùng khó chịu). Alliance còn cho thấy sự chuẩn xác của mình với những pha dùng Naga Siren chống initiate và combo.

Alliance không phải là những người duy nhất thoát khỏi mô típ này. XBOCT, carry của Na’Vi, nổi tiếng với lối chơi vô cùng "hổ báo" của mình, đã bớt "đầu gấu", chuyển từ chỉ lao vào quân địch đơn thuần sang combat có tính toán hơn. Trong suốt năm 2013 game thủ đã ít thấy việc XBOCT dive trụ để giết hero địch một cách mù quáng hơn trước. Ngoài ra, việc EternalEnVy, carry của Speed Gaming (Speed hiện là Cloud9 sau khi Cloud9 tiếp nhận đội DotA này hồi tháng 2/2014), dần trở thành một trong số các carry hàng đầu cho thấy việc các tuyển thủ phương Tây có thể chơi hiệu quả đến mức đáng sợ. Lên Soul Ring, Tranquil Boots và Bottle cho hero Storm Spirit ở safelane hay lên Hand of Midas, Blink Dagger và Mask of Madness cho hero Drow Ranger, EternalEnVy cho thấy cách lên đồ của anh đã được tính toán chi li đến từng chi tiết nhỏ nhất như thế nào. Những ví dụ này không chỉ thể hiện sự thực dụng mà còn thể hiện sự sáng tạo trong lối chơi của phương Tây – một phẩm chất mà từ trước đến nay ngay cả các tuyển thủ Trung Quốc cũng phải nể phục. DotA phương Tây đang cho thấy rằng mô típ "phương Tây sáng tạo" của người hâm mộ và giới quan sát là hoản toàn sai lầm.

Trong khi đó, các đội phương Đông cũng đã cho thấy mô típ "phương Đông thực dụng" sai hoàn toàn. Trong năm 2013 game thủ đã chứng kiến vô số ví dụ cho việc các đội DotA từ Trung Quốc chơi sáng tạo hơn các đối thủ đến từ châu Âu và Bắc Mỹ.

Khi patch 6.79 mới ra đời, trong khi các đội phương Tây vẫn còn đang loay hoay tìm cách thích nghi với nó thì TongFu và sau đó là Vici Gaming (VG) đã hoàn toàn thích ứng với 6.79 bằng các lối chơi mới đầy hiệu quả. Không lâu sau đó, DK đưa Io trở lại meta 6.79 thành công sau khi hero này biến mất hoàn toàn khỏi các trận đấu DotA chuyên nghiệp trong suốt vài tuần. Có nhiều nhận định cho rằng ngôi á quân của DK ở giải MLG Columbus cùng chức vô địch của VG và LGD ở các giải EMS One và D2L mùa thứ tư là do sự thích ứng tốt của các đội này với meta 6.79 mới.

Tuy nhiên, các đội DotA phương Đông đã cho thấy sức sáng tạo của mình từ trước khi 6.79 ra đời. Ở TI3, Mushi của DK, khi đó vẫn còn là đội trưởng và drafter của Orange, cùng với đồng đội của mình là ky.xy, đã gây ấn tượng với việc chơi các hero rất "dị". Nói theo cách khác, Mushi và Orange là minh chứng của cả việc drafter sáng tạo lẫn việc một đội DotA có thể chơi được nhiều hero. Orange đã xóa bỏ suy nghĩ của đối thủ khi cho rằng các đội DotA phương Đông chỉ chơi đi chơi lại vài hero.

Cứ cho là các đội phương Đông chỉ chơi đi chơi lại một vài hero thì cũng không thành vấn đề - AdmiralBulldog và các đồng đội vẫn vô địch TI3 đấy thôi! (AdmiralBulldog: offlaner của Alliance, nổi tiếng với việc chơi rất ít hero trong khi thi đấu. Anh gần như chỉ chơi 4 hero là Clockwerk, Bounty Hunter, Lone Druid và Nature’s Prophet trong suốt TI3).

Nhiều ý kiến cho rằng ví dụ của Mushi và Orange không hoàn toàn xứng đáng để đại diện cho DotA phương Đông bởi nó không bao gồm các tuyển thủ Trung Quốc, những người chiếm đại đa số trong làng DotA phương Đông. Cần phải nhắc lại ở đây một điều rằng xu hướng thay đổi meta khi patch 6.80 ra đời cũng gần giống với cách meta thay đổi khi 6.79 ra mắt. Ở patch 6.79, meta phương Đông và phương Tây đều có sự thay đổi với kết quả là meta phương Đông giành ưu thế. Đến patch 6.80, các đội phương Tây có lợi thế làm quen với phiên bản này sớm hơn phương Đông do làng DotA Trung Quốc bước vào kì nghỉ Tết nguyên đán. Chính vì lợi thế này, rất khó để chúng ta đánh giá xem phương Đông hay phương Tây mới là những người hiểu DotA hơn ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, có một sự thật là meta phương Đông, dù tiếp cận 6.80 có phần muộn hơn phương Tây, không hề đi theo lối mòn của meta phương Tây – các đội Trung Quốc có những ý tưởng riêng của họ. Hiện tại, meta Trung Quốc đang chuộng các hero Lycan, Brewmaster và Centaur Warrunner. Trong khi Shadow Shaman đang dần bắt đầu xuất hiện trong Dota chuyên nghiệp phương Tây thì hero này đã là tâm điểm ban/pick ở Trung Quốc.

Dựa vào đâu để so sánh giữa phương Đông và phương Tây?

Không thể so sánh hai nền DotA phương Đông và Tây bằng các tiêu chí chung chung và đơn giản. Cũng không phải là hoàn toàn không thể so sánh giữa hai bên hay đưa ra nhận định dựa trên tất cả những gì chúng ta đã quan sát, nhưng sẽ là rất khó khăn để làm vậy.

Bình thường, cách đơn giản nhất để so sánh giữa DotA phương Đông và phương Tây là xem thật nhiều trận đấu của cả hai bên để tìm "cảm giác" xem đâu là bên thắng thế. Cách suy luận này gợi nhớ đến những cuộc đọ sức Đông – Tây gần đây nhất như chức vô địch của Speed Gaming (nay là Cloud9) sau khi đánh bại DK ở MLG Columbus, hay những chức vô địch dễ dàng của VG ở giải EMS One và LGD ở D2L.

Fan DotA hẳn vẫn còn nhớ cách hai đội DotA Trung Quốc, iG và LGD, thống trị TI2. Mặc dù Na’Vi về nhì ở TI2 nhưng iG và LGD mới là những người đè bẹp các đối thủ của mình ở vòng bảng. LGD không tiến xa ở TI2, nhưng iG đã giành chức vô địch một cách thuyết phục với chiến thắng 3-1 trước Na’Vi và không lâu sau đó bắt đầu hình thành nên lối chơi riêng của họ (pick các hero "chợ búa" như Sven, Bounty Hunter và Night Stalker).

Sau TI2, các đội Trung Quốc được xem như "vô đối" nhưng sự thật như thế nào thì chúng ta đã biết: Alliance đến Trung Quốc và nghiền nát các đối thủ để vô địch G-1 League, Na’Vi ẵm ngôi quán quân Alienware Cup còn iG có một năm 2013 đầy khó khăn. Đến tháng 8/2013, Na’Vi và Alliance dắt tay nhau bước vào trận chung kết TI3.

G-1 League và Alienware Cup là hai giải đấu quốc tế lớn của năm 2013 trước khi TI3 khởi tranh và cả hai đều kết thúc trong vòng 3 tháng trước TI3, trong khi MLG Columbus, EMS One và D2L đều đã kết thúc từ rất lâu (MLG Columbus: 11/2013, EMS One: 12/2013 và D2L: 1/2014). Cả 3 giải đấu này đều không phải là các giải tiền TI4.

Các giải đấu quốc tế tiền TI4 bao gồm Starseries IX và ESL One của phương Tây và WPC-ACE của Trung Quốc. Sẽ còn rất nhiều cơ hội để các đội DotA phương Tây và phương Đông đối mặt với nhau. Thêm vào đó, rất nhiều đội tham dự TI4 sẽ có cơ hội luyện tập và cọ xát với các đối thủ từ các nền DotA khác nhau thông qua những giải đấu này.

Khi kết quả không mang nhiều ý nghĩa

Game thủ sẽ trông đợi những đột phá về meta ở một sự kiện tầm cỡ như The International. Thông thường, meta sẽ ít thay đổi trong trường hợp không có patch mới. Tuy nhiên, các giải đấu lớn là ngoại lệ với quy luật này. Như game thủ đã thấy ở ba kì The International đã diễn ra, các trận đấu đầu tiên ở vòng bảng là nơi các đội trình diễn những lối chơi mới mà họ cho rằng là hay nhất, hiệu quả nhất. Khi các đội khác chứng kiến những lối chơi mới này, họ sẽ phải nhanh chóng tìm cách chống lại, hoặc chơi theo các lối chơi này. Tại TI3, Alliance đã cho thấy họ hiểu điều này hơn bất kì đội nào khác. Alliance đã đi đến trận chung kết ở giải đấu này với chỉ một vài hero support, đặc biệt là Naga Siren, Chen và Keeper of the Light. Ở trận chung kết, Na’Vi đã ban ngay các hero này ở lượt ban thứ nhất. Đó chẳng phải là thừa nhận rằng Alliance đã tìm ra một điều gì đó đặc biệt trong các hero này sao?

Một ví dụ khác của việc phong độ không mang ý nghĩa gì ở The International là LGD ở TI3. LGD bước vào giải đấu này với ngôi á quân ở cả hai giải G-1 League và Alienware Cup. Nếu cho rằng ví dụ của Na’Vi và Alliance ở trên có lý thì LGD phải là ứng cử viên cho chức vô địch TI3, và họ đúng là một trong số các ứng cử viên vô địch TI3. Tuy nhiên, LGD đã phải chấp nhận dừng bước sớm ở TI3 sau màn trình diễn thất vọng của mình cùng với những trận thua bất ngờ như thất bại trước Liquid ở nhánh dưới vòng playoff thứ 2.

The International có meta của riêng nó – các nhận định và phân tích trước giải thường không mang nhiều ý nghĩa. Nói theo cách khác, The International là một cái gì đó khác biệt hoàn toàn so với DotA 2 thông thường.

So sánh giữa phương Đông và phương Tây chỉ dựa trên một vài ưu và khuyết điểm là một sai lầm. Các đội DotA từ cả hai khu vực đều có thể chơi xuất sắc ở bất kì khía cạnh nào của game. Hơn nữa, mỗi đội đều có một phong cách riêng, không theo bất kì khuôn mẫu nào. Lý do duy nhất cho việc các đội ở cùng khu vực chơi DotA với những nét tương đồng hơn là các đội khác khu vực với nhau đơn thuần chỉ là do sự thiếu cọ xát giữa hai nền DotA, dẫn tới việc hình thành các meta khác nhau.

Nhưng trong một giải đấu với meta riêng của nó, ngay cả cách suy luận này cũng chưa chắc đã đúng.

Gareth Nguyen


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận